Tin thế giới sáng thứ Bảy: Nhiều người bảo vệ nhân quyền ở Bắc Kinh bị trục xuất

Một đợt đàn áp chính trị mới? Nhiều người bảo vệ nhân quyền ở Bắc Kinh bị trục xuất

Liên Thành

Luật sư nhân quyền Vương Toàn Chương và gia đình ông đã sống trong một khu dân cư ở Thuận Nghĩa, Bắc Kinh gần ba năm. Gần đây chủ nhà đột ngột yêu cầu họ dọn ra ngoài. Vào ngày 26/4, chủ nhà thậm chí còn cử người đến sách nhiễu, cắt điện nước của gia đình luật sư Vương. 

Gần đây, gia đình luật sư nhân quyền Vương Toàn Chương (王全璋/Wang Quanzhang); gia đình nạn nhân Lý Hòa Bình (李和平/Li Heping) bị bắt giữ trong sự kiện 709 đấu tranh vì nhân quyền của giới luật sự TQ; và thủ lĩnh Quý Phong (季风/Ji Feng) của phong trào sinh viên đòi dân chủ trong vụ Thảm sát Thiên An Môn ngày 4 tháng 6 năm 1989, sống ở Bắc Kinh trong nhiều năm, đã cùng nhau thông báo rằng, chủ nhà của họ yêu cầu họ chuyển ra ngoài, và cơ quan An ninh nhà nước Trung Quốc thậm chí còn yêu cầu họ rời khỏi Bắc Kinh.

Theo Đài Á Châu Tự Do, luật sư nhân quyền Vương Toàn Chương và gia đình ông đã sống trong một khu dân cư ở Thuận Nghĩa, Bắc Kinh gần ba năm. Gần đây chủ nhà đột ngột yêu cầu họ dọn ra ngoài. Vào ngày 26/4, chủ nhà thậm chí còn cử người đến sách nhiễu, cắt điện nước của gia đình luật sư Vương. 

Luật sư nhân quyền Vương Toàn Chương cho biết, để không ảnh hưởng đến việc học của con trai, ông đã đồng ý với những yêu cầu vô lý của chủ nhà, như đóng thêm tiền thuê nhà, sửa sang nhà cửa trong những năm gần đây, nhưng chủ nhà vẫn dùng các biện pháp phi pháp để buộc họ phải dọn ra ngoài. Ông cũng tiết lộ rằng chính quyền Bắc Kinh đã khuyên họ rời Bắc Kinh, và trở về Sơn Đông.

Ngoài ra, gia đình của ông Lý Hòa Bình (李和平/Li Heping) từng bị bắt giữ trong sự kiện 709 bắt đầu ngày 9/7/2015 khi Bộ Công an Trung Quốc thực hiện kế hoạch truy quét bắt bớ trên toàn quốc đối với hàng loạt luật sư đấu tranh vì nhân quyền, gần đây đã bị chủ nhà yêu cầu chuyển ra ngoài, và gặp rất nhiều trở ngại trong quá trình tìm nhà mới. Khi chuyển đến nơi ở mới, họ thường bị các nhóm người lạ mặc thường phục theo dõi ở cửa.

Nhà truyền thông độc lập của Trung Quốc, Cao Du (高瑜/Gao Yu) nói rằng thủ lĩnh Quý Phong (季风/Ji Feng) của phong trào sinh viên đòi dân chủ trong vụ Thảm sát Thiên An Môn ngày 4 tháng 6 năm 1989 sống ở Bắc Kinh lâu năm, cũng có trải nghiệm tương tự, và An ninh Nhà nước Trung Quốc thậm chí còn đề nghị giúp ông chuyển đến Hà Bắc. 

Nhà truyền thông Cao Du tin rằng, gần đây ĐCSTQ đã tăng cường trục xuất những người bảo vệ nhân quyền ở Bắc Kinh, và có thể có một làn sóng đàn áp chính trị mới đằng sau nó. Bà Cao chỉ ra rằng, khi Bắc Kinh loại bỏ tầng lớp dân cư cấp thấp, họ đã làm ô nhục đất nước, và bây giờ họ đang trục xuất các nhà hoạt động nhân quyền, điều này sẽ có tác động tiêu cực hơn.

Kyiv tuyên bố: Cuộc không kích lớn nhất trong hai tháng qua của Nga làm ít nhất 21 người thiệt mạng

Ngọc Hạ

Lực lượng cứu hỏa dập lửa sau khi cuộc không kích của Nga tấn công một ngôi nhà ở Kharkiv, Ukraine vào ngày 10/9/2022. (Ảnh: Metin Aktas/Anadolu Agency/Getty Images)

Vào sáng sớm hôm nay, ngày 28/4/2023, Nga đã triển khai một cuộc không kích quy mô lớn nhất trong gần hai tháng, phóng tên lửa phá huỷ các thành phố trên khắp Ukraine, giết chết ít nhất 12 người, theo tin từ Reuters.

Các cuộc tấn công của Nga đã được thực hiện khi Kiev chuẩn bị mở một cuộc phản công nhằm chiếm lại lãnh thổ bị Nga chiếm đóng.

Ở trung tâm thành phố Uman, nhiều tòa chung cư chìm trong biển lửa và đổ nát. Thống đốc khu vực Ihor Taburets cho biết ít nhất 10 người thiệt mạng, trong đó có 2 trẻ em, ngoài ra còn 9 người khác bị thương.

Tại thành phố Dnipro ở phía Đông nam của Ukraine, một tên lửa đã rơi vào một ngôi nhà, khiến một đứa trẻ hai tuổi và một phụ nữ 31 tuổi thiệt mạng, và ba người khác bị thương.

Theo hãng thông tấn Interfax Ukraine, nhiều vụ nổ cũng xảy ra ở các thành phố Kremenchuk, Poltava, và Mykolaiv.

Quân đội Ukraine cho biết họ đã bắn hạ 21 trong tổng số 23 tên lửa hành trình của Nga. Giới chức Ukraine cũng cho hay, các đơn vị phòng không đã phá hủy 11 tên lửa và hai máy bay không người lái gần thủ đô Kiev của Ukraine, theo Reuters.

Moscow tuyên bố rằng những cuộc tấn công của họ chỉ có mục đích quân sự, và không nhằm vào dân thường ở Ukraine. Tuy nhiên Kiev hoàn toàn không tin vào tuyên bố này của Nga, vì kể cả những thị trấn nằm xa tiền tuyến của Ukraine cũng bị Nga tấn công, gây ra những thiệt hại nặng nề về người và của.

“Những hành động ‘khủng bố’ này của Nga cần, và sẽ phải đối mặt sự ‘phán quyết’ từ Ukraine và thế giới”, Tổng thống Volodymyr Zelenskiy viết trong một bài đăng trên Telegram, cùng với những hình ảnh về đống đổ nát.

Ở một diễn biến khác, Bộ trưởng Quốc phòng Nga, ông Sergey Shoigu cáo buộc rằng Mỹ và các đồng minh đang muốn kích động các quốc gia khác, điển hình là Ukraine, tham gia vào một cuộc đối đầu quân sự chống lại Moscow và Bắc Kinh. Mục đích cho việc này là để duy trì vị trí “độc tôn” của Mỹ trên trường quốc tế, theo TASS, truyền thông nhà nước của Nga.

Người đứng đầu Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR), theo cách nói của Nga, ông Denis Pushilin thì cho rằng Mỹ và các đồng minh đang ép buộc Kiev tiến hành một cuộc phản công lại Nga, mặc dù bản thân Kiev không hề tự nguyện và cũng không nắm chắc phần thắng.

Ukraine tuyên bố đã sẵn sàng phản công, Nga cách chức Thứ trưởng Quốc phòng

Viên Minh (Tổng hợp)

Quân nhân Ukraine khai hỏa bằng lựu pháo D-30 vào các vị trí của Nga gần Bakhmut, miền đông Ukraine, vào ngày 21 tháng 3 năm 2023. (Ảnh: SERGEY SHESTAK/AFP via Getty Images)

Ukraine đang hoàn tất việc chuẩn bị cho một cuộc phản công chống lại các lực lượng Nga và phần lớn mọi thứ đã sẵn sàng, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov cho biết hôm thứ Sáu (28/4). Trong khi đó Đại tướng Mikhail Mizintsev của Nga, người bị phương Tây trừng phạt vì vai trò của ông trong chiến sự ở Ukraine, vừa bị cách chức thứ trưởng Quốc phòng.

“Ngay khi có ý Chúa, thời tiết và quyết định của các chỉ huy, chúng tôi sẽ thực hiện cuộc phản công”, ông Reznikov nói trong một cuộc họp báo trực tuyến.

Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine không đưa ra thời điểm bắt đầu cuộc phản công nhưng khẳng định: “Nói chung, chúng tôi đã sẵn sàng với tỷ lệ phần trăm cao”.

Bộ trưởng Reznikov xác nhận Ukraine đã nhận được rất nhiều thiết bị hiện đại, trong đó có những vũ khí có thể đóng vai trò là “nắm đấm sắt”. Việc huấn luyện sử dụng các thiết bị phương Tây chuyển giao vẫn đang tiếp tục.

Kyiv hy vọng cuộc phản công theo kế hoạch của họ sẽ thay đổi động lực của cuộc chiến và giành lại những vùng lãnh thổ mà Nga đã chiếm đóng từ tháng 2/2022. Nga hiện nắm giữ các dải lãnh thổ Ukraine ở phía đông, nam và đông nam.

Hôm 26/4, Tướng Christopher Cavoli, chỉ huy Bộ tư lệnh lực lượng Mỹ tại châu Âu (EUCOM), khẳng định: “Hơn 98% tăng thiết giáp viện trợ đã có mặt tại Ukraine. Tôi rất tự tin rằng chúng ta đã cung cấp đầy đủ vật chất họ cần và sẽ hỗ trợ Ukraine duy trì hoạt động chiến đấu của chúng”.

Tổng thư ký NATO, ông Jens Stoltenberg hôm 27/4 cũng cho biết khối này đã chuyển giao cho Ukraine khoảng 98% phương tiện chiến đấu như đã cam kết. Số lượng vũ khí bao gồm 1.550 xe thiết giáp và 230 xe tăng, đồng thời đang lên kế hoạch hỗ trợ lâu dài cho Ukraine.

Ông Jens Stoltenberg cho rằng Ukraine hiện đã đủ khả năng để chiến đấu giành lại các vùng lãnh thổ trước đây.

Hệ thống phòng không của Ukraine cũng đã được củng cố trong những tháng gần đây nhờ việc cung cấp các thiết bị quan trọng của phương Tây.

Reuters cho biết hàng ngàn binh sĩ Ukraine đã được huấn luyện ở phương Tây để sử dụng các khí tài quân sự khác nhau trên chiến trường một cách tổng hợp.

Dù vậy, NATO cũng cảnh báo Ukraine không được hạ thấp khả năng chiến đấu của quân đội Nga bởi dù đã bộc lộ một số hạn chế về chất lượng nhưng được bù đắp bằng số lượng khi Nga có thể ban hành lệnh tổng động viên mới.

Trong một diễn biến khác, Đại tướng Nga Mikhail Mizintsev, người bị phương Tây trừng phạt và mệnh danh là “Đồ tể của Mariupol” vì vai trò của ông trong cuộc chiến Ukraine, đã bị cách chức Thứ trưởng Quốc phòng. Blogger quân sự Nga Alexander Sladkov và trang tin RBC đều đưa tin này.

Theo Reuters, ông Mizintsev là người tổ chức cuộc bao vây thành phố Mariupol của Ukraine trong những tháng đầu của chiến sự Nga – Ukraine. Ông thường xuyên có phát ngôn cứng rắn tại Mariupol – bao gồm các “tối hậu thư” đòi lực lượng Ukraine cố thủ tại nhà máy thép Azovstal đầu hàng.

Cuối tháng 9/2022, ông được bổ nhiệm làm thứ trưởng Quốc phòng phụ trách hậu cần và vật tư thay đại tướng Dmitry Bulgakov.

Theo Reuters, Tổng thống Nga Vladimir Putin thường xuyên cải tổ vị trí của các tướng lĩnh hàng đầu trong quân đội Nga mà không giải thích nguyên do.

Hồi tháng 1/2023, ông Valery Gerasimov, Tổng tham mưu trưởng Lực lượng vũ trang Nga, được bổ nhiệm thay ông Sergei Surovikin để trở thành Tổng chỉ huy chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.

Đại tướng Bulganov, người bị thay thế bởi tướng Mizintsev hồi năm ngoái trong cương vị thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga, cũng bị miễn nhiệm và chuyển sang công tác khác không rõ nguyên nhân.

Giám đốc FBI: Trung Quốc có số lượng hacker gấp 50 lần FBI

Tạ Linh

Ông Christopher Wray, Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ cho biết, Trung Quốc có số lượng hacker gấp 50 lần FBI (ảnh: VOA).

Theo ông Christopher Wray, Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI), Trung Quốc là nơi trú ngụ của tội phạm mạng với quy mô chưa từng thấy trước đây. Theo ông, số lượng tin tặc ở Trung Quốc gấp 50 lần của FBI.

Phát biểu trước Ủy ban Thẩm định Hạ viện hôm 27/04, ông  Wray nói: “Các mối đe dọa mạng ngày nay tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn, đe dọa nhiều nạn nhân hơn và lan rộng hơn bao giờ hết”.

Đề cập tới Trung Quốc, ông nêu rõ: “Chiến lược quan trọng của Trung Quốc là nói dối, gian lận và đánh cắp để vượt qua chúng ta với tư cách là siêu cường toàn cầu về mạng”.

“Nếu bạn nhìn vào Trung Quốc, chương trình hack của họ lớn hơn chương trình của mọi quốc gia khác cộng lại”.

Tiếp tục, ông nói: “Để cho mọi người biết chúng tôi đang chống lại điều gì, nếu mỗi đặc vụ mạng của FBI và các nhà phân tích tình báo chỉ tập trung vào mối đe dọa từ Trung Quốc… Tin tặc Trung Quốc vẫn sẽ đông hơn nhân viên mạng của FBI ít nhất là 50 lần”.

Giám đốc FBI gọi Trung Quốc là mối đe dọa lớn nhất đối với nước Mỹ, ông nói với Uỷ ban rằng các cuộc điều tra của FBI về Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và những kẻ chủ mưu của họ đã tăng 1.300%. Ông cũng nói FBI chặn 15 triệu cuộc tấn công mạng vào cơ sở hạ tầng của Hoa Kỳ mỗi tuần.

Nga lại phạt Wikipedia vì bài đăng liên quan cuộc chiến Ukraina

Liên Thành

Ảnh minh họa.

Theo hãng tin Interfax, một tòa án Nga hôm 27/04 phạt Wikimedia Foundation, chủ sở hữu Wikipedia, hai triệu rúp (tương đương trên 24 ngàn đô la) vì không xóa những gì mà Nga gọi là ‘nội dung cấm’ liên quan đến quân đội Nga.

Tòa nói đây là khoản tiền phạt thứ bảy được áp dụng đối với Wikimedia trong năm nay vì không gỡ bỏ thông tin bị cấm. Tổng số tiền phạt đã lên tới 8,4 triệu rúp.

Khoản phạt mới nhất là do Wikimedia không chịu xóa một bài viết về một đơn vị quân đội trong đó có chứa ‘thông tin quân sự mật’ về vị trí, thành phần và trang thiết bị của đơn vị đó, bao gồm cả thông tin liên quan đến tiến độ của chiến dịch của Nga tại Ukraina.

Wikimedia không hồi đáp yêu cầu bình luận. Trước đây họ từng nói thông tin mà nhà chức trách Nga phàn nàn có gốc gác rõ ràng và phù hợp với các tiêu chuẩn của Wikipedia.

Wikipedia là một trong số ít nguồn thông tin độc lập còn tồn tại ở Nga kể từ khi nhà nước tăng cường đàn áp nội dung trực tuyến sau khi Matxcova xâm chiếm Ukraina từ năm ngoái.

“Chúng tôi chưa chặn Wikipedia, hiện chưa có kế hoạch nào như vậy”, Interfax dẫn lời Bộ trưởng phụ trách kỹ thuật số, Maksut Shadaev, loan báo hồi tuần trước.

Điện Kremlin phủ nhận cáo buộc Nga chuẩn bị thử vũ khí hạt nhân

Phan Anh

Điện Kremlin ngày 28/4 đã bác bỏ thông tin cho rằng Nga chuẩn bị tiến hành thử vũ khí hạt nhân, theo hãng tin Reuters.

Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov. (Ảnh: Viiviien/ShutterStock)

Trước đó, đại sứ Mỹ tại Nga Lynne Tracy trong cuộc trả lời phỏng vấn tờ Kommersant đăng tải ngày 27/4 có nhận định rằng Nga là quốc gia duy nhất nói đến khả năng nối lại thử nghiệm hạt nhân.

Khi phóng viên đặt câu hỏi về bình luận của đại sứ Tracy, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov thẳng thừng bác bỏ ý tưởng Nga lên kế hoạch thử vũ khí hạt nhân.

Ông Peskov nói với các phóng viên rằng: “Ở thời điểm này mọi người đều tuân thủ lệnh cấm. Không còn gì để nói ở đây”.

Trong tháng 2, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhận định rằng một số nhân vật ở Washington đang xem xét phá vỡ lệnh cấm thử hạt nhân. Nhà lãnh đạo Nga cũng nói nước này nên sẵn sàng hành động tương xứng.

Tổng thống Nga Putin khi đó đã tuyên bố như sau: “Nếu Mỹ thử nghiệm thì chúng ta cũng sẽ như vậy. Không ai được có ảo tưởng nguy hiểm rằng cân bằng chiến lược toàn cầu có thể bị phá vỡ”.

Vào tháng 2 vừa qua, Tổng thống Putin thông báo Nga đình chỉ tham gia Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START).

Được biết, New START có hiệu lực vào năm 2011, giới hạn Nga và Mỹ chỉ được sở hữu không quá 1.550 đầu đạn hạt nhân được triển khai và yêu cầu một loạt bước xác nhận, trong đó cả việc thanh sát hiện trường.

Mỹ tìm cách giảm rủi ro trong quan hệ đối với Trung Quốc

Phan Anh

Ông Jake Sullivan. (Ảnh: it.usembassy.gov)

Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan đang có cùng lập trường với nhà lãnh đạo EU Ursula von der Leyen trong nỗ lực sắp xếp chặt chẽ hơn cách tiếp cận đối với Trung Quốc, theo tờ SCMP.

Cụ thể, cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan ngày 27/4 cho biết Tổng thống Mỹ Joe Biden đang tìm cách “giảm thiểu rủi ro”, song không tách rời khỏi Trung Quốc để tạo ra sự đồng thuận mới cho trật tự kinh tế quốc tế. Quan điểm này được cho là tương đồng với Liên minh châu Âu (EU).

Phát biểu tại Viện Brookings (Mỹ), cố vấn Sullivan cho hay: “Chúng tôi đã hội ý với các nhà lãnh đạo chủ chốt của châu Âu rằng chúng tôi ủng hộ loại bỏ rủi ro, nhưng không phải để tách rời”.

Ông Sullivan nói thêm rằng về cơ bản, loại bỏ rủi ro có nghĩa là có chuỗi cung ứng linh hoạt, hiệu quả và đảm bảo Mỹ không chịu sự ép buộc của bất kỳ quốc gia nào khác.

Vài tuần trước tại Brussels, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen đã đưa ra cùng luận điểm trong bài phát biểu về chính sách của khối này. Sau đó, bà đã lên đường tới Bắc Kinh cùng với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron để trực tiếp gửi thông điệp đó tới Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Bà von der Leyen tập trung vào chiến lược “giảm thiểu rủi ro” – cụ thể là việc loại bỏ châu Âu khỏi nguồn cung cấp khoáng sản quan trọng của Trung Quốc và hạn chế thương mại trong các công nghệ nhạy cảm như trí tuệ nhân tạo, vi mạch và điện toán lượng tử.

Mặc dù điều đó không mới đối với giới lãnh đạo châu Âu, nhưng chiến lược này được coi là thể hiện sự khác biệt trong cách tiếp cận mà Brussels và Washington đang thực hiện đối với Bắc Kinh.

Với vết rạn nứt ngày càng lớn trong một loạt vấn đề như danh sách đen thương mại, kiểm soát xuất khẩu và rà soát đầu tư ngày càng gia tăng, các nhà đầu tư và doanh nghiệp trên toàn thế giới đã bày tỏ lo ngại về sự chia rẽ lâu dài giữa hai nền kinh tế lớn nhất là Mỹ và Trung Quốc.

Cố vấn Jake Sullivan cho biết chính quyền của Tổng thống Joe Biden sẽ tiếp tục thực hiện các hạn chế phù hợp đối với việc xuất khẩu công nghệ bán dẫn tiên tiến nhất sang Trung Quốc theo chiến lược “sân nhỏ, hàng rào cao”.

Tuy nhiên, những biện pháp đó có tiền đề là bảo vệ an ninh quốc gia và không có ý gây tổn hại cho Trung Quốc.

Ông Sullivan nói: “Chúng tôi không cắt đứt thương mại. Trên thực tế, Mỹ tiếp tục có mối quan hệ thương mại và đầu tư rất quan trọng với Trung Quốc”.

Cũng trong tuần trước, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen cũng cho biết Mỹ không tìm cách tách khỏi Trung Quốc, đồng thời cảnh báo rằng việc tách rời hoàn toàn hai nền kinh tế sẽ là thảm họa.

Tuy nhiên, ông Sullivan cũng ghi nhận khó khăn trong cách tiếp cận trên: “Làm thế nào để bạn loại bỏ rủi ro một cách hiệu quả mà không cần tách rời? Không có công thức rõ ràng cho điều đó”.

Vài thập kỷ qua đã bộc lộ những rạn nứt trong trật tự kinh tế quốc tế do Mỹ dẫn đầu sau Thế chiến II. Ông Sullivan cho rằng các bên cần tạo ra sự đồng thuận mới.

Related posts