Ba viễn cảnh có thể xảy ra trong mối quan hệ Trung-Anh

Huyền Anh

Bà Liz Truss đến Phố Downing để đọc bài phát biểu đầu tiên với tư cách là Thủ tướng Anh tại London, Vương quốc Anh vào ngày 06/9/2022. (Ảnh: Wiktor Szymanowicz/Anadolu Agency/Getty Images)

Với cương vị Tân Thủ tướng, gánh nặng của nước Anh đang đè nặng lên vai bà Liz Truss, quả thực không hề dễ dàng. Ngoài vấn đề đối nội, chính sách đối ngoại của bà Truss cũng sẽ vấp phải nhiều thách thức. Trong số đó, viễn cảnh về mối quan hệ Trung-Anh trong tương lai chắc chắn là phần đáng quan tâm nhất.

Vào ngày 05/9, Ngoại trưởng Anh Liz Truss đã giành được 57,4% số phiếu, đánh bại đối thủ và được bầu làm lãnh đạo mới của Đảng Bảo thủ. Sau khi được cố Nữ hoàng bổ nhiệm vào ngày 06/9, bà chính thức trở thành Tân Thủ tướng Anh. Với cương vị Thủ tướng, gánh nặng của nước Anh đang đè nặng lên vai bà, quả thực không hề dễ dàng.

Nước Anh đang trải qua mức lạm phát tồi tệ nhất trong 40 năm qua và cuộc khủng hoảng năng lượng do chiến tranh Nga-Ukraine gây ra không có dấu hiệu thuyên giảm.

Bà Truss từ lâu đã được coi là một trong những nhà phê bình nghiêm khắc nhất đối với Trung Quốc trong chính trường Anh. Trong chiến dịch tranh cử, bà cũng nhiều lần nói rằng sẽ có lập trường cứng rắn với Trung Quốc nếu đắc cử. Vậy, tân thủ tướng sẽ mang lại diện mạo mới cho quan hệ Trung-Anh? Cá nhân tác giả nghĩ rằng sẽ có ba thay đổi trong quan hệ Trung-Anh trong nhiệm kỳ của bà Truss so với các đời thủ tướng trước đó.

Thứ nhất, chính phủ mới sẽ tăng cường quản lý và hạn chế đầu tư của Trung Quốc vào Anh. 

Trong chiến dịch tranh cử, bà Truss đã nhiều lần nhấn mạnh rằng Trung Quốc không tuân thủ các quy tắc thương mại quốc tế và là mối đe dọa đối với trật tự quốc tế dựa trên luật lệ. Trong một cuộc phỏng vấn với tờ The Times, bà Truss cũng cho rằng Trung Quốc và Nga là mối đe dọa đối với an ninh của Anh. Giữa an ninh quốc gia và lợi ích kinh tế, bà Truss sẽ đặt chính sách trước đây về Trung Quốc của Anh và định hình lại chính sách của nước này.

Tháng trước, Anh đã chặn việc tiếp quản một công ty phát triển phần mềm của Anh bởi Super Orange có trụ sở tại Hong Kong do Trung Quốc hậu thuẫn, với lý do rủi ro bảo mật. Năm ngoái, chính phủ Đảng Bảo thủ cũng áp đặt các hạn chế đối với sự tham gia của các công ty Trung Quốc vào các dự án nhà máy điện hạt nhân. Có thể thấy sau khi bà Truss được bầu làm thủ tướng, đầu tư của Trung Quốc vào các ngành liên quan ở Anh sẽ bị hạn chế đáng kể, đồng thời thương mại giữa Trung Quốc và Anh cũng sẽ bị giám sát chặt chẽ hơn.

Thứ hai, chính phủ mới sẽ tăng cường hợp tác với Hoa Kỳ trong vấn đề eo biển Đài Loan. 

Trong nhiệm kỳ ngoại trưởng, bà Truss được coi là một trong những nhân vật diều hâu nhất trong nội các của cựu Thủ tướng Johnson. Trong một bài phát biểu trước đó, bà Truss nói rằng phương Tây nên học từ bài học từ việc Nga xâm lược Ukraine và kiên quyết bảo vệ Đài Loan để đảm bảo nước này có khả năng tự bảo vệ mình trước các mối đe dọa từ Trung Quốc.

Sau khi trở thành thủ tướng, bà Truss và ông Zelensky lần đầu tiên nói chuyện qua điện thoại, bày tỏ sự ủng hộ vững chắc đối với Ukraine. Lập trường cứng rắn của bà Truss đối với Nga và sự ủng hộ của bà đối với Ukraine có thể là cơ sở để dự đoán lập trường tương lai của Anh về vấn đề eo biển Đài Loan.

Quan trọng hơn, với mối quan hệ gắn bó lâu dài giữa Anh và Mỹ, Washington sẽ có thêm một đối tác đáng tin cậy trong việc chống lại liên minh Trung-Nga. Có thể thấy trước rằng chính phủ mới của Anh, vốn đề cao chính sách ngoại giao diều hâu, nay sẽ hợp tác chặt chẽ hơn với Hoa Kỳ trong vấn đề eo biển Đài Loan.

Thứ ba, chính phủ mới của Anh sẽ thúc đẩy việc hình thành một “NATO mini” ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương.

Thỏa thuận An ninh Ba bên Úc-Anh-Mỹ (AUKUS), được thành lập năm ngoái, là một phần của liên minh chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương do Mỹ dẫn đầu. Mục tiêu chính của thỏa thuận là để Anh và Mỹ giúp Úc xây dựng lực lượng tàu ngầm hạt nhân, nhằm chống lại sự bành trướng quân sự của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương. Bà Truss, khi đó là Ngoại trưởng, là một người ủng hộ trung thành của liên minh quân sự này. Trong bài báo đăng trên tờ Sunday Telegraph, bà cho biết quan hệ đối tác dựa trên các giá trị tương tự và lợi ích chung sẽ không chỉ giúp Vương quốc Anh an toàn hơn mà còn thể hiện quyết tâm của Vương quốc Anh trong việc duy trì sự ổn định ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Dựa trên cơ sở này, có thể thấy chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương mới mà Hoa Kỳ theo đuổi sẽ nhận được sự ủng hộ hoàn toàn của chính phủ Đảng Bảo thủ mới do bà Truss lãnh đạo.

Nhìn chung, các giá trị của bà Truss mang phong cách “diều hâu”, và trong nhiệm kỳ thủ tướng của mình, chính sách Trung Quốc của Anh sẽ tiếp tục trở nên cứng rắn hơn về mọi mặt. Ban lãnh đạo ĐCSTQ do ông Tập Cận Bình lãnh đạo sẽ đối mặt như thế nào và điều gì sẽ xảy ra với quan hệ Trung – Anh sau Đại hội toàn quốc lần thứ 20 của ĐCSTQ rõ ràng là điều rất đáng được các bên quan tâm.

Huyền Anh

Theo Visiontimes

Related posts