Chính quyền Biden cân nhắc lại việc cắt giảm thuế đối với TQ sau cuộc tập trận

Bình Minh

Các quan chức Mỹ tiết lộ, chính quyền Biden đang cân nhắc lại vấn đề cắt giảm thuế đối với Trung Quốc. (Ảnh: Corona Borealis Studio/Shutterstock)

Chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ, bà Nancy Pelosi, đến Đài Loan vào ngày 2/8 đã gây ra sự trả đũa của Chính phủ Trung Quốc, gồm các cuộc tập trận quân sự xung quanh Đài Loan, thu hút sự chú ý từ mọi tầng lớp xã hội. Các quan chức Hoa Kỳ tiết lộ rằng chính quyền Biden đang xem xét lại vấn đề giảm thuế quan đối với Trung Quốc.

Trong một cuộc điện đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng Bảy, Tổng thống Hoa Kỳ Biden nói với ông Tập rằng các hành vi thương mại không công bằng của Trung Quốc đã gây tổn hại cho công nhân và gia đình người Mỹ.

Tuy nhiên, các quan chức cấp cao của Nhà Trắng lại nhấn mạnh rằng điều này không liên quan gì đến quyết sách của ông Biden. Khi cuộc bầu cử giữa kỳ của Mỹ vào tháng Mười Một đang đến gần, giảm lạm phát đã trở thành một trong những mục tiêu hàng đầu của chính quyền Biden và Đảng Dân chủ.

Theo báo cáo của Reuters vào ngày 10/8, những người thạo tin cho rằng hành động của Chính phủ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã gây ra một số hậu quả.

Nhà Trắng đã tranh luận trong nhiều tháng, về việc liệu có giảm thuế đối với hàng hóa Trung Quốc dưới thời chính quyền Trump hay không. Những người thạo tin nói rằng ông Biden vẫn chưa quyết định, và bộ phận hành chính đã đề xuất nhiều kế hoạch khác nhau, gồm giảm thuế đối với một số hàng hóa, áp thuế bổ sung bằng cách mở cuộc điều tra 301 mới, và mở rộng danh sách hàng hóa được miễn thuế, nhằm giảm áp lực đối với các công ty Hoa Kỳ. Bởi vì một số hàng hóa chỉ có thể được lấy từ Trung Quốc Đại Lục.

Bà Janet Yellen – Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ và bà Gina Raimondo – Bộ trưởng Thương mại ủng hộ việc giảm một số thuế quan đối với Trung Quốc, nhằm giảm bớt áp lực lạm phát. Nhưng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR), bà Katherine Tai, lại phản đối lập trường này. Bà ủng hộ việc giữ lại các mức thuế này, như một công cụ để chống lại sự bất công thương mại của Chính phủ Trung Quốc.

Thứ Tư (10/8), Bloomberg đưa tin, bà Gina Raimondo – Bộ trưởng Thương mại, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg TV rằng tình hình địa chính trị phức tạp đã ngăn ông Biden đưa ra quyết định ngay lập tức.

Tuy nhiên, để phản đối chuyến thăm của bà Nancy Pelosi, Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ, đến Đài Loan, Chính phủ ĐCSTQ đã ra lệnh cho quân đội tổ chức các cuộc tập trận xung quanh Đài Loan trong 6 ngày liên tiếp, khiến mối quan hệ giữa Trung Quốc với Hoa Kỳ, cũng như tình hình ở eo biển Đài Loan trở nên căng thẳng.

Trong những ngày qua, quân đội ĐCSTQ đã phóng tên lửa đạn đạo. Tàu chiến và máy bay của nước này liên tục vượt qua giới tuyến trung tâm của eo biển Đài Loan để khiêu khích.

“Tôi nghĩ Đài Loan đã thay đổi mọi thứ.” Một người thạo tin nói với Reuters, chính quyền Biden không vội vàng thực hiện bất kỳ hành động nào được coi là leo thang căng thẳng, hoặc cho thấy sự rút lui.

Theo các quan chức cấp cao của Nhà Trắng, ông Biden là người ra quyết định duy nhất. Trước khi tình hình ở eo biển Đài Loan thay đổi (chỉ các cuộc tập trận quân sự của ĐCSTQ), đến nay, ông Biden vẫn chưa đưa ra quyết định và không loại trừ mọi lựa chọn.

Những yếu tố khác đã làm phức tạp tình hình, như Washington yêu cầu qua lại trên nghi thức, nhưng bị Bắc Kinh từ chối khi Mỹ xem xét loại bỏ một số thuế quan đối với Trung Quốc, những người thạo tin cho biết. Mỹ đã gác lại ý tưởng đơn phương dỡ bỏ thuế quan, vì Trung Quốc không thể hiện sự quan tâm đến việc thực hiện thỏa thuận mua hàng, mà họ đã đưa ra trong giai đoạn đầu của thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung.

Chính quyền Trump đã đồng ý miễn thuế cho hơn 2.200 mặt hàng, gồm nhiều linh kiện công nghiệp và hóa chất quan trọng, việc miễn trừ đã hết hạn vào tháng 1 năm ngoái. Bà Katherine Tai chỉ gia hạn 352 mặt hàng trong số đó, nghĩa là các hạn chế liên quan vẫn chưa được nới lỏng.

Có những lập luận cho rằng chi phí thuế nhập khẩu đối với hàng hóa Trung Quốc thường rơi vào người tiêu dùng Mỹ, dẫn đến lạm phát.

Trong một cuộc phỏng vấn với Hãng thông tấn Trung ương Đài Loan (CNA), ông Trần Phương Ngung, trợ lý giáo sư tại Khoa Khoa học Chính trị, thuộc Đại học Soochow, chỉ ra rằng thuế quan đã trở thành một vấn đề mang tính biểu tượng cao. Mặt khác, ngay cả khi dỡ bỏ thuế quan, điều này cũng chỉ có tác dụng khá hạn chế trong việc ổn định nền kinh tế nội địa của Hoa Kỳ.

Viện Kinh tế Quốc tế Peterson (PIIE), một tổ chức tư vấn của Mỹ, chỉ ra trong một báo cáo hồi tháng Sáu, rằng tác động của việc dỡ bỏ thuế quan với hàng hóa Trung Quốc, đối với việc giảm tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ, chỉ ở mức 0,26 điểm phần trăm, lợi ích trực tiếp là khá ít. Nhưng nếu theo đó các công ty Mỹ giảm giá để cạnh tranh với các công ty Trung Quốc, có thể sẽ làm giảm tốc độ tăng CPI 1 điểm phần trăm.

Ngoài ra, theo báo cáo nghiên cứu được công bố vào ngày 8/6 của ông Trần Hưng – nhà phân tích vĩ mô trưởng thuộc Viện nghiên cứu chứng khoán Zhongtai (Trung Thái) và ông Mã Tuấn – Tiến sĩ kinh tế thế giới thuộc Đại học Nhân Dân của Trung Quốc, tác động của việc hủy bỏ các mức thuế áp với Trung Quốc trong việc kiềm chế mức lạm phát của Hoa Kỳ, không có hiệu quả tốt. Nếu Hoa Kỳ hủy bỏ thuế quan bổ sung đối với hàng xuất khẩu của Trung Quốc, sẽ làm giảm tốc độ tăng lạm phát hơn 1,3 điểm phần trăm, trong đó tác động của tiêu dùng cuối cùng và đầu vào trung gian sẽ là khoảng 0,38%.

Ông Tống Văn Địch, một giảng viên tại Học viện Châu Á – Thái Bình Dương, thuộc Đại học Quốc gia Úc, nói với CNA rằng nếu Hoa Kỳ hủy bỏ một số thuế quan, điều đó sẽ cho người dân thấy quyết tâm của Chính phủ trong việc giải quyết áp lực lạm phát, bằng những hành động thiết thực; đối với Trung Quốc, nó sẽ thể hiện sự thiện chí.

Chính quyền Trump áp đặt thêm thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc từ năm 2018-2019, nhằm đáp trả các hành vi thương mại không công bằng lâu nay của Trung Quốc, như cưỡng bức chuyển giao công nghệ và đánh cắp tài sản trí tuệ. Bắc Kinh đã trả đũa ngay lập tức, châm ngòi cho cuộc chiến thương mại lớn giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Tháng 1/2020, Trung Quốc và Hoa Kỳ đã ký một hiệp định thương mại giai đoạn I. Tuy nhiên, đến nay chính quyền Bắc Kinh vẫn chưa thực hiện đầy đủ các cam kết của mình.

Bình Minh

Related posts