Antonio Graceffo
“Với việc Nga xâm lược Ukraine vào năm ngoái và Nam Phi tuyên bố sẽ duy trì chính sách trung lập, chúng tôi cần nhắc lại với chính phủ [Nam Phi] về trí tuệ của Đức Tổng Giám mục Tutu rằng nếu quý vị trung lập trước các tình cảnh bất công thì quý vị đã chọn theo phe của kẻ áp bức”.
Các cuộc tập trận hải quân chung giữa Nam Phi, Nga và Trung Quốc đã được khởi động vào hôm 22/02 vừa qua. Sự kiện này kéo dài 10 ngày, trùng với dịp kỷ niệm một năm chiến tranh Nga – Ukraine. Trước khi các cuộc tập trận diễn ra, tàu chiến Nga đã cập cảng Nam Phi. Những con tàu này được ký hiệu bằng các chữ cái “Z” và “V”. Hai chữ cái này là biểu tượng thể hiện sự ủng hộ dành cho điện Kremlin, sự ủng hộ dành cho ông Putin trong cuộc chiến của Nga ở Ukraine. Ý nghĩa của các chữ cái không hoàn toàn rõ ràng, nhưng có suy đoán cho rằng chữ “Z” có nghĩa là “Za pobedu” (trong tiếng Nga là “chiến thắng”); chữ “V” có thể là viết tắt của cụm từ “sức mạnh của sự thật”. Việc cho phép các tàu Nga cập cảng Nam Phi – và đặc biệt là những chiếc tàu có biểu tượng như vậy – đã gửi đi một thông điệp chính trị rằng Nam Phi đang nghiêng về phe Trung Quốc – Nga.
Các cuộc tập trận cũng tái khẳng định cam kết quân sự mà Trung Quốc dành cho Nga; điều này đặt ra câu hỏi về chiến tranh Nga – Ukraine và về tương lai chính trị toàn cầu. Nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc Vương Nghị đã đến thăm Moscow trong thời gian diễn ra các cuộc tập trận. Điều này một lần nữa khẳng định sự ủng hộ của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) dành cho Điện Kremlin, đồng thời có hàm ý khiển trách Hoa Kỳ vì đã thành lập một khối chống lại Nga và Trung Quốc. Những cuộc tập trận hải quân này là bằng chứng rõ ràng cho thấy Trung Quốc cũng đang xây dựng một khối chống lại Hoa Kỳ, NATO và phương Tây. Chính phủ Nam Phi biện minh cho các cuộc tập trận bằng cách nói rằng chúng đã được lên kế hoạch từ lâu trước khi Nga xâm lược Ukraine. Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra câu hỏi tại sao Nam Phi không hủy bỏ các cuộc tập trận chung với tình hình địa chính trị hiện nay.
Nam Phi là một trong 35 quốc gia bỏ phiếu trắng trong cuộc bỏ phiếu tại Liên Hợp Quốc lên án việc Nga xâm lược Ukraine. Quốc gia này trước đó đã cho phép du thuyền thuộc sở hữu của một cá nhân Nga đang bị trừng phạt và tàu hải quân Nga cập cảng của họ. Đại hội Dân tộc Phi (ANC), đảng cầm quyền của Nam Phi, có quan hệ với Moscow từ thời Chiến tranh Lạnh, khi Liên Xô (USSR) cung cấp huấn luyện viên và hỗ trợ vật chất cho cánh vũ trang của họ. Nhiều cán bộ ANC từng học tập ở Liên Xô cũ.
Nam Phi, cùng với 119 quốc gia khác, cũng là thành viên của Phong trào Không liên kết — một diễn đàn gồm các quốc gia đã từ chối chọn phe trong Chiến tranh Lạnh. Cùng với Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil, Nam Phi và Nga cũng là thành viên của nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS.
Đối với Điện Kremlin, các cuộc tập trận chung với Trung Quốc và Nam Phi thể hiện mức độ uy tín nhất định của Nga trong hình thế địa chính trị hiện tại và cũng cho thấy rằng nước này có một số đồng minh tiềm năng. Chúng cũng gửi thông điệp tới các quốc gia châu Phi khác rằng Nga đang đưa ra một giải pháp thay thế cho việc hợp tác quân sự với Hoa Kỳ. Với lịch sử châu Âu từng chiếm châu Phi làm thuộc địa, cả Trung Quốc và Nga đều vui vẻ thể hiện họ là đối tác chống thực dân cho các quốc gia bị áp bức trước đây.
Trong khi đó, Nga đã nhiều lần làm suy yếu nền dân chủ ở châu Phi. Moscow phản đối Mùa xuân Ả Rập và các cuộc cách mạng màu ở Bắc Phi. Họ cũng ủng hộ những nỗ lực của Tướng Khalifa Haftar trong việc trở thành người cai trị Libya. Năm 2013, Nga ủng hộ cuộc đảo chính của Tướng Abdel Fattah El-Sisi nhằm lật đổ chính phủ dân chủ của Ai Cập. Moscow cũng ủng hộ các chính phủ quân sự và các cuộc đảo chính ở Sudan, Mali, Guinea và Burkina Faso. Ngoài ra, quân đội Nga đang bảo vệ, chống lưng cho các nhà lãnh đạo ở Cộng hòa Trung Phi, nơi Điện Kremlin được cho là đã can thiệp cuộc bầu cử năm 2020. Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa (thứ hai, bên trái) vẫy tay chào khi đi ngang qua Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (giữa) và Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) trong một buổi chụp ảnh trước Lâu đài Osaka, tại hội nghị thượng đỉnh G-20 ở Osaka, Nhật Bản, ngày 28/06/2019. (Ảnh: Tomohiro Ohsumi/Getty Images)
Ông John Steenhuisen, lãnh đạo đảng Liên minh Dân chủ – phe đối lập lớn nhất ở Nam Phi, nói với quốc hội Nam Phi rằng với việc từ chối lên án chiến tranh, Nam Phi đã chọn đứng về phía Nga. Bên cạnh đó, tổ chức Desmond & Leah Tutu Legacy (có trụ sở tại Nam Phi) cũng lên án các cuộc tập trận chung. Tổ chức này đã đăng một thông điệp, trong đó nêu rõ: “Với việc Nga xâm lược Ukraine vào năm ngoái và Nam Phi tuyên bố sẽ duy trì chính sách trung lập, chúng tôi cần nhắc lại với chính phủ [Nam Phi] về trí tuệ của Đức Tổng Giám mục Tutu rằng nếu quý vị trung lập trước các tình cảnh bất công thì quý vị đã chọn theo phe của kẻ áp bức”.
Mặc dù Trung Quốc và Nga luôn cố gắng miêu tả phương Tây như là kẻ thù của nền dân chủ ở châu Phi, nhưng Hoa Kỳ lại là một trong những kẻ thù mạnh nhất của chế độ phân biệt chủng tộc (apartheid), vì Hoa Kỳ đã dẫn đầu các lệnh trừng phạt quốc tế đối với chính phủ Nam Phi da trắng. Đối với Nam Phi, Liên minh châu Âu (EU) cũng là đối tác thương mại quan trọng hơn nhiều so với Nga. Thương mại song phương giữa Nam Phi và EU đạt tổng cộng 53 tỷ USD vào năm ngoái, trong khi thương mại với Nga chỉ là 750 triệu USD.
Đối với Hải quân Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA), các cuộc tập trận này mang đến cơ hội thực hành các hoạt động xa tổ quốc. Những cuộc tập trận này cũng củng cố chỗ đứng của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương. PLA đã có một căn cứ ở Cộng hòa Djibouti và họ đang xây dựng các cơ sở hàng hải lưỡng dụng ở Myanmar và Sri Lanka. Hơn nữa, Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) cũng có mặt ở châu Phi. Các cuộc tập trận này nhắc nhở những người tham gia rằng Trung Quốc có thể sẵn sàng tổ chức các cuộc tập trận tương tự với các quốc gia châu Phi khác. Bắc Kinh chắc chắn sẽ vui mừng trước cơ hội có được các căn cứ khác tại châu Phi.
Từ quan điểm quân sự thuần túy, Nga muốn dùng các cuộc tập trận này để phô diễn tên lửa bội siêu thanh (còn gọi là tên lửa siêu vượt âm) mà ông Putin tuyên bố là không có đối thủ. Hãng thông tấn nhà nước Nga TASS từng nói rằng cuộc tập trận sẽ bao gồm vụ phóng thử tên lửa bội siêu thanh “Tsirkon”. TASS sau đó đưa tin, tuy Tsirkon sẽ xuất hiện nhưng chúng sẽ không được bắn thử.
Vào tháng 3, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố họ đã sử dụng tên lửa bội siêu thanh Kinzhal để phá hủy một kho đạn dược ở dãy núi Carpathian ở phía tây Ukraine, và một lần nữa làm nổ tung một kho nhiên liệu ở Kostiantynivka gần Mykolaiv. Nếu những tuyên bố này là đúng, thì chúng sẽ đánh dấu lần đầu tiên một quốc gia triển khai tên lửa bội siêu thanh trong chiến đấu.
Các cuộc tập trận chung giữa Trung Quốc, Nga và Nam Phi diễn ra ngay sau khi ông Putin đình chỉ hiệp ước hạn chế vũ khí hạt nhân cuối cùng còn lại với Mỹ. Đồng thời, ông Vương Nghị của Trung Quốc khi đó đang thăm Moscow và cam kết thắt chặt hơn nữa mối quan hệ “không giới hạn” giữa hai nước. Đây cũng là giai đoạn mà Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken cảnh báo Bắc Kinh rằng không được cung cấp vũ khí cho Nga. Dự kiến ông Tập Cận Bình sẽ sớm đến Moscow và mối quan hệ giữa phương Tây với liên minh Trung Quốc – Nga sẽ gia tăng căng thẳng.
Theo The Epoch Times
Xuân Hoa biên dịch