Dịch bệnh bùng phát trở lại ở Trung Quốc, bệnh nhân: Virus quá đáng sợ!
Gần đây, dịch viêm phổi Vũ Hán (COVID-19) đã bùng phát trở lại tại Trung Quốc Đại Lục, một lượng lớn người đã bị nhiễm bệnh. Có bệnh nhân nói: “Virus này thật khủng khiếp! Nó là kẻ giết người vô hình!”
Đây là đợt lây nhiễm quy mô lớn đầu tiên kể từ khi Trung Quốc (Đảng Cộng sản Trung Quốc, ĐCSTQ) bất ngờ dỡ bỏ lệnh phong tỏa vào cuối năm ngoái và gây ra một số lượng lớn ca tử vong. Bắt đầu từ tháng 4, số người dương tính với lần lây nhiễm đầu tiên tăng lên. Kể từ đầu tháng 5, số lượng “người dương tính lần hai” tăng lên rất nhiều, có người lớn tuổi do mắc bệnh nền nên sau khi lây nhiễm dịch thì phát triển thành phổi trắng và tử vong.
Ông Vu Lực (hóa danh), một bác sĩ ở thành phố Giai Mộc Tư, tỉnh Hắc Long Giang, nói với tờ Epoch Times hôm 16/6 rằng ở địa phương “có rất nhiều người dương tính lần 2, cũng có rất nhiều người nhập viện, và một số người già đã qua đời sau khi bị bị lây nhiễm.”
Vương Di (hóa danh) đến từ Nam Thông, tỉnh Giang Tô lần đầu tiên bị nhiễm virus với các triệu chứng nghiêm trọng, kéo dài hơn 20 ngày. “Tôi cũng không biết làm sao mà bị nhiễm.”
Vương Di nói rằng vào ngày 25/5 anh bắt đầu bị đau đầu, đau nhức xương và toàn thân. Anh đã đến bệnh viện vào ngày 26/5 và cho kết quả dương tính. Sau đó anh ấy bị sốt, đổ mồ hôi, mất ngủ, tiêu chảy cho đến khi mệt lả và chóng mặt. Vào ngày thứ 18, anh bắt đầu thở không nổi.
Cô Liêu ở Tô Châu, tỉnh Giang Tô, đến bệnh viện vào ngày 12/6 và có kết quả dương tính. Cô nói với phóng viên rằng đây là lần đầu tiên cô có các triệu chứng dương tính. Cô có các triệu chứng nghiêm trọng, sốt, chóng mặt và buồn nôn, sau đó phát triển thành viêm phổi, trong viện có rất nhiều người truyền nước đều là bệnh nhân dương tính. “Loại virus này rất đáng sợ! Nó là sát thủ vô hình, sau khi dương tính sẽ có hậu di chứng.”
Tại thành phố phía nam Phúc Châu, tỉnh Phúc Kiến, “làn sóng lây nhiễm thứ hai đã diễn ra rất nghiêm trọng trong khoảng một tháng qua”, A Lượng – một cư dân Phúc Châu – nói với tờ Epoch Times. Nhiều người xung quanh anh cũng bị lây bệnh: “Mặc dù các triệu chứng không nghiêm trọng như đợt dịch đầu, nhẹ hơn rất nhiều nhưng khả năng lây nhiễm vẫn rất mạnh.”
Bác sĩ Bạch của Bệnh viện An Trinh Bắc Kinh cho biết trên mạng xã hội rằng ông cũng bị lây nhiễm lần thứ hai, giám đốc khoa nhiễm trước tiên, có các triệu chứng nghiêm trọng, tất cả đều bị lây nhiễm từ một bệnh nhân.
Làn sóng dịch này tác động lớn hơn đến người lớn tuổi có bệnh nền, có nhiều ca tử vong với phổi trắng. Đại học Y học cổ truyền Trung Quốc ở Bắc Kinh đã đăng một bài viết trên mạng lưới bác sĩ, nói rằng số lượng bệnh nhân đến các phòng khám sốt trên toàn Trung Quốc gần đây đã tăng lên, và những bệnh nhân có khả năng miễn dịch thấp, lớn tuổi hoặc mắc các bệnh nền nghiêm trọng có nhiều khả năng bị nhiễm virus viêm phổi.
Một cư dân ở Phố Đông, thành phố Thượng Hải, nói với phóng viên vào ngày 21/6 rằng bố anh gần đây sau khi nhiễm virus corona mới, phổi đã phát triển trắng và qua đời. Cư dân mạng có tên “Tiantian” cũng nói rằng bố mình đã qua đời sau khi dương tính lần hai.
Ngày 11/6, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Quốc gia Trung Quốc (CDC) đã ban hành một báo cáo về tình hình nhiễm virus corona mới vào tháng 5, cho biết 31 tỉnh (khu tự trị, thành phố trực thuộc trung ương) và Tân Cương đã báo cáo 2.777 ca bệnh nặng mới và 164 ca tử vong, tất cả đều là biến thể Omicron, 3 chủng hàng đầu là XBB.1.9, XBB.1.16, XBB.1.5.
Do chính quyền ĐCSTQ liên tục che giấu dịch bệnh nên không rõ có bao nhiêu người bị nhiễm bệnh trong đợt dịch mới.
Theo truyền thông Trung Quốc Đại Lục đưa tin, ông Chung Nam Sơn – viện sĩ của Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc – dự đoán rằng có thể có đợt bùng phát dịch lần thứ hai vào cuối tháng 6, với khoảng 65 triệu người mắc bệnh mỗi tuần. Đây sẽ là đợt lây nhiễm lớn đầu tiên ở Đại Lục kể từ khi lệnh phong tỏa được dỡ bỏ hoàn toàn vào tháng 12 năm ngoái. Ngoại giới lo ngại rằng số ca nhiễm bệnh khổng lồ có thể gây áp lực lên hệ thống y tế của Trung Quốc.
Theo Hồng Ninh, Epoch Times
Lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ: Tàu ngầm mất tích Titan phát nổ, không ai sống sót
Theo hãng AP đưa tin hôm 22/6, Lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ cho biết, tàu lặn mất tích Titan đã phát nổ từ bên trong, gần xác tàu Titanic, khiến toàn bộ 5 người, bao gồm một người lái tàu và 4 hành khách, thiệt mạng. Cùng ngày, Công ty OceanGate Expeditions cho biết trong một tuyên bố rằng tất cả 5 người đã thiệt mạng.
Lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ trước đó cho biết, đã phát hiện mảnh vụn trong khu vực tìm kiếm tàu ngầm Titan mất tích gần địa điểm xác của con tàu Titanic. Không khí trong tàu ngầm dự kiến sẽ hết, trong khi khi cuộc tìm kiếm đa quốc gia trên hàng ngàn dặm vuông ở Bắc Đại Tây Dương xa xôi bước sang ngày thứ 5.
Tuy nhiên Lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ cho biết vẫn chưa rõ liệu các mảnh vỡ có bất kỳ mối liên hệ nào với tàu ngầm mất tích hay không.
Tàu ngầm Titan do công ty Ocean Gate Expeditions có trụ sở tại Mỹ điều hành, vào lúc 8h sáng Chủ nhật (ngày 18/6), con tàu này bắt đầu lặn về phía con tàu Titanic bị chìm hàng thế kỷ. Tuy nhiên sau khi lịch trình thám hiểm diễn ra được 2 giờ thì tàu ngầm có kích thước bằng một chiếc xe tải nhỏ này đã mất liên lạc với tàu hỗ trợ.
Theo công ty trước đó, Titan đã khởi hành mang theo không khí có thể duy trì 96 giờ, có nghĩa là lượng oxy của nó có thể sẽ cạn kiệt vào sáng thứ Năm (22/6). Các chuyên gia cho biết thời gian chính xác phụ thuộc vào các yếu tố như liệu con tàu có còn động lực (động cơ còn hoạt động) hay không, mức độ bình tĩnh của những người trên tàu và giả định rằng tàu Titan vẫn còn nguyên vẹn.
Nhưng trong một tuyên bố cuối cùng hôm thứ Năm, Ocean Gate Expeditions cho biết tất cả 5 thành viên trên tàu ngầm Titan được cho là đã thiệt mạng.
Theo CNN đưa tin, công ty Ocean Gate Expeditions cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Năm, họ tin rằng hành khách của tàu ngầm Titan đã “không may thiệt mạng”.
“Bây giờ chúng tôi tin rằng các CEO Stockton Rush, Shahzada Daward và con trai của ông ấy là Suleiman Daward, Hamish Harding và Paul-Henri Nargeolet, đã không may thiệt mạng,” công ty cho biết trong một tuyên bố.
“Những người đàn ông này là những nhà thám hiểm thực thụ, những người có chung tinh thần phiêu lưu và niềm đam mê sâu sắc đối với việc khám phá và bảo vệ các đại dương trên thế giới. Trái tim của chúng tôi hướng về 5 linh hồn này và mọi thành viên trong gia đình họ cùng vượt qua nỗi đau trong thời khắc bi thảm này,” tuyên bố viết.
Công ty cho biết thêm: “Đối với các nhân viên chăm chỉ của chúng tôi, đây là một khoảnh khắc vô cùng đau buồn, họ cảm thấy mệt mỏi và đau đớn vì sự mất mát này. Toàn bộ gia đình OceanGate xin gửi lời cảm ơn sâu sắc đến các tổ chức quốc tế từ nhiều quốc gia, đã cung cấp nguồn lực đa dạng và nỗ lực lớn lao để hỗ trợ cho nhiệm vụ này. Chúng tôi rất biết ơn sự tận tâm của họ trong việc tìm kiếm 5 nhà thám hiểm này, cũng như sự hỗ trợ của họ cho thủy thủ đoàn của chúng tôi và gia đình họ trong suốt những ngày qua.“
Một phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết “vô cùng đau buồn” khi nghe tin người trên tàu ngầm OceanGate Titan đã thiệt mạng.
Thư ký báo chí Lầu Năm Góc, Chuẩn tướng Patrick Ryder, nói với các phóng viên CNN rằng trọng tâm của Bộ Quốc phòng sẽ là “hỗ trợ Lực lượng Bảo vệ Bờ biển và những nỗ lực của họ để đẩy mạnh tiến trình tìm kiếm”.
Tàu ngầm Titan hiện được cho là đã gặp phải thảm họa do “vụ nổ từ bên trong” khiến 5 người trên tàu thiệt mạng.
CNN đưa tin, một quan chức Lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ cho biết hôm thứ Năm rằng các nhà chức trách đang xử lý “môi trường hoạt động cực kỳ phức tạp dưới đáy đại dương sâu hơn hai dặm (tương đương hơn 3,219 km)” để hiểu rõ hơn điều gì đã xảy ra với tàu ngầm Titan.
Trí Đạt
Mỹ từng theo dõi người của Huawei và ZTE ra vào trạm nghe lén của ĐCSTQ tại Cuba
Từ chính quyền thời cựu Tổng thống Donald Trump, Mỹ đã điều tra các trạm nghe lén của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đặt tại Cuba, tình báo Mỹ khi đó đã theo dõi nhân viên của các ‘gã khổng lồ’ viễn thông Trung Quốc Huawei và ZTE ra vào các trạm này.
WSJ hôm 21/6 dẫn nguồn tin cho hay, chính quyền Mỹ thời Tổng thống Trump nghi ngờ rằng hai ‘gã khổng lồ’ viễn thông Trung Quốc Huawei và ZTE có thể đã giúp mở rộng khả năng của ĐCSTQ do thám Mỹ từ Cuba. Không rõ liệu chính quyền Tổng thống Biden hiện nay có tiếp tục cuộc điều tra này hay không.
Nguồn tin cho hay, dù cả Huawei và ZTE đều không tạo ra các công cụ tinh vi mà ĐCSTQ sử dụng để nghe lén, nhưng cả hai công ty đều thành thạo các công nghệ có thể hỗ trợ các hoạt động đó, chẳng hạn như máy chủ và thiết bị mạng có thể được sử dụng để truyền dữ liệu về Trung Quốc.
Huawei phủ nhận các cáo buộc, trong một tuyên bố gọi chúng là “những cáo buộc vô căn cứ”, trong khi ZTE không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận của WSJ.
Nhà Trắng và Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ (ODNI) hiện nay cũng không trả lời yêu cầu bình luận.
Theo nhà chức trách Mỹ, ĐCSTQ đã duy trì một căn cứ gián điệp ở Cuba ít nhất là từ năm 2019 khi ông Trump trở thành tổng thống, sau đó mở rộng từ một trạm nghe lén lên thành 4 trạm cùng hoạt động.
Đã từ lâu giới chức Mỹ cảnh báo ĐCSTQ có thể sử dụng các công ty viễn thông Trung Quốc để làm gián điệp. Mỹ đã tiến hành một nỗ lực vận động hành lang kéo dài một năm để thuyết phục các đồng minh loại trừ Huawei khỏi các mạng viễn thông thế hệ tiếp theo.
Bộ Ngoại giao ĐCSTQ đã bác bỏ tuyên bố rằng họ đang tiến hành hoạt động gián điệp ở Cuba. Nhưng Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết hôm thứ Ba (20/6) rằng ông đã nói với Ngoại trưởng Trung Quốc vấn đề Mỹ “quan ngại sâu sắc” về các hoạt động gián điệp và quân sự của Trung Quốc ở Cuba.
Điều phối viên truyền thông chiến lược John Kirby của Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng cũng cho biết hôm thứ Ba rằng Trung Quốc không ngừng nỗ lực cải thiện khả năng thu thập thông tin tình báo ở Tây bán cầu, bao gồm cả việc thiết lập mối quan hệ tình báo với Cuba, điều này không phải vấn đề gì bí mật hay bất ngờ.
Những năm gần đây, nhà chức trách Mỹ đã hạn chế cho phép xuất khẩu công nghệ cho Huawei và ZTE. Năm 2019, Bộ Thương mại Mỹ đã thêm Huawei vào danh sách các thực thể thương mại, yêu cầu đối với một số hàng hóa nhất định chuyển cho Huawei buộc phải có giấy phép. Năm 2020, Mỹ đã mở rộng đáng kể các yêu cầu cấp phép này. Thế nhưng Bộ Thương mại Mỹ đã cấp nhiều giấy phép trong số này, cho phép các nhà xuất khẩu Mỹ tiếp tục bán nhiều công nghệ cho Huawei.
Bộ Thương mại Mỹ hiện cho biết họ đang xem xét các chính sách và làm mọi thứ có thể để ngăn chặn công nghệ nhạy cảm của Mỹ rơi vào tay đối thủ. Một phát ngôn viên cho biết Huawei vẫn phải đối mặt “những hạn chế xuất khẩu không nhỏ”, đồng thời lưu ý rằng Bộ Thương mại vào tháng 4 đã áp đặt hình phạt dân sự độc lập lớn nhất từ trước đến nay đối với một công ty Mỹ, lý do là đã bán ổ cứng cho Huawei mà không có giấy phép.
Người phát ngôn nói thêm rằng ZTE vẫn phải tuân theo một thỏa thuận với Bộ Thương mại Mỹ, theo đó thỏa thuận yêu cầu họ phải chịu sự giám sát bổ sung.
Tình báo Mỹ cảnh giác về khả năng thành lập cơ sở huấn luyện quân sự Trung Quốc – Cuba
Cũng theo WSJ, ĐCSTQ đang thảo luận với Cuba để xây dựng một cơ sở huấn luyện quân sự chung mới ở Cuba chỉ cách bờ biển Mỹ hơn 100 dặm, vấn đề đang khiến Mỹ đặc biệt cảnh giác.
WSJ lần đầu tiên đưa tin vào ngày 20/6 rằng tình báo Mỹ cho hay vấn đề đàm phán về cơ sở ở bờ biển phía bắc Cuba đang ở giai đoạn cuối, chính quyền Tổng thống Biden đã liên hệ với các quan chức Cuba để trì hoãn thỏa thuận và ngăn cản mọi hành động.
Một quan chức đương nhiệm và một cựu quan chức Mỹ nói với WSJ rằng cơ sở quân sự được đề xuất là một phần của Dự án 141, đây là dự án của quân đội ĐCSTQ nhằm tạo ra một mạng lưới tiền đồn quân sự trải khắp toàn cầu. Một cựu quan chức Mỹ cho biết, trong Dự án 141 có tiền đồn hải quân ĐCSTQ ở Campuchia và một cơ sở quân sự tại một cảng ở Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất.
Nguồn tin cho biết, trong thông tin tình báo mới cơ mật cao của Mỹ có nhắc đến cơ sở huấn luyện quân sự Trung Quốc – Cuba, nhưng vấn đề thông tin này được cho là chưa đầy đủ.
Đài Loan cách Trung Quốc khoảng 100 dặm, bằng khoảng cách với Cuba và Florida. Quan chức tình báo Mỹ cho biết động thái của ĐCSTQ là một phản ứng đối với mối quan hệ của Mỹ với Đài Loan.
Mới đây Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã đến thăm Trung Quốc để gặp lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình. Ông cho biết tại một cuộc họp báo trước khi kết thúc chuyến thăm rằng Mỹ không ủng hộ Đài Loan độc lập nhưng Mỹ vẫn sẽ thực hiện trách nhiệm theo “Đạo luật Quan hệ Đài Loan”, bao gồm cả việc đảm bảo khả năng tự vệ của Đài Loan.
Ông Blinken cũng lên án các hành động khiêu khích của Trung Quốc ở eo biển Đài Loan cũng như ở Biển Đông và Biển Hoa Đông.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Miller cho biết trong một tuyên bố vào ngày 19/6 rằng Ngoại trưởng Blinken đã thảo luận với phía Trung Quốc về một loạt vấn đề an ninh toàn cầu và khu vực, bao gồm cả những lo ngại của Mỹ về các hoạt động tình báo của Trung Quốc ở Cuba.
Đầu tháng này, WSJ lần đầu tiên đưa tin về kế hoạch của ĐCSTQ thiết lập các trạm nghe lén ở Cuba. Theo các quan chức Mỹ, mạng lưới nghe lén này đã trải qua quá trình nâng cấp vào khoảng năm 2019, mở rộng từ một trạm thành 4 trạm cùng hoạt động, một báo cáo của tình báo Mỹ đầu năm nay đã đề cập đến việc “quản lý tập trung” 4 trạm này, điều này có thể hàm ý phía Trung Quốc có thể có nhiều trạm hơn.
Theo các quan chức Mỹ, ĐCSTQ không có quân đội chiến đấu ở Mỹ Latin, căn cứ Djibouti ở vùng Sừng châu Phi là căn cứ quân sự duy nhất của ĐCSTQ bên ngoài Thái Bình Dương. Còn Mỹ có hơn 350.000 binh sĩ đồn trú tại một số lượng lớn các căn cứ quân sự ở khu vực Thái Bình Dương. Mỹ cũng phản đối việc mở rộng quân sự của ĐCSTQ ra bên ngoài khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Trước đây Mỹ đã theo dõi chuyến thăm đã được lên kế hoạch của một quan chức cấp cao Bộ Quốc phòng Cuba tới Trung Quốc, động thái được các quan chức Mỹ coi là dấu hiệu cho thấy đàm phán về việc thành lập cơ sở đào tạo quân sự ở Cuba của ĐCSTQ đã tiến triển.
Tình báo Mỹ cho rằng ĐCSTQ đang cố gắng mở rộng ảnh hưởng trên toàn thế giới. Hồi đầu tháng này, Thượng nghị sĩ Mark Warner (Đảng Dân chủ) và Chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện Marco Rubio (Đảng Cộng hòa) cho biết, họ rất lo ngại trước các báo cáo về một liên minh Trung Quốc-Cuba nhắm vào Mỹ và người Mỹ.
Mộc Vệ (t/h)