Joe Gomez
Các quan chức và chuyên gia dọc biên giới Hoa Kỳ-Mexico cho biết khối lượng thương mại trị giá hơn 1 ngàn tỷ USD mỗi năm giữa hai quốc gia này cuối cùng đã phục hồi sau khi bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, với nhiều nhà sản xuất chuyển đến Mexico, nơi họ xuất cảng hàng hóa sang Hoa Kỳ.
Theo Cục Thống kê Giao thông Vận tải Hoa Kỳ (BTS), trong thời kỳ đại dịch, từ năm 2019 đến năm 2020, tổng giá trị thương mại của Hoa Kỳ với Canada và Mexico đã giảm 13.3% xuống còn 1 ngàn tỷ USD. Khối lượng hàng hóa qua biên giới đã giảm 3.7% xuống 557.7 triệu tấn.
Hồi năm 2019, trước khi đại dịch xảy ra, BTS cho biết “Hoa Kỳ có 1.2 ngàn tỷ USD thương mại với Canada và Mexico. Tổng khối lượng thương mại đó là 579.4 triệu tấn. Mặc dù lưu lượng vận chuyển hàng hóa không bị ảnh hưởng bởi việc đóng cửa biên giới liên quan đến đại dịch, nhưng hoạt động kinh tế nhìn chung đã chậm lại trong năm 2020 sau các đợt phong tỏa do đại dịch ở cả ba quốc gia.”
“Đại dịch đã bộc lộ sự hội nhập sâu rộng của các nền kinh tế chúng ta cũng như một số trở ngại và hạn chế quan trọng,” ông Andrew Rudman, giám đốc Viện Mexico của Trung tâm Wilson, nói với The Epoch Times. “Việc đóng cửa biên giới Hoa Kỳ đối với việc đi lại không cần thiết và các định nghĩa khác nhau về tính ‘thiết yếu’ có nghĩa là những gián đoạn đáng kể đối với dòng hàng hóa qua biên giới của chúng ta.”
Ông nói, “Đối với các cộng đồng ở biên giới Hoa Kỳ, việc đóng cửa biên giới cũng đồng nghĩa với việc mất đi một phần đáng kể cơ sở khách hàng của họ, mà phần lớn trong cơ sở này vẫn luôn qua lại biên giới hàng ngày để mua sắm. Một trong những bài học quan trọng nhất mà chúng ta nên rút ra từ đại dịch là Hoa Kỳ và Mexico (và Canada) cần thiết lập các hướng dẫn và thước đo rõ ràng nhất quán để xác định thời điểm đóng cũng như mở cửa trở lại biên giới cho việc di chuyển thương mại và cá nhân.”
Theo BTS, sau đại dịch, thương mại giữa Hoa Kỳ, Mexico, và Canada đã phục hồi mạnh mẽ.
“Trong năm 2022, khi đại dịch dần suy yếu và hoạt động kinh tế phục hồi, giá trị thương mại của Hoa Kỳ với Canada và Mexico đã đạt 1.6 ngàn tỷ USD, tăng 50% so với năm 2020 và 25% so với trước đại dịch năm 2019.”
Các công ty chuyển đến Mexico
Đặc biệt ở Mexico, các chuyên gia tin rằng sự hồi phục trong thương mại mạnh mẽ như vậy là do nhiều công ty đã chuyển hoạt động sản xuất của họ ra khỏi Trung Quốc và chuyển đến Mexico.
“Thương mại tăng trưởng theo cấp số nhân chủ yếu là do [hoạt động] sản xuất và hậu cần của các công ty rút khỏi Trung Quốc và chuyển đến Mexico,” ông Ricardo Rubiano, người sáng lập công ty đầu tư địa ốc RubiGroup Capital, nói với The Epoch Times. “Đây không phải là một xu hướng mới theo bất kỳ cách nào; hiện nay xu hướng này đã xảy ra trong khoảng hơn năm hoặc bảy năm do việc mở rộng hành lang sản xuất và hậu cần từ Mexico City đến Monterrey cho đến ba trạm kiểm soát chính, là Ciudad Juarez, Reynosa, và Laredo. … Do đó, chúng tôi đang thấy sự phát triển ở Mexico, và thấy nhu cầu đã được chuyển thẳng vào Hoa Kỳ.”
Ông nói, “Khi quý vị nhìn vào sự mở rộng công nghiệp trong hành lang [đó], Tesla đang được xây dựng ở Monterrey, cùng với Sony, Samsung. Hầu như bất kỳ công ty nào trong danh sách Fortune 500 hiện nay cũng đều đang hoạt động ở Mexico hoặc mở rộng đáng kể sự hiện diện của họ ở Mexico.”
Đó là một khẳng định mà ông Rudman đồng ý. Ông nói, “Các công ty đang chuyển hoạt động trở lại Mexico để rút ngắn chuỗi cung ứng (một bài học khác về đại dịch) và để tiếp cận thị trường Bắc Mỹ, một trong những thị trường cạnh tranh nhất trên thế giới. Làn sóng ‘chuyển sản xuất về gần nhà’ (nearshoring) đang tạo ra nhu cầu cực lớn đối với không gian nhà kho và dịch vụ sản xuất theo hợp đồng, cũng như đầu tư vào các cơ sở sản xuất mới.”
“Mexico có thể tận dụng được mối quan tâm này đến mức nào sẽ phụ thuộc vào nguồn năng lượng sạch đáng tin cậy và vào việc cung cấp giáo dục và chăm sóc sức khỏe chất lượng cho các nhân viên tiềm năng và gia đình của họ. Với các chính sách phù hợp để thu hút và duy trì đầu tư, Mexico thực sự có thể tận dụng được chi phí lao động đang lên cao hơn ở Trung Quốc, ưu tiên rút ngắn các chuỗi cung ứng, và vị trí địa lý gần với thị trường tiêu dùng quan trọng nhất trên thế giới của nước này.”
Laredo
Không có thành phố nào trên toàn quốc cảm thấy sự khác biệt ngày càng tăng trong thương mại giữa Hoa Kỳ và Mexico nhiều hơn là thành phố biên giới Laredo của Texas.
Thị trưởng Laredo, Bác sĩ Victor D. Trevino nói với The Epoch Times: “Khoảng 40 đến 45% tổng số hàng hóa từ Mexico [đến Hoa Kỳ] đi qua các cây cầu của Laredo. … Thương mại đang phát triển nhanh chóng; năm 2022 giao dịch liên quan đến biên giới [trong khu vực của chúng tôi] chiếm gần 320 tỷ USD.”
Có rất nhiều hàng hóa thương mại đi từ Nuevo Laredo, Mexico, đến Laredo đến nỗi ông Trevino cho biết thành phố này đang nỗ lực mở rộng Cầu Thương mại Thế giới, một trong bốn cây cầu quốc tế mà Laredo có.
Ông Trevino nói: “Chúng ta phải đầu tư vào cơ sở hạ tầng của mình, và ý nghĩa quốc tế của cây Cầu Thương mại Thế giới là rất quan trọng, và câu cầu này là cảng nhập cảnh số một giữa biên giới Hoa Kỳ-Mexico.”
Theo báo cáo hồi tháng 04/2022 của thành phố Laredo về việc mở rộng cây cầu, Sở Giao thông vận tải Texas (TxDOT) cho biết, Cầu Thương mại Thế giới là một cảng nhập cảnh biên giới quan trọng đến mức mà vào năm 2050, thời gian chờ đợi trung bình trên cầu sẽ lên tới 8 giờ 47 phút.
Báo cáo cho biết, “TxDOT nhấn mạnh rằng chi phí kinh tế của sự chậm trễ này là rất lớn: ‘Nhu cầu và sự chậm trễ tại Cầu Thương mại Thế giới được dự báo ước tính sẽ có tác động lên GDP tăng từ mức 422.3 triệu USD vào năm 2019 lên 28.0 tỷ USD (16.8 tỷ USD đối với Hoa Kỳ, 11.2 USD tỷ đối với Mexico) vào năm 2050.’”
Ông Trevino cho biết Cầu Thương mại Thế giới cho thấy tầm quan trọng của hợp tác song phương vì cả hai bên biên giới đều dựa vào thương mại và người tiêu dùng di chuyển từ quốc gia này sang quốc gia khác.
Ông nói rằng trong thời kỳ đại dịch, Laredo và thành phố kết nghĩa ở bên kia biên giới của đô thị này, Nuevo Laredo, đã làm việc cùng nhau để giảm thiểu sự lây lan của COVID-19.
“Vì đại dịch, chúng tôi đã có thể tập hợp các nguồn lực của mình lại với nhau, giữ vững và kiên cường. Và với những nỗ lực hợp tác và làm việc cùng nhau, tôi nghĩ chúng ta có thể hoàn thành công việc một cách tốt hơn, hiệu quả hơn. Mô hình [hợp tác trong] đại dịch này nên là một ví dụ cho các dự án khác.”
Vân Du biên dịch