Ông Tập Cận Bình đã có lời lẽ gay gắt chỉ trích cơ quan chức năng và hệ thống giám sát tài chính từ trung ương tới địa phương ở Trung Quốc là yếu kém. Nhưng đó có phải là lỗi do hệ thống giám sát không? Thể chế kinh tế – chính trị của Trung Quốc thực chất đã vô hiệu hoá hệ thống giám sát của họ. Vấn đề định hướng chỉ đạo của ông Tập lại chính là rào cản tiếp tục làm vô hiệu hoá giám sát tài chính trong tương lai.
Phát biểu của ông Tập và sự sốt sắng của Bộ An ninh
Tại hội thảo về tài chính dành cho cán bộ chủ chốt cấp tỉnh, cấp bộ được tổ chức tại Trường Đảng Trung ương, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình dự họp và có bài phát biểu tại lễ khai mạc ngày 16/01/2024, cho rằng giám sát tài chính phải “gai góc” và sắc nét. Khi Tập Cận Bình tiếp tục nhấn mạnh đến rủi ro tài chính, Bộ An ninh Nhà nước của ĐCSTQ đã nhiều lần ra dẫn dắt thảo luận và đưa ra những nhận xét đe dọa với các hành vi sai phạm trên thị trường tài chính Trung Quốc.
Đây là lần đầu tiên sau 25 năm kể từ năm 1999, Ban Chấp hành Trung ương ĐCSTQ tổ chức hội thảo về tài chính.
Trong bài phát biểu của mình, ông Tập Cận Bình nhấn mạnh thị trường tài chính lành mạnh cần có hàng loạt yếu tố cốt lõi: đồng tiền mạnh, ngân hàng trung ương mạnh, thể chế tài chính mạnh, trung tâm tài chính quốc tế mạnh, giám sát tài chính mạnh và đội ngũ nhân tài tài chính mạnh.
Ông Tập cũng kêu gọi con đường phát triển tài chính đặc sắc Trung Quốc, nhấn mạnh sự phát triển tài chính của Trung Quốc về cơ bản khác với các mô hình tài chính phương Tây, cần tuân thủ sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về công tác tài chính, đồng thời ngăn chặn các rủi ro, nút thắt trong hệ thống tài chính. Muốn vậy, thể chế và hoạt động giám sát tài chính phải gai góc, sắc sảo, sắc bén, tăng cường phối hợp quản lý, hoàn thiện cơ chế giám sát sao cho trách nhiệm xử lý rủi ro tương xứng với quyền hạn, trấn áp nghiêm khắc tội phạm tài chính.
Trước đó, tại Hội nghị Công tác Tài chính Trung ương, ông Tập đã nhấn mạnh tài chính là huyết mạch của nền kinh tế quốc dân, là một phần quan trọng trong năng lực cạnh tranh cốt lõi của đất nước; cần đẩy nhanh xây dựng quyền lực tài chính, tăng cường giám sát tài chính toàn diện, ngăn chặn, ngăn chặn và giải quyết rủi ro.
Ông cũng thừa nhận rằng “nhiều mâu thuẫn, vấn đề khác nhau trong lĩnh vực tài chính đan xen và ảnh hưởng lẫn nhau, trong đó có một số rất nổi bật. Vẫn còn nhiều rủi ro kinh tế, tài chính tiềm ẩn. Chất lượng và hiệu quả của các dịch vụ tài chính đối với nền kinh tế thực chưa cao. Hỗn loạn tài chính và vấn đề tham nhũng tiếp tục xảy ra, năng lực giám sát và quản trị còn yếu”.
Rủi ro tài chính quá lớn và cuộc thanh trừng tài chính còn tiếp tục
Chỉ đạo của ông Tập, động thái của Ban Chấp hành Trung ương ĐCSTQ cho thấy vấn đề tài chính của Trung Quốc đang rất nhức nhối. Rủi ro tài chính đang trở thành vấn đề trọng yếu, thậm chí sống còn mà ĐCSTQ phải đối mặt. Các đòn đe doạ của Bộ An ninh Nhà nước ngay sau phát biểu của ông Tập trước các quan chức các bộ, tỉnh thành trên cả nước cho thấy niềm tin, đổ vỡ và mất mát giữa các cấp lãnh đạo trong nội bộ Đảng.
Ông Cheng Xiaonong, chuyên gia kinh tế sống ở Mỹ, cho rằng cuộc họp cũng như phát biểu của ông Tập là tín hiệu toàn diện từ giới lãnh đạo cho thấy cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính Trung Quốc đã đến sớm và cần được xử lý khẩn cấp. Chuyên gia này tin rằng bài phát biểu của Tập Cận Bình nhằm đưa ra chỉ thị cho các quan chức các cấp (từ trung ương tới địa phương) nhằm khắc phục tình trạng hỗn loạn tài chính của Trung Quốc.
Ông Cheng Xiaonong nói với Đài Á châu Tự do ngày 17/01/2024 rằng: “Những lời của Tập Cận Bình thực ra đang nói lên một điều, đó là cuộc khủng hoảng tài chính đã đến và các biện pháp thông thường không thể giải quyết được. Vì vậy bây giờ mệnh lệnh cuối cùng [của ông Tập] là vượt qua cuộc khủng hoảng … Cái gọi là ‘sắc bén’ có nghĩa là hoạt động giám sát tài chính có thể dùng dao mà cắt, thị trường tài chính sẽ đổ máu. Thông điệp chính là ‘đừng nhân nhượng’. Ví dụ như trong nhiệm kỳ ai đó có nợ khó đòi, tôi sẽ đổ lỗi cho anh ngay bây giờ. Anh cần giải quyết ngay cho tôi, bằng bất cứ giá nào. Nếu Anh không giải quyết được, tôi sẽ bắt anh, anh có sợ hay không?”.
Ông Cheng Xiaonong tin rằng nếu tình hình kinh tế Trung Quốc vẫn còn cơ hội cải thiện, giới lãnh đạo sẽ không ra lệnh đàn áp như vậy. Tuy nhiên, ông cho rằng để cứu nền kinh tế và giải quyết khủng hoảng tài chính, Trung Quốc không thể chỉ dựa vào các biện pháp cứng rắn, chắc chắn sẽ gây ra những hậu quả khôn lường cho hệ thống ngân hàng và các hệ thống khác.
Chỉ đạo mâu thuẫn và phi thực tế
Tháng 12/2023, số 23 của tờ Qiushi đã đăng bài “Kiên định đi theo con đường phát triển tài chính đặc sắc Trung Quốc” được ký bởi Văn phòng Ủy ban Tài chính Trung ương. Có ý kiến cho rằng, phòng ngừa, kiểm soát rủi ro là chủ đề muôn thuở, nhiệm vụ trọng tâm hiện tại và tương lai là làm cho hoạt động giám sát tài chính trở nên “sắc bén”.
Bài viết này cũng nêu rõ công tác tài chính phải tuân thủ và tăng cường sự lãnh đạo chung của ĐCSTQ, đây là lợi thế thể chế lớn nhất trong quá trình phát triển nền tài chính quốc gia. Theo tuyên truyền này của ĐCSTQ thì việc duy trì và tăng cường sự lãnh đạo của ĐCSTQ “có liên quan đến sự gắn kết và hiệu quả chiến đấu của hệ thống tài chính, quyết định sự thành bại của ngành tài chính”.
Vẫn như cũ, thông điệp truyền thông của đảng truyền tải trước đó, được khẳng định lại bởi ông Tập và các cán bộ trung thành với ông Tập chỉ nhắm vào một vấn đề: Tuyệt đối trung thành và nghe theo chỉ đạo của ông Tập và ĐCSTQ thì mới dập tắt mầm mống khủng hoảng tài chính. Nếu không nghe theo, thì con dao “sắc bén” của giám sát tài chính (được xem như bộ phận hành pháp của ngành tài chính) sẽ lập tức trừng phạt nặng nề.
Điều này có nghĩa là hệ thống giám sát tài chính thực chất không hề có cải cách gì để trở nên “lành mạnh” hơn, mà nó lại được ông Tập và ĐCSTQ cung cấp thêm đao thương, cho phép mở rộng phạm vi để “sát thương” thị trường tài chính. Dĩ nhiên, mọi mục tiêu sát thương sẽ theo chỉ đạo của ĐCSTQ. Điều này có thể giúp hệ thống giám sát tài chính nói riêng và nền tài chính quốc gia của Trung Quốc nói riêng hay không?
Câu trả lời hắc chắn là không!
Một chỉ đạo “duy lý trí”, đi ngược lại quy luật kinh tế và thị trường, mâu thuẫn với thực tiễn khách quan của chính Trung Quốc hiện tại không thể đi tới kết cục như ĐCSTQ mong muốn. Nhưng chắc chắn chỉ đạo như vậy sẽ giúp ông Tập dọn dẹp sạch sẽ hơn các chân rết của đối thủ chính trị Giang Trạch Dân – Tăng Khánh Hồng trên thị trường tài chính.
Trong 40 năm kể từ khi mở cửa, hệ thống tài chính của Trung Quốc đã được xây dựng dựa trên một thể chế đảm bảo quyền lợi bất khả xâm phạm của giới tinh hoa ĐCSTQ. Ví dụ như hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM) trong hàng thập kỷ chỉ phục vụ các doanh nghiệp nhà nước và chính quyền địa phương. Chính quyền địa phương lại có quyền quyết định nhân sự, chỉ đạo ngược lại hệ thống NHTM ở địa phương họ.
Ngược trở lại, để đảm bảo địa phương phụ thuộc vào trung ương, không có quá dồi dào về tiền bạc, chính sách phân cấp ngân sách của Trung Quốc không dám cải cách kể từ năm 1994; chính quyền địa phương phải gánh 80-85% chi địa phương, nguồn thu duy nhất của họ là từ đất đai. Vậy là, chính quyền địa phương vừa tạo ra các doanh nghiệp nhà nước địa phương là phương tiện nợ địa phương để vay tiền từ NHTM, phát hành trái phiếu doanh nghiệp địa phương cũng do NHTM mua lại, vừa câu kết với các doanh nghiệp bất động sản (BĐS) tư nhân sân sau như Evergrande, Country Garden, Everlong… để đẩy nhanh tốc độ bán đất, đô thị hoá. Bằng cách này, tinh hoa của ĐCSTQ (là các quan chức từ trung ương tới địa phương) vừa tham nhũng đất đai kiếm tiền riêng cho gia tộc, vừa tìm kiếm nguồn thu bù chi cho địa phương mình. Riêng nợ ẩn (chưa hạch toán) của địa phương đã lên tới 55-60% GDP cả nền kinh tế.
Không chỉ vậy, để che dấu nợ xấu, chính Luật pháp của ĐCSTQ có những quy định hỗ trợ. Ví dụ, quy định về phân loại nợ không dựa trên rủi ro khiến nợ xấu của Trung Quốc thực tế có thể gấp 14-15 lần nợ công bố, theo Reuters. Ví như Luật Ngân sách 2015 của Trung Quốc cho phép các chính quyền địa phương có thể phát hành TPCP đặc biệt; miễn là phục vụ cho mục tiêu phát triển đặc biệt, khoản nợ chính quyền này không cần phải ghi nhận vào nợ quốc gia!
Chỉ vài ví dụ đơn lẻ ở trên cho thấy chính thể chế của Bắc Kinh đã tạo điều kiện che dấu nợ và nợ xấu, tạo điều kiện cho NHTM chỉ phục vụ cho doanh nghiệp nhà nước. Trong khi doanh nghiệp nhà nước lại được phân chia cho các tinh hoa của ĐCSTQ làm chủ.
Một thể chế tài chính vốn được hình thành để “che trở” cho lợi ích của các quan chức, các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân thân hữu thì không một cơ quan, một mạng lưới giám sát tài chính nào có thể làm cho hệ thống tài chính như vậy bớt rủi ro hơn, lành mạnh hơn.
Chưa kể, dưới chế độ độc đảng, đảng nắm toàn quyền từ trung ương xuống địa phương, không phải là đảng viên thì không thể trở thành quan chức của Bộ, Ngành, địa phương hay các CEO của doanh nghiệp nhà nước, các lãnh đạo cấp cao của NHTM được. Nếu đã như vậy, tất cả những đảng viên này đều phải nghe theo cấp trên dưới danh nghĩa của đảng. Xung đột lợi ích chính ở điểm này.
Bất kỳ quan chức, công chức, chuyên gia tài chính nào trong mạng lưới giám sát tài chính của Bắc Kinh đều là đảng viên. Tức là cơ quan giám sát không hề độc lập. Cơ quan giám sát chỉ làm việc hiệu quả khi nó nằm ngoài hệ thống chính trị, chức năng giám sát của nó để phục vụ Quốc hội (đại diện của nhân dân) và chức năng này hoàn toàn độc lập với chỉ đạo chính trị, với quản lý nhà nước, sở hữu nhà nước và thậm chí độc lập với chính quyền, với mọi cơ quan quản lý nhà nước của chính quyền. Đây là nguyên tắc hàng đầu về giám sát hữu hiệu thị trường tài chính theo thông lệ quốc tế của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thanh toán quốc tế (BIS)…
Nhưng Bắc Kinh không có thể chế như vậy. Mọi ngõ ngách đều là đảng cầm quyền. Đảng vừa sở hữu, vừa quản lý, vừa giám sát, vừa trừng phạt và thực thi pháp luật. Khi đó, tính minh bạch, liêm chính không thể tồn tại. Cơ quan giám sát nếu làm theo đúng luật (vốn được tạo ra để đảm bảo giới tinh hoa đảng trở nên giàu có) cũng không hiệu quả là bao. Thêm nữa, hôm nay họ có thể là lưỡi dao sắc bén của ông Tập nhưng ngày mai họ có thể trở thành con dê thế tội cho một ai đó rồi.
Rõ ràng, để giám sát hiệu quả, ít nhất ông Tập phải cải cách mạnh mẽ về thể chế. Một nền kinh tế đặc sắc Trung Quốc đã được chứng minh là đang sụp đổ. Một thị trường tài chính đặc sắc Trung Quốc càng không đáng tin cậy.
Ngoài ra, ĐCSTQ truyền thông rằng thể chế của Trung Quốc là ưu việt và là cọng rơm cứu Trung Quôc khỏi khủng hoảng tài chính cận kề. Cách làm của Trung Quốc đúng là đã cứu khủng hoảng tài chính trong nhiều lần. Nhưng đó là bọc giấy vào lửa, chỉ kéo dài thời gian sụp đổ chứ không thể chạm tới căn cơ tài chính của nền kinh tế này.
Chưa bao giờ, BĐS ở Trung Quốc sụt giá thê thảm như lúc này. Kể từ khi mở cửa, chưa bao giờ, tăng trưởng kinh tế sụt giảm mạnh như lúc này. Lần đầu tiên, xuất khẩu giảm và dòng tiền đầu tư trực tiếp ròng là âm tới 11,8 tỷ USD. Sự sụp đổ của các ông lớn BĐS Trung Quốc cũng chưa bao giờ xảy ra, hiện nay, ít nhất 30 ông lớn BĐS đã phá sản hoặc chờ phá sản sau khi Evergrande và Country Garden phát sản. Bóng tối đang bao chùm lên nền tài chính quốc gia này. Trong khi đó, dù dự trữ vàng nhiều hơn nhưng tỷ lệ dự trữ bắt buộc của PBOC, bộ đệm tài chính lớn nhất của Bắc Kinh, đã giảm từ 18-20% xuống còn 5% chỉ trong 6 năm qua.
Các chỉ đạo duy ý chí của ĐCSTQ và mong muốn của Tập về một nền tài chính khoẻ mạnh nhưng vẫn muốn duy trì quyền lực tuyệt đối của ĐCSTQ là điều không thể. Chưa kể, cứu vãn thị trường tài chính khi nó bắt đầu đổ vỡ như hiện nay thực sự là một phép màu. Phép màu có xảy ra hay không còn phụ thuộc vào việc liệu Trung Quốc đã sử dụng hết may mắn của họ trong suốt 40 năm qua hay chưa.
Quang Nhật