Tin VN sáng thứ Bảy: Tập đoàn Than-Khoáng sản gánh nợ hơn 3 tỷ USD, Chủ tịch được “nghỉ hưu sớm”

Thái Bình: Xử phạt gần 10.000 sản phẩm vi phạm về nhãn hàng hóa

Số hàng hoá bị cơ quan chức năng lập biên bản và xử phạt hành chính. (Ảnh: dms.gov.vn)

Một xe ô tô vận chuyển 9.548 sản phẩm vi phạm nhãn hiệu vừa bị cơ quan chức năng tỉnh Thái Bình kiểm tra và xử phạt hành chính.

Ngày 17/2, Cục Quản lý thị trường tỉnh Thái Bình cho biết vừa ban hành quyết định xử phạt hành chính lô sản phẩm thiết bị vệ sinh, đồ điện, bản lề cửa các loại, vi phạm về nhãn hàng hóa.

Trước đó, vào ngày 9/2, nhận tin báo từ người dân, đội Quản lý thị trường số 1 (Cục Quản lý thị trường tỉnh Thái Bình) phối hợp đội Tuần tra dẫn đoàn, Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh Thái Bình) tiến hành kiểm tra xe ô tô tải mang BKS 17H-00308 do ông Hoàng Văn Tề (SN 1973, trú tại xã Đông Trà, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình) điều khiển.

Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trên xe đang vận chuyển 9.548 sản phẩm gồm: phụ kiện thiết bị vệ sinh, đồ điện, bản lề cửa các loại. Tất cả số hàng trên đều vi phạm về nhãn hàng hóa. Lô hàng vi phạm có tổng giá trị hơn 70 triệu đồng.

Đội Quản lý thị trường số 1 đã lập biên bản vi phạm hành chính về hành vi vi phạm trên và xử phạt số tiền 11 triệu đồng.

Thạch Lam

Tập đoàn Than-Khoáng sản gánh nợ hơn 3 tỷ USD, Chủ tịch được “nghỉ hưu sớm”

Ông Lê Minh Chuẩn (đứng) để xảy ra hậu quả nghiêm trọng, được nghỉ hưu sớm và hưởng bảo hiểm từ ngày 1/3/2023. (Ảnh: quangninh.gov.vn)

Ông Lê Minh Chuẩn – cựu Chủ tịch Hội đồng thành viên (HĐTV) Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV – Vinacomin) vừa được nhận quyết định nghỉ hưu sớm và hưởng bảo hiểm xã hội từ ngày 1/3. Trong khi đó, tính đến quý 2/2022, tập đoàn này đang gánh khoản nợ hơn 74.400 tỷ đồng (hơn 3 tỷ USD), tương đương tổng nợ gấp 1,6 lần vốn chủ sở hữu.

Cụ thể, theo báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng đầu năm 2022, Vinacomin ghi nhận khoản nợ phải trả lên đến 74.400 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn là hơn 44.400 tỷ đồng, nợ dài hạn là hơn 30.000 tỷ đồng. Tổng nợ phải trả gộp lại hiện gấp 1,6 lần vốn sở hữu của Vinacomin.

Nợ vay lớn khiến trong nửa đầu năm 2022, Vinacomin phải trả tới 1.100 tỷ đồng lãi suất vốn vay. Tính bình quân, tập đoàn này phải trả tới hơn 6,5 tỷ đồng tiền lãi/ngày.

Tuy vậy, ông Lê Minh Chuẩn, cựu Chủ tịch của Tập đoàn Vinacomin vẫn nhận quyết định nghỉ hưu và hưởng bảo hiểm xã hội từ ngày 1/3. Được biết, ông Chuẩn từng làm Chủ tịch HĐTV của TKV giai đoạn 2014 -2022, báo Dân Trí đưa tin.

Quyết định này được Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp ký ban hành ngày 14/2/2023.

Trước đó, vào tháng 12/2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã ký quyết định đồng ý để ông Lê Minh Chuẩn từ chức Chủ tịch HĐTV Vinacomin từ ngày 30/12.

Tháng 11/2022, ông Khái cũng là người ra quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo đối với ông Lê Minh Chuẩn do đã có những vi phạm trong công tác.

Theo thông cáo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương vào cuối tháng 6/2022, những vi phạm của lãnh đạo Vinacomin đã gây hậu quả nghiêm trọng; ảnh hưởng xấu đến kết quả sản xuất, kinh doanh của Tập đoàn Vinacomin.

Đầu tư thua lỗ nặng; người mua hàng nợ Vinacomin lớn nhất là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN)

Vinacomin đang đầu tư tài chính vào 15 công ty liên doanh liên kết (nhiều nhất là doanh nghiệp kinh doanh Nhà và Hạ tầng với 61 tỷ đồng) và 6 đơn vị khác với tổng số tiền hơn 4.200 tỷ đồng, báo VTC đưa tin.

Bộ Tài chính cho biết đến thời điểm 31/12/2020, công ty mẹ Vinacomin có các khoản đầu tư tài chính dài hạn vào các công ty con, công ty liên kết. Tuy nhiên, một số công ty con có kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh bị lỗ và vẫn còn lỗ lũy kế.

Đơn cử như Công ty cổ phần Cromit Cổ Định Thanh Hóa lỗ 30,8 tỷ đồng, lỗ lũy kế là 252 tỷ đồng, bằng 63% vốn điều lệ. Công ty cổ phần Sắt Thạch Khê lỗ lũy kế là 21 tỷ đồng. Công ty cổ phần Đồng Tả Phời lỗ 203,4 tỷ đồng, lỗ lũy kế là 230,5 tỷ đồng, bằng 50,3% vốn điều lệ…

Đặc biệt hơn, một số đơn vị có dấu hiệu mất an toàn tài chính, phải đưa vào giám sát tài chính đặc biệt. Đơn cử như Công ty than Hà Lầm có hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu hai năm liên tiếp cao hơn mức quy định (trên 10 lần).

Vinacomin hiện có khoản phải thu lên đến hơn 12.000 tỷ đồng, phần lớn là phải thu ngắn hạn. Những “con nợ” lớn nhất là Công ty mua bán điện – Tập đoàn Điện lực Việt Nam hơn 2.900 tỷ đồng, Formosa Hà Tĩnh hơn 260 tỷ đồng, Nhiệt điện Mông Dương hơn 657 tỷ đồng…

Đặc biệt, tại thời điểm lập báo cáo, Vinacomin có hơn 270,8 tỷ đồng nợ khó đòi nhưng dự kiến chỉ thu hồi được 37,6 tỷ đồng (hơn 13%). Phần lớn nợ khó đòi của Vinacomin quá hạn rất lâu, chỉ có hơn 7,3 tỷ đồng là nợ ngắn hạn từ 6 – 12 tháng. Còn lại hơn 194 tỷ đồng là nợ quá hạn trên 3 năm.

Thêm điểm đáng chú ý là việc chi dùng các phí quản lý doanh nghiệp. Chỉ trong nửa đầu năm 2022, Vinacomin dành tới gần 2.700 tỷ đồng cho hạng mục này, trong khi phí cho bán hàng chỉ hết 2.300 tỷ đồng.

Trong gần 2.700 tỷ đồng phí quản lý doanh nghiệp (trong đó chi phí nhân viên quản lý là hơn 1.160 tỷ đồng), có hai khoản mục là chi phí dịch vụ mua ngoài lên đến hơn 193 tỷ đồng và chi phí khác bằng tiền hơn 925 tỷ đồng.

Tuấn Minh

Sai phạm đấu thầu tại Sở Y tế Cần Thơ: Cựu Giám đốc Sở lĩnh 8 năm tù

Hau cựu giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ Bùi Thị Lệ Phi và Cao Minh Chu. (Ảnh từ cơ quan công an)

Bà Bùi Thị Lệ Phi, cựu Giám đốc Sở Y tế TP. Cần Thơ, bị tuyên phạt 8 năm tù vì tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.

Ngày 17/2, TAND TP.HCM tuyên án 20 bị cáo về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, trong vụ sai phạm xảy ra tại Sở Y tế TP. Cần Thơ.

Trong vụ án này, 2 cựu Giám đốc Sở Y tế TP. Cần Thơ là bà Bùi Thị Lệ Phi và ông Cao Minh Chu; cựu Chủ tịch Hội đồng sáng lập NSJ Group Hoàng Thị Thúy Nga và 17 bị cáo khác bị VKS cáo buộc thông đồng trong thực hiện 4 gói thầu.

Theo cáo trạng, giai đoạn 2015-2019, bà Nga thành lập doanh nghiệp gồm NSJ Group, Công ty NSJ, Công ty Bình An, Công ty TNHH đầu tư và thương mại MQF… Bà Nga nhờ một số cấp dưới đứng tên pháp nhân nhằm ký các hợp đồng mua bán nội bộ, nâng khống giá thiết bị dự thầu.

Từ năm 2016 – 2017, bà Nga biết TP. Cần Thơ có 4 gói thầu mua sắm về y tế tại Bệnh viện Nhi và Bệnh viện Tim nên đã “chủ động” gặp ông ông Võ Thành Thống (cựu Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ) để nhờ giới thiệu đến bà Bùi Thị Lệ Phi và ông Cao Minh Chu.

Theo đó, 2 cựu Giám đốc Sở Y tế Cần Thơ đã thông đồng với bà Nga và các đồng phạm can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu, giúp cho Công ty NSJ và Công ty Bình An của bà Nga trúng 4 gói thầu, tổng trị giá gần 90 tỷ đồng, gây thiệt hại cho ngân sách gần 33 tỷ đồng.

Về tình tiết giảm nhẹ, tòa nhận định, ngoài bị cáo Phi, Chu, Nga, những bị cáo còn lại được xác định có mức độ phạm tội hạn chế vì là người làm công ăn lương. Các bị cáo Phi, Chu có nhiều cống hiến, được bị hại là Sở Y tế TP. Cần Thơ xin giảm nhẹ hình phạt.

Về trách nhiệm dân sự, tòa án cho biết số tiền thực tế mà Sở Y tế TP. Cần Thơ đã trả cho công ty của bị cáo Nga là hơn 86 tỷ đồng. Do đó, số tiền mà công ty của bị cáo Nga xác định chiếm hưởng là hơn 29 tỷ đồng. Tòa xác định toàn bộ số tiền này đều chuyển cho bị cáo Nga, buộc bị cáo này bồi thường số tiền này.

Tòa án cũng ghi nhận việc tự nguyện bồi thường toàn bộ thiệt hại trong vụ án mà bị cáo Nga đề nghị và việc tự nguyện khắc phục thiệt hại của một số bị cáo. Từ đó, bị cáo Nga phải nộp lại 27,25 tỷ đồng.

Từ những nhận định trên, HĐXX tuyên bị cáo Nga và Phi cùng mức án 8 năm tù giam, bị cáo Chu 7 năm tù giam (VKSND TP.HCM đề nghị bị cáo Nga và Phi mức án từ 9-10 năm tù, bị cáo Chu mức án 8-9 năm tù).

Các bị cáo còn lại bị tuyên mức án từ 2 năm (nhưng cho hưởng án treo) đến 5 năm tù giam.

Hải Phòng: Trưởng phòng nội vụ quận chưa tốt nghiệp THPT đã học đại học

Trụ sở UBND quận Hải An, TP. Hải Phòng. (Ảnh: Quận Hải An TP. Hải Phòng/Facebook)

Năm 1995 mới tốt nghiệp bổ túc trung học nhưng Trưởng Phòng nội vụ quận Hải An (TP. Hải Phòng) lại có thể học Đại học Luật Hà Nội khóa 1992 – 1997.

Ngày 17/2, đại diện UBND quận Hải An cho biết Ủy ban kiểm tra Quận ủy đã có kết quả xác minh liên quan nghi vấn bằng cấp tốt nghiệp của ông Phạm Văn Toàn (SN 1972, Trưởng Phòng Nội vụ quận Hải An) có vấn đề.

Cụ thể, ông Toàn được Sở GD&ĐT TP. Hải Phòng cấp bằng tốt nghiệp bổ túc trung học vào ngày 15/7/1995, sau khi đạt kết quả trong kỳ thi tốt nghiệp bổ túc trung học tại hội đồng thi An Hải II, khóa thi ngày 5 và 6/6/1995.

Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì mà từ năm 1992 đến năm 1997, ông Toàn đã có thể theo học lớp Luật kinh tế hệ dài hạn mở rộng của Trường ĐH Luật Hà Nội (khóa 1992 – 1997), học tại TP. Hải Phòng.

Kết quả xác minh của cơ quan chức năng xác định ông Toàn hoàn thành chương trình học tập gồm hai giai đoạn và có hồ sơ đào tạo, sổ ghi kết quả học tập ở cả hai giai đoạn.

Theo đó, ông Toàn được Trường ĐH Luật Hà Nội công nhận tốt nghiệp và cấp bằng tốt nghiệp ngành luật số hiệu A28536, cấp ngày 6/1/1997 (sau khi kết thúc khóa học 1992 – 1997).

Như vậy, ông Toàn khi chưa được công nhận tốt nghiệp bổ túc trung học (thuộc hệ THPT) nhưng lại có thể học đại học là không đúng quy định.

Trước đó truyền thông trong nước đồng loạt đưa tin vào đầu tháng 11/2022, Ủy ban kiểm tra Quận ủy Hải An được giao xác minh việc sử dụng bằng cấp của ông Toàn.

Theo ông Dương Đình Ổn (Chủ tịch UBND quận Hải An) sau khi nhận được thông tin phản ánh, địa phương đã liên hệ với Trường ĐH Luật Hà Nội và Sở Sở GD&ĐT TP. Hải Phòng để xác minh tính pháp lý của bằng tốt nghiệp đại học và bằng tốt nghiệp trung học phổ thông của ông Toàn.

Sau đó, UBND quận Hải An đã báo Thường trực Quận ủy về việc này và Thường trực Quận ủy chỉ đạo, giao Ủy ban kiểm tra quận vào cuộc xác minh.

Liên quan việc xử lý vi phạm đối với ông Toàn, lãnh đạo UBND quận Hải An cho biết sau khi Ủy ban kiểm tra Quận ủy có kết quả xác minh cụ thể, quận cũng sẽ xem xét xử lý theo quy định.

Được biết, trước khi được bổ nhiệm làm Trưởng Phòng Nội vụ quận Hải An vào tháng 7/2022, ông Toàn từng giữ chức vụ Trưởng Phòng Tư pháp quận này.

Bảo Khánh

Related posts