TT Zelensky: ‘Kế hoạch hòa bình’ của Trung Quốc ám chỉ quân đội Nga phải rời khỏi Ukraine

Tác giả Andrew Thornebrooke

TT Zelensky: ‘Kế hoạch hòa bình’ của Trung Quốc ám chỉ quân đội Nga phải rời khỏi Ukraine
Tổng thống Ukainian Volodymyr Zelensky đứng ở thị trấn Bucha, phía tây bắc thủ đô Kiev của Ukraine, hôm 04/04/2022. (Ảnh: Ronaldo Schemidt//AFP qua Getty Images) Tây Dương

Tổng thống (TT) Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết ông hy vọng được gặp nhà lãnh đạo cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình, và rằng Trung Quốc sẽ kêu gọi Nga chấm dứt chiến tranh nếu họ thực sự tin vào giá trị của chủ quyền.

Tại cuộc họp báo đánh dấu một năm cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine, TT Zelensky nói rằng cuộc gặp với ông Tập sẽ có lợi cho sự ổn định và an ninh quốc tế.

Các bình luận của ông Zelensky được đưa ra sau khi Trung Quốc công bố một tài liệu hôm 24/02 về lập trường nêu rõ mong muốn của Trung Quốc trở thành một bên trung gian hòa giải trong cuộc xung đột này, điều mà vị tổng thống Ukraine bày tỏ sự lạc quan dè dặt.

“Trung Quốc bắt đầu nói về Ukraine, và tôi nghĩ đây là một điều tốt,” ông nói.

Trung Quốc thường gọi tài liệu trên là một “kế hoạch hòa bình”, mặc dù nước này không đưa ra giải pháp nào cho chiến tranh và lập luận rằng Liên Hiệp Quốc nên loại bỏ mọi biện pháp trừng phạt đối với Nga.

TT Zelensky nói rằng cả thế giới có thể không đồng ý với một số phần của tài liệu và cảnh báo rằng sự toàn vẹn lãnh thổ, điều mà tài liệu về lập trường này ủng hộ, sẽ yêu cầu Nga rời khỏi Ukraine vĩnh viễn.

“Có một số điều tôi không đồng ý, mà tôi nghĩ rằng cả thế giới đều không đồng ý,” ông Zelensky nói về tài liệu trên.

“Nhưng việc này thực sự đặt ra câu hỏi, những lời này sẽ được thể hiện ra bằng hành động nào? Bởi vì các bước sẽ được thực hiện… đây là điều quan trọng. Những bước đi này sẽ dẫn đến điều gì cho chúng ta bởi vì Trung Quốc đang nói về chúng ta.”

Do đó, ông Zelensky nói rằng Trung Quốc sẽ cần phải buộc Nga rời khỏi Ukraine nếu họ thực sự tin vào những gì họ đã viết.

“Những gì họ đang nói dường như là sự tôn trọng đối với toàn vẹn lãnh thổ.” ông Zelensky nói. “Họ không đề cập đến quốc gia này, nhưng chính sự toàn vẹn lãnh thổ của chúng ta đã bị vi phạm.”

“Toàn vẹn lãnh thổ ngụ ý quân đội Nga phải rút quân. Nếu không phải như vậy, thì chúng tôi sẽ không đồng tình.”

Tương tự như vậy, ông Zelensky đã bình luận về những lo ngại của Hoa Kỳ rằng chế độ cộng sản Trung Quốc có thể cung cấp viện trợ vũ khí sát thương cho quân đội Nga, đồng thời kêu gọi Trung Quốc không tham chiến theo phe của kẻ xâm lược.

“Tôi muốn tin rằng Trung Quốc sẽ ủng hộ ý tưởng về hòa bình và công bằng, đó là phía của chúng tôi,” ông Zelensky nói.

“Tôi thực sự muốn tin rằng Trung Quốc sẽ không cung cấp vũ khí cho Nga. Điều này rất quan trọng. Đây là ưu tiên số một đối với tôi và tôi đang cố gắng hết sức để ngăn điều đó xảy ra.”

An Nhiên biên dịch

TT Zelensky lên kế hoạch gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình

Ngày 24/2, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết, ông dự định sẽ gặp người đồng cấp Trung Quốc Tập Cận Bình sau khi Bắc Kinh kêu gọi đàm phán hòa bình khẩn cấp để chấm dứt chiến tranh ở Ukraine.

Ông Zelensky cho hay, ông đang nỗ lực hết sức mình nhằm ngăn chặn nguồn cung cấp vũ khí của Trung Quốc cho Nga để tránh mọi nguy cơ xảy ra “Chiến tranh thế giới thứ ba”.

“Tôi đang lên kế hoạch gặp Tập Cận Bình,” ông nói với các phóng viên vào thời điểm đánh dấu một năm ngày Nga xâm lược Ukraine. “Điều này hết sức quan trọng đối với an ninh thế giới.”

Tổng thống Zelensky không tiết lộ thời gian và địa điểm ông dự định gặp ông Tập, nhưng bày tỏ hy vọng Trung Quốc sẽ ủng hộ một “hòa bình công bằng”, cũng như ủng hộ Ukraine.

“Tôi thực sự muốn kỳ vọng Trung Quốc sẽ không cung cấp vũ khí cho Nga. Điều đó rất quan trọng đối với tôi,” ông Zelensky nhấn mạnh.

Sáng 24/2, Trung Quốc đã kêu gọi các cuộc đàm phán hòa bình khẩn cấp khi đưa ra kế hoạch chấm dứt chiến tranh ở Ukraine.

Tuy nhiên một số cường quốc phương Tây đã từ chối đề xuất đó và đồng thời cảnh báo về mối quan hệ chặt chẽ của Bắc Kinh với Moscow.

Ngoài ra, ông Zelensky cũng nhận định, chỉ một quốc gia có lãnh thổ đang bị tấn công mới có thể khởi xướng “bất kỳ sáng kiến ​​hòa bình nào”.

Bắc Kinh vẫn luôn thể hiện mình là một bên trung lập trong cuộc xung đột, đồng thời duy trì quan hệ chặt chẽ với Nga về mặt chiến lược.

Nhật Minh (Theo Reuters)

Related posts