Biểu tình ở Argentina leo thang, các quan chức từ chức giữa tình trạng chia khẩu phần và cướp bóc đồ ăn

Autumn Spredemann

Hôm 14/07/2022, thành viên của các tổ chức xã hội biểu tình tại quảng trường Plaza de Mayo trước dinh tổng thống Casa Rosada ở Buenos Aires, Argentina. (Ảnh: Được chụp bởi Luis Robayo/AFP qua Getty Images)

Các nhóm người biểu tình đã tuần hành trên quảng trường Plaza de Mayo ở thủ đô Buenos Aires của Argentina hôm 28/07, do các nhà tổ chức biểu tình chuyên nghiệp hay còn gọi là “piquetero” dẫn đầu, để đòi nhiều phúc lợi xã hội hơn và một mức thu nhập căn bản phổ quát (“basic universal income”, khoản trợ cấp tiền mặt định kỳ cho mọi công dân) từ chính phủ trung tả của quốc gia.

Những người biểu tình kêu gọi trợ cấp thu nhập hàng tháng tối thiểu là 100,000 peso, tương đương 758 dollar Mỹ.

Tuần trước (25-31/07), Tổng thống Alberto Fernandez được cho là đã cách chức Bộ trưởng Kinh tế mới được bổ nhiệm của nước này, bà Silvina Batakis, vào ngày 27/07 chỉ sau vài tuần nhậm chức.

Bà Batakis là người thay thế cho ông Martin Guzman, người đã từ chức khỏi chính vị trí này hôm 02/07.

Chủ tịch Hạ viện Sergio Massa đã nhanh chóng được trao vị trí này sau khi ông Fernandez cách chức bà Batakis.

Ông Massa hiện là bộ trưởng kinh tế, nông nghiệp, và phát triển sản xuất.

Ông Massa cho biết trong một bài đăng trên Twitter: “Tôi sẽ dồn toàn bộ tâm sức của mình để giải quyết các vấn đề, hiểu rằng đó là đóng góp tốt nhất mà tôi có thể cống hiến cho đất nước.”

Cựu Bộ trưởng Kinh tế Julian Dominguez đã từ chức tuần trước vào ngày 29/07. Điều này xảy ra sau khi Cố vấn tổng thống kiêm Bộ trưởng đặc trách các vấn đề chiến lược Gustavo Beliz từ chức hôm 28/07.

Vì vậy, trong vòng chưa đầy 30 ngày, bốn thành viên nội các cao cấp của Argentina đã từ chức hoặc bị cách chức.

Việc từ chức của ông Beliz diễn ra vào thời điểm rất quan trọng đối với chính phủ đang bị chia rẽ về mặt chính trị này. Ông là một trong những quan chức thân cận nhất đối với ông Fernandez và đảm nhận nhiều vai trò khác nhau, bao gồm cả việc dẫn dắt hội đồng kinh tế và xã hội.

Kể từ khi ông Fernandez nhậm chức vào năm 2020, 17 thành viên nội các đã từ chức.

Tổng thống Argentina Alberto Fernandez có bài diễn văn bên cạnh phó tổng thống Cristina Fernandez de Kirchner ở Buenos Aires, Argentina, hôm 01/03/2022. (Ảnh: Matias Baglietto/Getty Images)

Trong khi đó, nhiều người dân Argentina đang phải tranh giành nhau mới có được các mặt hàng thiết yếu để sinh tồn do lạm phát tăng vọt, lên tới 60% trong tháng Bảy.

Vụ cướp bóc một siêu thị ở thị trấn Rawson, thuộc tỉnh San Juan đã diễn ra ngay giữa ban ngày hồi cuối tuần qua vào ngày 30/07.

Một nhóm lớn người đi theo đã xông vào cửa hàng Chango Mas, kiểm soát và cướp bóc trong khi giam giữ 20 nhân viên cửa hàng bên trong. Các nhân viên cuối cùng đã được cảnh sát địa phương giải cứu, theo một phát ngôn viên của siêu thị.

Lực lượng chấp pháp đã bắt giữ 36 người liên quan đến vụ cướp bóc nói trên.

Gạt lạm phát sang một bên, phần lớn sự hoảng loạn gần đây về hàng hóa được kích hoạt bởi việc chính phủ cho phép phân chia khẩu phần thực phẩm tại các cửa hàng bách hóa trên khắp đất nước.

Biện pháp này ban đầu được đưa ra hồi cuối tháng Ba, giúp các thị trường có khả năng phân bổ nguồn cung cấp thực phẩm để tránh tình trạng thiếu hụt.

Kể từ đó, lạm phát đã tăng vọt, khiến cho các kệ hàng trống trơn và hàng dài người phải xếp hàng ở một số cửa hàng để mua các mặt hàng thường nhật như trứng, bột mì, và bánh mì.

Các mặt hàng không được dán giá bán vì thực tế giá cả đang thay đổi theo từng giờ. Nói cách khác, giá của 12 quả trứng lúc 8 giờ sáng có khi lại không giống với mức giá vào buổi trưa.

Và dollar Mỹ là phương thức thanh toán được ưu tiên.

Một người đàn ông đứng trong cửa hàng không có điện trong thời gian mất điện, ở Buenos Aires, Argentina, vào ngày 16/06/2019. (Ảnh: AP Photo/Tomas F. Cuesta)

Người Argentina đã đẩy mạnh việc sử dụng đồng dollar như một phương tiện cứu hộ lạm phát kể từ khi đại dịch bắt đầu vào năm 2020. Một số chuyên gia cho rằng đây có thể là một chiến lược ngắn hạn đối với tình hình kinh tế chao đảo của đất nước.

Nhà phân tích chính trị Orlando Gutierrez-Boronat nói với The Epoch Times, “Lúc đầu, việc dollar hóa sẽ có tác động rất tích cực, làm giảm tỷ lệ lạm phát. Argentina thực tế không còn tiền tệ nữa.”

Việc đồng peso Argentina tiếp tục mất giá và dự trữ ngoại tệ ngày càng cạn kiệt đã làm sâu sắc thêm cuộc khủng hoảng của quốc gia này. Cộng với việc chính phủ không có khả năng trả nợ ngoại quốc và các khoản thuế nặng nề khiến ngành nông nghiệp tê liệt, một số chuyên gia đã nhận thấy những điểm tương đồng giữa cuộc khủng hoảng của Sri Lanka và vòng xoáy đi xuống mạnh mẽ của Argentina.

Đồng peso của Argentina được giao dịch ở mức 106.3 trên 1 USD vào tháng Một năm nay, nhưng đã giảm xuống còn 131.2 vào cuối tháng Bảy.

Ông Boronat lưu ý rằng mặc dù việc sử dụng đồng dollar trong ngắn hạn có thể giảm bớt một phần áp lực lạm phát, nhưng cần phải có một kế hoạch cho tương lai.

Ông giải thích, “Điều cần thiết là… tạo ra các động lực để giải quyết các vấn đề về cơ cấu mà nền kinh tế đang gặp phải. Về căn bản, đó là những khoản chi tiêu công cao và kém hiệu quả và thâm hụt tài khóa phổ biến.”

“Như đã biết, thâm hụt được tài trợ bằng việc in tiền vì quốc gia này không còn tín dụng [quốc tế] và áp lực thuế rất cao.”

Những lời của ông Boronat lặp lại những gì mà vô số nhà phân tích và nhà kinh tế khác đã nói trong nhiều năm: tài chính và chi tiêu được quản lý kém đã đào một cái hố mà không chính phủ gần đây nào có thể tự thoát ra được.

Một số nhà lập pháp nhận ra sự cần thiết của một gói chi tiêu sửa đổi.

Trong thời gian ngắn nắm quyền lãnh đạo Bộ trưởng Kinh tế, bà Batakis nói với các nhà đầu tư rằng đất nước cần phải trả các khoản nợ của mình và đề cập đến việc cắt giảm ngân sách đối với chi tiêu của chính phủ.

Việc cắt giảm trợ cấp trong lĩnh vực năng lượng đã bắt đầu hồi tháng Sáu.

Tuy nhiên, những tiếng kêu than của người biểu tình đòi chính phủ cấp thêm tiền vẫn tiếp tục vang lên trên các đường phố. Video từ các cuộc biểu tình tuần trước cho thấy những người biểu tình kêu gọi một kế hoạch xã hội tương tự như ở Cuba.

Ông Fernandez đang bị đè bẹp dưới sức nặng của “chính sách kinh tế và kế hoạch tồi,” ông theo Boronat.

“Điều này càng bị đẩy vào bế tắc do mong muốn của ông ấy là đưa Argentina trở thành quốc gia thuộc thế giới thứ nhất, nhưng đồng thời, lại trở thành đối tác và một nước ủng hộ cho các chế độ độc tài ở Cuba và Trung Quốc, cũng như ủng hộ Liên bang Nga dưới thời ông Putin.”

Cô Autumn Spredemann là một phóng viên ở Nam Mỹ chủ yếu đưa tin về các vấn đề Mỹ Latinh cho The Epoch Times.

Minh Ngọc biên dịch

Related posts