Nhà phân tích: Nếu Fed lại bắt đầu in thêm tiền, nền kinh tế sẽ sụp đổ

Petr Svab

Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell làm chứng trước Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hạ viện ở Hoa Thịnh Đốn, vào ngày 23/06/2022. (Ảnh: Kevin Wolf/AP Photo)

Theo nhà phân tích đầu tư Michael Lebowitz, nếu Cục Dự trữ Liên bang né tránh chính sách tăng lãi suất và thắt chặt nguồn cung tiền hiện tại, thì cách làm này sẽ không làm giảm bớt áp lực trên thị trường, ít nhất là không trong lâu dài. Thay vào đó, việc này có thể làm nền kinh tế sụp đổ.

Fed đã bắt đầu thắt chặt tín dụng vào đầu năm nay để hạn chế nhu cầu và làm chậm lạm phát giá cả, vốn đã tăng lên 9.1% hồi tháng Sáu — mức cao nhất trong bốn thập niên. Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với Wealthion, ông Lebowitz gợi ý rằng, việc thắt chặt tín dụng cần tiếp tục cho đến khi lạm phát giảm xuống đủ để tạo niềm tin vào thị trường trái phiếu.

Theo logic, nếu các trái chủ đủ tin tưởng rằng lạm phát sẽ giảm xuống mức mục tiêu của Fed là 2% một năm, họ sẽ sẵn sàng giữ trái phiếu với lợi suất tương đối thấp. Nếu Fed quay trở lại chính sách tiền tệ nới lỏng trước khi niềm tin lạm phát giảm này ổn định, thì các trái chủ sẽ yêu cầu lợi suất cao hơn để bù đắp tổn thất do lạm phát mà họ dự đoán sẽ tiếp tục.

“Thị trường trái phiếu [do vậy] sẽ có vấn đề,” ông Lebowitz nói. “Lợi tức sẽ cao hơn nhiều và điều đó có tác động xoay xòng đến mọi thứ.” 

Ông lưu ý, nếu lợi suất trái phiếu tăng lên, thì lãi suất đối với các khoản vay thế chấp và các khoản vay doanh nghiệp cũng sẽ tăng lên, hệ quả này quay trở lại báo hiệu nhiều vụ vỡ nợ, sa thải của các công ty — nói ngắn gọn là một cuộc suy thoái.

Ông nói: “Tất cả những áp lực kinh tế mà mọi người có thể nghĩ là đã được giảm bớt nhờ sự xoay trục [chính sách] của Fed — lại là ngược lại trên thực tế.”

Sự thay đổi chính sách này sẽ làm suy yếu nền kinh tế.”

Lập luận của ông Lebowitz đi ngược lại ý tưởng căn bản đằng sau chính sách nới lỏng và thắt chặt định lượng của Fed. Nếu Fed thắt chặt [cung tiền] hơn, thì có nghĩa là họ đang bán một số trái phiếu mà họ nắm giữ. Bởi vì hành động này đưa nhiều trái phiếu ra thị trường hơn, nên nguồn cung trái phiếu tăng lên sẽ khuyến khích người mua trái phiếu yêu cầu lợi suất cao hơn. 

Tuy nhiên, theo quan sát của ông Lebowitz, logic này lại đảo ngược lại nếu xét từ góc độ kỳ vọng lạm phát. Khi Fed mua nhiều trái phiếu, thị trường sẽ xem [và kỳ vọng] đó là lạm phát và đẩy lợi suất trái phiếu lên. Ông nói, khi Fed bắt đầu bán các trái phiếu, như trong hơn một tháng rưỡi qua, thì lợi suất trái phiếu giảm, bởi vì hành động này thúc đẩy niềm tin vào thị trường trái phiếu, vốn cho rằng Fed “đang làm tất cả những điều đúng đắn … để chống lạm phát.”

Theo quan điểm của ông, logic đảo ngược này dường như đã có tác dụng. 

“Cho đến nay, họ đã có thể từ từ giảm áp lực thị trường,” ông nói và giải thích rằng cho đến thời điểm này, [việc áp đặt] lãi suất cao hơn và bán một ít trái phiếu đã làm giảm 20% thị trường chứng khoán, nhưng theo kiểu “tuần tự”, khiến thúc đẩy một số vụ vỡ nợ, nhưng không có gì “cực đoan.” 

Ông hỏi: “Liệu họ có thể tiếp tục nâng lãi suất không?” 

Điều đó không rõ ràng.

Ông lưu ý, giá cổ phiếu giảm dần có thể dễ dàng biến thành một đợt giảm giá nhanh và đột ngột. Ngoài ra, lãi suất tăng có nghĩa là chính phủ cần phải chi ngày càng nhiều tiền hơn để trả nợ. Một số nhà phân tích đã lập luận rằng nợ của chính phủ Hoa Kỳ hiện nay quá cao (hơn 30 ngàn tỷ USD) đến nỗi triển vọng về một cuộc khủng hoảng tài khóa sẽ buộc Fed phải đảo ngược hướng đi trong vài tháng tới.

Ông Lebowitz dự đoán Fed sẽ ngừng việc thắt chặt quá sớm.

Ông nói: “Tôi không tin tưởng Cục Dự trữ Liên bang. Tôi nghĩ rằng trong quá khứ, họ đã quá nhanh trong việc giải cứu cộng đồng tài chính, quá nhanh trong việc cứu các ngân hàng, cứu các quỹ đầu cơ, để bảo đảm rằng chúng ta không bao giờ rơi vào suy thoái.” 

Ông thừa nhận rằng gần đây Fed đã [có chính sách tiền tệ] cứng rắn, nhưng ông cũng đặt câu hỏi liệu ngân hàng trung ương này có thực sự thay đổi không.

“Tôi tin vào Fed của bốn tháng qua hay tin vào Fed của bốn mươi năm qua?” ông hỏi và cho biết ông sẽ tin tưởng vào điều thứ hai. 

Ông nói, ngay cả khi Fed chỉ cần hạ thấp quan điểm về tăng lãi suất của mình, thì hành động ấy [cũng] “có thể giúp ích cho các thị trường tài chính trong thời gian rất ngắn rồi”, nhưng ông cảnh báo hành động đó sẽ là “một việc vô cùng liều lĩnh.” 

Ông Petr Svab là một phóng viên chuyên đưa tin về New York. Trước đây, ông từng đưa tin về các chủ đề quốc gia bao gồm chính trị, kinh tế, giáo dục và việc thực thi pháp luật.

Thanh Nhã biên dịch

Related posts