Mỹ cáo buộc Nga đe dọa hạt nhân vô trách nhiệm, vi phạm hiến chương LHQ

Lam Giang

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ở New York, hôm 21/9/2022. (Ảnh: Anna Moneymaker/Getty Images)

Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm thứ Tư (21/9) đã cáo buộc Nga đưa ra những lời đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân một cách “liều lĩnh” và “vô trách nhiệm”, đồng thời nói rằng Moscow đã vi phạm các nguyên tắc cốt lõi của tư cách thành viên Liên Hợp Quốc bằng cuộc xâm lược Ukraine.

Phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ở New York, ông Biden đã chỉ trích Tổng thống Nga Vladimir Putin vì đã khơi mào một cuộc chiến vô cớ, khiến cho 40 thành viên Liên Hợp Quốc phải hợp lực hỗ trợ Ukraine thông qua cung cấp kinh phí và vũ khí.

Cùng ngày, ông Putin đã ra lệnh động viên một phần người Nga đến chiến đấu ở Ukraine và đưa ra lời đe dọa về việc sử dụng vũ khí hạt nhân. Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) gọi là hành động tuyệt vọng “liều lĩnh” khi Nga đối mặt với thất bại gần như chưa từng có trên chiến trường Ukraine.

Ông Biden lặp lại tuyên bố của NATO.

“Một lần nữa, mới hôm nay, Tổng thống Putin đã công khai đe dọa hạt nhân chống lại các quốc gia châu Âu, một cách liều lĩnh, coi thường trách nhiệm về việc không phổ biến vũ khí hạt nhân”, ông Biden nói.

Ông nói: “Một cuộc chiến tranh hạt nhân không thể thắng và không bao giờ được tiến hành”.

Tổng thống Biden cho biết không ai đe dọa Nga, mặc dù nước này tuyên bố ngược lại và chỉ có Nga tìm kiếm xung đột với các quốc gia khác. Ông sử dụng bối cảnh của Liên Hợp Quốc để nhấn mạnh quan điểm của mình rằng Moscow đã vi phạm các giá trị của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

“Một thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã xâm lược nước láng giềng của mình, cố gắng xóa sổ một quốc gia có chủ quyền khỏi bản đồ. Nga đã vi phạm một cách đáng xấu hổ các nguyên tắc cốt lõi của Hiến chương Liên Hợp Quốc”, ông Biden khẳng định.

“Cuộc chiến này nhằm dập tắt quyền tồn tại như một nhà nước, đơn giản và thuần túy của Ukraine, và quyền tồn tại với tư cách là một người dân của Ukraine. Dù cho quý vị đang ở đâu, sống ở đâu, bất cứ điều gì quý vị tin tưởng, điều đó sẽ… khiến cho quý vị phải sốc”.

Phái bộ của Nga tại Liên Hợp Quốc đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận về phát biểu của ông Biden. Trong khi Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đang ở New York, một phó đại sứ của Nga tại Liên Hợp Quốc đã có mặt trong phòng phát biểu của ông Biden.

Cuối ngày thứ Tư (21/9), một quan chức cấp cao của Nhà Trắng nói với các phóng viên rằng, thông báo của ông Putin “cho thấy một môi trường rất áp lực ở Nga” nhưng nói rằng còn quá sớm để nói về độ nghiêm trọng của các cuộc biểu tình chống vận động ở Nga.

Ông Putin đã buộc phải “dùng đến điều mà rõ ràng là ông ấy không muốn làm”, quan chức này nói, “phản ánh thực tế rằng chiến dịch của ông ấy ở Ukraine đang thất bại”.

Cạnh tranh để gây ảnh hưởng ngoại giao

Hoa Kỳ và các đồng minh phương Tây đang cạnh tranh với Nga về ảnh hưởng ngoại giao. Hoa Kỳ thừa nhận rằng một số quốc gia lo ngại cuộc chiến Ukraine đã thu hút sự chú ý của toàn cầu khỏi các cuộc khủng hoảng khác.

Washington từ lâu cũng đã tranh giành quyền lực với Bắc Kinh.

“Hãy để tôi nói thẳng về sự cạnh tranh giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Khi quản lý các xu hướng địa chính trị đang thay đổi, Hoa Kỳ sẽ tự ứng xử như một nhà lãnh đạo”, ông Biden nói.

“Chúng tôi không tìm kiếm xung đột. Chúng tôi không tìm kiếm một cuộc Chiến tranh Lạnh. Chúng tôi không yêu cầu bất kỳ quốc gia nào phải lựa chọn giữa Hoa Kỳ hay bất kỳ đối tác nào khác”, ông nói.

Ông Biden cũng cáo buộc việc Trung Quốc ngừng hợp tác song phương với Hoa Kỳ trong các cuộc đàm phán về khí hậu sau chuyến thăm Đài Loan ngày 2-3 của Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi.

“Hoa Kỳ sẽ làm việc với mọi quốc gia, bao gồm cả các đối thủ cạnh tranh của chúng tôi, để giải quyết các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu. Ngoại giao khí hậu không phải là một lợi ích của Hoa Kỳ hay bất kỳ quốc gia nào khác và việc bỏ đi sẽ gây tổn hại cho toàn thế giới”, ông nói.

Ông Biden đã công bố 2,9 tỷ USD tài trợ bổ sung để chống lại tình trạng mất an ninh lương thực toàn cầu, tăng thêm hơn 6,9 tỷ USD tài trợ đã cam kết trong năm nay.

Hoa Kỳ đã tăng cường tập trung vào nguồn cung cấp lương thực kể từ khi Nga xâm lược Ukraine vào ngày 24/2, làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng toàn cầu vốn đã bị thúc đẩy bởi biến đổi khí hậu và đại dịch COVID-19. Nga và Ukraine là những nhà xuất khẩu ngũ cốc và phân bón lớn và các chuyến hàng đã bị gián đoạn do chiến tranh.

Ông Biden đã bác bỏ những lời phàn nàn của Nga rằng các biện pháp trừng phạt của phương Tây đang làm tổn hại đến xuất khẩu của họ, nhấn mạnh rằng các lệnh trừng phạt của Mỹ rõ ràng cho phép Nga xuất khẩu thực phẩm và phân bón. Đồng thời, ông Biden nói rằng “cuộc chiến của Nga đang làm trầm trọng thêm tình trạng mất an ninh lương thực”.

Ông cũng kêu gọi các quốc gia không tích trữ ngũ cốc trong khi còn rất nhiều người đang phải đối mặt với nạn đói.

Ông nói rằng, ở nhiều quốc gia trên thế giới, chẳng có gì quan trọng hơn việc cha mẹ cho con cái của mình ăn uống đầy đủ.

Hoa Kỳ đã cáo buộc Trung Quốc dự trữ ngũ cốc. Dự trữ ngũ cốc của Trung Quốc vào cuối niên vụ 2021/22 được Hội đồng Ngũ cốc Quốc tế ước tính là 323,5 triệu tấn, chiếm hơn một nửa so với tổng số 602,9 triệu tấn trên toàn cầu. Con số này thấp hơn so với Hoa Kỳ, nước xuất khẩu ngũ cốc hàng đầu thế giới, ước tính đạt 57,5 ​​triệu tấn.

Ông Biden cũng thúc đẩy việc gia hạn một thỏa thuận do Liên Hợp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian hồi tháng 7, cho phép Ukraine nối lại xuất khẩu thực phẩm và phân bón ở Biển Đen. Nga cũng khiến nhiều quốc gia ngại về việc liệu nước này có tiếp tục thỏa thuận ngũ cốc kéo dài 120 ngày hay không.

Lam Giang

Related posts