Ẩn sau bộ máy tuyên truyền phức tạp mà ĐCSTQ thao túng là ý đồ truyền bá tư tưởng cộng sản

Hannah Cai

Vào ngày 11/07/2019, các nhà hoạt động dân chủ Trung Quốc tại Hoa Kỳ, những người đến để chào đón Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn tại khách sạn của bà, đã bị những người tự nhận là “ái quốc” cầm cờ đỏ Trung Quốc hành hung. (Ảnh: Hoàng Tiểu Đường/The Epoch Times)

Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cố gắng điều khiển cách tường thuật tin tức toàn cầu của Trung Quốc bằng các biện pháp lén lút mà dường như là vô hại. Phần lớn những người di cư từ Trung Quốc thích tiếp nhận tin tức bằng ngôn ngữ mẹ đẻ của mình. Thông qua một cấu trúc phức tạp gồm các cơ quan thông tấn đã ghi danh ở trong nước và hải ngoại, các kênh truyền thông do ĐCSTQ kiểm soát biên dịch tin tức toàn cầu theo hướng có lợi cho họ và phát tán các nội dung đã được làm giả này với rất ít sự phản đối từ các chính phủ trên toàn thế giới.

[Bộ máy] truyền thông của Trung Quốc bao gồm rất nhiều hãng truyền thông và thật khó để mô tả do sự thường xuyên tái tổ chức và thay đổi tên gọi các cơ quan. Ngoài các hãng thông tấn nhà nước, thì còn có nhiều hãng truyền thông thuộc sở hữu độc lập. Cho dù một số hãng truyền thông có ghi danh hoạt động ở ngoại quốc thế nào đi chăng nữa, thì tất cả họ vẫn trung thành với ĐCSTQ và việc lan truyền những tin tức giả mạo và thông tin sai lệch của đảng này.

Đứng đầu đế chế truyền thông tại hải ngoại của Trung Quốc là Ban Công tác Mặt trận Thống nhất của ĐCSTQ. Trực thuộc cơ quan này là Văn phòng Kiều Vụ (hay Văn phòng Các vấn đề Hoa Kiều), vốn bao gồm cả Trung Quốc Tân Văn Xã (China News Service, CNS). CNS là cơ quan tuyên truyền chính của ĐCSTQ nhắm vào người Hoa ở hải ngoại. CNS có văn phòng tại nhiều quốc gia kể cả Hoa Kỳ. Năm 1990, nhân viên của CNS được cử đến Hoa Kỳ để thành lập mạng lưới truyền hình SinoVision (Truyền hình Trung Quốc) và tờ báo The China Press (Qiao Bao, Kiều Báo) để chống lại những nhận thức tiêu cực về chính quyền Trung Quốc sau cuộc biểu tình và thảm sát sinh viên tại Quảng trường Thiên An Môn năm 1989.

ĐCSTQ cũng gián tiếp kiểm soát tờ Tinh Đảo Nhật báo (Sing Tao Daily) quốc tế của Hồng Kông, nhóm truyền thông xã hội WeChat của Tencent, và nhiều kênh truyền thông trên mạng xã hội của Kiều Báo trên toàn cầu.

Tỷ lệ các tờ báo thiên tả của Mỹ thu hút được cộng đồng người Hoa nhập cư là rất nhỏ. Cựu ủy viên Hội đồng Thành phố New York Peter Koo đã dùng một ví dụ để minh họa rằng tại các khu vực tập trung người Hoa và người Hàn ở khu phố Flushing của thành phố New York, nếu một tờ báo Anh ngữ thiên tả của phương Tây bán được một bản, thì tất cả các tờ báo Hoa ngữ địa phương cộng lại có thể bán được “200 bản mỗi ngày,” gấp 200 lần so với tờ báo Anh ngữ đó.

Những yếu tố này cho phép ĐCSTQ gây ảnh hưởng đến nền chính trị Hoa Kỳ theo những cách mà các quan chức chính phủ Hoa Kỳ không dễ dàng hiểu được. Để hiểu bản chất làm xói mòn và gây hại của ĐCSTQ tới xã hội Mỹ quốc, các nhà hoạch định chính sách phải hiểu môi trường truyền thông của Trung Quốc, để giải quyết tốt hơn sự can thiệp và tác động của đảng này đối với cộng đồng người Mỹ gốc Hoa ở Hoa Kỳ.

‘Mượn thuyền ra khơi’

Mặc dù mọi người đều biết rằng Tân Hoa Xã của Trung Quốc là cơ quan đại diện cho chính quyền ĐCSTQ, nhưng việc dán nhãn cho tờ báo này là “đại diện ngoại quốc” ở Hoa Kỳ là không đủ để ngăn chặn họ lan rộng tuyên truyền của mình. Tân Hoa Xã không chỉ đơn giản là phát hành tin tức trực tiếp cho độc giả Trung Quốc tại Hoa Kỳ mà còn thực hiện việc này thông qua các đối tác địa phương dưới các thỏa thuận chia sẻ nội dung. Chiến lược phân phối hai tầng này cho phép tường thuật tin tức của ĐCSTQ được truyền đến độc giả Mỹ quốc thông qua một bên thứ ba, giúp Tân Hoa Xã tránh khỏi những cáo buộc rằng họ đang phát tán tuyên truyền chính thức.

ĐCSTQ gọi chiến lược này là “mượn thuyền ra khơi.” Trong cộng đồng người Hoa ở New York, ít nhất ba “con thuyền” — Truyền hình Trung Quốc (SinoVision), Kiều Báo, và Tinh Đảo Nhật báo — đã mở đường cho Tân Hoa Xã và các cơ quan ngôn luận khác của ĐCSTQ truyền bá [thông tin] ra thế giới bên ngoài.

Kiều Báo, nhật báo Hoa ngữ duy nhất ở Hoa Kỳ sử dụng Hán tự giản thể và có một trung tâm tin tức ở Bắc Kinh, được thành lập tại New York vào tháng 01/1990. Trong một bài báo năm 2015, khi tổng giám đốc của hãng thông tấn này, ông Du Giang (You Jiang), thảo luận về “những cơ hội và thách thức” của tờ báo, ” ông thừa nhận rằng cơ hội của tờ báo nằm ở chỗ là “một phần bổ sung quan trọng cho hoạt động tuyên truyền ngoại giao nói chung của Trung Quốc,” và chính quyền ĐCSTQ ngày càng xem trọng tờ báo này.

Báo cáo có nhan đề “Ảnh hưởng của Trung Quốc và Lợi ích của Mỹ quốc: Thúc đẩy Cảnh giác mang tính Xây dựng” của Viện Hoover năm 2018, đã cho thấy tờ Kiều Báo được thành lập bởi nhân viên Tạ Nhất Ninh (Xie Yining) do Văn phòng Kiều Vụ và China News Service cử đến Hoa Kỳ để đảo ngược quan điểm tiêu cực về chế độ ĐCSTQ sau vụ thảm sát Thiên An Môn năm 1989. Tờ Kiều Báo chính thức thuộc sở hữu của Tập đoàn Văn hóa và Truyền thông Á Châu, vốn cũng là chủ sở hữu của Truyền hình Trung Quốc (SinoVision). Truyền hình Trung Quốc và Kiều Báo hoạt động ở cùng một địa điểm và thuộc cùng một tập đoàn.

Nói một cách chính xác, Kiều Báo và Truyền hình Trung Quốc là những “con thuyền” mà ĐCSTQ trực tiếp tạo ra bên ngoài Trung Quốc. Tuy nhiên, vì Kiều Báo được ghi danh chính thức tại Hoa Kỳ với tư cách là một công ty thuộc sở hữu của người Mỹ và hoạt động như vậy, nên tờ báo này vẫn chưa được Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ liệt kê là đại diện ngoại quốc.

Tài khoản WeChat của Kiều Báo và Ban Công tác Mặt trận Thống nhất của ĐCSTQ

The Epoch Times phát hiện ra rằng tài khoản WeChat mang tên “nyqiaobao” của tờ Kiều Báo Hoa ngữ có trụ sở tại New York được chứng nhận và vận hành bởi Công ty Phát triển Công nghệ Đường Ấn Trung Tân Bắc Kinh (Beijing Zhongxin Chinese Technology Development Co.), một công ty con thuộc sở hữu toàn phần của Trung Quốc Tân Văn Xã (CNS). CNS là một trong những cơ quan tuyên truyền chính của ĐCSTQ nhắm vào các cộng đồng Hoa kiều ở hải ngoại.

Hoạt động kinh doanh cốt lõi của Công ty Phát triển Công nghệ Đường Ấn Trung Tân Bắc Kinh là cung cấp trợ giúp thông tin kỹ thuật cho các kênh truyền thông Hoa ngữ hải ngoại tại Hoa Kỳ, Pháp, Brazil, Úc, và các quốc gia khác. Sự trợ giúp này gồm cả các hệ thống quản lý nội dung, quản lý nội dung đa phương tiện, xuất bản video, xuất bản bản tin điện tử, phát triển ứng dụng, điều tra dư luận, phân tích ảnh hưởng dữ liệu lớn, và hệ thống truyền thông thông minh được xã hội hóa.

“Hệ thống giám sát dư luận trên toàn bộ các phương tiện truyền thông” này cho thấy cách ĐCSTQ tích hợp và phối hợp các phương tiện truyền thông Trung Quốc ở ngoại quốc với các phương tiện truyền thông chính thức bên trong Trung Quốc để tạo ra một mạng lưới giám sát quy mô lớn.

Năm 2018, các chức năng của Ban Công tác Mặt trận Thống nhất đã được mở rộng và Văn phòng Kiều Vụ được sáp nhập vào ban lãnh đạo của cơ quan này. Hành động này trực tiếp đặt CNS trực tiếp dưới quyền của Ban Công tác Mặt trận Thống nhất. Thông qua CNS, Ban Công tác Mặt trận Thống nhất sở hữu hoặc kiểm soát nhiều kênh truyền thông Hoa ngữ ở ngoại quốc và các tài khoản WeChat của họ, bao gồm cả Kiều Báo ở Hoa Kỳ.

Cộng đồng Hoa kiều hải ngoại đều nhận thức rõ bản chất của Kiều Báo. Trong một thời gian dài, toàn bộ quảng cáo của các tổ chức thân cộng ở New York bày tỏ sự ủng hộ của họ với ĐCSTQ, quảng cáo về việc thay đổi nhân sự của các hiệp hội kiều bào đều chỉ được đăng trên Kiều Báo vì đây là tờ báo do ĐCSTQ trực tiếp kiểm soát. Quảng cáo trên Kiều Báo nhằm thu hút sự chú ý vào lãnh sự quán Trung Quốc và Văn phòng Kiều Vụ. Ví dụ như, vào ngày 24/05/2020, Kiều Báo đã xuất bản một quảng cáo toàn trang trên trang B03 ủng hộ “Luật An ninh Quốc gia” phiên bản Hồng Kông của Liên đoàn Hiệp hội người Hoa Đông Mỹ và 221 hiệp hội trực thuộc của tổ chức này.

Tờ Kiều Báo (Qiao Bao, hay The China Press) của Trung Quốc có nhiều bản tin lấy từ hãng thông tấn Tân Hoa Xã và China News Service, cơ quan đại diện cho tiếng nói và quan điểm chính thức của ĐCSTQ. Bên cạnh việc đưa tin tức địa phương về sinh hoạt cộng đồng của người Hoa, thì hầu hết các trang tin này đều được sắp xếp và truyền tải tin tức trực tiếp từ Hoa lục.

Có thể thấy sự ăn nhập của tờ Kiều Báo với những phát ngôn của ĐCSTQ ở hai phương diện:

  1. Xuất bản các bài báo tương tự cùng lúc. Kể từ khi Giang Trạch Dân ra lệnh đàn áp Pháp Luân Công vào năm 1999, Kiều Báo đã giúp ĐCSTQ đàn áp Pháp Luân Công ở hải ngoại. Theo thống kê, từ năm 1999 đến tháng 05/2002, Kiều Báo đã xuất bản hơn 300 bài báo chống Pháp Luân Công, gần như trung bình cứ ba ngày lại có một bài, với quan điểm tương tự như quan điểm của các phương tiện truyền thông chính thức ở Trung Quốc.
  2. Sử dụng cùng một bộ từ ngữ và cách diễn đạt. Ví dụ, trong các cuộc biểu tình chống dự luật dẫn độ ở Hồng Kông, Kiều Báo gọi những người biểu tình ở Hồng Kông là “những kẻ bạo loạn,” “những người biểu tình bất hợp pháp,” “những người từ bên ngoài đến chiếm Đại học Bách khoa” và “Trung Quốc đã triệu tập đại sứ Hoa Kỳ để phản đối các dự luật về Hồng Kông.” Ngoài ra, Kiều Báo đã lặp lại cụm từ của Tân Hoa Xã khi gọi cuộc xung đột Nga-Ukraine là “tình hình Nga-Ukraine.”

Tìm cách định hình và ảnh hưởng đến quá trình ra quyết định của Hoa Kỳ

ĐCSTQ tìm cách gây ảnh hưởng đến dư luận ở Hoa Kỳ về các vấn đề địa chính trị. Có một vài chỉ số được sử dụng để xác định xem liệu giới truyền thông nước này có đang tiếp nhận tuyên truyền của ĐCSTQ hay không, bao gồm các chủ đề như Pháp Luân Công, các nhóm ủng hộ dân chủ, Hồng Kông, Tây Tạng, Đài Loan, Tân Cương, Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan), ĐCSTQ, Tập Cận Bình, và tranh chấp Mỹ-Trung.

Ví dụ, ngày 11 và 12/07/2019, khi Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn quá cảnh qua New York, các nhà hoạt động dân chủ Trung Quốc tại Hoa Kỳ đến chào đón bà đã bị một nhóm người tự nhận là “ái quốc” cầm theo quốc kỳ Trung Quốc hành hung. Một phóng viên của The Epoch Times đã quay được đoạn video về vụ tấn công này.

Vào ngày 13/07/2019, tờ Kiều Báo New York đã đưa tin về vụ việc với nhan đề “Các cuộc biểu tình tiếp diễn trong thời gian bà Thái Anh Văn quá cảnh,” mô tả vụ việc thành “những người ủng hộ và những người phản đối xảy ra cuộc xô xát, khiến cảnh sát phải can thiệp.” Bài viết kèm theo bức ảnh chụp ông Lương Quan Quân (Liang Guanjun), chủ tịch Liên đoàn Hiệp hội Người Hoa ở Đại New York, cầm các biểu ngữ và biển hiệu có nội dung “Ủng hộ Đài Loan độc lập sẽ dẫn đến chiến tranh,” “Không công nhận một Trung Quốc, thì tức là quên mất cội nguồn của chúng ta” và “Bà Thái Anh Văn gây tổn hại cho quan hệ Mỹ-Trung.” Trên cùng trang đó là một bài viết của Tân Hoa Xã có nhan đề “Các công ty Mỹ bán khí tài cho Đài Loan sẽ bị Trung Quốc trừng phạt.”

Ngày 15/08/2015, ảnh hưởng của ĐCSTQ đối với các hãng truyền thông tại hải ngoại được thể hiện rõ trong việc đưa tin về ông Trầm Lữ Tuần (Shen Lyu-shun) đại diện của Trung Hoa Dân Quốc (ROC) tại Hoa Kỳ, khi ông ấy đến thăm một cộng đồng người Mỹ gốc Đài Loan ở New York. Khi đó, một phóng viên của World Journal (Tạp chí Thế giới), một tờ báo Đài Loan xuất bản ở Bắc Mỹ, đã tránh sử dụng cụm từ “Trung Hoa Dân Quốc (ROC)” trong bản tin của mình và thay đổi tuyên bố của Đại diện Trầm rằng “Trung Hoa Dân Quốc là một quốc gia có lòng trắc ẩn và chính nghĩa,” thành “người Trung Quốc là một dân tộc có lòng trắc ẩn và chính nghĩa,” bóp méo ý định nguyên gốc của ông Trầm và nói thêm rằng ông Trầm “sẽ luôn ghi nhớ nguồn gốc Trung Quốc của mình.” Tạp chí Thế giới (The World Journal) đã đăng một thông báo đính chính vào ngày hôm sau sau khi ông Trầm lên tiếng phản đối.

Hơn nữa, sau khi Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump ký Đạo luật Nhân quyền và Dân chủ Hồng Kông vào ngày 28/11/2019 để giúp đỡ người dân Hồng Kông đang đào thoát khỏi đàn áp, Kiều Báo đã xuất bản một bài báo vào ngày hôm sau có nhan đề “Sự can thiệp của Hoa Kỳ vào Hồng Kông: Năm biện pháp đáp trả của Trung Quốc” và “Các chuyên gia Nga: Sự can thiệp của các thế lực ngoại quốc vào Hồng Kông làm tình hình địa phương thêm phức tạp.”

Trước và sau vụ việc này, các tổ chức người Mỹ gốc Hoa thân cộng đã đưa ra những tuyên bố phù hợp với quan điểm chính thức của ĐCSTQ. Vào ngày 26/11/2019 và 11/12/2019, Kiều Báo đã hai lần đưa tin về “227 tổ chức người Mỹ gốc Hoa ở miền Đông Hoa Kỳ lên án việc Quốc hội Hoa Kỳ thông qua dự luật Hồng Kông và dự luật Tân Cương,” lên án Tổng thống Trump vì đã phớt lờ sự phản đối của cộng đồng người Mỹ gốc Hoa để ký Đạo luật Nhân quyền và Dân chủ Hồng Kông, đồng thời tuyên bố rằng “Hoa Kỳ đang cố gắng chia rẽ Trung Quốc, vì vậy người Mỹ gốc Hoa và Hoa Kiều kiên quyết ủng hộ chính phủ Trung Quốc… và kiên quyết phản đối các lực lượng chống Trung Quốc ở Hoa Kỳ.”

Ngoài ra, do ảnh hưởng từ những thuộc cấp của ĐCSTQ, các nhà tổ chức cuộc diễn hành Tết Nguyên Đán ở khu Chinatown của New York đã liên tục từ chối không cho các học viên Pháp Luân Công tham dự sự kiện này.

Pháp Luân Công, còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một môn tu luyện tinh thần Trung Hoa cổ xưa bao gồm các bài tập thiền định với các động tác đơn giản, khoan thai, cùng các bài giảng dựa trên các nguyên lý chân, thiện, và nhẫn. Môn tập trở nên phổ biến trong những năm 1990, với 70 triệu đến 100 triệu người theo học ở Trung Quốc vào cuối thập niên đó, theo ước tính chính thức vào thời điểm đó.

Năm 2017, Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) đưa tin về “Trường hợp gặp trở ngại của Pháp Luân Công: Thượng nghị sĩ California tố cáo Lãnh sự quán Trung Quốc can thiệp vào quá trình lập pháp.” Bản tin cho biết Ủy ban Tư pháp Thượng viện California đã đồng thuận thông qua một dự luật lên án cuộc bức hại đang diễn ra của ĐCSTQ đối với các học viên Pháp Luân Công, nhưng nghị quyết này đột nhiên bị bỏ ngỏ. Hành động này xuất phát từ một thư điện tử của lãnh sự quán Trung Quốc gửi cho tất cả các thành viên của Thượng viện California, tuyên bố rằng nghị quyết này “sẽ gây tổn hại nghiêm trọng đến mối quan hệ hợp tác giữa California và Trung Quốc, đồng thời cũng làm tổn thương nghiêm trọng tình cảm của người dân Trung Quốc và cộng đồng người Hoa ở California.”

Vụ việc này phản ánh cách chính quyền Trung Quốc xuất cảng các chính sách đàn áp và cố gắng thao túng chính phủ Hoa Kỳ giữ im lặng về các vi phạm nhân quyền của Trung Quốc. Điều này cũng chứng tỏ họ đã sử dụng người Hoa và “cộng đồng người Hoa ở hải ngoại” để can thiệp vào chính trị trong nước của Hoa Kỳ.

Có nhiều ví dụ về việc các hoạt động và tuyên truyền như vậy tuyên bố đại diện cho “dư luận” trong cộng đồng người Hoa và tìm cách định hình cũng như gây ảnh hưởng đến chính sách của Hoa Kỳ để phục vụ lợi ích của những người này. Đây không phải là điều cộng đồng người Hoa muốn mà là điều ĐCSTQ muốn.

Nhóm tin tức Anh ngữ Epoch Times Tiếng Việt biên dịch

Related posts