Tin thế giới sáng thứ Năm: Trung Quốc tuyên bố tử vong do COVID và các ca nặng đã giảm hơn 70% kể từ khi đạt đỉnh

Trung Quốc tuyên bố tử vong do COVID và các ca nặng đã giảm hơn 70% kể từ khi đạt đỉnh

Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh (CDC) Trung Quốc hôm thứ Tư cho biết số ca mắc bệnh COVID-19 nghiêm trọng ở Trung Quốc đã giảm 72% so với mức cao nhất vào đầu tháng này, và số ca tử vong hàng ngày ở bệnh nhân COVID-19 trong bệnh viện đã giảm 79% so với mức đỉnh, Reuters đưa tin.
Dịch bệnh ở Trung Quốc. (Ảnh chụp màn hình video)

Các số liệu, được công bố trên website của trung tâm, được đưa ra sau khi một nhà khoa học nổi tiếng của Chính phủ cho biết vào cuối tuần qua rằng 80% dân số của Trung Quốc đã bị nhiễm bệnh rồi, cho nên rất khó có khả năng tình trạng lây nhiễm tăng mạnh thêm được nữa trong 2 hoặc 3 tháng tới.

Trung Quốc đột ngột chấm dứt chính sách nghiêm ngặt zero-COVID vào đầu tháng 12 sau 3 năm, và sau đó đã bùng phát đợt lây nhiễm này. Như vậy, các quan chức Trung Quốc cho rằng đợt bùng phát này đã đi qua trạng thái đỉnh điểm.

Tuy nhiên một số chuyên gia toàn cầu đã cảnh báo về khả năng gia tăng các ca bệnh ở các vùng nông thôn, nơi cơ sở y tế còn thiếu thốn và hiện đang diễn ra đợt đoàn tụ gia đình vào dịp Tết.

CDC cho biết số bệnh nhân nguy kịch ở Trung Quốc đạt đỉnh vào ngày 4/1 với 128.000 ca và giảm xuống 36.000 ca vào ngày 23/1.

Trong khi đó, số ca tử vong tại các bệnh viện đã đạt mức cao nhất hàng ngày là 4.273 vào ngày 4/1 và giảm xuống còn 896 vào ngày 23/1. Số lượt đến các phòng khám sốt đã giảm 96,2%, từ mức cao nhất là 2,867 triệu vào ngày 22/12 xuống còn 110.000 vào ngày 23/1.

CDC cho biết thêm rằng vào ngày 22/12/2022, số người nhiễm bệnh và số ca khám ngoại trú vì sốt đã đạt đến đỉnh điểm, với số ca nhiễm mới “vượt quá 7 triệu mỗi ngày và số ca khám ngoại trú vì sốt hàng ngày lên đến đỉnh điểm là 2.867 triệu.”

Số liệu được đưa ra sau bình luận của một quan chức tại Ủy ban Y tế Quốc gia, người tuần trước cho biết Trung Quốc đã vượt qua đỉnh điểm số bệnh nhân COVID tại các phòng khám sốt, phòng cấp cứu và trong tình trạng nguy kịch.

Vào ngày 12/1, các nhà chức trách thông báo rằng gần 60.000 người mắc COVID đã chết trong bệnh viện kể từ đầu tháng 12/2022.

Nhưng một số chuyên gia cho rằng con số đó là thống kê không đầy đủ. Ít nhất, như Trung Quốc tuyên bố, nó không tính đến người chết tại nhà. Ngoài ra các báo cáo cho thấy nhiều người qua đời không được ghi chết vì COVID trong giấy chứng tử.

Đầu tháng 1/2023, sau báo cáo của Airfinity, một công ty phân tích dữ liệu y tế dự đoán của Anh, ước tính rằng số người chết vì dịch bệnh ở Trung Quốc trong một ngày sau ngày 23 tháng này lên tới 25.000 người. Đến ngày 19/1, Bloomberg trích dẫn một báo cáo mới từ Airfinity rằng trong dịp Tết âm lịch, 36.000 người có thể chết vì bệnh viêm phổi Vũ Hán ở Trung Quốc mỗi ngày, trở thành một trong những giai đoạn nguy hiểm nhất của đại dịch.

Thiên Đức

Nhiệt độ xuống thấp kỷ lục ở Trung Quốc, vùng đất sát biên giới Nga có nhiệt độ -53°C

Ngày 25, nhiệt độ tại 13 tỉnh thành phía Bắc xuống mức thấp nhất kể từ mùa đông năm nay. (Ảnh: STR/AFP qua Getty Images)

Không chỉ dịch bệnh tấn công khắp toàn quốc, người Trung Quốc đang chịu đựng khí hậu khắc nghiệt bằng đợt lạnh kỷ lục. Nơi thấp nhất nhiệt độ xuống dưới mức -53°C. Không khí lạnh tấn công 13 tỉnh thành, bắt đầu từ ngày nghỉ thứ ba của kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.

Vào ngày nghỉ thứ ba của kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, luồng không khí lạnh tiếp tục tràn qua nhiều tỉnh ở phía Bắc Trung Quốc. Tại nhiều vùng, nhiệt độ xuống thấp ở mức kỷ lục.

Theo quan trắc của cơ quan khí tượng thuỷ văn, từ ngày 25/1/2023, nhiệt độ tại 13 tỉnh thành phía Bắc Trung Quốc đã xuống mức thấp nhất trong mùa đông năm nay. Nhiệt độ xuống mức thấp nhất trong lịch sử tại thị trấn Amur, thành phố Mohe, tỉnh Hắc Long Giang, nơi được mệnh danh là “Cực Bắc của Trung Quốc”, là -53°C, vượt qua mức cực đoan lịch sử -52,3°C vào ngày Ngày 13/2/1969. Mức lạnh này phá kỷ lục về nhiệt độ thấp nhất kể từ khi Trung Quốc có hồ sơ khí tượng.

Tờ Nhật báo Bắc Kinh đưa tin, nhiệt độ tại 13 thành phố thủ phủ của các tỉnh ở phía bắc đã chạm mức thấp mới kể từ đầu mùa đông. Nhiệt độ ở nhiều nơi trong số đó thấp tới -20°C, bao gồm Trường Xuân -27,3°C, Thẩm Dương -21,8°C, Hồi Hột -28,6°C, Thái Nguyên – 19,4°C, Bắc Kinh -16,7°C, Thiên Tân -15,2°C, Thạch Gia Trang -11°C, Tây An -6,6°C, Lan Châu -15,6°C, Ngân Xuyên -18,8°C, Tây Ninh -21,5°C, Urumqi -23,6°C, Tế Nam -13,6°C.

Trong số đó, Hồi Hột lạnh nhất kể từ cuối tháng 1/1971, lập kỷ lục lạnh nhất trong gần 50 năm. Đợt không khí lạnh này có mức độ vượt quá đợt Đại không khí lạnh năm 2016. Ngoài ra, Tây Ninh lần đầu tiên nhiệt độ giảm xuống dưới -20°C trong mùa đông này. Các tỉnh Tế Nam, Thạch Gia Trang lần đầu tiên nhiệt độ giảm xuống dưới -10°C trong mùa đông này.

Ngoài ra, theo tin tức từ Đài quan sát khí tượng trung ương Trung Quốc vào ngày 25, từ ngày 29 đến ngày 30, ở phía Tây Tây Tạng sẽ có tuyết rơi từ nhẹ đến trung bình, tuyết rơi dày và rất dầy từ Purang đến Nyalam; tuyết rơi dày cục bộ.

Đợt không khí lạnh kỷ lục ở Trung Quốc đang tác động tới Việt Nam. Từ tối qua 25/1/2023, nhiệt độ lạnh dần ở Hà Nội và tăng cường trong ngày hôm nay 26/1/2023.

Quang Nhật tổng hợp

Nga cảnh báo xe tăng Mỹ cấp cho Ukraine sẽ ‘bốc cháy’ và Đức không nên ‘khiêu khích hạt nhân’

Pháo binh Ukraina bắn lựu pháo M777 về phía các vị trí của Nga ở tiền tuyến phía đông Ukraina, 23/11/2022. (Anatolii Stepanov / AFP, qua Getty Images)

Điện Kremlin ngày 25/1 tuyên bố rằng bất kỳ xe tăng chiến đấu Abrams nào do Mỹ cung cấp cho Ukraine sẽ bị “đốt cháy”, đồng thời khẳng định rằng việc cung cấp Abrams cho Ukraine chỉ thêm tốn kém và vô nghĩa. Ngoài ra, Nga cũng cảnh cáo Đức và phương Tây đang “khiêu khích hạt nhân” khi cung cấp xe tăng Leopard 2 có trang bị đạn hạt nhân cho Ukraine.

Các quan chức Hoa Kỳ nói với Reuters hôm thứ Ba (24/1/2023) rằng Washington đã sẵn sàng gửi hàng chục xe tăng chiến đấu M1 Abrams tới Ukraine. Tuyên bố được đưa ra sau khi khả năng cao Đức sẽ gửi xe tăng Leopard 2 tới Ukraine sau khi từng từ chối yêu cầu này.

Phát biểu trong cuộc họp báo hàng ngày với các phóng viên, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng trong khi các lô hàng xe tăng M1 Abrams chưa được xác nhận, Mỹ đang làm một việc lãng phí tiền bạc.

“Tôi chắc chắn rằng nhiều chuyên gia hiểu được sự vô lý của ý tưởng này. Kế hoạch này là một thảm họa về mặt công nghệ”, ông nói.

“Nhưng trên hết, [Mỹ và phương Tây] đánh giá quá cao tiềm năng mà loại xe tăng này sẽ mang lại cho quân đội Ukraine. Những chiếc xe tăng này cũng sẽ bị bốc cháy như tất cả những loại khác”, ông nói thêm.

Kyiv trong nhiều tháng đã yêu cầu phương Tây cấp thêm xe tăng; Ukraine cho rằng điều này có thể giúp họ thêm hỏa lực và tính cơ động để chọc thủng các tuyến phòng thủ của Nga và chiếm lại lãnh thổ bị chiếm đóng ở phía đông và phía nam.

Ngoài vấn đề xe tăng Abrams của Mỹ, Nga cũng gửi lời cảnh báo phương Tây ngừng “khiêu khích hạt nhân” khi Đức quyết định gửi Leopard 2 tới Ukraine.

Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius cho biết trên truyền hình hôm thứ Tư (25/1/2023) rằng những chiếc xe tăng Leopard 2 đầu tiên có thể được chuyển đến Ukraine trong khoảng 3 đến 4 tháng nữa.

Theo tin từ TASS, hãng thông tấn nhà nước Nga, Trưởng phái đoàn Nga tham dự cuộc đàm phán ở Vienna về an ninh quân sự và kiểm soát vũ khí Konstantin Gavrilov đã kêu gọi phương Tây ngăn chặn “các hành động khiêu khích hạt nhân” bằng cách gửi xe tăng Leopard 2 đến Ukraine.

Ông Gavrilov nói, “chúng tôi cảnh báo các nhà tài trợ phương Tây của bộ máy quân sự Kiev không khiêu khích hạt nhân và tống tiền. Chúng tôi biết rằng xe tăng Leopard 2, cũng như xe bọc thép chở quân Bradley và Marder được trang bị đạn xuyên giáp với đầu đạn uranium”.

Đại diện quân sự của Nga trong diễn đàn OSCE về hợp tác an ninh nhấn mạnh: “Việc sử dụng chúng dẫn đến ô nhiễm phóng xạ cho khu vực, giống như đã từng xảy ra ở Nam Tư cũ và Iraq. Trong trường hợp những loại vũ khí hạng nặng do NATO sản xuất được cung cấp cho Kiev, chúng tôi sẽ coi đó là việc sử dụng bom hạt nhân bẩn chống lại Nga với tất cả những hậu quả đi kèm nó”.

Chính phủ Đức trước đó đã quyết định gửi 14 xe tăng Leopard 2A6 tới Ukraine. Ngoài ra, Berlin sẽ cho phép tái xuất khẩu từ các nước khác.

Đại sứ Nga tại Đức Sergey Nechayev chỉ trích quyết định này là “cực kỳ nguy hiểm” vì nó “nâng xung đột lên một cấp độ đối đầu mới”. Theo cách nói của ông, sự lựa chọn của Berlin báo hiệu “sự từ chối cuối cùng của nước Đức trong việc thừa nhận trách nhiệm lịch sử” đối với những tội ác của Đức Quốc xã trong Thế chiến thứ hai. Ông cho rằng quyết định này đã khiến “con đường hòa giải khó khăn sau chiến tranh giữa người Nga và người Đức” bị lãng quên.

Quang Nhật tổng hợp

Related posts