Tin thế giới chiều thứ Hai: Nga tập trung tại Biển Đen 11 chiến hạm, 16 hoả tiễn đang ở tư thế chờ

Nga tập trung tại Biển Đen 11 chiến hạm, 16 hoả tiễn đang ở tư thế chờ

Nga cất giữ hai tàu Kalibr ở Chornoy (Ảnh chụp màn hình từ video)

Ukraina cho biết Nga đã tập trung tại Biển Đen 11 chiến hạm, với 16 hoả tiễn đang ở chế độ chờ, theo RBC.

Theo Bộ chỉ huy tác chiến miền nam Ukraina, trong số này gồm 3 tàu đổ bộ cỡ lớn và 2 tàu mang hoả tiễn hành trình chính xác cao với tổng số 16 hoả tiễn Kalibr.

Tuyên bố của Bộ này cho biết lực lượng Nga không dám rời khỏi ‘vùng an toàn’ của họ vì bị hạn chế bởi các bảo đảm quốc tế, thoả thuận về hành lang ngũ cốc, cũng như lo sợ về các phương tiện hủy diệt của Ukraina.

Dù hạ thấp nguy cơ bị Nga tấn công, nhưng quân đội Ukraina cũng cảnh báo người dân hãy giữ an toàn, và không được chia sẻ thông tin về vị trí, các đơn vị Ukraina đang đóng quân cho Nga.

Ở một diễn biến khác, giới tình báo Anh cho rằng Nga đang cố gắng xây dựng một hàng phòng thủ sâu ở tiền tuyến, theo Hvylya đưa tin.

Được biết, vào ngày 19 tháng 10, chủ sở hữu của tổ chức quân sự tư nhân “Wagner” Yevgeny Prigozhin nói rằng, ông ta đang chuẩn bị một phòng tuyến Wagner kiên cố ở phần bị chiếm đóng của vùng Luhansk.

Các hình ảnh được đưa lên mạng cho thấy các cơ sở chống tăng và hệ thống chiến hào ở phía đông nam Kremennaya.

Người Anh cho rằng, nếu Nga có kế hoạch tạo ra một tuyến phòng thủ nghiêm trọng như vậy, thì quân Nga có thể sẽ cố gắng đưa Seversky Donets vào khu vực phòng thủ và lặp lại một phần đường phân giới năm 2015.

Các trinh sát tin rằng Liên bang Nga có thể tạo ra một tuyến phòng thủ sâu dọc theo chiến tuyến hiện tại, và điều này sẽ khiến các cuộc phản công nhanh chóng của Lực lượng vũ trang Ukraina là không thể.

Trần Phong

Bệnh viện Tân Cương từ chối nhận sản phụ chuyển dạ, người nhà quỳ gối van xin trước cổng

Hôm 20/10, một phụ nữ quỳ gối bên ngoài Bệnh viện Nhi đồng Urumqi, liên tục quỳ lạy van xin cho cháu mình được nhập viện

Tân Cương tiếp tục tăng cường kiểm soát với danh nghĩa phòng chống dịch bệnh, và một số lượng lớn bệnh nhân không thể đến bệnh viện. 

Trong đoạn video được đăng tải vào ngày 20/10, một phụ nữ quỳ gối bên ngoài Bệnh viện Nhi đồng Urumqi, liên tục quỳ lạy van xin cho cháu mình được nhập viện, nhưng nhân viên ở cổng bệnh viện chỉ đứng nhìn một cách lạnh lùng.

Trang tin tức TS News cho biết, khu cổng Bắc của Bệnh viện Nhi đồng Urumqi là bệnh viện mã vàng (bản thân người ra vào bệnh viên sẽ được gắn mã sức khoẻ màu vàng), chuyên khám chữa bệnh cho trẻ em ở các khu vực có nguy cơ trung bình và cao và trẻ em bị sốt.

Trên tài khoản Weibo “Urumqi Chaohua”, cũng có rất đông người thân của bệnh nhân cầu cứu, lên án rằng người thân của họ đang trong tình trạng nguy kịch nhưng không thể đi khám chữa bệnh. (Ảnh 1, ảnh 2)

Vài ngày trước, cũng có một đoạn video cho thấy các quan chức nói rằng Bệnh viện Bảo vệ Sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em Hữu Ái ở Urumqi, nơi tiếp nhận các sản phụ ở các khu vực có nguy cơ trung bình và cao đã từ chối tiếp nhận sản phụ chuyển dạ vào, họ còn ngăn chặn nhiều thai phụ vỡ ối ngoài cổng lúc sáng sớm. 

Ngoài ra, trên Youtube có một đoạn video cho thấy sản phụ sinh con ở lề đường bên ngoài bệnh viện. Một người đàn ông nghi là người nhà của sản phụ đã mắng nhiếc các nhân viên chống dịch vì không cho sản phụ nhập viện. Người đàn ông chỉ vào những chiếc ô tô đang đậu phía sau và cho biết hiện có 4 sản phụ đang ngồi chờ trên xe trong tình trạng đau đớn, trong đó 3 người đã vỡ ối và một người đang lên cơn co thắt. 

Theo NTDTV, việc điều trị y tế tại địa phương cần phải được báo cáo theo từng cấp chính quyền, từ quản lý cộng đồng, đến văn phòng khu phố, chính quyền cấp huyện, chấp thuận, bất kỳ loại mã nào không phù hợp sẽ không thể được điều trị.

Người nhà bệnh nhân cho biết cho phòng viên, cha của anh được đưa vào Bệnh viện Mã vàng nhưng do chẩn đoán dương tính nên phải chuyển sang Bệnh viện Mã đỏ để tiếp tục điều trị. Mặc dù cha người này bị sưng phù do nhiễm trùng đường tiểu nhưng phải đợi sau khi từng cấp phê duyệt, đợi xe chuyên dụng chở đến bệnh viện Mã đỏ, thì cha anh mới có thể chạy thận.

Trần Phong

Cựu quan chức Nga: Vận may của ông Putin đã hết

Nhà cựu ngoại giao Nga cho rằng ông Putin đã hết vận may.

Truyền thông Mỹ newsweek đưa tin, Ông Boris Bondarev, cựu quan chức ngoại giao Nga, cho biết trong một cuộc phỏng vấn được công bố hôm Chủ nhật 23/10 rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin đã hết vận may.

Ông Bondarev đã từ chức Tham tán thuộc Phái đoàn thường trực Liên bang Nga tại Liên Hợp Quốc (LHQ) vào tháng 5. Ông viết trong lá thư từ chức rằng cuộc chiến của Nga tại Ukraina “không chỉ là tội ác đối với người dân Ukraine, mà còn có thể là tội ác nghiêm trọng nhất đối với người dân Nga.”

Phát biểu về nhà lãnh đạo Putin trong cuộc phỏng vấn với Sky News, ông Bondarev nói: “Tôi nghĩ 20 năm cầm quyền của ông ấy là một điều rất may mắn đối với ông ấy. Ông ấy không thông minh mà chỉ là may mắn. Giờ tôi nghĩ vận may của ông ấy đã hết.”

Nhà cựu ngoại giao cho rằng ông Putin sẽ sẵn sàng “hy sinh 10 hoặc 20 triệu người Nga chỉ để giành chiến thắng trong cuộc chiến này… Đó là vấn đề chính trị sống còn đối với ông ấy.”

Ông Bondarev nói thêm: “Mọi người phải hiểu rằng, nếu ông ta thua trong cuộc chiến, đó sẽ là dấu chấm hết cho ông ta.”

Nhà cựu ngoại giao nói rằng nếu TT Putin thua trong cuộc chiến, thì “ông ấy sẽ phải giải thích cho giới tinh hoa và người dân của ông ấy tại sao lại như vậy và ông ấy có thể thấy khó khăn trong việc giải thích điều này.”

Trần Phong

Chuẩn tướng Mỹ: Ông Tập tiếp tục nắm quyền khiến TT Putin ‘rảnh tay’ ở Ukraine

Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã kết thúc và Chủ tịch Tập Cận Bình tiếp tục giành được nhiệm kỳ thứ ba như dự kiến. Trong bối cảnh ông Tập nắm quyền như một hoàng đế, Tổng thống Nga Vladimir Putin dường như sẽ “rảnh tay hơn” trong khi Mỹ và các đồng minh sẽ phải tập trung để đối phó với Trung Quốc, và tình hình Ukraine sẽ trở nên tồi tệ hơn nữa, Chuẩn tướng Không quân Hoa Kỳ đã nghỉ hưu Blaine Holt nhận định trên Newsmax Sunday.

“Tình hình ở đó thực sự sẽ rất tàn bạo,” ông Holt nhận xét. “Tôi nghĩ chúng ta sẽ bắt đầu thấy các thành phố như Lviv và Kyiv trở thành vùng mục tiêu. Chúng tôi đang tìm hiểu tất cả tình huống ở Kherson khi người Nga bỏ đi và bỏ lại người Ukraine ở đó.”

Ông Holt cho biết thêm, việc ông Tập tiếp tục nắm quyền lãnh đạo Trung Quốc cũng sẽ đồng nghĩa với thực tế Hoa Kỳ sẽ phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng.

Ông giải thích: “Hãy nói đến cuộc chạy đua về công nghệ. Không chỉ là vấn đề Trung Quốc thâm nhập vào đất nước chúng ta, mà nếu các bạn nhìn vào dự luật về chip mới mà chúng tôi vừa ký”, rõ ràng là Hoa Kỳ đang phải tăng cường sức cạnh tranh với Trung Quốc trên thị trường sản xuất chip.

Nhưng điều đó cũng đặt ra câu hỏi về việc liệu dự luật này có khiến ông Tập thêm lý do để tấn công Đài Loan, quốc đảo sở hữu nhà sản xuất chip tiên tiến nhất thế giới hay không.

Ông Holt nhấn mạnh, ông Tập cũng đang tập trung ​​quyền lực to lớn, vì vậy “chúng ta sẽ nhìn nhận Trung Quốc theo một cách rất khác so với những gì chúng ta đã thấy trong 10 năm qua. Ông ta đã xóa sổ bất kỳ đối thủ nào và loại bỏ tất cả các nguyên lão.”

Ngày 23/10, một ngày sau khi Đại hội 20 bế mạc, ông Tập đã công bố sáu thành viên mới của ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị, cơ quan cầm quyền hàng đầu của Trung Quốc. Hiện đội ngũ này hiện chỉ còn những người trung thành của ông Tập.

Cùng ngày, ông Tập tiết lộ danh sách 24 thành viên của Bộ Chính trị, đáng lưu ý là lần đầu tiên trong 25 năm, danh sách này không có tên của bất cứ nữ ủy viên nào.

Nói về việc ông Tập ra lệnh cho người đưa ông Hồ Cẩm Đào khỏi hội nghị, ông Holt nhìn nhận: “Đó là một thông điệp gửi đến người Trung Quốc, và là thông điệp gửi đến tất cả chúng ta.”

Vị tướng về hưu cho rằng, những động thái của ông Tập cũng là bằng chứng cho thấy “đồng hồ đã điểm” để Trung Quốc tận dụng sự yếu kém của Mỹ trong hai năm còn lại dưới thời Tổng thống Joe Biden.

Ông kết luận, Hoa Kỳ cần xem xét lại mọi lĩnh vực có sự can dự của Trung Quốc. “Chúng ta cần thực hiện điều đó rất nghiêm túc và có thể làm điều đó ngay bây giờ. Chúng ta nên chuẩn bị sẵn sàng làm điều đó ngay lúc này. Sức mạnh của Mỹ sẽ giúp chúng ta trong thế giới đầy nguy hiểm mà chúng ta đang sống.”

Nhật Minh (Theo Newsmax)

Đại hội 20: Không còn bất kỳ nữ lãnh đạo nào trong ĐCSTQ

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp tục nhiệm kỳ lãnh đạo thứ ba (Ảnh chụp màn hình video)

Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) lần thứ 20 đã làm nổi bật tình trạng mất cân bằng giới tính trong giới chính trị cao tầng nước này: Lần đầu tiên trong 25 năm, không có bất kỳ nữ thành viên nào lọt vào danh sách ủy viên Bộ Chính trị gồm 24 người.

Trong khi ông Tập Cận Bình và các đồng minh củng cố tập trung quyền lực vào cuối tuần qua, nữ lãnh đạo cấp cao nhất của đảng đã chính thức nghỉ hưu.

Chính trị gia kỳ cựu Tôn Xuân Lan (Sun Chunlan), Phó thủ tướng phụ trách các chính sách y tế của Trung Quốc, đã vắng mặt trong danh sách của Ủy ban Trung ương được công bố hôm 22/10, điều đó có nghĩa là bà đã nghỉ hưu

Trong đảng chính trị lớn nhất thế giới với 96 triệu đảng viên này, phụ nữ chưa bao giờ nắm nhiều quyền lực, và giờ đây thậm chí họ còn nắm giữ ít chức vụ hơn.

Phụ nữ chỉ chiếm 5% trong Ban Chấp hành Trung ương gồm 205 thành viên mới của đảng, trong khi Ban Thường vụ 7 thành viên – đỉnh cao quyền lực của Trung Quốc – toàn bộ đều là nam giới, mà đứng đầu là ông Tập Cận Bình.

Bà Tôn Xuân Lan, 72 tuổi, là người phụ nữ duy nhất trong Bộ Chính trị trước đây, cơ quan ra quyết định hành pháp của ĐCSTQ.

Thường được cử đi thị sát các thành phố của Trung Quốc trong bối cảnh bùng phát dịch COVID-19, cựu lãnh đạo đảng của tỉnh Phúc Kiến và thành phố Thiên Tân đã trở thành gương mặt đại diện cho chính sách Zero-COVID, chỉ huy các biện pháp cứng rắn ở bất cứ nơi nào bà đến. Điều này khiến bà Tôn Xuân Lan có biệt danh là “Bà đầm thép”.

Về cơ bản, những nhân vật như Tôn khá hiếm thấy trong chính trường Trung Quốc, nơi mạng lưới bợ đỡ nam giới và chủ nghĩa phân biệt giới tính đã ăn sâu vào trong sự nghiệp của các ứng cử viên triển vọng, các chuyên gia nhận định.

Nó khác xa so với lời cam kết của tổ chức Đảng Cộng sản Mao Trạch Đông rằng “phụ nữ nắm giữ nửa bầu trời”.

Bộ Chính trị chỉ có 6 nữ thành viên kể từ năm 1948, trong đó có ba người đảm nhận chức vụ phó thủ tướng, và chưa từng có ai nào lọt vào Ủy ban thường vụ Bộ Chính trị.

Giới quan sát từng dự đoán, có thể có một số ứng viên thay thế cho bà Tôn Xuân Lan, chẳng hạn bà Thẩm Dược Dược (Shen Yueyue), người đứng đầu Liên đoàn Phụ nữ toàn Trung Quốc, hoặc bà Thầm Di Cầm (Shen Yiqin), cựu Bí thư Đảng tổ, Quyền Tỉnh trưởng Chính phủ Nhân dân tỉnh Quý Châu. Nhưng cuối cùng vẫn không có một nữ ủy viên nào tiến vào Ủy ban Trung ương.

Mặc dù phụ nữ chiếm khoảng 29% tổng số đảng viên Đảng Cộng sản, nhưng rất ít người trong số họ có thể thăng tiến từ các vị trí cấp cơ sở.

Ví dụ, tỷ lệ thành viên nữ trong Ủy ban Trung ương chỉ dao động ở mức 5 đến 8% trong vòng hai thập kỷ qua, theo ông Victor Shih, giáo sư khoa học chính trị tại UC San Diego.

Ông nhấn mạnh: “Sự phân biệt đối xử ở các cấp thấp hơn khiến họ không có được các vị trí cấp cao. Bởi vì phụ nữ nắm giữ nhiều vị trí biên hơn ở các cấp thấp hơn, họ tham gia chính phủ muộn hơn nam giới và buộc phải nghỉ hưu sớm hơn so với nam giới.”

Minh Ngọc (Theo AFP)

Related posts