Trumpism 2.0: Chính trị bản sắc và sự xói mòn của nền dân chủ Mỹ (Phần 1)

Vũ Hoàng Linh

29-5-2025

Ảnh chụp màn hình từ tài khoản Truth Social của Donald Trump

Trong dòng chảy chính trị đương đại, hiếm có hiện tượng nào gây tranh cãi, chia rẽ và để lại ảnh hưởng sâu rộng như Donald Trump và phong trào chính trị gắn liền với ông – Trumpism (có thể dịch là chủ nghĩa hay phong trào chính trị Trump). Không chỉ đơn thuần là một hệ tư tưởng hay một cá nhân, Trumpism đã và đang trở thành một cấu trúc quyền lực mang tính cảm xúc, bản sắc và phi truyền thống, thách thức toàn diện các chuẩn mực vốn được xem là nền tảng của nền dân chủ tự do Mỹ.

Không chỉ là một cuộc trở lại của chủ nghĩa dân túy, Trumpism biểu trưng cho một thời kỳ mới: Nơi cảm xúc thắng thế lý trí, bản sắc lấn át chính sách, và nơi người dân không còn tìm kiếm nhà nước quản trị hiệu quả mà mong muốn một nhà lãnh đạo “hiểu mình, giống mình, và chiến đấu vì mình”. Đây là một bước ngoặt trong lịch sử chính trị mà chúng ta không thể xem nhẹ.

1. Sự nổi lên của Trumpism: Bối cảnh và sự ra đời

Sự xuất hiện của Trumpism không thể hiểu một cách đầy đủ nếu chỉ nhìn vào bản thân cá nhân Donald Trump hay diễn biến của chiến dịch tranh cử năm 2016. Thay vào đó, hiện tượng này cần được đặt trong bối cảnh sâu xa của sự phân rã lâu dài về niềm tin thể chế, bất bình đẳng kinh tế ngày càng gia tăng, xung đột văn hóa, và sự chuyển dịch quyền lực truyền thông trong xã hội Mỹ hậu Chiến tranh Lạnh.

Từ thập niên 1980 trở đi, nền kinh tế Mỹ chứng kiến sự gia tăng bất bình đẳng thu nhập song song với quá trình toàn cầu hóa và tự do hóa tài chính. Trong khi tầng lớp giàu có tận dụng được toàn bộ thành quả từ thương mại toàn cầu và thị trường tài chính mở rộng, thì nhiều cộng đồng lao động, đặc biệt tại các bang công nghiệp như Ohio, Pennsylvania hay Michigan, dần rơi vào trạng thái trì trệ và tụt hậu. Những nhà máy đóng cửa, việc làm chuyển sang châu Á, và thu nhập thực tế của tầng lớp trung lưu không tăng đáng kể trong ba thập kỷ đã tạo nên một cảm giác mất phương hướng và bất công sâu sắc trong lòng xã hội Mỹ.

Bên cạnh yếu tố kinh tế, sự phân cực văn hóa cũng là động lực then chốt. Kể từ thập niên 1990, các vấn đề như nhập cư, quyền của người đồng tính, phá thai, chính sách sắc tộc và vai trò của chính phủ trong đời sống xã hội trở thành các điểm xung đột không chỉ giữa các đảng phái mà còn giữa các vùng địa lý và cộng đồng dân cư. Truyền thông đại chúng – từ truyền hình cáp đến mạng xã hội – góp phần khoét sâu những khác biệt ấy bằng cách tạo ra các “buồng vọng” (echo chambers), nơi người dùng chỉ tiếp xúc với thông tin củng cố định kiến sẵn có. Hậu quả là không gian công cộng dần mất đi vai trò trung gian, trở thành chiến trường của những cuộc chiến bản sắc.

Trong bối cảnh ấy, Donald Trump xuất hiện như một hiện tượng lạ thường nhưng phù hợp với thời điểm. Với kinh nghiệm truyền hình thực tế và phong cách giao tiếp trực tiếp, ông không đi theo lối mòn tranh cử truyền thống mà khai thác triệt để cảm xúc bất mãn, lo sợ và hoài nghi. Thông điệp “Make America Great Again” không chỉ đơn thuần là khẩu hiệu chính trị mà là một tuyên ngôn bản sắc – kêu gọi khôi phục một trật tự xã hội tưởng tượng nơi người Mỹ “thật sự” từng nắm giữ đặc quyền kinh tế và đạo đức. Những lời công kích của Trump vào giới tinh hoa chính trị, báo chí dòng chính, người nhập cư và các thể chế quốc tế không phải là sự trượt lưỡi nhất thời, mà là cách ông xác lập ranh giới giữa “chúng ta” và “họ” – nền tảng cho bất kỳ phong trào dân túy nào.

Chiến thắng của Trump trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016 và sự trở lại ngoạn mục của ông ta vào năm 2024 không chỉ là sự kiện gây chấn động chính trị nước Mỹ, mà còn là bằng chứng cho thấy một cấu trúc đại diện cũ đang rạn nứt. Sự bất tín nhiệm các thiết chế trung gian – từ Quốc hội, Tòa án, báo chí, đến các đảng phái – khiến một bộ phận cử tri tìm kiếm sự cứu rỗi ở một cá nhân ngoài hệ thống. Họ không cần một chính trị gia truyền thống, mà một người có vẻ “chân thật”, dám nói những điều cấm kỵ, và hứa sẽ phá bỏ hệ thống “thối nát” (“drain the swamp”).

Do đó, Trumpism không phải là một sự ngẫu nhiên nhất thời. Nó là biểu hiện chính trị của một cơn chấn động địa tầng đang âm ỉ từ lâu trong lòng nước Mỹ: Khủng hoảng trong việc đại diện cho người dân, suy giảm niềm tin vào tự do thị trường, và sự phân cực văn hóa sâu sắc. Hiện tượng này báo hiệu rằng nếu không có sự tái cấu trúc nghiêm túc về cách vận hành dân chủ, những phong trào tương tự sẽ còn tiếp tục xuất hiện trong tương lai.

2. Trumpist (hay Trumper) – Họ là ai?

Một trong những câu hỏi quan trọng nhất mà giới nghiên cứu đặt ra khi quan sát sự trỗi dậy của Trumpism là: Ai là những người ủng hộ trung thành của phong trào này, và điều gì khiến họ gắn bó không lay chuyển với một nhân vật gây chia rẽ như Donald Trump, ngay cả khi ông phải đối mặt với hàng loạt bê bối, luận tội và thất bại pháp lý? Câu trả lời không thể đơn giản hóa thành các nhãn dán như “bảo thủ”, “phản động”, hay “kỳ thị”. Thay vào đó, một loạt nghiên cứu định lượng và định tính cho thấy Trumpism thu hút được một liên minh xã hội phức tạp, trong đó ba yếu tố nổi bật nhất là bản sắc văn hóa, vị trí giai cấp, và tâm lý bị loại trừ.

Trái với định kiến phổ biến, cử tri ủng hộ Trump không phải chủ yếu là tầng lớp nghèo khổ nhất của nước Mỹ. Trên thực tế, phần lớn họ đến từ tầng lớp trung lưu và trung-lưu-thấp, đặc biệt là trong các cộng đồng da trắng ở vùng nông thôn hoặc bán nông thôn, nơi chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi sự suy giảm công nghiệp và thay đổi nhân khẩu. Họ thường không sống trong cảnh đói nghèo tuyệt đối, nhưng cảm thấy bị đẩy ra bên lề bởi những biến động kinh tế, công nghệ và xã hội mà họ không kiểm soát được. Chính cảm giác tụt hậu – cả về vật chất lẫn biểu tượng – mới là động lực tâm lý mạnh mẽ thúc đẩy họ tìm đến một phong trào mang tính phục hận như Trumpism.

Yếu tố bản sắc đóng vai trò trung tâm trong cấu trúc cảm xúc của những người ủng hộ Trump. Đối với nhiều người, đặc biệt là nam giới da trắng không có bằng đại học, sự trỗi dậy của các phong trào như nữ quyền, quyền LGBTQ+, Black Lives Matter hay nhập cư đa sắc tộc không chỉ là sự thay đổi xã hội, mà là một mối đe dọa có tính bản thể – cảm giác rằng chính sự tồn tại và ý nghĩa công việc/cuộc sống của họ đang bị phủ định. Trong hoàn cảnh ấy, Trump trở thành biểu tượng của sự khôi phục trật tự cũ, một “người hùng” dám nói thay cho những người cảm thấy mình không còn tiếng nói trong xã hội. Ông không chỉ là ứng viên chính trị, mà là biểu tượng cảm xúc của những gì đã mất: sự tôn trọng, sự kiểm soát, và cảm giác thuộc về.

Cùng với đó là một đặc điểm tâm lý nổi bật: Niềm tin rằng hệ thống hiện hành đã bị thao túng bởi các thế lực “ẩn danh” – từ truyền thông dòng chính, các đại học “thiên tả”, đến các tập đoàn công nghệ toàn cầu. Trong cách nhìn ấy, Trump không phải là một người bình thường chiến thắng trong một cuộc chơi công bằng, mà là kẻ nổi loạn thách thức toàn bộ cấu trúc quyền lực ẩn sau bức màn dân chủ. Những người ủng hộ ông không cần ông “hoàn hảo”, mà chính vì ông “không giống ai”, “nói bậy”, “chửi thề”, “cãi nhau với báo chí”, mà ông được yêu mến – bởi những hành vi ấy được diễn giải như dấu hiệu của sự thật thà, thô mộc và không giả tạo.

Một phần quan trọng khác của liên minh Trumpist là các Kitô hữu phúc âm bảo thủ (Evangelicals), vốn chiếm tỷ trọng lớn trong cử tri Cộng hòa. Họ không chỉ đồng tình với lập trường của Trump về các vấn đề như phá thai, gia đình truyền thống hay chính sách Israel, mà còn tin rằng ông là công cụ của Thiên Chúa – một “Cyrus hiện đại” [1] được gửi đến để bảo vệ đức tin trong một thế giới sa đọa. Yếu tố tôn giáo, do đó, không chỉ bổ sung động lực đạo đức cho Trumpism, mà còn tạo nên một khung biểu nghĩa thần thánh, trong đó các cuộc tấn công vào Trump được xem là cuộc tấn công vào ý chí của Thượng Đế.

Đáng chú ý là trong suốt hai nhiệm kỳ, đặc biệt ở nhiệm kỳ hai, cơ sở ủng hộ của Trump ngày càng trở nên kết dính không phải nhờ vào chính sách cụ thể, mà bởi cảm thức tập thể – một thứ “ý thức hệ mềm” hình thành từ niềm tin, cảm xúc và ký ức chung. Người ủng hộ Trump không nhất thiết đồng tình với mọi điều ông nói, nhưng họ chia sẻ một thế giới quan, nơi sự phân cực là thực tại hiển nhiên, và trong đó Trump là người duy nhất “đứng về phía mình”.

Từ góc độ xã hội học chính trị, Trumpism tạo nên một hình thức “chủ nghĩa dân túy dựa trên bản sắc” (identity-based populism), nơi tính đại diện không được xây dựng từ chương trình chính sách, mà từ sự cộng hưởng tâm lý giữa lãnh đạo và người ủng hộ. Điều này giải thích tại sao các scandal cá nhân, luận tội hay sai phạm pháp lý không làm suy giảm niềm tin, mà đôi khi còn củng cố mối quan hệ giữa Trump và quần chúng như một sự “cùng chịu đàn áp” từ hệ thống.

3. Cấu trúc tư tưởng và đặc điểm của Trumpism

Mặc dù không được xây dựng như một hệ tư tưởng có hệ thống, Trumpism vẫn sở hữu một cấu trúc tư tưởng đặc thù, phản ánh những niềm tin nền tảng, thái độ chính trị, cũng như ngôn ngữ biểu tượng mà phong trào này duy trì nhất quán từ những ngày đầu xuất hiện. Nếu xét trong khung khái niệm chính trị học, có thể xem Trumpism là sự giao thoa giữa chủ nghĩa dân túy hữu khuynh, chủ nghĩa bản địa, phản tự do truyền thống và một kiểu chủ nghĩa cá nhân mang sắc thái cảm tính, trong đó nhân vật trung tâm – Donald Trump – vừa là người đại diện, vừa là hiện thân của phong trào.

Một trong những đặc điểm nổi bật nhất của Trumpism là dân túy kiểu bản sắc. Trong khi nhiều phong trào dân túy khác tập trung vào tái phân phối hoặc bất bình đẳng kinh tế, thì Trumpism nhấn mạnh đến cảm giác mất mát bản sắc và quyền lực tượng trưng của một nhóm xã hội cụ thể – thường là đàn ông da trắng, theo Kitô giáo, cư trú ở vùng nông thôn hoặc thị trấn nhỏ, những người mang trong mình niềm tự hào là hạt nhân, là xương sống, là linh hồn của nước Mỹ nhưng lại đang dần bị thay thế bởi nhập cư, toàn cầu hóa, và các nhóm thiểu số (Latino, châu Á, da đen, đồng tính…). Chính cảm giác mất địa vị ấy tạo thành “chất keo” gắn kết phong trào, khiến các thông điệp dù cực đoan, kỳ thị hay thiếu căn cứ vẫn được đón nhận như tiếng nói chân thật.

Cùng với dân túy, Trumpism cũng thể hiện những yếu tố của chủ nghĩa bài toàn cầu hóa và chủ nghĩa biệt lập mới. Phản đối các hiệp định thương mại, chỉ trích các liên minh quốc tế như NATO, và hạ thấp vai trò của các thể chế đa phương như Liên Hợp Quốc, Trumpism tái lập tư tưởng “Nước Mỹ trên hết” không theo nghĩa tự do cổ điển như thời Woodrow Wilson, mà như một phản ứng chống lại trật tự quốc tế được cho là lấy đi việc làm, chủ quyền và giá trị truyền thống của nước Mỹ. Trong khuôn khổ này, biên giới quốc gia không chỉ là vấn đề kiểm soát hành chính, mà trở thành biểu tượng đạo đức: ranh giới giữa cái đúng và cái sai, giữa người “Mỹ thực thụ” và những kẻ “xâm nhập”.

Tư tưởng chống giới tinh hoa cũng là trụ cột trong cấu trúc Trumpism. Khác với các phê phán truyền thống về quyền lực của các nhóm lợi ích hay sự bất công của chủ nghĩa tư bản, ở đây giới tinh hoa bị hình tượng hóa như những kẻ đạo đức giả, phản bội, thậm chí thù địch với người dân. Từ truyền thông dòng chính, giáo sư đại học, quan chức hành chính liên bang đến các tập đoàn công nghệ lớn – tất cả bị quy về một cấu trúc “Deep State” vô hình nhưng toàn năng, đang âm mưu phá hủy đất nước từ bên trong. Trong diễn ngôn Trumpist, điều này biện minh cho sự tấn công vào báo chí, tư pháp và các cơ quan chuyên môn như FBI hay CDC – những thực thể bị xem là xa rời thực tế và không đại diện cho người dân.

Một điểm đặc biệt trong hệ thống biểu tượng của Trumpism là sự tái định nghĩa “sự thật”. Không còn gắn với kiểm chứng khách quan hay tiêu chuẩn học thuật, “sự thật” trong Trumpism mang tính bản năng và cảm xúc – cái gì “giống như thật”, “có vẻ đúng”, “phù hợp với trải nghiệm của tôi” thì được xem là đúng. (Điều dường như nghịch lý là quan niệm về “sự thật” này lại khá gần với ý tưởng của chủ nghĩa hậu hiện đại mà Trumpism khinh bỉ). Thời đại Trumpist, do đó cũng được gọi là thời đại “hậu sự thật” (post-truth). Chính điều này tạo nên sự phổ biến và tồn tại dai dẳng của các thuyết âm mưu như QAnon hay cáo buộc gian lận bầu cử, bất chấp thiếu chứng cứ. Điều cốt lõi không nằm ở việc điều đó có được chứng minh hay không, mà ở chỗ nó củng cố cảm giác bị phản bội – một cảm xúc trung tâm trong bản sắc Trumpist.

Trumpism cũng là một dạng chính trị hóa cảm xúc theo kiểu phi lý tính. Phẫn nộ, sợ hãi, nhục nhã, và niềm tin vào sự phục hưng là những cảm xúc thường trực trong các bài phát biểu, tranh luận và truyền thông xã hội xoay quanh phong trào. Thay vì kêu gọi lập luận, Trumpism kêu gọi đồng cảm – không phải với lý do, mà với sự giận dữ. Đây là lý do vì sao các bài diễn văn của Trump, vốn không có cấu trúc rõ ràng hay luận cứ chặt chẽ, vẫn tạo được sức lan tỏa mạnh mẽ: Chúng không cần chứng minh, chỉ cần chạm đúng tầng cảm xúc.

Cũng không thể bỏ qua vai trò của văn hóa đại chúng trong việc cấu trúc Trumpism. Là người xuất thân từ truyền hình thực tế, Trump hiểu rõ giá trị của hình ảnh, xung đột và khoảnh khắc gây sốc. Phong trào gắn với ông cũng kế thừa phong cách ấy: “Sự kiện hóa” chính trị, nơi mỗi hành động – từ dòng tweet đến một cuộc biểu tình – đều mang tính trình diễn cao. Người ủng hộ không chỉ là cử tri, mà là khán giả, người tham gia vào một vở kịch nơi lãnh đạo không còn là chính khách, mà là “chiến binh” của họ chống lại một thế giới đầy mưu mô và giả trá.

Như vậy xét một cách tổng thể, Trumpism là một hệ thống tư tưởng mang tính biểu tượng cao, không cần nhất quán về mặt lý luận, nhưng vô cùng hiệu quả trong việc huy động cảm xúc. Nó tái định nghĩa chính trị như một trận chiến bản sắc giữa “chúng ta” với “chúng nó”, và khôi phục cảm giác kiểm soát trong một thế giới ngày càng hỗn loạn. Chính vì vậy, nó không chỉ là hiện tượng của một thời điểm, mà là biểu hiện đậm đặc của một giai đoạn lịch sử nơi các trật tự xã hội, đạo đức và thông tin đang đứng trước các thử thách sâu sắc.

(Còn tiếp)

_______

[1] Cyrus Đại đế, người sáng lập đế quốc Ba Tư, là người giải cứu người Do Thái khỏi sự đày đọa của đế quốc Babylon trong Kinh Thánh.

Related posts