Lục quân Mỹ căng sức sản xuất đạn dược trong bối cảnh lo ngại về tình trạng thiếu hụt

Lục quân Mỹ căng sức sản xuất đạn dược trong bối cảnh lo ngại về tình trạng thiếu hụt
Các quân nhân của Lực lượng Quân đội Ukraine di chuyển tên lửa FIM-92 Stinger do Hoa Kỳ sản xuất và các thiết bị hỗ trợ quân sự khác được vận chuyển từ Lithuania đến Sân bay Boryspil ở Kyiv, hôm 13/02/2022. (Ảnh: Sergei Supinsky/AFP qua Getty Images)

Mỹ đang nỗ lực cải tổ việc mua sắm một số loại vũ khí tối tân – loại vũ khí mà các chuyên gia lo ngại có nguy cơ cạn kiệt trong trường hợp nổ ra chiến tranh với Trung Quốc.

Theo Trợ lý Bộ trưởng Lục quân Douglas Bush, Lục quân Hoa Kỳ đang đẩy mạnh sản xuất để vượt qua những thách thức trong việc bổ sung kho dự trữ đạn dược trong nước. Đây là những vũ khí đã được bán cho Ukraine hoặc sẽ cần thiết trong một cuộc chiến ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Hôm 3/3, phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Washington (Mỹ) chuyên về vấn đề an ninh, ông Bush cho biết: “Bắt đầu từ đầu mùa hè năm ngoái… Hoa Kỳ đã dốc sức để tiến hành lập kế hoạch tăng cường sản xuất [đạn dược] và Hoa Kỳ hiện đang tiến hành sản xuất [đạn dược]”.

“Hoa Kỳ đang tạo ra năng lực sản xuất này, cố gắng tạo ra những lựa chọn cho các quyết định trong tương lai về số lượng chúng tôi sẽ cần. Nhưng nếu không tăng tốc sản xuất thì Mỹ sẽ không có những lựa chọn đó ngay từ đầu”.

Ông Bush nói rằng Lục quân Mỹ “hiện đang ở chế độ thực thi”, đẩy mạnh sản xuất để bổ sung các kho dự trữ đang cạn kiệt nhanh chóng, mặc dù các mốc thời gian để sản xuất nhiều loại vũ khí và đạn dược rất phức tạp do mạng lưới cung ứng rắc rối kèm theo những yêu cầu về an ninh.

Ngoài ra, ông Bush cho biết, không thể nói chính xác nhu cầu dự trữ của Mỹ trong tương lai sẽ là bao nhiêu do kết thúc mở của cuộc chiến ở Ukraine, nhưng yêu cầu dự trữ có thể sẽ cao hơn do những căng thẳng quốc tế ngày càng tăng.

“Thách thức dài hạn là Hoa Kỳ sẽ duy trì được công suất bao nhiêu theo năng lực đó theo thời gian, hậu xung đột”, ông Bush nói.

“… Hoa Kỳ không biết cuộc xung đột sẽ kéo dài bao lâu. Chúng ta không biết lượng hàng dự trữ của chúng ta sẽ thấp đến mức nào”.

Để khắc phục sự bất ổn và những điểm yếu của chuỗi cung ứng, ông Bush cho biết Hoa Kỳ đang hợp tác chặt chẽ với các đồng minh ở châu Âu và nhiều nơi khác để gia tăng nguồn [dự trữ] dư thừa và tăng năng lực sản xuất.

“Hoa Kỳ cần có nhiều hơn một nguồn [dự phòng vũ khí] và một nguồn cung từ đồng minh. Đó là nguồn mà Hoa Kỳ có thể rút vũ khí từ các đồng minh và là một giải pháp đôi bên cùng có lợi”.

“Đó nghĩa là tất cả các nền dân chủ trên thế giới cần hợp tác với nhau để tạo ra một kho vũ khí khổng lồ chứ không chỉ riêng Hoa Kỳ làm điều đó”.

Tuy nhiên, có những khó khăn không thể khắc phục bằng cách đơn giản là mở rộng các cơ sở sản xuất của chính phủ, ông Bush cho hay.

Ví dụ, việc cung cấp vũ khí chính xác cho Lục quân, thường được gọi là vũ khí thông minh, được sản xuất hoàn toàn bởi các doanh nghiệp tư nhân – những doanh nghiệp duy trì chuỗi cung ứng của riêng mình.

“Việc sản xuất đạn chính xác của Mỹ hoàn toàn do khu vực tư nhân thực hiện”.

Do đó, ông Bush nói rằng Lục quân đang làm việc với chính quyền ông Biden để tăng trợ cấp cho hoạt động sản xuất tư nhân, từ đó giúp tăng sản lượng, nếu không thì các công ty chịu trách nhiệm sản xuất sẽ tài trợ cho hoạt động này.

Mỹ đứng trước nguy cơ cạn kiệt tên lửa trong cuộc chiến với Trung Quốc

Việc tăng quy mô sản xuất đạn dược của Lục quân đã trở thành một vấn đề nóng bỏng trong năm qua, khi Hoa Kỳ tiếp tục bán số lượng lớn kho dự trữ của mình cho Ukraine đồng thời tìm cách ngăn chặn sự hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông, Biển Hoa Đông và eo biển Đài Loan.

Ví dụ, một nghiên cứu của CSIS được công bố vào tháng 1 cho thấy Hoa Kỳ sẽ nhanh chóng cạn kiệt các loại vũ khí trọng yếu trong cuộc chiến với Trung Quốc vì tương lai của Đài Loan, với lý do là “cơ sở công nghiệp quốc phòng của Hoa Kỳ thiếu năng lực tăng [sản xuất] đột biến tương xứng cho một cuộc đại chiến”.

Mặc dù Mỹ sở hữu nhiều đạn dược cho vũ khí nhỏ, nhưng phân tích của CSIS cho thấy kho dự trữ tương đối khiêm tốn của nước này cùng quy trình sản xuất và mua sắm cực kỳ chậm chạp có thể khiến Mỹ cạn kiệt các tên lửa chống hạm tầm xa (LRASM) chủ chốt trong vòng chưa đầy một tuần tham chiến.

“Cơ sở công nghiệp quân sự của Hoa Kỳ không được trang bị tốt cho môi trường an ninh cạnh tranh hiện có”, theo nghiên cứu.

“Trong một cuộc đối đầu lớn trong khu vực, chẳng hạn như trận chiến với Trung Quốc ở eo biển Đài Loan, việc sử dụng đạn dược của Hoa Kỳ chắc chắn sẽ vượt quá kho dự trữ hiện tại của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ (DoD), dẫn đến vấn đề ‘thùng rỗng'”.

Ông Bush thừa nhận khó khăn trong việc vừa nâng cao năng lực thích hợp của đạn dược, vừa bố trí và sử dụng những loại vũ khí đó trên lãnh thổ rộng lớn của Thái Bình Dương.

“Đặc biệt, Thái Bình Dương là một trong những thách thức hậu cần khó khăn nhất trên thế giới… để duy trì các hoạt động chiến đấu quy mô lớn”.

“Tất nhiên, quan điểm được chia sẻ rộng rãi hơn là xung đột với Trung Quốc sẽ rất giống một cuộc chiến bằng đạn dược chính xác cao”.

Tuy nhiên, ông Bush bày tỏ sự lạc quan rằng các sáng kiến mới nhằm tăng cường năng lực sản xuất quân sự và phát triển ngành công nghiệp tư nhân chịu trách nhiệm chế tạo vũ khí thông minh sẽ đáp ứng được nhiệm vụ chuẩn bị của Hoa Kỳ cho một cuộc xung đột ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Ông Bush kết luận: “Đó rõ ràng là một vấn đề khó khăn, nhưng… tôi cho rằng có rất nhiều điều tốt đang tiến triển theo lộ trình đó”.

Theo The Epoch Times

Huyền Anh biên dịch

Related posts