Đoàn Bảo Châu
20-5-2025

Chi tiết quan trọng nhất trong vụ án xử ông Lê Thanh Vân là chứng cứ ngoại phạm của ông liên quan đến cáo buộc nhận 60 triệu đồng từ Công ty Trường Sinh.
Các luật sư đã chứng minh rằng ông Lê Thanh Vân không hề nhận 60 triệu đồng (bao gồm 10 triệu vào tháng 7/2023 và 50 triệu vào ngày 03/11/2023) như cáo buộc tại cấp sơ thẩm.
Chi tiết này trực tiếp liên quan đến việc kêu oan của ông Lê Thanh Vân, thách thức bản chất của bản án và đặt câu hỏi về tính xác thực của các chứng cứ buộc tội. Nó cũng được hỗ trợ bởi lời khai của bị cáo Nguyễn Văn Vương, người thừa nhận đã vu khống ông Lê Thanh Vân trong quá trình điều tra.
Chi tiết này quan trọng vì nó không chỉ làm nổi bật nỗ lực bào chữa của các luật sư mà còn nhấn mạnh sự bất cập trong quá trình tố tụng, đặc biệt khi đại diện Viện Kiểm sát phúc thẩm không thể đối đáp về chứng cứ ngoại phạm và các vấn đề liên quan đến tính hợp pháp của chứng cứ (như dấu hiệu cắt ghép tin nhắn). Điều này có thể ảnh hưởng lớn đến việc xem xét lại bản án và là cơ sở cho niềm tin của ông Lê Thanh Vân vào việc tiếp tục kêu oan, như ông đã tuyên bố tại phiên tòa.
Tôi không phải là Chúa Trời để biết ông Lê Thanh Vân có thực sự vô tội hay không, nhưng với những thông tin như trên, cùng với kinh nghiệm quan sát nền tư pháp Việt Nam trong nhiều năm, tôi có niềm tin rằng ông Lê Thanh Vân vô tội. Và tôi cũng tin rằng đây là một dạng án bỏ túi.
Ông Vân có nói về nhân quả ở phiên toà. Đó là cái lý của người yếu thế, bất đắc dĩ mới phải dùng. Kẻ vu khống đã nhận là mình vu khống, không có chứng cứ, ấy vậy mà vẫn có thể buộc tội.
Tôi cũng giống như ông Vân. Bởi không thể dùng lý lẽ để bảo vệ được ông, tôi chỉ biết cầu xin tất cả những gì thiêng liêng của Trời Đất, xin hãy áp dụng luật nhân quả để trừng phạt những kẻ ác, cố tình khép tội người vô tội.
Kẻ vô minh sẽ cười và bảo rằng kêu gọi công lý là ngây thơ. Nhưng chúng không biết rằng việc đấu tranh cho một xã hội tôn trọng luật pháp, đề cao công lý chính là đấu tranh cho tất cả mọi người. Nó giống như một bầu không khí trong lành – không phải để dành riêng cho ai cả.
Hắn ta không biết rằng, một lúc nào đó, chính mình cũng có thể trở thành nạn nhân của sự trả thù chính trị, của việc bị chà đạp lên luật pháp, bị thao túng bởi thứ được gọi là pháp luật – bị biến nó thành một công cụ để đạt được những mục đích hèn hạ và bẩn thỉu nào đó.
Tôi cầu xin Trời Phật, Chúa, Thánh Thần khiến những kẻ đó phải trả giá đắt vì những hành vi và ý đồ chà đạp lên pháp luật, công lý.
Tôi biết, đó là lý lẽ của kẻ yếu. Nhưng tôi cũng như ông Vân — biết làm gì khi lý lẽ, bằng chứng trở nên vô nghĩa?