“Hậu chấn” từ cuộc tháo chạy nhục nhã của quân Nga: Putin bị kêu gọi từ chức
13 tháng 9, 2022
Thất bại quân sự cay đắng của quân Nga sau 200 ngày giao tranh đã khiến dư luận Nga cháy bùng sự giận dữ. The New York Times cho biết, hơn 40 quan chức dân cử địa phương trên khắp nước Nga đã ký bản kiến nghị vào Thứ Hai 12 Tháng Chín, với việc “Chúng tôi yêu cầu Vladimir Putin từ chức Tổng thống Liên bang Nga!”
Bản kiến nghị hoàn toàn bị phớt lờ trên các phương tiện truyền thông do nhà nước Nga kiểm soát nhưng hiệu ứng của nó đang lan rộng. Trong khi đó, thành phần chủ chiến, từ báo chí đến chính trị gia, nhất loạt chỉ trích giới quân sự. Ksenia Torstrem, Ủy viên hội đồng thành phố St. Petersburg, nói “Chúng ta cần gây áp lực từ mọi phía”. Trên truyền hình nhà nước Nga, sự giận dữ đang đổ dồn vào những kẻ trực tiếp chỉ huy cuộc chiến; trong khi một số ý kiến khác lần đầu tiên đề cập giải pháp “cầu hòa”.
Nghị sĩ Konstantin F. Zatulin, một trong những nghị sĩ diều hâu ủng hộ tuyệt đối cuộc chiến, nói rằng cần phải có một “sự điều chỉnh khẩn cấp” đối với cuộc rút quân đáng xấu hổ khi quân Nga bị đánh bật ra trên loạt mặt trận khiến hơn một nghìn dặm vuông phía Đông Bắc Ukraine “rơi vào tay kẻ thù”. Hôm 12 Tháng Chín, Konstantin F. Zatulin, thành viên cấp cao đảng Nước Nga Thống nhất của Putin, cảnh báo rằng nếu những chỉ trích về chiến dịch quân sự từ khắp nơi trở nên nằm ngoài tầm kiểm soát thì có thể mang đến hậu quả khôn lường, như những diễn biến từng xảy ra dẫn đến cuộc Cách mạng Nga 1917 và sự sụp đổ Liên Xô năm 1991.
Konstantin F. Zatulin nói thêm, bất luận thế nào, việc hy vọng Putin bị lật đổ là “còn quá sớm” và không có bằng chứng nào cho thấy quyền lực Putin suy yếu. Ngày 12 Tháng Chín, Kremlin vẫn khẳng định “chiến dịch quân sự đặc biệt sẽ “tiếp tục cho đến khi đạt được các mục tiêu ban đầu”. Bất luận thế nào, ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy giới tinh hoa Nga bất an và mất niềm tin trước sự kéo dài của cuộc chiến cù nhằng đánh đâu hỏng đó, đặc biệt sự “triệt thoái” diện rộng của quân Nga mới đây – bằng chứng rõ nhất cho thấy quân đội Nga gần như không làm nên đại sự cơm cháo gì sau nửa năm đổ bom đạn vào Ukraine.
Những người ủng hộ mạnh nhất cuộc xâm lược Ukraine và trung thành với Putin là những bày tỏ bất mãn nhiều nhất. Điều đó cho thấy sự rạn nứt ngày càng tăng giữa Kremlin và những người cổ vũ nhiệt thành cuộc xâm lược. Đối với họ, sự rút lui của Nga dường như xác nhận nỗi sợ hãi tồi tệ nhất: Nga sẽ thất bại trong một chiến dịch hoàn toàn không được chuẩn bị đầy đủ. Trong khi đó, Moscow vẫn cố mị dân rằng mọi việc đều ổn và chiến thắng sẽ đến.
“Mấy người đang tổ chức một bữa tiệc hàng tỷ rúp”, một blogger (vốn) ủng hộ Kremlin viết, bày tỏ bất mãn, khi đề cập đến lễ kỷ niệm 875 năm thành lập thành phố Moscow vào ngày 10 Tháng Chín, “Chuyện gì xảy ra với mấy người vậy? Sự kiện này đáng lý không nên được tổ chức ở thời điểm thất bại khủng khiếp như thế”. Blogger này viết thêm, khi Moscow ăn mừng thì quân đội Nga đang chiến đấu trong tình trạng không có đủ kính nhìn ban đêm, được cung cấp áo khoác mỏng khi mùa Đông đến gần, thiếu dụng cụ sơ cứu hoặc máy bay không người lái. Và cách Moscow vài trăm dặm, lính Ukraine đã chiếm lại thành trì quân sự của Nga ở Izyum, tiếp tục tiến nhanh về phía Đông Bắc và bắt đầu một giai đoạn mới đầy kịch tính…
Ngày 30 Tháng Tám, một phát ngôn viên Kremlin tổ chức cuộc họp thường kỳ với báo chí và lặp đi lặp lại câu thần chú quen thuộc: Chiến dịch quân sự nhằm Ukraine đang diễn ra “phù hợp với kế hoạch”. Ngay hôm đó, một số blogger quân sự Nga đã viết trên mạng xã hội rằng có điều gì đó rất không… đúng kế hoạch, và họ cho biết Ukraine đang củng cố lực lượng cho cuộc phản công gần thị trấn Balakliya, khi Nga hoàn toàn không có mặt tại địa điểm này. Nhiều ngày sau, mọi sự vỡ lẽ rõ ràng hơn: Ukraine vượt qua hệ thống phòng thủ mỏng của Nga ở Balakliya cũng như các thị trấn lân cận khác ở Đông Bắc Ukraine…
Sự phẫn nộ từ những kẻ diều hâu cho thấy ngay cả khi Putin thành công trong việc loại bỏ gần như toàn bộ phe đối lập trong hệ thống chính trị thì Putin vẫn đối mặt nguy cơ bất mãn từ phe bảo thủ. Sự chỉ trích công khai giới lãnh đạo quân sự cho thấy sự bất mãn âm ỉ trong giới tinh hoa Nga. Một số blogger ủng hộ Putin thậm chí không ngại miệng khi nói rằng trên thực tế, Nga đang chiến đấu trong một cuộc chiến toàn diện – không chỉ chống lại Ukraine, mà còn chống lại một liên minh phương Tây thống nhất hậu thuẫn hết lòng Kyiv, rằng đây là một chiến dịch quân sự đầy rẫy sự bất lực, được tiến hành vội vã, “thí mạng cùi” binh lính…
Rob Lee, nhà phân tích quân sự tại Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại, cho biết kể từ khi Nga rút lui vào Tháng Tư sau nỗ lực đánh chiếm Kyiv bất thành, các mục tiêu của Kremlin là không rõ ràng, khiến những người ủng hộ Putin ngày càng “mất phương hướng”. “Nỗ lực kháng chiến của người Ukraine là hiển nhiên, trong khi về phía Nga, câu hỏi luôn là: Nga đang làm gì?” – Rob Lee nói – “Các mục tiêu của Nga không rõ ràng và cách họ đạt được những mục tiêu đó cũng không rõ ràng. Nếu bạn đang chiến đấu trong một cuộc chiến và bạn không chắc mục tiêu cuối cùng là gì thì kết cuộc chỉ là sự thất vọng”.
Cần nói thêm, bản kiến nghị kêu gọi Putin từ chức ngày 12 Tháng Chín không chỉ xuất phát từ nhóm ủy viên hội đồng thành phố St. Petersburg, quê hương của Putin, mà còn từ một số ủy viên hội đồng thành phố Moscow, trong đó có Vasily Khoroshilov. Cho rằng đây là thông điệp bày tỏ sự ủng hộ dành cho những người phản đối Putin, Vasily Khoroshilov nói rằng “Những người yêu nước cấp tiến bắt đầu nghi ngờ tính đúng đắn của con đường đang đi” và “Một số thế lực ở các cấp cao nhất sẽ căn cứ vào đó để quyết định nên làm gì một khi họ nhận thấy có sự ủng hộ rõ rệt của người dân”.
“Chúng ta đã đến một thời điểm cần phải hiểu một điều đơn giản: Không thể đánh bại Ukraine bằng cách sử dụng các nguồn lực mà Nga đang có, bằng cách dùng phương pháp ‘chiến tranh thuộc địa’, với lính hợp đồng, lính đánh thuê và không tổng động viên” – Cựu nghị sĩ Boris Nadezhdin than thở trong một chương trình cuối tuần trên kênh NTV. Boris Nadezhdin nói: “Chúng ta phải tổng động viên và tiến hành một cuộc chiến toàn diện, hoặc chúng ta rút lui”; còn không thì phải tìm giải pháp danh dự bằng hòa đàm” – dẫn lại từ The Washington Post.
Đến nay, Vladimir Putin vẫn không đồng ý kêu gọi tổng động viên và đưa toàn bộ nước Nga vào cỗ máy chiến tranh; đơn giản vì việc bắt buộc nhập ngũ sẽ gây ra phản ứng chống đối quyết liệt hơn, đặc biệt ở Moscow và St.Petersburg. Thay vào đó, Putin chọn giải pháp tuyển mộ quy mô lớn, dùng lính hợp đồng và lính đánh thuê, với mức lương cao hơn mức trung bình trong quân đội chính qui.
Trước mắt, Putin đang bị dồn vào chân tường, đối mặt với các chỉ trích của những kẻ diều hâu vốn ủng hộ mình mạnh mẽ nhất. Giờ đây, những con diều hâu đang quay lưng lại “mổ” Putin.