Vào đầu năm 2020, lần đầu tiên tôi tháp tùng phái đoàn của anh Lê Hiền, Lâm Xuân đi ủy lạo người Việt tị nạn ở Thái Lan. Nhờ chuyến đi này mà tôi có cơ hội hiểu rõ hơn về hoàn cảnh của người Việt tị nạn ở Thái.
Trong số báo Việt Luận phát hành ngày 17 tháng Giêng vừa qua, anh Lê Hiền (trưởng nhóm) đã có bài viết tường thuật lại chuyến đi này rồi.
Hôm nay trong bài viết này tôi chỉ muốn nói đến tác động tâm lý và triển vọng định cư của người Việt tị nạn ở Thái sau khi ông Nguyễn Thanh Tú tố cáo tổ chức VOICE đã bao che cho một số người không đủ tiêu chuẩn tị nạn, thậm chí còn có cả cán bộ Cộng Sản được đi định cư tại Canada theo chương trình nhân đạo của xứ này.
Trên 10 năm qua, riêng tại Úc châu, anh Lê Hiền, Lâm Xuân và Đặng Quốc Vinh là những người chánh yếu tự nguyện đứng ra gánh vác công việc giúp đỡ cho người Việt tị nạn ở Thái. Dĩ nhiên bên cạnh đó còn có một số người giúp đỡ trong âm thầm không muốn ai biết đến. Ba anh Lê Hiền, Lâm Xuân và Đặng Quốc Vinh gần như mỗi năm đều có đi qua Thái thăm người Việt tị nạn tại đó, năm nào không đi được thì gởi tiền qua cho họ vào dịp cuối năm. Chính vì thế mà họ có một mối quan hệ rất thân thiết với người Việt tại đó. Vì hiểu rõ hoàn cảnh của đồng hương ở Thái cho nên ba anh em này không nở bỏ rơi họ mặc dầu công việc kéo dài nhiều năm khiến cho mọi người mệt mỏi, thậm chí đôi khi còn gặp nhiều phiền toái. Ngoài số tiền giúp đỡ cuối năm, còn có một khoảng tiền khác không nhỏ mà ba người này phải gởi qua Thái mỗi năm, đó là những trường hợp khẩn cấp như bệnh tật, tai nạn, sinh đẻ, ma chay… Ngoại trừ những trường họp số tiền cần giúp quá lớn vượt quá khả năng, còn lại những việc ma chay, những bệnh phí từ vài trăm đến vài ngàn đô Úc, ba anh em này đều cố gắng vận động trong vòng thân hữu, chủ yếu từ chính họ và gia đình, để góp lại gởi qua. Đó là những hy sinh ít người biết đến.
Trở lại câu chuyện của Nguyễn Thanh Tú.
Trong chuyến đi vừa rồi, cá nhân tôi cố gắng tìm hiểu thực-hư về chuyện tố cáo của Nguyễn Thanh Tú đối với tổ chức VOICE và cảm nghĩ của người Việt tị nạn tại đó về những lời tố cáo này.
Như quý vị biết là ngày 10 tháng 10 năm 2019, ba ký giả Eric Szeto, Joseph Loiero, David Common cùng viết chung bài “How a special program to resettle Vietnamese boat people revealed flaws in Canada’s immigration system – Canada Border Services Agency investigating potential violations under federal legislation” đăng trên trang web của đài truyền hình Canadian Broadcasting Corporation (CBC), trong đó cho biết là chính phủ Canada xác nhận với CBC rằng Cơ quan Dịch Vụ Biên Giới Canada đang điều tra một số vi phạm có thể đã xảy ra đối với Đạo Luật Di Trú của Canada, về một số người Việt tị nạn từ Thái Lan được định cư tại Canada trong khoảng thời gian từ năm 2014 đến 2017 có thể không hội đủ điều kiện là người tị nạn.
Sỡ dĩ có sự điều tra này là vì trước đó ông Nguyễn Thanh Tú, một nhân vật khá “nổi tiếng” trong cộng đồng người Việt ở Mỹ đã tố cáo với chính phủ Canada là trong số 108 người Việt tị nạn từ Thái được định cư ở Canada từ năm 2014 đến 2017 có ít nhất là 5 trường hợp không hội đủ điều kiện, như trường hợp của ông Võ Văn Dũng, bà Trương Lan Anh là những thương gia có cơ sở kinh doanh tại Việt Nam, đi lại thoải mái giữa Thái và Việt Nam trong lúc đang “tị nạn” tại Thái, và Nguyễn Việt Trung vừa là “nha sĩ” vừa là đảng viên Cộng Sản có nhiều bằng tưởng thưởng của đảng treo trong phòng mạch.
Trên các mạng xã hội, Nguyễn Thanh Tú tố cáo VOICE đã nhận tiền hối lộ để đưa những thành phần không đủ tiêu chuẩn này nhập cư vào Canada.
Phần lớn người Việt ở hải ngoại khi mới nghe qua tin này đều cảm thấy tức giận, thậm chí phẫn nộ, cho rằng tổ chức VOICE và giám đốc điều hành là Trịnh Hội có những hành vi mờ ám, gian dối trong việc này. Họ bất mãn vì những những lý do chính đáng. Từng là nạn nhân của chế độ Cộng Sản, khó ai có thể chấp nhận chính thủ phạm làm cho họ bỏ nước ra đi ngày nay lại được đi định cư bằng sự đóng góp về tài chánh của người tị nạn.
Tổ chức VOICE và cá nhân ông Trịnh Hội không phủ nhận là trong số 108 người có thể có những người không hội đủ tiểu chuẩn, nhưng ông Trịnh Hội biện minh rằng tổ chức VOICE chỉ có trách nhiệm nhận hồ sơ, rồi chuyển cho Bộ Di Trú Canada cứu xét. Nhân viên của Bộ Di Trú Canada phải chịu trách nhiệm cứu xét, phỏng vấn và quyết định nhận hay không nhận. Theo ông, tổ chức VOICE không phải là cảnh sát, cũng không phải là chuyên viên điều tra để xem xét từng người một có hội đủ điều kiện hay không. Chính ông Nguyễn Đình Thắng, giám đốc điều hành tổ chức Boat People SOS, cũng xác nhận điều này trong cuộc trả lời phỏng vấn ngay khi xảy ra “scandal” này: “Trách nhiệm của bộ di trú [Canada] là sàng lọc và đảm trách vai trò tuyến phòng ngự đầu tiên để bảo vệ tính trung thực của chương trình di trú của quốc gia này.”
Ông Trịnh Hội nói không sai, nhưng nhiều người Việt ở hải ngoại khó có thể đồng ý với cách giải thích của ông. Theo họ, tổ chức VOICE và cá nhân ông Trịnh Hội không thể nói là không có một phần trách nhiệm nào trong việc cứu xét này. Việc giúp định cư cho hơn 100 người ở Canada, dĩ nhiên công lao chính yếu là tổ chức VOICE và cá nhân Trịnh Hội nhưng bên cạnh đó còn có sự đóng góp về tiền bạc và công sức của nhiều người trên toàn thế giới – những người này có quyền đòi hỏi sự đóng góp của họ phải được xử dụng đúng chỗ đúng người. Phải chi ông Trịnh Hội, đại diện cho VOICE nhìn nhận có một phần trách nhiệm trong việc này và hứa hẹn sẽ rút kinh nghiệm cho những lần sau thì uy tín của tổ chức VOICE sẽ không mất mà ngược lại cá nhân Trịnh Hội càng được mọi người quý mến và ngưỡng mộ hơn. Đáng tiếc là ông Trịnh Hội đã không làm điều này.
Đối với Nguyễn Thanh Tú, thời gian càng về lâu về dài càng trở nên bất lợi hơn cho ông. Nếu như lúc đầu có nhiều người ủng hộ ông thì ngày nay họ phải đặt câu hỏi là việc tố cáo của ông đối với VOICE có thật sự là vì quyền lợi của người tị nạn ở Thái Lan hay vì những động cơ khác.
Mối thù giữa Nguyễn Thanh Tú và tổ chức VOICE bắt nguồn từ nhiều năm trước.
Cha của Nguyễn Thanh Tú là nhà báo Đạm Phong, bị bắn chết tại Houston (Texas) vào tháng 8/1982.
Cuốn phim “Terror in Little Saigon” được trình chiếu trên toàn quốc nước Mỹ vào ngày 3/11/2015 nói về cái chết của 5 nhà báo Mỹ gốc Việt từ năm 1981 đến 1990 trong đó có nhà báo Đạm Phong. Nguyễn Thanh Tú là một trong những nhân vật chánh trong cuốn phim này, người xem khó kìm chế được sự xúc động khi nhìn thấy hình ảnh ông Nguyễn Thanh Tú khóc khi nói về cái chết của cha mình. Ông quả quyết rằng thủ phạm giết chết cha ông là Mặt Trận Hoàng Cơ Minh vì cha ông dám tố cáo những việc làm sai trái của tổ chức này; và sứ mệnh của ông là đi tìm công lý cho cái chết của cha: “những gì tôi làm là hành trình của một người con đi tìm công lý cho cha”.
Dùng bạo lực để giết người là tội ác. Việc một người con đi tìm thủ phạm đã giết chết cha mình trong hoàn cảnh như thế là việc làm đáng ngưỡng mộ. Đó không chỉ là tình phụ tử, mà còn là trách nhiệm công lý đối với xã hội. Nhưng đáng tiếc là ông Tú không dừng lại đó mà lại đi quá xa. Sau đó ông Tú không chỉ giới hạn nhắm đến Việt Tân mà còn “đánh” tất cả những cá nhân, tổ chức nào mà ông cho rằng có dính dáng đến Việt Tân như VOICE, SBTN, RFA, như Trịnh Hội, Nam Lộc, Trúc Hồ…
Trong bài phóng sự “How a special program to resettle Vietnamese boat people revealed flaws in Canada’s immigration system – Canada Border Services Agency investigating potential violations under federal legislation”, có ghi lại lời của ông Nguyễn Thanh Tú, Linh mục Nguyễn Thiện, ông Phạm Tý phỏng vấn một số người tị nạn Việt tại Thái. Những người tị nạn này cho biết họ là những người tị nạn thật sự nhưng đã không được đưa vào danh sách của VOICE và không được VOICE giải thích tại sao.
Đáng tiếc là trong chuyến đi vừa rồi tôi không gặp được những người tị nạn giống như ông Nguyễn Thanh Tú, Linh mục Nguyễn Thiện, ông Phạm Tý đã gặp. Trái lại tại Bangkok tôi chỉ gặp những người có suy nghĩ giống nhau là tất cả đều oán trách hành động của ông Nguyễn Thanh Tú đã gây tổn hại rất lớn đối với họ. Từ hơn 5 năm qua Canada là quốc gia duy nhất nhận người Việt tị nạn tại Thái. Mặc dầu trong số 108 người không nhiều so với tổng số vài ngàn người tị nạn VN còn kẹt lại tại đó, nhưng đối với họ đó là niềm hy vọng cuối cùng. Sau sự tố cáo của Nguyễn Thanh Tú, chính phủ Canada mở cuộc điều tra. Cho đến nay không ai có thể biết là khi nào cuộc điều tra có kết quả và rồi sau đó quốc gia này có còn tiếp tục chương trình nhân đạo hay không? Và nếu như Canada hủy bỏ chương trình nhân đạo coi như niềm hy vọng cuối cùng của họ tiêu tan.
Cuộc sống của người tị nạn Việt tại Bangkok về mặt vật chất nói chung không đến nỗi quá khổ sở. Số tiền kiếm được từ việc làm chui hoặc từ sự giúp đỡ ít ỏi của Liên Hiệp Quốc và người Việt ở hải ngoại đủ cho họ sống qua ngày. Nhưng về mặt tinh thần thì hiện nay họ phải sống trong tâm trạng gần như tuyệt vọng. Hoàn cảnh của những người không được quy chế tị nạn (phải trải qua những cuộc phỏng vấn khó khăn của Liên Hiệp Quốc) còn bi đát hơn nhiều, họ không được nộp đơn để xin đi định cư, không được đi làm và sống bất hợp pháp trong tâm trạng hồi hộp lo âu vì có thể bị bắt bất cứ lúc nào. Nếu không may bị bắt thì chỉ có hai chọn lựa, một là trở về Việt Nam hay là vô nhà tù IDC (Immigration Department Centre) rồi ở đó cho đến chết như trường hợp của Thiếu tá Không Quân Lý Kim Thiên qua đời cách đây 2 năm sau khi ở trong nhà tù này hơn 20 năm.
Đối với người tị nạn VN ở Thái hiện nay, được đi định cư tại một quốc gia thứ ba như Canada như một cuộc đổi đời từ “địa ngục” lên “thiên đàng”.
Đối với cá nhân Trịnh Hội, cho dù ông có những lầm lỗi chăng nữa không ai có thể phủ nhận công lao của ông đối người Việt tị nạn. Trước đây ông đã từng giúp cho hàng ngàn người Việt tị nạn ở Phi được định cư ở nước thứ ba, gần đây ông đã giúp cho hơn 100 người Việt ở Thái định cư tại Canada trong thời buổi mà lòng nhân đạo của thế giới đối với vấn đề người tị nạn đã cạn kiệt.
Người Việt ở hải ngoại sẽ biết ơn ông Nguyễn Thanh Tú nếu như ông góp ý với VOICE hay Trịnh Hội trong tinh thần xây dựng để những người này rút kinh nghiệm cho những lần tới nhưng đáng tiếc là ông đã không hành xử trong tinh thần đó. Ngược lại có vẻ như ông chỉ muốn “tận diệt” tất cả những ai mà ông nghĩ có quan hệ với Việt Tân. Hành động mang tính cách thù hận này không chỉ góp phần tạo ra thêm sự phân hóa trong cộng đồng người Việt ở hải ngoại mà còn làm tiêu tan những cơ hội cuối cùng được định cư của người tị nạn ở Thái. Cá nhân ông Nguyễn Thanh Tú chưa từng giúp cho một Việt tị nạn nào được định cư ở quốc gia thứ ba, trước mắt ông đã làm mất cơ hội định cư của 50 người Việt. Vì sự tố cáo của ông mà chính phủ Canada đã đình lại chuyến đi định cư của 50 người Việt tị nạn ở Thái vào tháng 7 năm rồi. Nếu như 50 người này và những người tị nạn khác mất cơ hội vĩnh viễn được đi định cư, không biết cá nhân ông N.T. Tú có đau buồn hay không.
Càng ngày càng có thêm những chứng cớ cho thấy là hành động của ông Nguyễn Thanh Tú không phải vì mục đích tranh đấu cho sự công bằng của người tị nạn ở Thái mà vì những động cơ khác. Nếu ông thật sự là một tị nạn Cộng Sản, thật sự tranh đấu cho quyền lợi của người tị nạn thì ông không thể bán rẻ danh dự của mình bằng cách đồng lõa với bạo quyền Cộng sản để bôi nhọ hình ảnh những người biểu tình đòi dân chủ trong nước và hình ảnh của người tị nạn ở Thái.
Trong lời phát biểu trên youtube ngày 3/8/2018, ông Nguyễn Thanh Tú nói rằng ông đã về Việt Nam cả 10 lần và Việt Nam ngày nay thay đổi đến mức không ai có thể nói là tị nạn chính trị, cho nên lời nói của Trịnh Hội “Ngày nào còn chính quyền CSVN, ngày đó còn người tị nạn” hoàn toàn không có căn cứ.
Mới đây ông Nguyễn Thanh Tú có mặt tại Việt Nam, được Bộ Công An và ba cơ quan truyền thông trong nước mời đến thăm viếng và phỏng vấn.
Trong bài phỏng vấn đăng nhiều kỳ trên tờ báo Nhân Dân bắt đầu từ ngày 27/12/2019 với tiêu đề: “Hành trình của người vạch trần mặt thật tổ chức khủng bố “Việt Tân”” (1), trong đó Nguyễn Thanh Tú đã nói về người tị nạn tại Thái như sau:
“Tôi tiếp tục về Việt Nam nhiều lần. Vì Việt Nam rất quan trọng, đây là nơi mà VOICE nói họ đã đưa những người “vô tổ quốc” sang Thái-lan, rồi từ Thái-lan qua Ca-na-đa. Họ không biết tôi điều tra rất kỹ. Những nhân vật họ đưa ra và đề nghị được tị nạn, tôi đã thấy hết. Những người này không phải “vô tổ quốc” như VOICE nói. Sau năm 1996, họ bị cưỡng bức đưa về Việt Nam, nói cách khác là bị đuổi về, và về Việt Nam, họ chẳng những không bị chính quyền đàn áp mà ngày nay họ còn là thương gia, họ ra vào Việt Nam rất thoải mái. Họ không bị gây khó dễ, không bị gì hết, cơ sở kinh doanh của họ vẫn phát triển…”
Nếu Nguyễn Thanh Tú thật sự có tiếp xúc và hiểu tâm tư nguyện vọng của người Việt tị nạn tại Thái chắc chắn ông Tú đã không phát biểu những lời như trên. Hoặc có thể ông hiểu nhưng phải nói như thế để lấy lòng chế độ.
Trong một đoạn sau đó ông Tú bôi bác hình ảnh của người biểu tình trong nước hiện nay như sau:
“Ngày nay băng đảng “Việt tân” vẫn cố gắng tạo ra hỏa mù qua một số tổ chức họ gọi là “xã hội dân sự”, mà thực ra đó không phải là tổ chức xã hội dân sự đúng nghĩa, mà chỉ là các tổ chức giúp họ đưa người vào đánh phá Việt Nam. Để gây được quỹ, họ cần phải tạo nên cái gọi là “cách mạng mầu”. Tôi đã từng phỏng vấn những người cầm biểu ngữ, đi biểu tình. Tôi hỏi họ trả các anh bao nhiêu, họ nói mỗi biểu ngữ là 500 nghìn đồng. Tôi hỏi nếu họ không trả tiền, các anh có cầm biểu ngữ như thế không? Họ nói: “Không”! Họ là những người biểu tình nhà nghề chứ không vì lý tưởng nào cả. Họ còn nói với tôi: “Hy vọng anh hiểu”. Tôi trả lời: “Tôi hiểu. Tôi không trách các anh. Tôi ở Việt Nam tôi có thể cũng làm như các anh, cũng đi biểu tình vì tiền, đâu có phải vì lý tưởng”. Họ còn kể với tôi rằng khi đi biểu tình, nếu công an chưa có mặt, họ phải đưa mấy người mặc quần áo công an xông vào đánh đập người biểu tình. Đánh để đóng kịch, vì họ cần phải có hình ảnh. Họ cần tạo cái hận, và nuôi hận. Mấy cái đài và báo lá cải sẽ giúp họ nuôi hận, để rồi buông hận, tức là gây quỹ. Sau khi không dùng nữa, họ đưa người nhận tiền cho an ninh Việt Nam là xong”.
Một người hiểu biết bình thường cũng nhìn thấy sự vô lý trong những lời phát biểu này. Ngay cả những người từng là đảng viên Cộng Sản kỳ cựu như cụ Lê Đình Kình biểu tình phản đối chính quyền còn bị bắn chết đừng nói chi đến người dân bình thường. Nếu như VN hiện nay thay đổi và phát triển như Tú nói thì không ai đổi mạng sống của mình với số tiền nhỏ chỉ có 500 ngàn đồng, tương đương với 30 Úc kim.
Ông Tú ơi, ở hải ngoại ông từng chửi rất nhiều người và cho dù ông chửi cả Tổng thống Trump cũng chẳng sao. Về VN ông dám nói môt lời nào đụng đến Hồ Chí Minh hay những lãnh đạo CS không? Nếu không, thì đừng gọi họ là biểu tình cuội. Họ cũng là con người, cũng có nhu cầu được bày tỏ quan điểm giống như ông.
Từ những chứng cớ cụ thể trên cho thấy là Nguyễn Thanh Tú hiện nay đã chọn lựa đứng hẳn về phía CSVN chớ không đứng về phía những người tị nạn và những người đang tranh đấu dân chủ nhân quyền cho Việt Nam hay những người dân thấp cổ bé miệng đang đòi quyền sống trong nước. Cho nên liệu chúng ta có thể tin là ông Nguyễn Thanh Tú có thật sự đi tìm công lý cho cha và những điều mà ông tố cáo với Bộ Di Trú Canada có thật sự vì quyền lợi của người tị nạn hay chỉ vì ý đồ khác!
Từ chuyện của ông Nguyễn Thanh Tú cũng cho thấy sự tha hóa trầm trọng và nầm móng chia rẻ tiềm ẩn trong con người Việt Nam chỉ chờ cơ hội bộc phát. Những hành động tố cáo của ông Tú hiện nay khó có thể biện minh là vì quyền lợi của người tị nạn. Điều đáng buồn không phải là những hành vi mang tính phá hoại của Nguyễn Thanh Tú mà là sự đồng lõa của một số người để tạo sự phân hóa trong cộng đồng. Trong lúc đó những người có nhiều đóng góp cụ thể như Trịnh Hội, chỉ cần một lỗi lầm nhỏ sẽ bị mọi người phê phán lên án nhiều hơn là tha thứ khích lệ. Chính cách hành xử này khiến cho nhiều người có khả năng, có tâm huyết, có tấm lòng với quê hương đất nước dần dần chán nản bỏ cuộc.
Người Việt ở hải ngoại khá hơn nhiều so với người trong nước mà còn hành xử như thế, vậy thì chúng ta có thể mong đợi gì từ người trong nước.
Một dân tộc mang não trạng như thế rất khó có thể xây dựng một nền văn hóa lành mạnh và rất khó tạo sự đoàn kết để giải thể chế độ độc tài và xây dựng một xã hội nhân bản trên quê hương VN.
Trong một phạm vi nhỏ hơn, chuyến đi Thái vừa rồi cũng giúp tôi có cơ hội hiểu rõ tâm lý của người Việt hiện nay hơn – sao quá phức tạp – ngay cả chuyện đi làm từ thiện chung với nhiều người cũng không đơn giản như chúng ta tưởng. Điều này khiến tôi càng nể phục hơn đối với những người như anh Lâm Xuân, Lê Hiền, Đặng Quốc Vinh… những người này đi ủy lạo ở Thái liên tục trên 10 năm qua, gặp biết bao nhiêu chuyện phiền toái phũ phàng…vậy mà vẫn kiên trì không bỏ cuộc. Đối với cộng đồng người Việt, phải là những người có lòng lắm mới làm được điều này.
Phạm Hoài Nam
Sydney 20/1/2020
Ghi chú: (1) https://www.nhandan.org.vn/chinhtri/binh-luan-phe-phan/item/42760702-hanh-trinh-cua-nguoi-vach-tran-mat-that-to-chuc-khung-bo-%E2%80%9Cviet-tan%E2%80%9D-tiep-theo-va-het.html
.