Truyền thông Trung Quốc bàn về cách thu hồi khoản nợ hàng tỷ USD do Sri Lanka phá sản

Anne Zhang

Người biểu tình tham gia một cuộc diễn hành phản đối Tổng thống lâm thời Sri Lanka Ranil Wickremesinghe trong cuộc biểu tình trước văn phòng tổng thống ở Colombo hôm 19/06/2022. (Ảnh: ARUN SANKAR/AFP qua Getty Images)

Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường của ĐCSTQ đã khiến các quốc gia bị mắc kẹt với khoản nợ không có khả năng chi trả

Kể từ khi Sri Lanka tuyên bố phá sản, các phương tiện truyền thông Trung Quốc đại lục đã nhanh chóng lên tiếng để đề nghị các giải pháp về cách thu hồi hàng tỷ USD đầu tư mà Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cho nước này vay thông qua Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường, nhằm mở rộng các dự án cơ sở hạ tầng của ĐCSTQ ở hải ngoại.

Sri Lanka, từng được mệnh danh là “Hòn ngọc Ấn Độ Dương”, tuyên bố phá sản vào hôm 05/07. Nền kinh tế của nước này đã sụp đổ trong bối cảnh lạm phát nghiêm trọng, dự trữ ngoại hối cạn kiệt và nguồn lực dân sự khan hiếm, gây ra một cuộc khủng hoảng lương thực, điện, và nhiên liệu.

Trong số 51 tỷ USD nợ, Trung Quốc chiếm 10% và là chủ nợ lớn thứ 3 của Sri Lanka, sau Nhật Bản và Ngân hàng Phát triển Á Châu (ADB).

Đề nghị cung cấp đất cho Trung Quốc

Một bài bình luận được công bố hôm 10/07 trên cổng thông tin NetEase của Trung Quốc nói rằng nếu Sri Lanka không thể trả lại tiền, nước này có thể cung cấp cho Trung Quốc đất hoặc nhiều dự án cơ sở hạ tầng hơn, chẳng hạn như “chỉ định thêm một số đặc khu kinh tế” và “cho thuê chúng trong thời gian 99 năm”.

Bài báo ca tụng rằng các khoản đầu tư trước đây của chính quyền ĐCSTQ vào Cảng Quốc tế Hambantota và Cảng Colombo phù hợp với “tầm nhìn chiến lược dài hạn” của ĐCSTQ và sử dụng tốt lợi thế địa lý của Sri Lanka.

Một bài báo khác trên NetEase xuất bản hôm 13/07 gợi ý rằng Trung Quốc có thể xem xét việc lấy tài sản của Sri Lanka — chẳng hạn như các sản phẩm nông nghiệp — làm khoản thanh toán cho các khoản nợ.

Một bài báo khác có tiêu đề “Ai sẽ trả lại số tiền mà Sri Lanka nợ Trung Quốc” được một số hãng thông tấn trích dẫn nói rằng ĐCSTQ có thể đã cử các chiến hạm của họ đến “kiểm soát Cảng Colombo” — cảng lớn nhất của Sri Lanka — để trang trải các khoản nợ của mình và biến nó thành một cảng khác của Trung Quốc ở Sri Lanka.

Tuy nhiên, bài báo tiếp tục, “nếu Sri Lanka sẵn sàng noi gương Cảng Djibouti bằng cách chuyển giao quyền xây dựng một căn cứ quân sự cho Trung Quốc, thì Trung Quốc chắc chắn sẽ cân nhắc.”

Djibouti, nằm trên bờ phía tây của Vịnh Aden ở đông bắc Phi Châu, có tầm quan trọng chiến lược, tiếp cận với cả Biển Đỏ và Ấn Độ Dương và liên kết Âu Châu, Á Châu-Thái Bình Dương, vùng Sừng Phi Châu và Vịnh Ba Tư.

Theo Diễn đàn Đông Á hôm 16/5/2020, Trung Quốc đã xây dựng một căn cứ hải quân của Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) ở Djibouti vào năm 2017, nâng cao ảnh hưởng quân sự toàn cầu của nước này, đặc biệt là ở Phi Châu và Ấn Độ Dương.

Cảng Hambantota

Một sà lan được neo tại cảng mới, được xây dựng bằng khoản vay của Trung Quốc, ở quận Hambantota, miền nam Sri Lanka hôm 02/08/2011. (Ảnh: LAKRUWAN WANNIARACHCHI/AFP qua Getty Images)

Hồi tháng 12/2015, chính phủ Sri Lanka đã cho China Merchants Holdings, một nhà khai thác cảng được ĐCSTQ hậu thuẫn, thuê cảng Hambantota trong 99 năm với 15,000 mẫu Anh (khoảng 653 triệu feet vuông, 60 km2) đất để bù đắp các khoản nợ.

Cảng này chỉ cách các tuyến hàng hải từ Á Châu đến Âu Châu từ 6 đến 10 hải lý — một nút trọng yếu cho Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường của ĐCSTQ.

Sri Lanka là một quốc đảo ở cực nam của bán đảo Ấn Độ với dân số chỉ 22 triệu người, tương đương với dân số của Bắc Kinh.

Mặc dù phụ thuộc vào nhập cảng năng lượng và kém phát triển trong lĩnh vực công nghiệp, quốc gia này nằm ở vị trí chiến lược trên một tuyến đường vận chuyển dầu mỏ Trung Đông quan trọng từ Ấn Độ Dương đến Đông Á.

Năm 2007, Trung Quốc đã đầu tư 1.5 tỷ USD vào việc xây dựng một cảng nước sâu ở Hambantota, đưa vào hoạt động từ tháng 06/2012.

Tuy nhiên, cảng này vẫn chưa hoạt động tốt trong việc thu hút tàu thuyền qua lại.

Một báo cáo vào tháng 09/2021 của China Merchants Port — có tên là Tài sản của Thương gia Trung Quốc Trước năm 2016 — cho thấy sản lượng hàng hóa thông qua cảng Hambantota chỉ đạt 350,000 tấn trong năm 2018 và đạt 1.2 triệu tấn trong nửa đầu năm 2021, tụt hậu xa so với cảng Singapore, với lưu lượng hàng hóa gần 600 triệu tấn trong cùng thời kỳ.

Do đó, không nhận được doanh thu như mong đợi, Sri Lanka lâm vào cảnh vỡ nợ.

Hôm 25/07/2017, Cơ quan quản lý cảng Sri Lanka đã ký với phía Trung Quốc để bàn giao 85% cổ phần của Tập đoàn Cảng quốc tế Hambantota và quyền kiểm soát quản lý hoạt động 99 năm đối với Cảng Hambantota cũng như vùng đất xung quanh cho Cảng Thương gia Trung Quốc với mức giá thấp là 1.12 tỷ USD trong nỗ lực trả lại khoản vay từ ĐCSTQ.

ĐCSTQ bị chỉ trích vì đã gài bẫy nợ cho Sri Lanka, điều mà ĐCSTQ đã nhiều lần phủ nhận, với một số phương tiện truyền thông Trung Quốc nói rằng Sri Lanka sẽ không có tiền để xây dựng cảng Hambantota nếu không có sự đóng góp của Bắc Kinh.

Nhưng thực tế là việc hoàn thành cảng Hambantota không mang lại lợi ích gì cho Sri Lanka, thay vào đó khiến nước này nợ nần chồng chất, và cuối cùng thì cảng mới chỉ được sử dụng để bù đắp các khoản nợ khiến đất nước này nằm trong sự kiểm soát của ĐCSTQ.

Ngược lại, khoản đầu tư chỉ hơn 2 tỷ USD của Bắc Kinh đã mang lại cho nước này một cơ sở quan trọng từ hàng thế kỷ trên tuyến vận tải biển lớn ở Ấn Độ Dương.

Dự án Vành đai và Con đường

Các nhân viên bảo vệ đi ngang qua một bảng quảng cáo cho Diễn đàn Vành đai và Con đường cho Hợp tác Quốc tế tại địa điểm của diễn đàn ở Bắc Kinh hôm 13/05/2017. Diễn đàn Vành đai và Con đường cho Hợp tác Quốc tế sẽ được tổ chức tại Bắc Kinh từ ngày 14 đến ngày 15/05 (Ảnh: WANG ZHAO/AFP qua Getty Images)

Trong những năm gần đây, ĐCSTQ đã cho Sri Lanka vay tiền để phát triển cơ sở hạ tầng.

Theo Báo cáo về các công trình ngoại quốc đã ký hợp đồng giai đoạn 2019-2020, đến cuối năm 2019, tổng giá trị hợp đồng lũy ​​kế của các doanh nghiệp Trung Quốc tại Sri Lanka đã vượt 26 tỷ USD, với doanh thu lũy kế hơn 19.5 tỷ USD. Các dự án đã hoàn thành hoặc đang được xây dựng bao gồm bốn đường cao tốc, hai cảng chính, hai phi trường quốc tế, một trong những nhà máy nhiệt điện lớn nhất và một trung tâm tích hợp công trình thủy lợi.

Dữ liệu được thu thập bởi OOSGA, một tổ chức nghiên cứu thị trường và chiến lược, cho thấy GDP bình quân đầu người của Sri Lanka vào năm 2020 là khoảng 3,852 USD, bằng 1/3 mức GDP bình quân đầu người của thế giới (10,910 USD). Nhiều người trong nước dựa vào người nhà của họ làm việc ở hải ngoại để gửi tiền về.

Theo thống kê, Sri Lanka có khoảng 1.5 triệu người đang làm việc tại Trung Đông và các khu vực khác, và lượng ngoại hối gửi về Sri Lanka mỗi năm lên tới 2.5 tỷ USD.

Do đó, nhu cầu nội địa của Sri Lanka tương đối yếu. Các dự án sang trọng do ĐCSTQ tài trợ không phù hợp với điều kiện quốc gia của Sri Lanka và được coi là các dự án “voi trắng” có quy mô lớn nhưng vô ích.

Phi trường quốc tế Mattala Rajapaksa, được xây dựng bằng vốn vay của Trung Quốc, nằm ở vùng Hambantota. Tuy nhiên, khu vực này không phải là một điểm du lịch lớn ở Sri Lanka, vì vậy phi trường này đã được gọi là “phi trường quốc tế trống nhất thế giới” với lưu lượng hành khách ít ỏi kể từ khi hoàn thành.

Theo một báo cáo vào tháng 07/2020 của Trung tâm Hàng không Á Châu Thái Bình Dương (CAPA), phi trường này là một trong số ít các phi trường quốc tế trên thế giới không bị ảnh hưởng bởi đại dịch virus COVID-19 vì có khá ít hành khách đi qua.

Đường cao tốc phi trường, một trung tâm hội nghị quốc tế lớn, sân vận động và trung tâm mua sắm được xây dựng xung quanh cảng Hambantota với sự hỗ trợ của khoản vay của ĐCSTQ đều bị bỏ hoang và không có người trông coi.

Một báo cáo được công bố vào tháng 04/2019 của Trung tâm An ninh Mới của Mỹ (CNAS), một tổ chức tư vấn của Hoa Kỳ, cho biết nghiên cứu cho thấy nhiều dự án Vành đai và Con đường hoàn thành đã thất bại trong việc minh chứng các quyết định đầu tư ban đầu là đúng. Thay vào đó, các dự án này đã dẫn đến sự suy thoái tài chính của quốc gia đi vay.

Quân đội của ĐCSTQ

Một số lượng lớn các dự án tốn kém gây ra gánh nặng nợ nần cho các nước đi vay, điều này khiến mục đích đầu tư cơ sở hạ tầng của ĐCSTQ trở nên đáng ngờ.

Ông Craig Singleton, một nhà nghiên cứu tại Quỹ Bảo vệ các Nền dân chủ (Foundation for Defense of Democracies), một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Hoa Thịnh Đốn, nói với VOA vào tháng Tám năm ngoái rằng việc xây dựng các cảng của ĐCSTQ ở các quốc gia địa chiến lược, bao gồm cả những cảng nằm ở các vị trí án ngữ hàng hải, là một phần trong chiến lược toàn cầu cốt lõi của họ. Các cảng này cho phép Bắc Kinh gây ảnh hưởng chính trị không chỉ ở các quốc gia có cảng mà còn đối với các quốc gia láng giềng.

Trong một phân tích năm 2017, Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc Tiên tiến, một tổ chức bất vụ lợi, cho biết nhà thầu quốc phòng Hoa Kỳ Booz Allen Hamilton (BAH) lần đầu tiên đặt ra thuật ngữ “Chuỗi Ngọc trai” để mô tả chiến lược của ĐCSTQ ở vùng biển phía nam của lục địa Á-Âu trong một báo cáo năm 2004 được đệ trình cho Văn phòng Đánh giá Không gian mạng của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ.

Báo cáo này cảnh báo rằng ĐCSTQ đang xây dựng các mối quan hệ chiến lược dọc theo các tuyến đường biển từ Trung Đông đế

n Biển Đông, bảo vệ lợi ích năng lượng của Trung Quốc trong khi phục vụ các mục tiêu an ninh rộng lớn.

Truyền thông Trung Quốc cũng đề cập rằng vì Sri Lanka đang giữ một tàu chiến cho Trung Quốc, Hải quân Trung Quốc có thể tự do dừng lại tại cảng để tiếp tế. Họ đang đề cập đến khinh hạm nhiều lớp của Hải quân Trung Quốc “Tongling”, đã ngừng hoạt động vào năm 2015, đã được chuyển giao cho Hải quân Sri Lanka và sau đó thả neo tại cảng Hambantota vào tháng 09/2018.

Xem xét vị trí địa lý nổi bật của cảng Hambantota, nếu Trung Quốc đóng hàng không mẫu hạm tại cảng này, ảnh hưởng quân sự của nước này có thể được mở rộng ra toàn bộ khu vực Ấn Độ Dương và an ninh của các hành lang năng lượng của Trung Quốc sẽ được bảo đảm hơn, bài báo cho biết.

Cô Anne Zhang là nhà văn của The Epoch Times tập trung vào các chủ đề liên quan đến Trung Quốc. Cô bắt đầu viết cho ấn bản tiếng Trung vào năm 2014.

Vân Du biên dịch

Related posts