Ford đang sa thải khoảng 3.000 nhân viên và lao động hợp đồng, chủ yếu ở Mỹ, Canada và Ấn Độ.
Tờ Wall Street Journal đưa tin, Chủ tịch Tập đoàn Ford, ông Bill Ford và Giám đốc điều hành Jim Farley đã gửi một bản ghi nhớ vào hôm thứ Hai (22/8), thông báo cho nhân viên, về việc sa thải nhân sự và trong tuần này, và những nhân viên bị ảnh hưởng sẽ được thông báo muộn một chút.
CNBC đưa tin, hai ông Ford và Farley cho biết trong bản ghi nhớ: “Việc xây dựng tương lai đòi hỏi phải thay đổi và định hình lại gần như mọi khía cạnh mà chúng ta đã vận hành trong hơn một thế kỷ qua.”
“Nó đòi hỏi sự tập trung, rõ ràng và tốc độ. Hơn nữa, như chúng ta đã thảo luận trong vài tháng gần đây nhất, điều đó có nghĩa là cần sử dụng lại các nguồn lực, và giải quyết cấu trúc chi phí của chúng ta. Bởi vì cấu trúc giá thành của chúng ta không cạnh tranh được với các đối thủ truyền thống và đối thủ mới.”
Không rõ liệu việc sa thải có ảnh hưởng đến cả 2 bộ phận Ford Blue và Ford Model E (chạy điện) hay không.
Các báo cáo vào tháng Bảy chỉ ra rằng Ford đang lên kế hoạch sa thải nhân viên. Vào thời điểm đó, Bloomberg từng báo cáo công ty đang chuẩn bị cắt giảm tới 8.000 việc làm và bộ phận Ford Blue sẽ bị ảnh hưởng.
Ông Ford đã sáng lập ra các bộ phận Ford Blue và Ford Model E vào đầu năm nay. Trong thông báo về phân khúc được công bố, công ty cho biết họ sẽ tiếp tục xây dựng danh mục xe ICE với Ford Blue, nhằm “thúc đẩy tăng trưởng và lợi nhuận”, trong khi Ford Model E sẽ “tăng tốc đổi mới và mang lại những đột phá trên quy mô lớn về xe điện”.
Ford không phải là công ty ô tô duy nhất cắt nhân sự trong những tuần gần đây. Rivian cũng sa thải 6% nhân viên. Công ty khởi nghiệp ArgoAI do Ford hậu thuẫn sa thải khoảng 150 nhân viên. Tesla cũng sa thải những nhân viên đã giúp đào tạo hệ thống Autopilot AI (hệ thống tự lái thông minh) của mình.
Thiệt hại kinh tế do đại dịch viêm phổi Vũ Hán (COVID-19) gây ra phần lớn là do đứt gãy chuỗi cung ứng, khiến sản xuất bị gián đoạn và nhu cầu giảm, ít người tiêu dùng đủ khả năng mua hàng hóa và dịch vụ có sẵn trong nền kinh tế toàn cầu.
Lãi suất liên tiếp được nâng lên, lạm phát tăng “nóng” và cuộc khủng hoảng năng lượng kéo dài đang dẫn đến niềm tin cho rằng nền kinh tế thế giới gần như đang chắc chắn hướng tới vực suy thoái.
Cuộc xâm lược Ukraine của Nga, cùng hàng loạt bất ổn, từ đứt gãy chuỗi cung ứng đến lạm phát gia tăng, mất an ninh lương thực… đã khiến hàng loạt ngân hàng trung ương siết chặt chính sách tiền tệ.
Tỷ lệ lạm phát tại nhiều nền kinh tế phát triển như Mỹ, Anh lên mức cao nhất 40 năm, trong khi Châu Âu chật vật đối phó với giá khí đốt và lương thực leo thang. Hệ quả là Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã phải nâng lãi suất lần thứ 3 trong năm nay với mức tăng mạnh nhất kể từ năm 1994. Chính phủ các nước cũng hút dần tiền từ thị trường về nhằm chống lạm phát khi nhiều ngân hàng trung ương đồng loạt nâng lãi suất.
“Khi thị trường bùng nổ nhờ nguồn vốn rẻ, mọi người đua nhau mở rộng vì nếu không sẽ bị đối thủ vượt mặt. Thế nhưng khi mọi chuyển đổi hướng, nhiều công ty buộc phải sa thải nhân viên để có thể giữ được đà tăng trưởng đã cam kết”, giám đốc vận hành bà Yorlin của Momentum Works nhận định.
Bình Minh