Dương Quốc Chính
15-4-2025
Hôm qua có tên TP HCM sẽ có các phường Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định. Điều này lại khiến cho một số người bức xúc, mình chưa thấy anh em bò đỏ bức xúc, mà là nhóm yêu cái tên Sài Gòn!
Nhưng nói đi cũng phải nói lại, mà muốn nói đi nói lại cũng phải hiểu thời thế và lịch sử.
Nếu xét về quy mô, TP HCM phải được đặt tên là Gia Định mới xứng, chứ không phải Sài Gòn. Vì Sài Gòn trên thực tế chưa bao giờ to như vậy, trong khi tỉnh Gia Định thời Nguyễn còn to hơn TP HCM mới, có lẽ bao luôn cả Đồng Nai.
Nhưng việc đổi tên Hồ Chí Minh thành Gia Định không hề đơn giản đâu. Hãy nhìn lại các trường hợp tương tự. Đó là Leningrad và Stalingrad. Stalingrad được đặt để vinh danh Stalin, nhưng bị đổi tên vào năm 1961, giai đoạn Khrushchev nắm quyền. Ông này công khai chống lại Stalin và di sản của ông ta. Coi như chủ nghĩa xét lại đã đảo lộn hết tính chuyên chế của Stalin, gần như một chế độ mới.
Leningrad thì bị/ được đổi tên năm 1991, khi Liên Xô sụp đổ, coi như có chế độ mới. Dĩ nhiên di sản của Lenin khổng lồ hơn Stalin. Nhưng chỉ có chế độ mới mới dám lật đổ một cái tên, nhưng vẫn không hề lật đổ tượng đài hay lăng Lenin.
Bây giờ Việt Nam đã đến lúc đó chưa mà mọi người lên tiếng? E rằng đổi tên xong thì chế độ còn bền vững hơn ý, vì ông đổi tên khéo lại bị đổi luôn! Mà có đổi thì lại nên thành Gia Định chứ không phải Sài Gòn nhé.
Với bộ máy hành chính coi như đã chốt, thì đã không dùng tên Sài Gòn cho TP HCM được, thì chỉ còn hai cách, một là vẫn không đặt gì, như hiện tại, hai là đặt tên phường. Đương nhiên, có triệu người vui thì có triệu người buồn, vì chả có quy mô hành chính nào trùng khớp được với cái tên Sài Gòn. Hoặc là to quá hoặc là bé quá.
Theo quan điểm của mình, thì việc họ khôi phục lại những cái tên Sài Gòn, Gia Định, Chợ Lớn là đáng ghi nhận và cũng khá mạnh dạn về tư duy rồi. Mình chưa soi kỹ vị trí của phường Chợ Lớn và Gia Định, nhưng thấy phường Sài Gòn đã bao trọn vị trí trung tâm hành chính cổ xưa của Sài Gòn cũ. Tức là bao gồm vị trí thành Gia Định cũ (tâm điểm là nhà thờ Đức Bà), bao gồm dinh Độc Lập, dinh Gia Long, và tòa Đô chánh (UBND TP). Tức là vị trí xứng đáng nhất, trung tâm đầu não nhất của TPHCM đã thuộc về Sài Gòn. Tức là họ đã có sự nghiên cứu kỹ. Mình đoán Chợ Lớn và Gia Định cũng như vậy, sẽ vào trung tâm của hai đô thị cũ kia.
Việc dùng lại tên Chợ Lớn cũng không phải không nhạy cảm đâu. Thời Pháp thuộc, ban đầu Chợ Lớn là thành phố riêng, chủ yếu dân Hoa kiều ở, sau đó nó và Sài Gòn (ban đầu cũng chỉ bằng Q1 và Q3) đều nở ra gần dính vào nhau thì được nhập vào với tên ghép là Khu Sài Gòn – Chợ Lớn, đến thời Việt Nam Cộng Hòa mới xóa tên Chợ Lớn, phải chăng là muốn giảm ảnh hưởng của Hoa kiều? Chỉ có tên Gia Định là “lành” nhất.


Còn chuyện nhiều người vẫn tâm tư thì không tránh khỏi được. Ngay cả cái tên Thăng Long đến giờ còn chưa được phục hồi mà lý do cơ bản mình đoán là triều đại sau muốn xóa bỏ sự lưu luyến của nhân dân với triều đại trước.
Thăng Long bị đổi tên nhiều lần, từ Đông Đô (thời nhà Hồ lật nhà Trần), Đông Quan (nhà Minh xâm lược), Đông Kinh (nhà hậu Lê) nhưng tên Thăng Long vẫn được dùng song song. Rồi Tây Sơn đổi thành Bắc Thành, Gia Long đổi về Thăng Long (nhưng không còn nghĩa rồng bay lên), Hà Nội (thời Minh Mạng) và đến giờ vẫn không được đổi lại.
Nếu có thể, Hà Nội nên có phường Thăng Long ở vị trí hoàng thành cũ. Vì thực tế quy mô Thăng Long chắc cũng nhỏ. Còn tên Ba Đình thực ra mới có từ giai đoạn nắm quyền Hà Nội ngắn ngủi của thị trưởng Trần Văn Lai, thời chính quyền Trần Trọng Kim. Mình nghĩ, chắc không ít người cho rằng tên này do chế độ ta đặt. Ba Đình chẳng qua là lấy theo tên cuộc khởi nghĩa Ba Đình của nghĩa quân Cần Vương ở Thanh Hóa, để đặt tên cái quảng trường thôi.
Cái tên Hà Đông cũng có những thăng trầm không khác Gia Định mấy. Thời Pháp nó to hơn Hà Nội nhiều lần, bao quanh Hà Nội, giống Gia Định bao quanh Sài Gòn. Sau lại bị Hà Nội nuốt luôn.
Như vậy, việc những địa danh nổi tiếng có những thăng trầm là không ít, mà Thăng Long là bị nhiều nhất trong khi chính nó cũng do được đổi tên mà có, cái tên Đại La cũ giờ chỉ còn là con phố khá ngắn. Có địa danh bị đổi tên khá lãng xẹt, như Thanh Hoa bị đổi thành Thanh Hóa vì …kị húy bà phi nhà Nguyễn! Lẽ ra sau năm 54 có thể đổi lại rồi đó, như Hà Nội đã đổi hết tên phố kị húy (Tôn thành Tông…).
Quay lại cái tên Sài Gòn, thời chưa tới, quy mô không khớp, là những rào cản lớn nhất. Cái tên Thăng Long không được khôi phục mà chưa thấy ai tâm tư cả! Mà mình nghĩ tên đó còn hay hơn tên Hà Nội. Hà Nội mới đáng đổi tên nhất, vì đâu còn ở trong sông (Hồng) nữa, bay qua sông từ đời nào!
“Rồng bay lên” rõ ràng hay hơn Hưng Yên bay lên hay “trong sông” chứ.
P/S: Mình thấy đề xuất tên phường Võ Thị Sáu ở Quận 3, xin lỗi, hơi bị vô tri! Tên Võ Thị Sáu đã là một con đường rất dài ở gần đó rồi. Mà chị Sáu cũng không phải là nhân vật tiếng tăm, có ảnh hưởng lớn trong lịch sử cũng như cho chế độ. Vậy mà đặt ngang vai với Sài Gòn, kể cũng éo le! Thiếu gì những cái tên lịch sử khác hay hơn?
Cái công viên Lê Văn Tám ở Quận 1, có nên nhân thể đổi lại tên cũ Mạc Đĩnh Chi?! Nhưng kể ra tên đó [Lê Văn Tám] cũng có cái hay, vì chỗ đó nguyên là nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi, người âm nhiều, nên lấy tên âm binh (không có thật) ra đặt tên!
Thời sự ngày 15-4-2025: Tên gọi Sài Gòn
Nguyễn Thông
15-4-2025

Nhiều báo quốc doanh ngày 14-4 đưa tin, sẽ có phường ở quận 1, TP.HCM mang tên Sài Gòn: Phường Sài Gòn.
Việc đặt tên (địa danh) cho nơi nào đó, từ cấp xã trở lên (huyện, tỉnh, vùng) là quyền của Quốc hội. Quốc hội thông qua thì mới có tên chính thức.
Hồi cuối năm ngoái 2024, Quốc hội quyết việc xã quê tôi bị nhập chung với hai xã khác, đồng ý đặt tên mới là Kiến Hưng. Cái tên này do huyện Kiến Thụy đề xuất, lại còn lý giải Kiến là Kiến Thụy, Hưng là hưng thịnh, phát triển, mẹ hát con khen, cứ tấm tắc khen hay. Quốc hội gật gù, hay, đồng ý, Kiến Hưng, ghi vào sổ, từ nay mang tên mới.
Cũng xin lưu ý rằng, tên thì ai/ cấp nào cũng có quyền đặt, dân cứ đặt thoải mái, nhưng quyết cho nó hợp pháp thì phải Quốc hội, nhé.
Kiến Hưng tồn tại tới nay được gần bốn tháng, chỉ hai tháng nữa sẽ bị xóa sổ, bởi xã mới Kiến Hưng lại tách ra, có cuộc ba đào nữa, nhập với những xã khác và có tên mới khác. Chưa khi nào địa danh bị phập phù, chết yểu thần tốc như lúc này.
Nhắc lại, chính quyền TP.HCM sẽ chia quận 1 thành bốn phường, trong đó một phường được đặt tên Sài Gòn: Phường Sài Gòn. Thiên hạ xôn xao, người thì mừng cái tên Sài Gòn đã trở lại, được khôi phục; người thì không đồng tình bởi chỉ đặt cho phường thì phí tên quá…
Thực tế cho thấy, địa danh Sài Gòn không chỉ đơn thuần là cái tên, mà là giá trị lịch sử, thứ ăn sâu vào tiềm thức con người. Bất luận chính quyền có ghét bỏ thì nó vẫn tồn tại. Chỉ vì nó gắn với chính quyền cũ, thủ đô cũ của chế độ Việt Nam Cộng Hòa mà rẻ rúng nó, là rất vớ vẩn.
Với đại đa số người dân, nhất là dân miền Nam, đặc biệt người Sài Gòn, cái tên Sài Gòn vẫn cứ tồn tại, vẫn “Sài Gòn đẹp lắm, Sài Gòn ơi, Sài Gòn ơi”. Họ nói với nhau “đi Sài Gòn” hoặc lên thành phố, chứ mấy ai trang trọng rườm rà “đi TP.HCM”.
Những người thực sự yêu quý Sài Gòn vẫn tìm ra cách tôn vinh nó, chẳng hạn Ngân hàng Sài Gòn – Hà Nội (SHB), vừa lọt tai, dễ nghe, vừa đỡ chướng khó gọi. Tài. Tôi khen anh nào chọn cái tên dễ hút khách, tiền vào như nước bởi nó chạm vào sâu thẳm lòng người, chứ tên kiểu kia, có ma nó gửi. Sài Gòn – danh từ riêng dân dã mà đằm sâu đầy kỷ niệm ấy, dễ gì mất được.
Đừng bảo rằng đảng, quốc hội đã xóa tên Sài Gòn, đã đặt cho nó là TP.HCM thì cứ vậy, có sao đâu, cần gì phải đổi, rách việc, v.v… Này, tôi nói thật, một địa danh, tên một thành phố mà rườm rà “thành phố Hồ Chí Minh” (cứ phải trang trọng viết/ nói đầy đủ vậy, chứ không ai dám chỏng lỏn bỏ chữ/ từ “thành phố”) là đã không khoa học rồi. Thành phố thành phố Hồ Chí Minh (chẳng hạn: ngành giáo dục các thành phố Hà Nội, TP.HCM), nghe cứ sao sao ấy.
Đó là chưa kể, chỉ một địa danh mà vô vàn cách viết: Thành phố Hồ Chí Minh, TP Hồ Chí Minh, TP.HCM, TPHCM; rồi lại còn TP.Thủ Đức, TP.HCM… giời ạ, ung cả thủ. Nhẽ ra chỉ cần “Sài Gòn”, đầy đủ, trọn vẹn, khoa học, tình cảm, có chiều sâu lịch sử, dễ viết, luôn được dân (trừ tivi) yêu thương.
Cũng đừng lý luận rằng, từ năm 1976 tới nay, gần nửa thế kỷ rồi, cũng quen rồi, làm sao phải đổi lại… Vâng, cũng đã hơi quen nhưng đầy trục trặc. Đấy là chưa kể, lấy tên người/ lãnh tụ làm địa danh, nói về cái tốt thì chả sao, nhưng về sự xấu khiến người ta cứ phải né tránh, thậm chí gây trò cười. Dư luận từng cười cứ tốt thì TP.HCM, còn chuyện xì ke ma túy, trộm cướp, giết người, tự tử, nghèo đói thì Sài Gòn.
Liên Xô từng đổi St. Petersburg (thánh Petersburg) thành Leningrad (thành phố Lenin), rồi cuối cùng chối quá lại phải cho nó hoàn tục. Cái thói áp đặt chính trị vào mọi chuyện đã gây ra biết bao nhiêu quanh quẩn, đèn cù, nhố nhăng.
Tôn vinh thần tượng cứ việc tôn vinh, chả ai cấm, nhưng cần xem xét lại cái tên TP.HCM đặt cho một thành phố. Nếu quyết giữ, thì cứ gọi thẳng, ngắn gọn là HCM, cũng như Hà Nội, Hải Phòng, Đã Nẵng, Cần Thơ, Huế vậy, đừng rườm rà mất thời gian tốn giấy “thành phố HCM, HCM City” nữa.
Nhưng tốt nhất, hãy trả lại tên “Sài Gòn” cho đô thị bậc nhất này. Nó đã tồn tại hơn 300 năm. Cái tên/ địa danh ấy vẫn sống, sinh sắc, bền vững, lưu trong lòng người kể cả khi đã bị xóa sổ.
Hãy nhớ rằng, việc lưu giữ tên/ địa danh Sài Gòn một cách chính thống, hợp pháp cũng phải đàng hoàng, tử tế. Đó là tên xứng tầm một thành phố lớn, thậm chí một vùng, chứ không phải để đặt cho phường, cấp phường xã, toen hoẻn đơn vị hành chính cỏn con.
Nguồn: Tiếng Dân