Liên Thành
Chuyên gia truyền thông cấp cao gốc Hoa đã tổng kết những biến cố lớn chỉ trong thời gian ngắn cho thấy, những bất ổn trong Trung Nam Hải và sự phản kháng đang ngày càng lớn trong xã hội Trung Quốc. Ông đưa ra kết luận rằng, ĐCSTQ đang phải đối diện với nguy cơ lớn chưa từng thấy kể từ khi giành chính quyền, bởi những dấu hiệu đang ngày càng nhiều.
Như tin đã đưa, Kỳ họp Lưỡng Hội năm nay của chính phủ Trung Quốc diễn ra bất thường, bạo loạn ở mọi cấp độ, chấn động nhất là vụ một chiếc xe hơi màu đen đâm vào cổng Trung Nam Hải trong đêm tối, ngay trước thềm bế mạc 2 kỳ họp thường niên quan trọng của ĐCSTQ.
Bên cạnh đó, trong cuộc họp báo tại kỳ họp thứ hai của Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc, một phóng viên bất ngờ lao về phía bục phát biểu và bị các nhân viên bảo vệ cưỡng chế. Vào ngày 8/3, tòa nhà chính quyền Trương Gia Cảng bị đánh bom và Sở Công an tỉnh Giang Tô bốc cháy. Ngoài ra, theo ông Trần Duy Kiện (陈维健), tổng biên tập tạp chí Mùa Xuân Bắc Kinh, một nguyệt san liên quan đến phong trào dân chủ của Trung Quốc, thì còn vô số sự việc nữa chưa được phơi bày.
Nhà truyền thông Trần Duy Kiện cho biết, việc một chiếc ô tô đâm vào cổng Trung Nam Hải là điều không thể tưởng tượng được ở chính thủ đô Bắc Kinh với an ninh chặt chẽ, bị kiểm soát bởi AI nhận dạng khuôn mặt và hệ thống dữ liệu lớn (big data). Bằng cách nào mà chiếc ô tô đó lại lao tới được cổng Trung Nam Hải và chủ xe lại hét lên: “ĐCSTQ sát nhân!”
Nó cho thấy sự bất công, phẫn uất khi người thân trong gia đình họ bị sát hại. Tất nhiên, điều đáng kinh ngạc hơn nữa là ai đã quay video kịp thời rồi đăng tải lên mạng xã hội. Hơn nữa, các phóng viên tại buổi họp báo đều đã trải qua nhiều tầng giám sát mới có thể tham gia, thì làm sao có thể xảy ra chuyện tấn công diễn đàn như vậy?
Về vụ cháy Sở công an tỉnh Giang Tô cũng như nổ lớn tại Tòa nhà Chính phủ ở Trương Gia Cảng trong lúc diễn ra Lưỡng Hội, chuyên gia truyền thông Trần Duy Kiện cho biết, các cơ quan công an của nhiều chính quyền địa phương đều thực hiện an ninh nghiêm ngặt, nếu không được phép thì hoàn toàn không ai được vào tòa nhà chứ đừng nói đến việc mang theo chất nổ.
Theo tổng biên tập tạp chí Mùa Xuân Bắc Kinh Trần Duy Kiện, 3 sự việc trên cho thấy an ninh của Trung Nam Hải dù có chặt chẽ đến đâu, dù có áp dụng công nghệ cao đến đâu cũng không thể ngăn chặn được những người bất đồng chính kiến, đồng thời cũng cho thấy Trung Quốc có đầy rẫy miệng núi lửa và đã ĐCSTQ đã bước vào thời kỳ khủng hoảng.
Ông Trần cho hay, ba vụ việc trên không quá nghiêm trọng, nhưng theo Ứng Dũng (应勇), Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, trong năm ngoái, hơn 2,4 triệu người ở Trung Quốc đã bị bỏ tù vì các vấn đề liên quan đến an ninh quốc gia, con số này quả là đáng sợ.
Ngoài dữ liệu từ Cục An ninh Quốc gia, còn có một bộ số liệu khác: năm ngoái, 726.000 vụ bắt giữ các nghi phạm hình sự khác nhau đã được phê duyệt và hơn 1,6 triệu người bị truy tố, tăng so với cùng kỳ năm ngoái lần lượt là 47,1% và 17,3%.
Trong đó, có 25 người là cựu cán bộ cấp tỉnh, cấp bộ. Báo cáo nêu rõ trọng tâm của chiến dịch “đàn áp” năm ngoái là “các hoạt động của kẻ thù, phá hoại, lật đổ và ly khai của các thế lực thù địch”. Tổng của hai bộ số liệu này là hơn 3 triệu người, là dân số của một nước nhỏ.
Theo ông Trần Duy Kiện, với rất nhiều người nổi dậy vì lý do chính trị, sự phản kháng của người dân đối với chính phủ Trung Quốc quả thực đã lên đến đỉnh điểm, tuy chưa có tổ chức vì những người này sống rải rác và biệt lập, nhưng lý do và mục đích đều giống nhau, đó là lật đổ chế độ ĐCSTQ do bất mãn với sự cai trị của ông Tập Cận Bình.
Con số 3 triệu người bị bắt và bỏ tù còn đi kèm với một số vấn đề xã hội lớn như kinh tế suy thoái, vốn nước ngoài tháo chạy, tỷ lệ thất nghiệp cao, thị trường bất động sản sụp đổ, tỷ lệ sinh giảm, giới trẻ sa sút, quan chức trì trệ.
Theo chuyên gia truyền thông Trần Duy Kiện, tám vấn đề lớn này không những không thể giải quyết được mà còn ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn. Cùng với chúng, chắc chắn sẽ có nhiều người nổi dậy bạo loạn hơn. Điều này sẽ cần nhiều kinh phí hơn để duy trì sự ổn định. Kinh phí duy trì sự ổn định sẽ tăng mạnh, vậy nó đến từ đâu.
Ông Trần Duy Kiện đặt câu hỏi, liệu chế độ cai trị ĐCSTQ có thể tồn tại được bao lâu? Vấn đề này hiện đã đến mức có thể sử dụng cả sự kiện và dữ liệu để bàn luận.
Theo chuyên gia Trần, ĐCSTQ hiện vốn đã là một chế độ hỗn loạn và tan rã. Ông Tập Cận Bình bề ngoài dường như nắm quyền và kiểm soát mọi thứ, nhưng mọi thứ đều mất kiểm soát, quân đội bị thanh trừng, Quốc vụ viện không có thực quyền, đảng viên không biết mình mang họ Đảng hay mang họ Tập, chính quyền cũng không biết là cơ quan hành chính hay cơ quan của đảng.
Chuyên gia Trần nhận định, loại hỗn loạn này chưa từng có kể từ khi ĐCSTQ giành chính quyền, thậm chí tình hình còn hỗn loạn hơn cả sự hỗn loạn trong Cách mạng Văn hóa. Cách mạng Văn hóa tưởng chừng như hỗn loạn nhưng thực chất Mao đã ổn định được trong hỗn loạn, Mao dám vận động quần chúng.
Ngược lại, ông Tập trông có vẻ ổn định nhưng thực chất lại rất hỗn loạn. Bất cứ ai có một chút kinh nghiệm chính trị và hiểu biết chính trị thông thường đều nhìn thấy điều đó, ngay cả những người không có kinh nghiệm hoặc có hiểu biết thông thường cũng có thể cảm thấy rằng, chế độ ĐCSTQ đang sụp đổ.
Chạy trốn và phản kháng đã trở thành hai xu hướng hiện nay trong xã hội Trung Quốc. Trong tình hình này, sự sụp đổ của ĐCSTQ chỉ là vấn đề thời gian.