Sri Lanka cầu viện Trung Quốc giúp đỡ về thương mại, đầu tư và du lịch

Sri Lankan Ambassador to China Palitha Kohona attends an interview at the Sri Lankan embassy in Beijing, China, July 25, 2022. REUTERS/Thomas Peter

Đặc phái viên của Colombo tại Bắc Kinh hôm thứ Hai (25/7) cho biết Sri Lanka đã đã nhờ Trung Quốc giúp đỡ về thương mại, đầu tư và du lịch để giúp nước này phát triển bền vững, trong bối cảnh Sri Lanka tiếp tục đàm phán về gói khẩn cấp trị giá 4 tỷ USD nhằm thoát khỏi khủng hoảng kinh tế.

Quốc đảo 22 triệu dân đang phải hứng chịu cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ khi độc lập năm 1948 sau khi cạn kiệt nguồn dự trữ ngoại hối. Những người biểu tình tức giận về tình trạng thiếu nhiên liệu, thực phẩm và thuốc men đã lật đổ gia đình cầm quyền Rajapaksa.

Đại sứ Sri Lanka, Palitha Kohona, đã nhấn mạnh rằng Trung Quốc là chìa khóa cho sự phục hồi kinh tế của Sri Lanka. Bắc Kinh là một trong hai chủ nợ nước ngoài lớn nhất của Sri Lanka cùng với Nhật Bản. Trung Quốc cũng nắm giữ khoảng 10% nợ nước ngoài của Sri Lanka.

Trong một cuộc phỏng vấn với Reuters, ông Kohona cho biết Colombo muốn Trung Quốc yêu cầu các công ty của họ mua thêm chè đen, sapphire, gia vị và hàng may mặc của Sri Lanka, đồng thời tạo điều kiện để các quy tắc nhập khẩu của Trung Quốc trở nên minh bạch và dễ dàng hơn.

Ông cho biết Bắc Kinh cũng có thể giúp đỡ bằng cách rót thêm vốn đầu tư vào các dự án cảng do Trung Quốc hậu thuẫn ở Colombo và Hambantota. Ông Kohona cho biết các kế hoạch đầu tư lớn của Trung Quốc đã không thành hiện thực vì đại dịch COVID-19.

Ngoài ra, Sri Lanka cũng muốn có thêm nhiều khách du lịch Trung Quốc.

Ông Kohona cho biết tân Tổng thống Sri Lanka Ranil Wickremesinghe có kế hoạch thăm Trung Quốc để thảo luận về hợp tác về các vấn đề bao gồm thương mại, đầu tư và du lịch.

Kohona cho biết ông hy vọng sẽ không có thay đổi cơ bản nào trong chính sách của chính phủ mới đối với Trung Quốc.

Ông nói ông hiểu rằng Trung Quốc đang gặp khó khăn trong việc hành động nhanh chóng để giúp Sri Lanka ngay bây giờ vì với tư cách là một chủ nợ lớn trên toàn cầu, nước này cũng phải đối mặt với nhiều quốc gia khác đang gặp khó khăn về tài chính.

“Có lẽ nếu đó chỉ là Sri Lanka, thì việc đưa ra quyết định sẽ dễ dàng hơn nhiều.”

Trong nhiều tháng, Sri Lanka đã đàm phán với Trung Quốc về gói viện trợ 4 tỷ USD, bao gồm khoản vay 1 tỷ USD để trả một khoản tương đương khoản nợ Trung Quốc đến hạn trong năm nay.

Sri Lanka cũng đang đề nghị một hạn mức tín dụng 1,5 tỷ USD để thanh toán cho hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc. Ông Kohona cho biết những mặt hàng nhập khẩu này chủ yếu là nguyên liệu đầu vào cần thiết cho ngành công nghiệp may mặc của đất nước như khuy và phéc-mơ-tuya.

Sri Lanka cũng hy vọng có thể thuyết phục Trung Quốc kích hoạt giao dịch hoán đổi tiền tệ song phương trị giá 1,5 tỷ USD.

Ông Kohona cho biết các cuộc thảo luận về hỗ trợ tài chính với Trung Quốc vẫn đang được tiến hành nhưng chưa có ngày nào cho cuộc họp tiếp theo được ấn định.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc trong tháng này cho biết Bắc Kinh sẵn sàng làm việc với các quốc gia khác và các tổ chức tài chính quốc tế để “đóng một vai trò tích cực” giúp đỡ Sri Lanka.

Ngoài hỗ trợ tài chính, Sri Lanka cũng hy vọng Trung Quốc có thể giúp nước này mua nhiên liệu, phân bón và các sản phẩm thiết yếu khẩn cấp khác.

Trung Quốc đã cam kết hỗ trợ khẩn cấp 500 triệu nhân dân tệ (74,09 triệu USD) cho Sri Lanka trong tháng 4 và tháng 5.

Nhật Minh (theo Reuters)

Related posts