Để tăng cường quyền lực cho ông Tập, Đại hội 20 sẽ thay đổi điều lệ Đảng

Đông Phương

Để tăng cường quyền lực cho ông Tập, Đại hội 20 sẽ thay đổi điều lệ Đảng
Ông Tập Cận Bình. (Lintao Zhang/Pool/Getty Images)

Sau cuộc họp của Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc vào ngày 9/9, ngoại giới càng chắc chắn rằng ông Tập Cận Bình sẽ tái đắc cử nhiệm kỳ 3. Các nhà phân tích đã đưa ra 3 trường hợp sửa đổi trong điều lệ Đảng.

Tân Hoa Xã đưa tin, ông Tập Cận Bình đã chủ trì hội nghị hôm 9/9 để nghiên cứu bản thảo về Báo cáo Đại hội 20, Sửa đổi Điều lệ Đảng, v.v. nhằm trình lên Phiên họp toàn thể lần thứ bảy của Ban Chấp hành Trung ương khóa 19.

Hội nghị nêu rõ, phải “ghi các quan điểm lý luận trọng đại và các tư tưởng chiến lược trọng đại được xác lập trong Báo cáo Đại hội 20 vào Điều lệ Đảng”.

VOA đưa tin, ông Tập Cận Bình được cho là sẽ dễ dàng giành chiến thắng tại Đại hội 20 được tổ chức vào ngày 16/10 tới, qua đó củng cố địa vị nhà lãnh đạo quyền lực nhất Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) kể từ thời của đại độc tài Mao Trạch Đông. Tại Đại hội 19 diễn ra năm 2017, ông Tập từng thúc đẩy việc sửa đổi này, đưa “Tư tưởng Tập Cận Bình về Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc” vào Điều lệ Đảng và nâng cao vị thế của bản thân.

Reuters đưa tin, một số nhà quan sát chính trị cho rằng, tại Đại hội 20 lần này, phần được sửa đổi trong Điều lệ Đảng có thể là rút ngắn tên gọi “Tư tưởng Tập Cận Bình về Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới” thành “Tư tưởng Tập Cận Bình”, đưa” Tư tưởng Tập Cận Bình” trở thành tư tưởng chỉ đạo thứ 3 của ĐCSTQ được đặt theo tên của nhà lãnh đạo. Trước đây từng có Tư tưởng Mao Trạch Đông và Lý luận Đặng Tiểu Bình. Nếu như vậy, địa vị của ông Tập sẽ cao hơn cả các cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào, qua đó thiết lập quyền lực tuyệt đối của Tập Cận Bình về ý thức hệ. 

Các nhà phân tích cho rằng, một khả năng sửa đổi khác nhằm nâng cao quyền lực của ông Tập Cận Bình là đưa “hai điều xác lập” vào Điều lệ Đảng, bao gồm:

  • “Xác lập địa vị cốt lõi của đồng chí Tập Cận Bình trong trung ương đảng và toàn đảng”;
  • “Xác lập địa vị chủ đạo của Tư tưởng Tập Cận Bình về Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới”. 

Còn một suy đoán khác là, mặc dù khó xảy ra nhưng một số chuyên gia đã gợi ý rằng, ĐCSTQ có thể sửa đổi điều lệ để khôi phục lại vị trí Chủ tịch đảng đã bị bãi bỏ vào năm 1982.

Theo tin tức từ các kênh truyền thông của ĐCSTQ, cuộc họp trên cho rằng Đại hội 20 nên “lập kế hoạch và triển khai” sự nghiệp của ĐCSTQ từ một góc độ tổng thể chiến lược, và “kiên trì nỗ lực” dưới sự lãnh đạo mạnh mẽ của “Ban chấp hành Trung ương ĐCSTQ với đồng chí Tập Cận Bình làm nòng cốt”, v.v.

Về vấn đề này, Hãng thông tấn Trung ương (CNA) của Đài Loan bình luận rằng, các thông báo trên cho thấy Tổng Bí thư ĐCSTQ Tập Cận Bình sẽ tiếp tục lãnh đạo toàn đảng sau Đại hội 20.

Ông Hồ Bình (Hu Ping), Tổng biên tập danh dự của tờ Beijing Spring, nói với The Epoch Times vào ngày 9/9 rằng, tuyên bố trên của Bộ Chính trị ĐCSTQ vào thời điểm này có nghĩa, việc ông Tập Cận Bình tái đắc cử tại Đại hội 20 là “điều vô cùng rõ ràng”.

Ông Hồ cũng đề cập tới khả năng tên gọi tư tưởng trên sẽ được rút ngắn thành Tư tưởng Tập Cận Bình. “Bởi vì trước đây (ĐCSTQ) chỉ có Tư tưởng Mao Trạch Đông, về phương diện sùng bái cá nhân, Tập Cận Bình đã đạt đến trình độ ngang hàng với Mao Trạch Đông”.

Ông nói thêm rằng, trong từ vựng của Trung Quốc, ‘tư tưởng’ là một danh xưng bậc cao nhất, kém hơn một chút thì được gọi là ‘lý luận’ (chẳng hạn như Lý luận Đặng Tiểu Bình). Tất nhiên, “Ba đại diện” của Giang Trạch Dân và “Quan điểm phát triển khoa học” của Hồ Cẩm Đào thậm chí còn thấp hơn, chưa được tính là lý luận. Do đó, nếu Tư tưởng Tập Cận Bình được đưa vào Điều lệ Đảng, điều đó có nghĩa là địa vị của ông Tập trong ĐCSTQ sẽ được nâng cao hơn nữa, nó sẽ ngang hàng với Tư tưởng Mao Trạch Đông.

Đông Phương

Theo Vision Times

Related posts