VOA
Vào thời điểm nhạy cảm trước cuộc bầu cử tổng thống Đài Loan, các quan chức an ninh quốc gia Đài Loan tiết lộ trong cuộc họp giao ban ngày 9/1 rằng Bộ An ninh Quốc gia Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) lần đầu tiên đã sử dụng một số lượng lớn “phát thanh viên ảo AI” thúc đẩy hoạt động tuyên truyền bôi nhọ trên quy mô lớn đối với Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn, chỉ trong 3 ngày sản xuất hàng trăm video nhằm mục đích tấn công nhằm gây tác động tiêu cực đối với ứng viên tổng thống Lại Thanh Đức của Đảng Dân chủ Tiến bộ.
Đầu tháng Giêng năm nay đã xuất hiện số lượng lớn video ngắn trên YouTube và Facebook chỉ trích bà Thái Anh Văn – Tổng thống Đài Loan đương nhiệm. Những người dẫn chương trình gồm nam và nữ, thậm chí cả người nước ngoài, đồng loạt lăng mạ dùng các thứ tiếng gồm Quan Thoại, Quảng Đông, phổ thông Bắc Kinh. Một số chỉ trích bà Thái “bị ám ảnh ham muốn quyền lực, không để ý đến di sản huy hoàng của tổ tiên, cố tình chối bỏ cội nguồn”; các chính sách của bà Thái hiệu quả rất hạn chế, không những không cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân Đài Loan còn khiến họ phải chịu thiệt hại nặng nề; thậm chí còn dùng những từ ngữ kinh tởm để tấn công cá nhân bà Thái Anh Văn.
Hoạt động tấn công đến từ ĐCSTQ
Vào thời điểm nhạy cảm trước cuộc bầu cử tổng thống Đài Loan, các quan chức an ninh quốc gia Đài Loan tiết lộ trong cuộc họp giao ban ngày 9/1 rằng Bộ An ninh Quốc gia Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) lần đầu tiên đã sử dụng một số lượng lớn “phát thanh viên ảo AI” thúc đẩy hoạt động tuyên truyền bôi nhọ trên quy mô lớn đối với Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn, chỉ trong 3 ngày sản xuất hàng trăm video nhằm mục đích tấn công nhằm gây tác động tiêu cực đối với ứng viên tổng thống Lại Thanh Đức của Đảng Dân chủ Tiến bộ.
Tổng thống Thái Anh Văn đã có bài phát biểu trong Hội nghị Ngày Quốc khánh Đài Loan 10/10. (Ảnh: Phủ Tổng thống Đài Loan)
Nhưng ai tinh ý sẽ phát hiện những đoạn video ngắn này đều được đọc bởi các “người dẫn ảo” do AI tạo ra, điều này cũng đã thu hút sự chú ý của cơ quan an ninh quốc gia Đài Loan.
Nhân viên an ninh quốc gia Đài Loan tiết lộ tại cuộc họp rằng đây là mô hình tấn công mạng mới của ĐCSTQ nhằm vào Đài Loan, qua truy tìm đường truyền cho thấy văn bản sớm nhất được tung ra vào ngày 2/1, đó là cả một ebook dày 318 trang có tên “Lịch sử bí mật của Thái Anh Văn” do một tài khoản giả mạo đăng lên nền tảng lưu trữ “Zendo” bên ngoài Trung Quốc.
Sau đó chỉ trong 3 ngày, nội dung cuốn sách làm mất uy tín của Thái Anh Văn đã được chia thành nhiều chương và được dựng thành rất nhiều video ngắn dùng các phát thanh viên ảo AI đọc, được đăng tải lên YouTube thông qua cả ngàn tài khoản, sau đó nhanh chóng được đăng lại qua hàng trăm tài khoản mạng xã hội Facebook, Instagram, X (Twitter cũ), các nền tảng trực tuyến thuộc sở hữu của truyền thông Đài Loan.
Những video ngắn này đều được thực hiện bằng phần mềm chỉnh sửa Capcut do nhà sản xuất nổi tiếng Trung Quốc ByteDance tung ra. Thông tin công khai cho thấy Capcut đã bổ sung chức năng người dẫn ảo AI trong phiên bản cập nhật năm 2023. Chỉ cần nhập văn bản và ra lệnh để có thể tạo ra các video ngắn do các người dẫn ảo dùng các giọng khác nhau thực hiện, mọi người dùng có thể dễ dàng làm được.
Nhân viên an ninh quốc gia Đài Loan đã truy vết và phát hiện đây là tấn công mạng do Bộ Quốc an ĐCSTQ phối hợp thực hiện, mô hình rất giống các kiểu tấn công vào Đài Loan và các nước phương Tây đã làm trước đây, thậm chí một số tài khoản được sử dụng để phát động cuộc tấn công cũng trùng lặp. Họ cho biết hoạt động bôi nhọ này là thủ đoạn phổ biến được các đơn vị như Bộ Quốc an ĐCSTQ sử dụng, một số tài khoản trong đó cũng được họ thường sử dụng cho các hoạt động liên quan trong thời gian gần đây.
Các nguồn tin an ninh quốc gia Đài Loan chỉ ra thêm, Chính phủ Canada tiết lộ vào tháng 10/2023 rằng bằng các kiểu tương tự, ĐCSTQ đã sử dụng các bình luận ác ý trực tuyến để tấn công và bôi nhọ Thủ tướng Trudeau của và hàng chục thành viên Quốc hội Canada, chỉ khác là mô thức lần này được kết hợp với công nghệ AI thế hệ mới. Thủ đoạn tấn công tuyên truyền bôi nhọ quy mô lớn như vậy vào một nguyên thủ quốc gia cụ thể có lẽ là lần đầu tiên xảy ra trên thế giới.
Nhận định từ giới chuyên gia
Trợ lý giáo sư Vương Hoằng Ân (Wang Hongen) tại Khoa Khoa học Chính trị – Đại học Nevada, Las Vegas, cũng chú ý thủ đoạn tấn công và chỉ ra trong một bài đăng trên Facebook rằng, trọng tâm của kiểu tấn công này là nhanh chóng tạo ra hàng trăm video để tải lên, mặc dù tỷ lệ nhấp của một video đang có xu hướng gần bằng 0 nhưng mục đích là gây ra những thay đổi về âm lượng mạng. Ông mô tả quy mô thực hiện lần này lớn hơn nhiều so với các trường hợp được theo dõi và nghiên cứu trước đây.
Ông phân tích thêm trong email trả lời Đài VOA Mỹ rằng việc sử dụng người dẫn chương trình AI chỉ cần có máy tính có thể dễ dàng làm được, có thể tiết kiệm được nhiều thời gian vì không cần tìm người thật để quay phim, mục đích chính là để dùng thuật toán mạng xã hội khiến số lượng lớn tài khoản tải lên nội dung trong một khoảng thời gian ngắn, khiến có thể nhầm tưởng rằng đây là một vấn đề mới quan trọng và tự động đẩy nó đến nhiều độc giả hơn.
Ông cũng cho rằng việc ĐCSTQ thao túng vấn đề Đài Loan đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc định hình dư luận Đài Loan, khiến người dân Đài Loan mất phương hướng trong xác định vấn đề nào quan trọng hơn, đặc biệt là việc bôi nhọ bà Thái Anh Văn sắp mãn nhiệm nhằm hy vọng để giảm tỷ lệ phiếu bầu của ứng viên Lại Thanh Đức thuộc đảng cầm quyền hiện nay.
Phó giáo sư Thẩm Bá Dương (Shen Boyang) tại Viện Tội phạm học thuộc Đại học Quốc gia Đài Bắc chỉ ra rằng, rất may là cả YouTube và Facebook đều trở nên cảnh giác hơn trước các tài khoản giả và thông tin sai lệch, vì vậy chỉ trong vài ngày kể từ khi cuộc tấn công này bắt đầu đã có hàng trăm tài khoản liên quan xóa bỏ những video nội dung tấn công đó. Nhưng ông cũng cho biết, dù các “cuộc tấn công bão hòa mạng internet” tương tự khó lan truyền trên nền tảng trực tuyến trong thời gian dài, nhưng trong trường hợp nhất thời của sự kiện quan trọng thì không thể đánh giá thấp thiệt hại do phát tán số lượng lớn tin đồn. Ông nêu ví dụ những thời khắc ra quyết định trong chiến tranh, còn đối với Đài Loan hiện nay là thời khắc cận kề tổng tuyển cử, lúc này mọi người thường không có nhiều thời gian để xác minh thông tin…
Cẩn trọng với đăng tải thông tin chưa được kiểm chứng
Ngoài ra, văn bản được sử dụng trong video AI cũng rất đáng được chú ý. Ông Thẩm Bá Dương phân tích rằng nội dung của cuộc tấn công này chủ yếu nhắm vào đạo đức cá nhân của Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn, điều này có thể hữu ích trong môi trường dư luận Trung Quốc nhưng có thể không hữu ích trong môi trường của Đài Loan.
Về vấn đề này, trợ lý nghiên cứu Ngô Tôn Hàn (Wu Zonghan) tại Viện nghiên cứu An ninh mạng thuộc Viện nghiên cứu an ninh quốc phòng ở Đài Bắc, chỉ ra rằng, điều đáng phải cảnh giác trong tương lai là ĐCSTQ có thể phát triển các văn bản phù hợp hơn với xã hội Đài Loan trong các hoạt động tấn công tương tự. Ông cho biết: “Ngay cả với một số sự kiện hiện tại ở Đài Loan, kiểu dùng ngôn ngữ tấn công cũng đã biết thích ứng phù hợp với cách dùng của người Đài Loan, xu hướng này sẽ nhanh chóng tiến bộ hơn”.
Ông cũng xét đến cuộc bầu cử năm 2024 ở các quốc gia khác như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc…, chỉ ra rằng loại thủ đoạn tấn công bằng AI qua hàng trăm video này chắc chắn trong tương lai sẽ áp dụng cho các cuộc bầu cử ở các nước khác, nhằm tạo ra những vấn đề có lợi cho ĐCSTQ.
Theo VOA