Bệnh viện Ninh Thuận thừa nhận có sai sót khi xét nghiệm nồng độ cồn nữ sinh

Hội An

iện trường ô tô tông chết nữ sinh lớp 12 ở Ninh Thuận được camera ghi lại.

Trả lời Zing liên quan việc xét nghiệm nồng độ cồn của bệnh nhân Hồ Hoàng Anh, bác sĩ Trương Khắc Chí, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Thuận, thừa nhận đã có sai sót trong quá trình trả kết quả nồng độ cồn.

Hoàng Anh là nữ sinh lớp 12 trường THPT chuyên Lê Quý Đôn – nạn nhân tử vong sau khi va chạm với ôtô do một cán bộ quân đội cầm lái. Vụ tai nạn giao thông này đang gây nhiều tranh cãi.

Theo bác sĩ Chí, kết quả xét nghiệm muốn bảo đảm được độ tin cậy (độ tin và độ đúng) có 2 quy trình cần lưu ý. Đầu tiên quy trình nội kiểm. Tất cả quy trình phải được nội kiểm trước khi thực hiện thì kết quả mới đảm bảo độ tin và độ đúng, sau đó phải có một quy trình xem xét và trả kết quả.

“Quy định nêu rõ nếu nồng độ cồn dưới 0,001mg/lít máu được xem là bình thường. Tuy nhiên, đối với trường hợp của bệnh nhân Hồ Hoàng Anh là 0,79 mg/100 ml máu – được xem là cao”, bác sĩ Chí nói.

Phó giám đốc Bệnh viện tỉnh Ninh Thuận khẳng định trong trường hợp kết quả của nữ sinh được xem là bất thường như vậy, trước khi trả kết quả (gửi cho cơ quan điều tra) phải kiểm tra về bệnh lý hoặc lâm sàng.

“Trường hợp kết quả của bệnh nhân Hồ Hoàng Anh được xem là bất thường, lúc này người làm xét nghiệm bắt buộc phải trình báo với trưởng khoa để xem xét kết quả ngay từ khi lấy mẫu, thực hiện xét nghiệm đến lúc trả kết quả”, ông Chí nói.

Theo bác sĩ Chí, sau khi có dư luận về kết quả của bệnh nhân Hồ Hoàng Anh, bệnh viện đã lập hội đồng kỹ thuật để xem xét lại.

“Tôi cũng là thành viên của hội đồng họp và đã đề nghị kiểm tra lại hết toàn bộ quy trình. Sau khi xem xét, hội đồng thấy quy trình lấy mẫu, vận chuyển là đúng. Tuy nhiên, quy trình xét nghiệm không đúng với quy trình kỹ thuật mà bệnh viện đã ban hành. Lỗi này là của một kỹ thuật viên ở bệnh viện”, ông Chí thông tin.

Ông Chí thừa nhận trong ngày hôm đó (ngày làm xét nghiệm mẫu máu của nữ sinh Hồ Hoàng Anh), tất cả xét nghiệm khác làm đúng quy trình. Tuy nhiên, riêng mẫu xét nghiệm nồng độ cồn của bệnh nhân Hồ Hoàng Anh, kỹ thuật viên đã “đốt cháy giai đoạn”, bỏ qua công đoạn thực hiện nội kiểm.

“Chính vì không thực hiện nội kiểm nên mình không biết kết quả đó sẽ đi về đâu”, theo lời ông Chí.

Ngoài ra, về quy trình, khi kết quả chỉ số nồng độ cồn của bệnh nhân bất thường, kỹ thuật viên phải báo cáo để tiến hành lại hoặc đối chiếu lâm sàng, song trường hợp này, kỹ thuật viên đã không báo cáo qua quy trình xem xét trả kết quả xét nghiệm nên dẫn đến sai sót y khoa.

“Trong trường hợp không phù hợp, bắt buộc phải kiểm tra lại bằng mẫu có sẵn hoặc lấy lại mẫu. Nếu vẫn thấy không phù hợp, phải có ý kiến của trưởng khoa xét nghiệm để xem xét lại toàn bộ quy trình từ con người đến thiết bị…”, theo lãnh đạo Bệnh viện Ninh Thuận.

Một lần nữa khẳng định kỹ thuật viên bệnh viện không thực hiện đúng quy trình xét nghiệm nồng độ cồn cho bệnh nhân Hồ Hoàng Anh, Phó giám đốc Bệnh viện đa khoa Ninh Thuận kết luận: “Về mặt chuyên môn, kết quả đo nồng độ cồn của bệnh nhân Hồ Hoàng Anh không đáng tin cậy. Trong trường hợp này không thể trả kết quả được (trả kết quả cho cơ quan điều tra)”.

Thắc mắc vì sao không công bố nồng độ cồn của ông Minh

Liên quan đến vụ việc nói trên, ông Hồ Hoàng Hùng, cha của nữ sinh Hồ Hoàng Anh đã tử vong cho biết, khoảng 7 giờ 30 ngày 28/6, Hồ Hoàng Anh điều khiển xe máy lưu thông bên lề phải đường 16 tháng 4, TP. Phan Rang – Tháp Chàm theo hướng từ đông sang tây. Khi đến trước cổng Ngân hàng Thương mại CP Công thương Việt nam chi nhánh Ninh Thuận thì bất ngờ ô tô 7 chỗ do ông Minh điều khiển chạy cùng chiều chuyển làn đường, va vào xe máy của Hồ Hoàng Anh đang đi chuyển.

Sau va đập, Hồ Hoàng Anh văng về phía trước khoảng 4m, đập đầu xuống lề đường và vào trụ điện đường, nằm bất động và tử vong sau khi đưa đến bệnh viện.

Thế nhưng, cũng theo ông Hùng, gia đình rất bất ngờ và bức xúc khi được Cơ quan CSĐT thông báo về kết quả nồng độ cồn trong máu của con gái ông sau khi xảy ra tai nạn 0,79mg/100ml máu.

Ông Hùng cho hay, gia đình tôi rất bức xúc và đặt câu hỏi: Một học sinh đi đến trường lúc 7 giờ sáng để nhận giấy báo dự thi tốt nghiệp THPT năm 2022, đến khoảng 7 giờ 30 phút, trên đường về nhà thì gặp tai nạn thì hỏi làm sao lại có nồng độ cồn lên đến 0,79mg/100ml máu như những người đã uống nhiều rượu bia?”, ông Hùng trình bày.

Để làm sáng tỏ vụ việc, gia đình nữ sinh xấu số đã gửi đơn khiếu nại gửi đến các ngành liên quan trong tỉnh Ninh Thuận. 

Trong đơn gia đình ông Hùng cho rằng việc giám định, đối chiếu mẫu máu của nạn nhân là em Hồ Hoàng Anh đã xét nghiệm trước đó tại bệnh viện đa khoa tỉnh Ninh Thuận, do thời điểm thu thập mẫu máu của cháu Hoàng Anh không có sự chứng kiến của gia đình, các cơ quan chức năng khác, người làm chứng là không khách quan…

Do đó, gia đình nữ sinh Hoàng Anh đề nghị các cơ quan chức năng giám định, đối chiếu lại mẫu máu mà cơ quan y tế đã lấy để xét nghiệm nồng độ cồn với mẫu máu của gia đình để xác định đúng mẫu máu nữ sinh.

Ngoài những yêu cầu trên, gia đình cũng thắc mắc vì sao không tiến hành đo và công bố nồng độ cồn của ông Minh.

Trong khi đó, theo nguồn tin của báo Người Lao Động, nhóm bạn học của nữ sinh này đã làm cam kết và chịu trách nhiệm về bản tự khai với nội dung tối hôm trước khi xảy ra tai nạn, nhóm bạn này có học nhóm tại một quán cà phê nhưng không ai sử dụng thức uống có cồn. Riêng nữ sinh Hồ Hoàng Anh chỉ uống nước lọc tự mang theo.

Related posts