Nâng cấp quan hệ với Việt Nam: Chiến lược gần ASEAN, xa Trung Quốc của Seoul?
Minh Anh
Ngày 05/12/2022, tổng thống Hàn Quốc đã long trọng tiếp đón chủ tịch Việt Nam tại Seoul, với tư cách là khách mời cấp Nhà nước đầu tiên và duy nhất trong nhiệm kỳ 5 năm của ông. Sự trọng thị này của nguyên thủ Hàn Quốc dành cho Việt Nam khẳng định xu hướng của Seoul tìm cách thắt chặt quan hệ đối tác với các quốc gia Đông Nam Á, như là một phần trong nỗ lực chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương do Mỹ dẫn đầu và giữ khoảng cách với Trung Quốc.
Trong buổi họp báo chung với đồng nhiệm Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, tổng thống Hàn Quốc Yoon Seok Yoon cho biết hai nước tái khẳng định kế hoạch mở rộng hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng và an ninh kinh tế, đặc biệt là trong khai thác đất hiếm tại Việt Nam.
Tuyên bố chung của hai lãnh đạo Việt Nam và Hàn Quốc còn bày tỏ phản đối việc quân sự hóa Biển Đông và bất kỳ thay đổi nguyên trạng nào tại vùng biển này – đây cũng chính là những lời lẽ mà Hoa Kỳ và các đồng minh sử dụng để phản đối Trung Quốc.
Khi tuyên bố sẽ « thiết lập các mối quan hệ đối tác toàn diện và chiến lược » với Hà Nội, tổng thống Yoon Seok Yoon đã xem Việt Nam như là một « đối tác cốt lõi trong chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương », gắn kết Hàn Quốc với các nước Đông Nam Á. Tầm nhìn này của Seoul, phần nào phản ảnh các nỗ lực của Mỹ và Nhật Bản, đã được nguyên thủ Hàn Quốc từng công bố tại Phnom Penh, khi đến dự thượng đỉnh ASEAN hồi tháng 11/2022.
Theo đó, Hàn Quốc đề ra mục tiêu « xây dựng một vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do, hòa bình và thịnh vượng nhờ vào tình liên đới và hợp tác với các nước ASEAN và nhiều quốc gia lớn khác », một khu vực « hài hòa tôn trọng các quyền và lợi ích của mỗi bên ». Theo ông, điều này sẽ cho phép ngăn ngừa các cuộc xung đột và đối đầu vũ trang, bảo vệ nguyên tắc giải quyết ôn hòa qua đối thoại. Nhưng lãnh đạo Hàn Quốc cũng cứng rắn tuyên bố « không bao giờ dung thứ cho việc đơn phương thay đổi nguyên trạng bằng vũ lực ».
Trong chiều hướng này, tại Phnom Penh, tổng thống Hàn Quốc cam kết tăng cường hợp tác với nhiều nước tại khu vực trong nhiều lĩnh vực như không phổ biến hạt nhân, chống khủng bố, bảo đảm an ninh hàng hải và dịch tễ, cũng như an ninh mạng.
Một mặt, tổng thống Hàn Quốc có cuộc họp ba bên với đồng nhiệm Mỹ Joe Biden và thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida tại thủ đô Cam Bốt. Mặt khác, ông cũng có cuộc hội kiến với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, bày tỏ sẵn sàng phát triển quan hệ song phương dựa trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau và lợi ích chung.
Theo quan sát của trang mạng Nikkei Asia, rõ ràng tổng thống Yoon có một cách tiếp cận khác với người tiền nhiệm. Cựu tổng thống Moon Jae In theo đuổi hợp tác kinh tế với khối ASEAN thông qua Chính sách hướng Nam, nhưng tránh chọc giận Trung Quốc, đối tác thương mại quan trọng.
Về phần mình, ông Yoon đề ra tầm nhìn ASEAN – Hàn Quốc, tìm cách mở rộng đầu tư của Hàn Quốc, hiện tập trung chủ yếu ở Việt Nam và Singapore, sang phần còn lại của Đông Nam Á. Mục tiêu là nhằm đảm bảo nguồn cung các loại nguyên nhiên liệu như lithium, niken và nhiều nguồn tài nguyên quan trọng khác cho ngành sản xuất xe ô tô điện.
Đầu tư của Hàn Quốc trong khu vực đã tăng gấp đôi trong vòng 10 năm. Nhờ vào « K-Pop», một thứ quyền lực mềm của Seoul, mà thị trường các dòng sản phẩm của Hàn Quốc đã được mở rộng.
Chính trong tầm nhìn này, tại thượng đỉnh G20 ở Bali, Hàn Quốc và Indonesia đã ký kết nhiều thỏa thuận tăng cường đầu tư song phương trong các lĩnh vực số hóa, chuỗi cung ứng, vận chuyển hàng hải, môi trường, cơ sở hạ tầng… Sau Việt Nam, đối với Hàn Quốc, Indonesia là một thị trường lớn thứ hai. Seoul cũng lần lượt mở rộng cam kết đầu tư và hỗ trợ kinh tế cho các nước Cam Bốt, Philippines…
Trong dài hạn, tổng thống Yoon đã chính thức đề nghị nâng cấp mối quan hệ ASEAN – Hàn Quốc hướng đến một đối tác chiến lược toàn diện vào năm 2024 nhân dịp kỷ niệm 35 năm thiết lập quan hệ đối tác đối thoại Hàn Quốc–ASEAN.