Tin thế giới trưa thứ Bảy: Thành phố San Francisco tuyên bố tình trạng khẩn cấp về bệnh đậu mùa khỉ

Mỹ: Thành phố San Francisco tuyên bố tình trạng khẩn cấp về bệnh đậu mùa khỉ

Hôm 28/7 vừa qua, giới chức trách thành phố San Francisco thuộc tiểu bang California, miền Tây nước Mỹ, đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp nhằm ứng phó trước sự lây lan ngày càng gia tăng của bệnh đậu mùa khỉ trên toàn thành phố.

Giới chức y tế San Francisco cho biết muốn áp dụng các biện pháp linh hoạt nhằm ngăn chặn sự lây lan của bệnh này, do đó không có kế hoạch yêu cầu áp đặt bất kỳ biện pháp đóng cửa hay hạn chế nào, không giống như tình trạng khẩn cấp được ban hành trong bối cảnh dịch COVID-19.

Sau khi phát hiện ca bệnh đầu tiên vào ngày 3/6 vừa qua, tính đến ngày 27/7, San Francisco ghi nhận 261 ca bệnh hoặc nghi mắc bệnh đậu mùa khỉ. Giới chức thành phố cho rằng con số này có thể tiếp tục tăng lên trong những ngày tới.

Trong khi đó, tại châu Phi, trong cuộc họp báo hàng tuần ngày 28/7, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) châu Phi cho biết kể từ đầu năm đến nay châu lục này đã ghi nhận 2.101 ca bệnh đậu mùa khỉ và 75 ca tử vong vì bệnh này. Hiện tỷ lệ tử vong vì bệnh này tại “Lục địa Đen” là 3,6%.

Theo CDC châu Phi, trong tuần qua, 70 ca bệnh đậu mùa khỉ mới đã được báo cáo ở 3 quốc gia châu Phi gồm Ghana, Nigeria và Liberia. CDC châu Phi cho biết số ca bệnh đậu mùa khỉ mới trong tuần qua ở châu lục này đã giảm 7% so với con số thông báo trong cuộc họp báo của tuần trước.

Hôm 25/7, CDC châu Phi đã khuyến nghị các nước thành viên tăng cường theo dõi và truy vết các ca có tiếp xúc gần để ngăn chặn dịch đậu mùa khỉ lây lan.

CDC châu Phi kêu gọi các nước dự trữ vắc-xin và sẵn sàng phương pháp điều trị cần thiết để đối phó với các ca bệnh đậu mùa khỉ gia tăng, cùng với đó là đẩy mạnh tuyên truyền các thông tin cơ bản về nguy cơ lây nhiễm và các biện pháp phòng tránh cho người dân. Thông báo được đưa ra 2 ngày sau khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu đối với bệnh đậu mùa khỉ – mức cảnh báo cao nhất của cơ quan này.

Ở một diễn biến khác, hôm 29/7, Bộ Y tế Brazil thông báo nước này đã ghi nhận ca tử vong đầu tiên liên quan bệnh đậu mùa khỉ. Được biết, bệnh nhân là nam giới 41 tuổi, đang bị ung thư và bị suy giảm hệ miễn dịch. Đây là ca tử vong đầu tiên do bệnh đậu mùa khỉ bên ngoài châu Phi – nơi ghi nhận 5 ca tử vong vì bệnh này.

Phan Anh

Đức đồng ý sản xuất 100 pháo tự hành tối tân cho Ukraine

Mới đây, Chính phủ Đức đã chấp thuận yêu cầu sản xuất 100 khẩu pháo tự hành cho quân đội Ukraine của công ty quốc phòng Krauss-Maffei Wegmann, dù có thể sẽ mất nhiều tháng trước khi những đơn vị pháo đầu tiên được chuyển đến quốc gia đang bị xung đột tàn phá, theo tờ Politico.

Việc Berlin sẵn sàng bán một số lượng lớn pháo tự hành Panzerhaubitze 2000 đánh dấu sự gia tăng đáng kể hỗ trợ quân sự cho Ukraine. Đức đã chuyển giao 9 khẩu pháo tự hành Panzerhaubitze 2000 từ kho quân sự của mình cho Kyiv, và các quan chức Ukraine cho biết những vũ khí tối tân này đã đóng góp rất nhiều trong cuộc xung đột với các lực lượng Nga.

Người phát ngôn của Krauss-Maffei Wegmann xác nhận rằng Kiev đã đặt hàng 100 khẩu Panzerhaubitze 2000 từ công ty với tổng giá 1,7 tỷ EUR, và Bộ Kinh tế Đức (cơ quan phụ trách kiểm soát vũ khí) đã cấp phép để bắt đầu quá trình chế tạo.

Người phát ngôn của công ty quốc phòng trên không bình luận về việc sẽ mất bao nhiêu thời gian để sản xuất những khẩu pháo đó, nhưng có thể sẽ mất nhiều tháng trước khi những khẩu pháo đầu tiên rời nhà máy.

Điều quan trọng là, Chính phủ Đức sẽ phải cấp thêm giấy phép xuất khẩu pháo sang Ukraine sau khi chúng được sản xuất, có nghĩa là việc giao vũ khí cuối cùng vẫn chưa được đảm bảo hoàn toàn.

Tuy nhiên, việc Chính phủ Đức cho phép sản xuất các đơn vị pháo binh trên cho thấy Berlin dự báo cuộc xung đột ở Ukraine sẽ tiếp tục trong một thời gian dài.

Ở một diễn biến khác, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm 29/7 đã nói rằng với cái chết của hàng chục tù binh trong một nhà tù do Nga kiểm soát ở miền đông Donetsk cho thấy nên thừa nhận Nga là quốc gia tài trợ khủng bố.

Ông Zelensky, trong video đăng tải vào đêm muộn 29/7, tuyên bố: “Tôi đang đặc biệt kêu gọi Mỹ. Một quyết định là cần thiết và nó là cần thiết ngay bây giờ”.

Phan Anh

Alibaba vào “danh sách đen” có thể phải ngừng niêm yết tại Mỹ

Vào thứ Sáu (29/7), Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) đã liệt kê “gã khổng lồ” internet Trung Quốc Alibaba vào “Danh sách Công ty rời thị trường Mỹ”, lý do là thanh tra Mỹ vẫn không thể kiểm toán tài chính của công ty này.

Cổ phiếu của Alibaba giảm khoảng 9% xuống 91,25 USD sau thông tin.

Vào ngày 18/12/2020, Tổng thống Mỹ khi đó là ông Donald Trump đã ký “Đạo luật Trách nhiệm Giải trình Công ty Nước ngoài” (HFCAA) chính thức thành luật. Luật này yêu cầu các công ty nước ngoài bị cấm niêm yết trên bất kỳ sàn giao dịch nào của Mỹ nếu trong 3 năm liên tiếp họ không gửi báo cáo kiểm toán cho Ủy ban Giám sát Kế toán Công ty Đại chúng Mỹ (PCAOB) để xem xét.

‘Gã khổng lồ’ thương mại điện tử Trung Quốc Alibaba là một trong hơn 270 công ty Trung Quốc niêm yết tại New York, tất cả đều có nguy cơ bị hủy niêm yết.

Theo luật này, các công ty Trung Quốc có thể bị hủy niêm yết sớm nhất là vào đầu năm 2024 nếu họ không tuân thủ các yêu cầu kiểm toán, nhưng Quốc hội Mỹ đang cân nhắc luật lưỡng đảng có thể đưa thời hạn cuối cùng đến trước vào năm 2023.

SEC cho biết Alibaba có thời hạn đến ngày 19/8 để giao bằng chứng cho thấy họ đang có vấn đề tranh chấp.

Các công ty Trung Quốc và Hồng Kông khác trong danh sách phải đối mặt với việc hủy niêm yết bao gồm Mogu Inc, Boqii Holding Limited, Cheetah Mobile Inc và Highway Holdings Limited.

Các quan chức Mỹ và Trung Quốc đã đàm phán trong hơn 2 năm để đạt được một thỏa thuận kiểm toán với hy vọng đảm bảo nhân viên tại PCAOB có quyền truy cập vào tài liệu kiểm toán của các công ty Trung Quốc niêm yết tại Mỹ.

Hôm thứ Tư (27/7), Chủ tịch SEC là Gary Gensler cho biết ông sẽ không cử các thanh tra kế toán công đến Trung Quốc hoặc Hồng Kông trừ khi Mỹ và Trung Quốc có thể thống nhất hoàn chỉnh về vấn đề kiểm toán.

Ông nói PCAOB giám sát các cuộc kiểm toán của các công ty đại chúng Mỹ, cần có khả năng mang lại “tính cụ thể và trách nhiệm giải trình” (specificity and accountability) cho các cuộc kiểm toán của mình đối với các công ty nước ngoài niêm yết trên Phố Wall.

Trong một cuộc phỏng vấn ngày 19/7 trên chương trình của Bloomberg TV “Cán cân quyền lực của David Westin”, ông Gensler cho biết vấn đề thanh tra Mỹ có thể được phép thực hiện kiểm toán theo yêu cầu của luật pháp Mỹ hay không phụ thuộc vào Bắc Kinh. Ông nói thêm rằng các cuộc đàm phán giữa hai bên “luôn mang tính xây dựng”.

Về triển vọng của thỏa thuận đạt được, ông Gensler nói, “Tôi thực sự không biết bây giờ kết quả là gì. Đó sẽ là sự lựa chọn của các nhà chức trách ở đó (Trung Quốc)”.

Reuters đưa tin vào ngày 26/7 trích dẫn hai nguồn tin quen thuộc với vấn đề này, theo đó một người cho hay hiểu rõ PCAOB nói rằng việc hủy niêm yết các công ty Trung Quốc sẽ không khiến Bắc Kinh tuân thủ các quy tắc và luật pháp của Mỹ.

Người này cũng cho biết PCAOB có thể lựa chọn kiểm toán bất kỳ công ty nào dựa trên rủi ro, “nếu cơ quan quản lý Trung Quốc hạn chế chúng tôi ở bất kỳ mức độ nào, điều đó sẽ không cho phép chúng tôi hoàn thành yêu cầu, như vậy chúng tôi sẽ không chấp nhận”.

Người phát ngôn Kent Bonham của PCAOB thì nói, “PCAOB phải có toàn quyền truy cập vào các giấy tờ làm việc của bất kỳ công ty nào mà họ muốn kiểm toán hoặc điều tra, không có sơ hở và không có ngoại lệ”.

Ông Bonham cũng cho biết, “Thời gian là tối quan trọng, chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với nhà chức trách (Trung Quốc) để hướng tới một thỏa thuận tuân thủ luật pháp Mỹ”.

Nếu cơ quan quản lý không đạt được thỏa thuận thì Alibaba sẽ trở thành công ty Trung Quốc niêm yết tại Mỹ lớn nhất cho đến nay đối mặt với việc bị hủy niêm yết. Công ty lập luận rằng kể từ khi IPO vào năm 2014 tại New York, tài khoản của họ đã được kiểm toán bởi các công ty kế toán được công nhận trên toàn cầu, đã đáp ứng các tiêu chuẩn quy định.

Theo Hạ Vũ, Epoch Times

New Zealand cân nhắc đổi tên quốc gia

Trần Phong

Quốc hội New Zealand có thể đổi tên đất nước thành Aotearoa, có nghĩa là “đám mây trắng dài” trong tiếng Maori (Ảnh minh hoạ: Pixabay).

Quốc hội New Zealand có thể đổi tên đất nước thành Aotearoa, có nghĩa là “đám mây trắng dài” trong tiếng Maori (mà lịch sử truyền miệng bản địa cho biết đã giúp các nhà hàng hải Polynesia sơ khai đến vùng đất này), đồng thời có thể khôi phục tên địa danh ban đầu trong tiếng Maori của các thị trấn và thành phố.

Tờ Wall Street Journal đưa tin rằng một số nhà lập pháp New Zealand muốn bỏ tên thuộc địa Nieuw Zeeland trong tiếng Hà Lan, hoặc New Zealand khi nó sau này trở thành một phần của Đế quốc Anh và đổi tên thành Aotearoa (phát âm là ‘au-te-a-ro-uh’).

Prensa Latina báo cáo rằng bản kiến ​​nghị đã thu thập được 70.000 chữ ký, vì vậy một ủy ban quốc hội sẽ xem xét nó và có thể đề xuất một cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội hoặc một cuộc trưng cầu dân ý toàn quốc.

Từ Aotearoa của người Maori gắn liền với những đám mây, theo lịch sử thổ dân, là sự trợ giúp cho các nhà hàng hải đến đảo quốc ở giữa Thái Bình Dương này.

Ralph Zambrano, chủ tịch hội sinh viên tại Đại học Victoria University of Wellington, thủ đô New Zealand, nói với các phóng viên: “Việc sử dụng Aotearoa làm tên quốc gia thực sự phản ánh lịch sử của chúng tôi, thừa nhận quá khứ của chúng tôi, và cũng cho thấy chúng tôi có thể cùng nhau tiến về phía trước.”

Tên này đã được nhìn thấy trong các tài liệu của chính phủ New Zealand, hộ chiếu và thậm chí cả vé, nhưng ngay cả như vậy, ý tưởng đổi tên đất nước vẫn chưa nhận được nhiều sự ủng hộ ở New Zealand.

Theo một cuộc thăm dò gần đây của Colmar Brunton, một cơ quan nghiên cứu thị trường, tỷ lệ ủng hộ việc đổi tên đất nước thành Aotearoa hoặc Aotearoa New Zealand là gần như dưới 40%, vì vậy nếu một cuộc trưng cầu được tổ chức, việc đổi tên đất nước có thể không được hiện thực hóa.

Vương quốc Anh tiếp nhận trẻ em Ukraine không có người đi kèm

Huyền Anh

Vương quốc Anh tiếp nhận trẻ em Ukraine không có người đi kèm
Những người tị nạn Ukraine đang hân loại viện trợ nhân đạo cho đồng hương ở Vương quốc Anh, hôm 29/3/2022. (Ảnh: Christopher Furlong/Getty Images)

Hơn 100.000 người Ukraine đã đến Vương quốc Anh theo các chương trình thị thực được thiết kế để giúp đỡ những người tị nạn Ukraine, theo số liệu của chính phủ Anh công bố hôm thứ Năm (28/7).Chính phủ Anh đã gửi lời cảm ơn sự hào phóng và thiện chí của công chúng Anh, đồng thời cũng cho biết họ sẽ bắt đầu xử lý các đơn xin thị thực từ trẻ em không có người đi kèm vào thứ Năm (28/7), miễn là có sự đồng ý của cha mẹ.

Vương quốc Anh hôm 13/3 công bố một chương trình mới mang tên “Nhà cho người Ukraine” nhằm tạo điều kiện cho phép những người Ukraine sơ tán được lưu trú tại Anh tối đa trong 3 năm.

Chương trình này được mở ra sau khi Nga xâm lược Ukraine, các thành viên gia đình người dân Ukraine hoặc là công dân và cư dân Vương quốc Anh có thể đăng ký xin tị nạn và cư trú Vương quốc Anh trong ba năm.

Trong khi đó, những người đã cư trú ở Vương quốc Anh có thể xin gia hạn thị thực theo Chương trình Gia hạn Ukraine.

Chính phủ Anh hồi tháng 3/2022 thông báo rằng những người Ukraine đến Anh với người thân và bạn bè có thể ở lại trong 3 năm. Bộ trưởng Nội vụ Patel nói rằng điều này là để cho họ cảm giác chắc chắn và có nhiều thời gian hơn để tìm việc.

Kế hoạch ban đầu của Anh cho phép người thân và bạn bè của những người Ukraine nhập tịch hoặc được cấp quy chế thường trú nhân của Anh ở lại trong 12 tháng mà không cần xin tị nạn đã bị chỉ trích vì Liên minh Châu Âu (EU) có kế hoạch cho phép tất cả những người tị nạn Ukraine ở lại trong 3 năm.

Đảng Lao động Anh đang kêu gọi chính phủ cho phép những người Ukraine không có gia đình hoặc bạn bè ở Anh ở lại trong 3 năm.

Theo các số liệu chính thức, 104.000 người Ukraine đã đến Vương quốc Anh kể từ khi chiến tranh bắt đầu, trong đó 31.300 theo chương trình gia đình và 72.700 thông qua chương trình tài trợ.

Tính đến ngày 26/7, khoảng 166.200 trong số 198.200 đơn xin thị thực đã được chấp thuận, trong đó 55.000 đơn đăng ký theo diện gia đình, 47.200 thị thực đã được cấp, và 143.200 đơn đăng ký theo chương trình bảo trợ.

Khoảng 1.000 người dưới 18 tuổi đã nộp đơn xin thị thực mà không có cha mẹ hoặc người giám hộ hợp pháp của họ theo chương trình bảo trợ. Mặc dù thực tế họ không đủ điều kiện, nhưng chính phủ Vương quốc Anh cho biết họ sẽ bắt đầu xử lý những đơn xin thị thực này và chấp nhận những trường hợp trẻ em không có người đi kèm.

Những người nộp theo diện này sẽ phải cung cấp bằng chứng về sự đồng ý của cha mẹ hoặc người giám hộ hợp pháp của họ được công chứng hoặc chứng nhận bởi các cơ quan có thẩm quyền của Ukraine, cam kết bảo trợ trong ba năm hoặc cho đến khi đứa trẻ tròn 18 tuổi và thỏa thuận tài trợ của họ cần được địa phương của nhà tài trợ chấp thuận thẩm quyền.

Chính phủ cho biết họ đặt mục tiêu xử lý thị thực Ukraine trong vòng 48 giờ với quy trình “hiện đã hoàn toàn kỹ thuật số” và đơn giản hóa.

Liên Hợp Quốc: 6 triệu người dân đã tháo chạy khỏi Ukraine

Theo Cao ủy Liên Hợp quốc về người tị nạn (UNHCR), kể từ khi cuộc chiến bắt đầu ở Ukraine, hơn 6 triệu (6.162.309) người tị nạn Ukraine đã được ghi nhận trên 44 quốc gia châu Âu vào hôm 26/7.

Khoảng 30% (1,8 triệu) người di cư chuyển đến Nga, khoảng 60% (3,7 triệu) người đến các quốc gia khác theo chế độ bảo hộ tạm thời hoặc các chương trình bảo hộ quốc gia tương tự, và 10% người dân đến các quốc gia khác nhưng không được đăng ký chương trình bảo hộ.

Khoảng 1,2 triệu người tị nạn Ukraine đã đến nước láng giềng Ba Lan, gần 1 triệu người đến Đức, 400,559 người đến Cộng hòa Séc, 154,710 người đến Ý, 145,000 người đến Thổ Nhĩ Kỳ và 130,160 người đến Tây Ban Nha.

Huyền Anh

Related posts