Cảnh báo: Trung Quốc đang vượt mặt các nền dân chủ trong cuộc đua thống trị công nghệ toàn cầu

Henry Jom

Công nhân Trung Quốc lắp ráp linh kiện điện tử tại nhà máy của gã khổng lồ công nghệ Đài Loan Foxconn ở thành phố Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, hôm 26/05/2010. (Ảnh: AFP/Getty Images)

Báo cáo của ASPI gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh đối với các quốc gia dân chủ. Bắc Kinh đang vượt mặt với khoảng cách tương đối xa so với các quốc gia đứng sau về lĩnh vực công nghệ.

Một tổ chức cố vấn của Úc đang kêu gọi các quốc gia dân chủ “đẩy mạnh” đổi mới công nghệ và cạnh tranh chiến lược nếu họ muốn cạnh tranh, bắt kịp và vượt qua Bắc Kinh.

Theo một nghiên cứu kéo dài một năm của Viện Chính sách Chiến lược Úc (ASPI), Bắc Kinh hiện đang dẫn đầu thế giới về 37 trong số 44 công nghệ. Những công nghệ này bao gồm một loạt các công nghệ quan trọng, bao gồm công nghệ quốc phòng, không gian, người máy, năng lượng, môi trường, công nghệ sinh học, trí tuệ nhân tạo, vật liệu tiên tiến và công nghệ lượng tử then chốt.

Báo cáo của ASPI cũng cho thấy 10 tổ chức nghiên cứu hàng đầu thế giới đều có trụ sở tại Trung Quốc và chính quyền này tổng cộng đang tạo ra gấp 9 lần lượng tài liệu nghiên cứu có tác động lớn so với “quốc gia đứng thứ hai”.

Báo cáo của ASPI nêu rõ: “Bộ dữ liệu của chúng tôi cho thấy khoảng cách lớn giữa Trung Quốc và Mỹ, với tư cách là hai quốc gia dẫn đầu, và những quốc gia khác”.

Mỹ hiện đang xếp thứ hai sau Bắc Kinh về phần lớn trong số 44 loại hình công nghệ được xác định.

Trong khi đó, Mỹ đang dẫn đầu thế giới ở 7 loại hình công nghệ – bao gồm điện toán hiệu năng cao, điện toán lượng tử và vaccine.

Úc được xếp hạng trong số 5 quốc gia hàng đầu về 9 công nghệ: an ninh mạng, khai thác và xử lý khoáng sản quan trọng, pin điện, hydro và in 3D.

Tuy nhiên, báo cáo cho thấy rằng 1/5 số tài liệu nghiên cứu có tác động lớn của Bắc Kinh được viết bởi các nhà nghiên cứu được đào tạo sau đại học ở một quốc gia Ngũ Nhãn – cụ thể là Mỹ, Vương quốc Anh, Úc, Canada và New Zealand.

Báo cáo nêu rõ: “Trong 5 năm qua, Trung Quốc đã tạo ra 48,49% các tài liệu nghiên cứu có tác động lớn trên thế giới về động cơ máy bay tiên tiến, bao gồm cả động cơ siêu thanh, và nước này có 7 trong số 10 tổ chức nghiên cứu hàng đầu thế giới trong lĩnh vực chủ đề này”.

Bắc Kinh cũng đang dẫn đầu thế giới về các công nghệ liên quan đến quốc phòng và không gian, tổ chức tư vấn này nhận thấy.

ASPI nói rằng Bắc Kinh có thể kiểm soát nguồn cung ứng toàn cầu đối với một số công nghệ quan trọng nếu nghiên cứu được đưa ra thị trường thông qua cơ sở sản xuất của họ.

Báo cáo nêu rõ: “Những rủi ro như vậy ngày càng trầm trọng hơn do Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) sẵn sàng sử dụng các kỹ thuật cưỡng chế bên ngoài trật tự dựa trên quy tắc toàn cầu để trừng phạt các chính phủ và doanh nghiệp, bao gồm cả việc thắt chặt nguồn cung cấp các công nghệ quan trọng”.

“Sự dẫn đầu của Trung Quốc là sản phẩm của sự thiết kế có chủ ý và hoạch định chính sách dài hạn, như ông Tập Cận Bình và những người tiền nhiệm của ông đã liên tục vạch ra”.

Tham vọng thống trị về công nghệ của Trung Quốc

Năm 2018, ĐCSTQ đã công bố kế hoạch “Made in China 2025” nhằm đạt được khả năng tự cung tự cấp trong 10 lĩnh vực công nghệ vào năm 2025. Tuy nhiên, kế hoạch này sau đó đã được chuyển đổi sang một kế hoạch mới có tên “Tiêu chuẩn Trung Quốc 2035”.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong Phiên họp toàn thể thứ hai của Kỳ họp thứ năm Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc khóa 13 tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, Trung Quốc, hôm 08/03/2022. (Ảnh: Andrea Verdelli/Getty Images)

Theo các “tiêu chuẩn” này, ĐCSTQ đặt mục tiêu thống trị các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán đám mây, IoT (Internet vạn vật) và dữ liệu lớn. ĐCSTQ cũng có ý định đẩy nhanh nỗ lực phát triển các tiêu chuẩn kỹ thuật, cuối cùng là xuất khẩu chúng ra thị trường quốc tế.

Mỹ cáo buộc Bắc Kinh phá hoại cạnh tranh công bằng, đồng thời tìm cách biện minh cho hành vi đánh cắp công nghệ ngoại quốc để phục vụ lợi ích quốc gia nhằm trở thành cường quốc sản xuất công nghệ cao.

Vào năm 2021, Bắc Kinh đã khiến các cơ quan tình báo Mỹ ngạc nhiên khi chính phủ này thử nghiệm một tên lửa siêu thanh có khả năng mang đầu đạn hạt nhân bay vòng quanh thế giới, thể hiện năng lực công nghệ của mình. Tuy nhiên, Bắc Kinh phủ nhận việc thử nghiệm vũ khí siêu thanh.

Sau đó, vào tháng 09/2022, Chính phủ Biden đã thông qua Đạo luật CHIPS của Mỹ, thứ sẽ ngăn chặn việc Bắc Kinh tiếp cận các công nghệ sản xuất vi mạch và chất bán dẫn tiên tiến, do đó, làm leo thang cuộc cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc.

Sau khi Đạo luật được thông qua, Bộ Thương mại Mỹ đã công bố “Chiến lược cho Quỹ CHIPS cho Mỹ” – khoản đầu tư trị giá 50 tỷ USD như chất xúc tác cho tăng trưởng dài hạn trong ngành công nghiệp bán dẫn trong nước nhằm hỗ trợ nền kinh tế và an ninh quốc gia của Mỹ.

Báo cáo của ASPI nêu rõ: “Các cộng đồng tình báo có vai trò then chốt trong cả việc cung cấp thông tin cho những người ra quyết định và xây dựng năng lực”.

“Các chính phủ trên khắp thế giới nên làm việc tập thể và riêng lẻ để bắt kịp Trung Quốc và nói rộng hơn, họ phải chú ý nhiều hơn đến trung tâm đổi mới công nghệ và cạnh tranh chiến lược của thế giới: Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”.

Các quốc gia dân chủ có thể làm gì?

Để các quốc gia dân chủ phương Tây bắt kịp Trung Quốc, cần phải có một “sự tăng cường công nghệ quan trọng chiến lược”.

ASPI đã vạch ra 23 khuyến nghị chính sách mà các quốc gia dân chủ và các đồng minh của họ có thể hành động “tập thể và riêng lẻ” để chống lại một Bắc Kinh hiếu chiến.

Các khuyến nghị bao gồm những đổi mới như quỹ đầu tư quốc gia để cung cấp vốn đầu tư mạo hiểm, thị thực công nghệ và tài trợ R&D giữa các đồng minh và khôi phục khu vực đại học thông qua học bổng chuyên ngành dành cho sinh viên và nhà công nghệ làm việc ở tuyến đầu trong lĩnh vực nghiên cứu công nghệ quan trọng.

ASPI nêu rõ: “Các cộng đồng tình báo có vai trò then chốt trong cả việc cung cấp thông tin cho những người ra quyết định và xây dựng năng lực. Một khuyến nghị mà chúng tôi đưa ra là các quốc gia Ngũ Nhãn, cùng với Nhật Bản, xây dựng một trung tâm phân tích tình báo tập trung vào Trung Quốc và công nghệ”.

“Mặc dù Trung Quốc đang ở phía trước, nhưng điều quan trọng đối với các nền dân chủ là xem xét sức mạnh của sự dẫn đầu tổng thể tiềm năng của họ và sức mạnh tập thể của các khu vực và nhóm (ví dụ: EU, Quad và AUKUS, như một vài ví dụ)”.

“Nhưng những sự dẫn dắt tổng thể như vậy sẽ chỉ được hiện thực hóa đầy đủ thông qua sự hợp tác sâu sắc hơn giữa các đối tác và đồng minh, sự đầu tư nhiều hơn vào các lĩnh vực bao gồm R&D, tài năng và thương mại hóa cũng như các chiến lược tình báo tập trung hơn”.

Các tác giả viết: “Chi phí để bắt kịp sẽ là đáng kể, nhưng chi phí do không hành động có thể lớn hơn nhiều”.

Theo The Epoch Times

Cát Duyên biên dịch

Related posts