Hạnh phúc xen lẫn thương đau giữa hoang tàn tâm chấn

Huyền Anh

Lực lượng cứu hộ vui mừng sau khi giải cứu thành công cô Melisa Ulku, 24 tuổi, khỏi đống đổ nát của một tòa nhà bị sập ở quận Elbistan, phía nam tỉnh Kahramanmaras, hôm 11/2/2023, năm ngày sau trận động đất mạnh 7,8 độ Richter tấn công phía đông nam Thổ Nhĩ Kỳ. (Ảnh: Ozan Kose/AFP/Getty Images)

Năm ngày sau trận động đất mạnh 7,7 và 7,6 độ Richter, tâm chấn Kahramanmaras (tỉnh miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ) đã phải hứng chịu thiệt hại với quy mô tàn phá không tưởng.

Toàn bộ khu dân cư ở trung tâm tỉnh Kahramanmaras đã bị san phẳng đến mức không thể nhận ra. Những người sống sót bàng hoàng tụ tập gần những đống đổ nát – nơi từng là những tòa nhà cao tầng – hồi hộp chờ đợi tin tức về những người bạn và thân nhân vẫn đang mất tích.

“Cả con dâu và cháu tôi đều đã thiệt mạng trong trận động đất đầu tiên. Bây giờ tôi đang đợi họ tìm kiếm anh trai và cháu trai của tôi”, một phụ nữ lớn tuổi giấu tên nói với The Epoch Times.

“Làm sao người ta có thể sống sót [khi bị mắc kẹt trong đống đổ nát như thế này] được kia chứ?”, bà vừa nói vừa chỉ tay vào một đống đổ nát cao chót vót.

Cũng như Kahramanmaras, trận động đất kép đã tàn phá 9 tỉnh khác ở miền nam Thổ Nhĩ Kỳ và khiến chính phủ nước này phải ban bố tình trạng khẩn cấp kéo dài 3 tháng.

Tính đến tối 11/2, số người chết chính thức sau trận động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ là 24.617 người, với 80.000 người khác bị thương. Dự kiến số liệu trên sẽ tiếp tục tăng, đặc biệt là số người chết sẽ còn cao hơn nữa khi có thêm nhiều thi thể được kéo ra từ đống đổ nát.

Số người chết chính thức ở Syria là 3.553 người, nâng tổng số người chết vì thảm họa này lên 28.170 người.

Một người phụ nữ ngồi trên đống đổ nát của một tòa nhà bị phá hủy ở Kahramanmaras, miền nam Thổ Nhĩ Kỳ, một ngày sau trận động đất mạnh 7,8 độ Richter tấn công miền đông nam nước này, hôm 7/2/2023. (Ảnh: Adem Altan/AFP/Getty Images)

‘Gia đình nào cũng phải đối mặt với bi kịch’

Trò chuyện với cư dân của tâm chấn Kahramanmaras, hầu như ai cũng có câu chuyện đau lòng để chia sẻ.

“Tôi đã mất mẹ, cha, chị gái và anh rể cùng với ba đứa con của họ khi tòa nhà của họ sập xuống”, cô Serife Durna, một cư dân địa phương và là người mẹ hai con, nói với The Epoch Times.

“Người duy nhất sống sót là cháu gái một tuổi của tôi. Đối với chúng tôi mà nói, con bé tựa như một phép màu”, cô nói trong nước mắt khi cho phóng viên xem bức hình bé gái trên điện thoại.

Sau trận động đất, tòa nhà của cô Durna vẫn đứng vững, nhưng cô không thể tiếp tục ở đó do lo ngại sẽ có thêm dư chấn. Cô là giảng viên Đại học Kahramanmaras, cho nên hiện tại cô sẽ ở lại đây cùng với hàng trăm người vô gia cư khác.

“Mức độ tàn phá thật khó mà tưởng tượng nổi. Gia đình nào cũng phải đối mặt với bi kịch”, anh trai của cô Durna chia sẻ khi đứng bên cạnh cô. Anh đã vội vã rời khỏi thủ đô Ankara sau trận động đất.

Theo Bộ Môi trường Thổ Nhĩ Kỳ, hơn 7.585 tòa nhà đã bị sập hoàn toàn do các trận động đất ban đầu, cũng như khoảng 2.000 dư chấn tiếp tục làm rung chuyển khu vực.

Hôm 9/2, một trận động đất mạnh 4,4 độ Richter đã làm rung chuyển hai tỉnh phía nam của Thổ Nhĩ Kỳ là Gaziantep và Elazig. Ngày hôm sau, cơn dư chấn tiếp theo mạnh 4,2 độ Richter được cho là đã làm rung chuyển Kahramanmaras, đánh sập thêm ba tòa nhà khác.

Tuy nhiên, do các tòa nhà cao tầng của thành phố đã bị bỏ hoang từ lâu nên không có ai bị thương.

Một người phụ nữ bật khóc khi chứng kiến thảm cảnh sau trận động đất, trong khi lực lượng cứu hộ chạy đua với thời gian để giải cứu những người sống sót trong đống đổ nát của các tòa nhà bị sập ở Adana, Thổ Nhĩ Kỳ, hôm 6/2/2023. (Ảnh: Can Erok/AFP/Getty Images)

Hạnh phúc nhỏ nhoi giữa hoang tàn tâm chấn

Một cảm giác đau thương bao trùm khắp thành phố như một tấm khăn tang, thi thoảng xuất hiện những tin vui nhen nhóm. Tối 10/2, giới chức Thổ Nhĩ Kỳ thông báo họ đã cứu được 67 người tại các khu vực bị ảnh hưởng bởi động đất trong 24 giờ trước đó.

Nhờ những nỗ lực không mệt mỏi của các nhân viên cứu hộ, nhiều người sống sót tiếp tục được giải cứu ở Kahramanmaras – nơi bị tàn phá nặng nề nhất. Hôm 9/2, một em bé một tuổi đã được kéo ra từ đống đổ nát của một tòa nhà bị sập.

Mặc dù đã bốn ngày trôi qua sau trận động đất và nhiệt độ ban đêm thường xuyên xuống dưới mức đóng băng, nhưng ngày hôm sau đã có thêm nhiều tin tốt hơn.

“Cách đây không lâu, chúng tôi nghe thấy tiếng có người kêu cứu từ dưới đống đổ nát”, người đứng đầu đội cứu hộ từ quỹ viện trợ Hayrat của Thổ Nhĩ Kỳ nói với The Epoch Times.

Nhân viên cứu hộ giấu tên cho biết: “Cô gái bị mắc kẹt trên tầng ba của một tòa nhà bị sập, một cây cột đổ đã đè lên chân cô”.

“Sau khi nâng cây cột lên, chúng tôi cố gắng kéo cô ấy ra ngoài. Cô tên là Ayse, năm nay 18 tuổi. Tình trạng sức khỏe của cô hiện đã ổn định và đang được điều trị”, nhân viên cứu hộ cho hay.

Những người phụ nữ ôm nhau gần tòa nhà bị sập ở Hatay, Thổ Nhĩ Kỳ, hôm 7/2/2023. (Ảnh: Burak Kara/Getty Images)

Nỗ lực của cộng đồng quốc tế

Các tình nguyện viên từ khắp nơi trên thế giới đã bay đến Thổ Nhĩ Kỳ để trợ giúp hoạt động tìm kiếm và cứu nạn kể từ khi trận động đất kép xảy ra cách đây năm ngày.

Đội cứu hộ gồm 104 thành viên của El Salvador đã đến Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 8/2. Hiện nhóm này đang làm việc suốt ngày đêm theo ca 10 giờ ở quận Sazibey của Kahramanmaras.

Cho đến nay, đội cứu hộ này mới chỉ tìm thấy những thi thể trong đống đổ nát. Họ dự định ở lại Thổ Nhĩ Kỳ thêm ít nhất một tuần nữa, với hy vọng giải cứu thêm những người sống sót.

Thành viên của đội này, ông Wilson Ernesto, 50 tuổi, nói với The Epoch Times: “Chó nghiệp vụ và máy ảnh nhiệt của chúng tôi cho thấy vẫn còn người sống sót trong đó”.

Ông Ernesto, một lính cứu hỏa người El Salvador, cũng đã hỗ trợ các nỗ lực cứu hộ ở Haiti, nơi bị tàn phá bởi trận động đất mạnh 7 độ Richter vào năm 2010 và khiến khoảng 220.000 người thiệt mạng.

“Đất nước chúng tôi thường xuyên phải hứng chịu những trận động đất, vì vậy chúng tôi rất đồng cảm với những người khác khi điều đó xảy ra với họ. Đó là lý do tại sao chúng tôi đến đây”, ông chia sẻ.

Nhiều chuyên gia tìm kiếm và cứu hộ tình nguyện đã đến Kahramanmaras từ những nơi xa xôi như Pháp, Hàn Quốc, Romania, Israel và Úc.

Ảnh chụp hiện trường một tòa nhà bị sập sau trận động đất tại Iskenderun, Thổ Nhĩ Kỳ, hôm 7/2/2023. (Ảnh: Burak Kara/Getty Images)

‘Thảm họa thiên nhiên tồi tệ nhất trong một thế kỷ’ của Thổ Nhĩ Kỳ

Số người tử vong ngày càng tăng hiện đã vượt qua trận động đất mạnh 7,6 độ Richter xảy ra ở tây bắc Thổ Nhĩ Kỳ năm 1999, khiến hơn 17.000 người thiệt mạng. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã mô tả trận động đất kép trong tuần này là “thảm họa thiên nhiên lớn nhất trong một thế kỷ” của nước này.

Trong suốt lịch sử, khu vực địa lý mà ngày nay là Thổ Nhĩ Kỳ – nằm trên hai đường đứt gãy lớn – thường xảy ra hoạt động địa chấn. Năm 1939, hơn 32.000 người đã thiệt mạng khi một trận động đất lớn xảy ra ở tỉnh Erzincan, miền trung nước này.

Các trận động đất hôm 6/2 có thể cảm nhận được ở những nơi xa xôi như Síp, Liban và Ai Cập. Tuy nhiên, Syria – có có chung đường biên giới dài gần 1.000 km với Thổ Nhĩ Kỳ – là quốc gia duy nhất chịu thiệt hại tương đương với Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo các nguồn tin của Syria, hơn 3.100 người đã thiệt mạng trong các trận động đất ở các tỉnh Idlib, Aleppo, Hama, Latakia và Raqqa ở phía bắc nước này.

Trong khi đó, những người sống sót ở tỉnh Kahramanmaras của Thổ Nhĩ Kỳ vẫn đang phải vật lộn để vượt qua những mất mát của họ.

Cô Durna nói: “Sau khi trải qua những mất mát như vậy, tôi tưởng như mình mất trí đến nơi. Nhưng rồi chúng tôi cũng sẽ tìm thấy sức mạnh để gánh vác hết những nỗi đau này”.

“Chúng tôi tin tưởng vào Đấng Allah. Tôi bắt đầu cảm thấy bình yên [trong tâm hồn]. Tôi biết mình đã làm hết sức vì gia đình của mình rồi. Cho nên giờ đây tôi chẳng còn gì để mất nữa”, cô nói.

Theo The Epoch Times

Lam Giang biên dịch

Related posts