ĐCSTQ biểu diễn ‘chiến lang’ cho ai xem?

Mạn Vũ

Dương Khiết Trì – Chủ nhiệm Văn phòng Uỷ ban Đối ngoại ĐCSTQ ở Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ – Trung tại Alaska ngày 18/3/2021, và tranh Hùng Văn Xán. Ảnh ghép từ nhiều nguồn.

Ngày 13/9, tờ Nikkei Asia đưa tin rằng: Cơ cấu quân sự cao nhất của ĐCSTQ là Quân uỷ Trung ương sắp tới sẽ có 4 tướng lĩnh về hưu. Tập Cận Bình đang chuẩn bị đề bạt 4 thân tín của mình bên quân đội để trám vào những vị trí ấy.

Ngoại giới thì chú ý đến điểm này đó là: 4 người được đề bạt ‘nhất trí’ về vấn đề Đài Loan với ông Tập, tức là muốn thống nhất Đài Loan bằng vũ lực. Điều này dẫn đến nhiều người cho rằng, 4 tướng lĩnh mà Tập Cận Bình đề bạt chính là để chuẩn bị cho việc thống nhất Đài Loan. 

Nhưng trong chương trình ‘Chính luận thiên hạ‘ đăng ngày 15/9, Giáo sư Chương Thiên Lượng lại không cho là như vậy. Giáo sư Chương đã kể một câu chuyện lịch sử thời vua Sùng Trinh, cùng những phân tích tâm lý để làm rõ nhận định của mình như sau.

Binh bộ Thượng thư Hùng Văn Xán hối tiếc vì đã đập bàn và lỡ lời

Giáo sư Chương cho rằng, quân đội ĐCSTQ trong trường hợp công khai, dù có biểu đạt lập trường như thế nào về vấn đề Đài Loan, thì khả năng cao đó chỉ là để biểu diễn, biểu diễn cho ông Tập xem, diễn xuất ra tư thái ‘chiến lang’. Còn khi vào việc trực tiếp, nếu Tập Cận Bình thật sự muốn các tướng lãnh binh đánh trận, thì chưa chắc họ đã đi. Cho nên về phương diện này, Giáo sư Chương nói rằng, mọi người không cần nghe cán bộ của ĐCSTQ nói, mà hãy xem họ có dám làm hay không.

Giáo sư Chương kể một câu chuyện lịch sử về Binh bộ Thượng thư Hùng Văn Xán (熊文燦) thời vua Sùng Trinh để so sánh với tình huống hiện nay.

Tranh vẽ Hùng Văn Xán chụp từ ‘Tiếu đàm phong vân’ phần 5, tập 33: Giáp Thân chi biến.

Chuyện là, khoảng 10 năm cuối thời Sùng Trinh xảy ra nông dân tạo phản, khí thế ào ào như vũ bão, triều đình lại bó tay hết cách. Vào năm

Sùng Trinh thứ 5, Hùng Văn Xán được bổ nhiệm làm Binh bộ Hữu thị lang, chính là việc giám sát quân vụ vùng Lưỡng Quảng (tức hai tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây); đồng thời ông còn làm Tuần phủ của Quảng Đông, chính là phụ trách việc chính trị cho tỉnh Quảng Đông. 

Khi đó Hoàng đế Sùng Trinh muốn Hùng Văn Xán đảm nhận công tác trấn áp phản loạn. Thời đó có hai cách dẹp loạn, một là ‘tiễu phỉ’ (剿匪: dẹp loạn bằng trấn áp, quét sạch), hai là ‘an phủ’ (安撫: chiêu an, dùng tiền/lương thực để ‘mua’ sự đầu hàng). Sùng Trinh đã phái một hoạn quan để gặp Hùng Văn Xán. 

Khi ấy hoạn quan này uống rượu nói chuyện với Hùng Văn Xán rằng: ‘Ai dà, hiện tại địa khu Trung Nguyên đã loạn rồi, đến đâu cũng thấy nông dân tạo phản’. Hùng Văn Xán đã uống nhiều rượu, đột nhiên ông đập bàn rồi chửi bới rằng: ‘Nông dân tạo phản trấn áp không được là do sự trì hoàn của các tướng lĩnh vô năng (vô dụng). Nếu để Văn Xán này đi, thì lũ chuột kia sao có thể to tiếng như thế được’. Ý ở ngoài lời là: ‘Nói một cách nghiêm túc, tôi thấy mình vô cùng xuất sắc, là người có năng lực’.

Sau khi nghe đoạn lời trên, vị hoạn quan kia rất tin tưởng Hùng Văn Xán, liền đứng dậy nói: ‘Thế này, tôi sẽ nói với Hoàng đế, ông có nguyện vọng, lại lợi hại như thế, nên việc tiễu phỉ (trấp áp) sẽ giao cho ông’. Lúc ấy Hùng Văn Xán biến sắc, thay đổi thái độ, hối hận vì đã nói những lời như thế. Trong ‘Minh sử’ ghi chép là “Hối thất ngôn” (悔矢言: hối hận vì đã lỡ lời).

Sau đó Hùng Văn Xán nói: ‘Ai dà, tiễu phỉ khó cái này cái kia’. Ông đã nói về ‘Ngũ nan, tứ bất khả’, tức là 5 cái khó + 4 cái không thể, tổng cộng là 9 vấn đề khó mà giải quyết. Hoạn quan nói: ‘Không sao đâu, ông đã có quyết tâm và năng lực như thế, những vấn đề khó này đều có thể giải quyết. Tôi sẽ giúp ông nói với Hoàng đế’. Thế là Hoàng đế Sùng Trinh cho Hùng Văn Xán đi ‘tiễu phỉ’. Hùng Văn Xán đành phải nhận lệnh.

Khi Hùng Văn Xán lãnh binh qua Lư Sơn, ông đã bái kiến Không Ẩn – một tăng nhân có quan hệ rất tốt với ông trước đây. Sau đó Hùng Văn Xán nói chuyện với Không Ẩn, vị tăng nhân hỏi Hùng Văn Xán: ‘Ông cảm thấy binh lính hiện nay ông mang theo có thể quét sạch được giặc cướp không’. Hùng Văn Xán nói: ‘Không thể’. Không Ẩn lại hỏi: ‘Có thể phó thác đại sự cho tướng dưới cấp dưới của ông được không?’. Hùng Văn Xán nói: ‘Điều này tôi không chắc’. Vị tăng nhân mới nói: ‘Như thế ông đi đánh trận làm gì? Như vậy nhất định thua’.

Hùng Văn Xán nghe xong sợ quá hỏi: ‘Nếu đánh không được thì phải làm thế nào? Liệu có thể an phủ (安撫), đưa họ tiền để đổi lấy sự đầu hàng của họ được không?’. Lúc này Không Ấn nói: ‘Tôi cũng cảm thấy ông nên đi theo con đường an phủ đó’. 

Ở đây chúng ta thấy rằng, lúc ấy nào là đập bàn, thống mạ tướng khác bất tài, ‘tôi đến là dẹp được ngay’ v.v. nhưng đến khi thật sự vào việc thì biết rằng bản thân mình cũng được. 

Do đó Giáo sư Chương nhìn lại, cho dù ông Tập có đề bạt bao nhiêu tướng lĩnh, nhưng chúng ta không thể xem loại bày tỏ thái độ mang tính ‘bề mặt’ như thế này, đây chỉ là biểu diễn trên vũ đài chính trị mà thôi, nhằm mục đích dẫn khởi sự chú ý và coi trọng của Tập Cận Bình. Còn khi thật sự gặp chuyện, Giáo sư Chương cho rằng họ sẽ không dám đánh Đài Loan.

‘Ngoại tuyên nội tuyên hoá’: Tuyên truyền bên ngoài để đạt hiệu quả tẩy não bên trong

Dương Khiết Trì ở Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ – Trung tại Alaska

Những thái độ biểu đạt chỉ mang tính biểu diễn này làm tôi nhớ đến một khái niệm đó là: Ngoại tuyên nội tuyên hoá (外宣內宣化: truyên truyền ra bên ngoài để tẩy não bên trong).

Khái niệm này được một học giả Trung Quốc tên là Trữ Ân đề cập trong ‘Diễn đàn thảo luận kể chuyện Trung Quốc mới’ do viện chiến lược toàn cầu CCG tổ chức vào tháng 7/2021. Ông nói rằng: “Trung Quốc hiện nay đang hình thành một hiện tượng kỳ lạ, đó là ‘ngoại tuyên nội tuyên hoá’”. 

Là người am hiểu vấn đề thời sự và nhiều hệ thống diễn ngôn, trong chương trình ‘Chính luận thiên hạ‘ đăng ngày 20/7/2021, Giáo sư Chương Thiên Lượng giải thích, ban đầu tuyên truyền đối ngoại và tuyên truyền đối nội là đi theo 2 con đường hoặc sách lược khác nhau; nhưng hiện nay, tuyên truyền ra bên ngoài chính là để cho người trong nước (Trung Quốc) xem; cuối cùng không đạt được hiệu quả ở hải ngoại, mà đạt hiệu quả ở quốc nội.

Giáo sư Chương lấy ví dụ, ngày 18/3/2021 đã diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ – Trung ở Alaska với nồng nặc ‘mùi thuốc súng’ từ phía Trung Quốc. Ngay từ đầu Dương Khiết Trì đã ‘khai hoả’, ông nói rất to, nói liên tục trong 16 phút, hoàn toàn sử dụng Trung Văn. 

Là người hiểu lễ nghĩa, Giáo sư Chương đánh giá, loại biểu hiện trong trường hợp ngoại giao này vô cùng thất lễ, cảm giác như bạn đang ngồi đối diện với một người nói toàn tiếng châu Phi, nói liên tục trong 16 phút mà không cho ai phiên dịch, cảm giác như ‘nước đổ đầu vịt, nước đổ lá môn’ vậy. Bạn không biết đối phương đang nói gì, nhưng vẫn phải kiên nhẫn nghe. 

Phía Mỹ đợi Dương Khiết Trì nói xong, ông Dương lại nói với cô phiên dịch viên: “Cô cần phiên dịch không? Vậy cô hãy phiên dịch đi”. 

Dương Khiết Trì nói những lời này không phải cho Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken nghe, mà là cho ‘tiểu phấn hồng’ trong nước Trung Quốc nghe. Đây là ví dụ điển hình của ‘ngoại tuyên nội tuyên hoá’, vốn dĩ là cho ông Blinken nghe, nhưng lại biến thành việc nói cho người trong nước, ông Tập Cận Bình hoặc tiểu phấn hồng nghe.

Bài phát biểu của ông Tập nhân kỷ niệm 100 thành lập ĐCSTQ

Trong đại lễ kỷ niệm 100 năm thành lập ĐCSTQ diễn ra vào ngày 1/7/2021, trên quảng trường Thiên An Môn, ông Tập Cận Bình đã nói rằng: “Nhân dân Trung Quốc tuyệt đối không cho bất cứ thế lực ngoại lai nào bắt nạt, áp bức và nô dịch chúng ta. Nếu ai muốn làm thế ắt sẽ bị Vạn Lý Trường Thành do máu và thịt của 1,4 tỷ nhân dân Trung Quốc làm cho ‘vỡ đầu chảy máu’”.

Là người am hiểu các vấn đề thời sự, Giáo sư Chương phân tích: Thứ nhất, người nước ngoài không bắt nạt Trung Quốc, họ đều muốn làm ăn bình đẳng với Đại lục. Thứ hai, lời cảnh báo của ông Tập là nhắm vào nước Mỹ, nhưng trên thực tế, ĐCSTQ không có năng lực quân sự để làm Hoa Kỳ ‘vỡ đầu chảy máu’. Do đó điều ông Tập nói không phải cho người Mỹ nghe, mà là cho người Trung Quốc nghe. Đây cũng là một ví dụ điển hình nữa của ‘ngoại tuyên nội tuyên hoá’.

Mạn Vũ

Related posts