Đại sứ Trung Quốc tuyên bố người Đài Loan nào ủng hộ độc lập sẽ bị trừng phạt

Victoria Kelly-Clark

Hàng chục ngàn người đã xuất hiện trên đường phố để phản đối các phương tiện truyền thông ủng hộ Trung Quốc ở Đài Loan hôm 23/06/2019. (Ảnh: Chen Bozhou/The Epoch Times) Đông Dương

Đại sứ Trung Quốc tại Úc giải thích rằng những người Đài Loan nào muốn độc lập sẽ bị trừng phạt nếu Trung Quốc giành quyền kiểm soát khu vực này.

Đại sứ Tiếu Thiên (Xiao Qian) nói rằng những người ly khai tìm cách đưa Đài Loan tiến tới độc lập sẽ bị chính quyền Trung Quốc trừng phạt khi quốc gia này “thống nhất” với đại lục.

“Họ sẽ bị trừng phạt theo luật pháp,” ông nói. “Họ tham gia vào việc tách Đài Loan khỏi Trung Quốc. Vì vậy, vấn đề không phải là giáo dục hay cải tạo. Họ sẽ bị trừng phạt theo pháp luật.”

Các bình luận này diễn ra sau nhận xét của đại sứ trong một bài diễn văn tại Câu lạc bộ Báo chí Quốc gia Úc hôm 10/08, khi các ký giả Úc gặng hỏi người đại diện của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) này về những căng thẳng hiện nay ở Eo biển Đài Loan.

Đại sứ ĐCSTQ cho biết cá nhân ông ấy hiểu rằng nếu cuộc xâm lược thành công, các công dân của hòn đảo sẽ phải trải qua “cải tạo.”

Ông nói rằng Đài Loan đã được điều hành bởi “một chế độ khu vực trong nhiều thập niên” “cách nhìn của họ” về Trung Quốc đại lục có thể có những quan điểm khác nhau, đòi hỏi “một quá trình để người dân Đài Loan hiểu đúng về Trung Quốc.”

Những nhận xét từ đại sứ phản ánh những nhận xét của Đại sứ Trung Quốc tại Pháp Lư Sa Dã (Lu Shaye), người đã nói với hãng truyền thông Pháp LCI hôm 07/08 rằng nếu Bắc Kinh tiếp quản Đài Loan, thì 23 triệu cư dân của quốc đảo này sẽ phải đi cải tạo — lặp lại hoàn cảnh mà người Duy Ngô Nhĩ đang phải đối mặt ở Tân Cương.

‘Cải tạo’ hiện được ĐCSTQ sử dụng để duy trì quyền lực chính trị

Việc sử dụng thuật ngữ cải tạo đã làm dấy lên những lo ngại toàn cầu sau khi một báo cáo (pdf) từ Liên Hiệp Quốc phát hiện rằng quy mô và sự tàn bạo của các trại giam, được các nhà chức trách ĐCSTQ coi là trại cải tạo bắt buộc hoặc “trung tâm giáo dục kỹ năng nghề,” có khả năng bị coi là tội ác phản nhân loại.

“Mức độ giam giữ tùy tiện và phân biệt đối xử đối với các thành viên của người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm chủ yếu là người Hồi giáo khác… có thể cấu thành tội ác quốc tế, đặc biệt là tội ác phản nhân loại,” báo cáo trên cho biết.

Báo cáo này dựa trên kết quả phân tích thống kê, hình ảnh vệ tinh, tài liệu của chính ĐCSTQ, và 40 cuộc phỏng vấn với người Duy Ngô Nhĩ và những cá nhân bị ảnh hưởng khác.

Các trại cải tạo đã được chính quyền cộng sản sử dụng như một phương tiện đàn áp những nhóm mà họ coi là mối đe dọa. Trong quá trình cai trị của cộng sản, những người bị nhắm mục tiêu để cải tạo bao gồm người Duy Ngô Nhĩ, các dân tộc thiểu số Hồi giáo như Kyrgyz, Uzbek, và Kazakh, người Tây Tạng, những người theo tín ngưỡng trong đó có các tín đồ Cơ Đốc và các học viên Pháp Luân Công, cùng những người bất đồng chính kiến.

Trong một cuộc phỏng vấn với The Epoch Times trong chương trình “American Thought Leaders” (“Các Nhà Lãnh Đạo Tư Tưởng Hoa Kỳ”), ủy viên Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF) Nury Turkel nói rằng ĐCSTQ đã sử dụng chuyển hóa tư tưởng như một cách để bảo đảm duy trì quyền kiểm soát đối với dân số Trung Quốc.

“Chính quyền Trung Quốc, đặc biệt là chính quyền hiện tại dưới sự lãnh đạo của ông Tập Cận Bình, xem bất cứ điều gì tạo ra sự bất mãn đối với chính quyền Trung Quốc hoặc bất cứ điều gì khác với những gì họ đã quảng bá cụ thể trong mặt trận ý thức hệ, thuật ngữ mà họ sử dụng nhiều có thể được coi là một nguồn cho tình trạng bất ổn tiềm ẩn, gây ra sự bất ổn trong tương lai đối với Đảng Cộng sản,” ông Turkel nói.

“Đối với Nhà nước Trung Quốc, ổn định là mối quan tâm hàng đầu. Họ sẽ làm bất cứ điều gì.”

Victoria Kelly-Clark

Cô Victoria Kelly-Clark là một phóng viên tại Úc chuyên về chính trị quốc gia và môi trường địa chính trị ở khu vực Á Châu-Thái Bình Dương, Trung Đông và Trung Á.

Tịnh Nhi  biên dịch

Related posts