Đại dịch toàn cầu đặt lại vấn đề đạo đức xã hội cho thế giới

Lê Mạnh Hùng

Xa lộ của thành phố San Francisco, California vắng tanh trong ngày 1 Tháng Tư vì lệnh “hạn chế ra đường.” (Hình: Josh Edelson/AFP/Getty Images)

Đại dịch toàn cầu COVID-19 là một thử thách cho thế giới. Nó không những chỉ là một thử thách về khả năng y tế mà còn là một thử thách về chính trị, xã hội cũng như là về đạo đức xã hội, nó thách thức những ý tuởng mà con người dựa vào để giúp mình tạo ra những phán đoán về đạo đức và hướng dẫn các hành động cá nhân và xã hội.
Đại dịch bắt tất cả chúng ta mỗi người phải đối mặt với những vấn đề sâu đậm của sự hiện hữu, những vấn đề mà những triết gia vĩ đại nhất của thế giới cũng đã phải vật lộn.
Thế nào là đúng và thế nào là sai? Cá nhân có thể chờ đợi được những gì từ xã hội và xã hội chờ đợi gì ở cá nhân? Chúng ta có thể bắt những người khác hy sinh cho chúng ta và ngược lại, chúng ta có thể bị phải hy sinh cho người khác hay không? Đặt một giới hạn thiệt hại kinh tế cho việc chống lại một bệnh dịch chết người có chính đáng hay không?
Ông phó thống đốc tiểu bang Texas nghĩ rằng những người trên 70 tuổi không nên “bắt đất nước phải hy sinh” bằng cách ngưng các họat động kinh tế mà, thay vào đó, phải sẵn sàng hy sinh mạng sống mình cho đất nước.

Một sinh viên 22 tuổi trong dịp nghỉ Xuân, tụ tập vui đùa tại Florida đã trở thành một hiện tượng trên các môi trường truyền thông xã hội với một quan niệm khác về “tạo khoảng cách xã hội” khi tuyên bố “Nếu tôi bị corona, thì tôi bị corona.”
Có ý thức hay không, hai người này đã đặt mình trên hai quan điểm đạo đức khác nhau.
Khi tin về một loại dịch bệnh mới xảy ra tại Trung Quốc, hầu hết mọi người đều không để ý đến bao nhiêu. Trên phương diện cá nhân, người ta tiếp tục đi làm, tiếp tục gặp gỡ tụ tập làm những công chuyện giao tế xã hội tại quán rượu, tiệm ăn, cũng như là đi xem kịch, xem xi nê, đến viện bảo tàng.
Ngay cả khi các chuyên gia y tế công cộng và những nhà chính trị bị báo động bởi các chuyện diễn ra tại các quốc gia khác kêu gọi chúng ta đừng nên tiếp tục như vậy nữa. Nhưng có vẻ đối với chúng ta, đời sống ít bị xáo trộn hơn nếu chúng ta tiếp tục lối sống cũ với hy vọng rằng con siêu vi này sẽ bị ngăn chặn trước khi nó đến được chúng ta.
Nhưng nay thì chúng ta không còn chỗ tránh và hậu quả thì vượt quá cả những gì chúng ta chờ đợi. Cuối cùng thì cả Anh lẫn hầu hết nuớc Mỹ cũng phải theo gót các quốc gia khác đóng cửa để ngăn chặn bệnh dịch lan truyền.
Thế giới tự nhiên có vẻ thay đổi hẳn khi mỗi người chúng ta phải tự cô lập mình đối với hầu hết phần còn lại của xã hội. Đối với mọi chúng ta, đây là một cái gì rất phản tự nhiên và nhiều người đã chống lại những lệnh cách ly của nhà nước.
Theo Giáo Sư Robin Dunbar, một chuyên gia về tâm lý học tại Viện Đại Học Oxford thì đó là vì nó đi ngược lại với chiều hướng tiến hóa mà loài người dựa vào để tồn tại.
Ông nói: “Trong hầu hết thời gian tồn tại của loài người, sống sót tùy thuộc vào việc chúng ta là thành viên của một nhóm; chúng ta thuộc loài khỉ vượn, toàn bộ chiến lược tiến hóa của các loài khỉ vượn tùy thuộc vào bản chất xã hội sâu đậm của chúng. Thành ra không có gì lạ nếu những người trẻ, các thanh thiến niên vẫn chạy ra ngoài tụ tập. Đối với con người, phải mất một thời gian rất dài, có thể đến 25 năm người ta mới nắm được những hậu quả mà hành động của mình tạo ra.”
Và coi nhẹ tương lai cũng có thể là một bản năng sinh tồn như Giáo Sư Dunbar chỉ ra. Đối với những tổ tiên của chúng ta mà sự sinh tồn phải lo từng ngày thì họ có thể suy nghĩ rằng, “Tại sao phải lo đến những gì nằm trong tương lai khi cái độc nhất quan trọng là hiện tại. Nếu chúng ta không sống qua được hôm nay, thì không thể nào có ngày mai.”
Đó là lý do COVID-19 có thể lan truyền mau chóng cho đến nay. Và chúng ta cần phải tính lại làm sao điều khiển cuộc sống của mình trong một thế giới chi phối bởi dịch bệnh.
Những tiến bộ của khoa học và nhất là y khoa đã khiến cho người ta không quen với một tình trạng như hiện nay. Đó là vì hầu hết những bệnh truyền nhiễm đều đã bị ngăn chặn không còn tác hại như xưa nữa.
Vấn đề y tế quan trọng, ít nhất là đối với xã hội phương Tây là những bệnh kinh niên, những bệnh không phải là truyền nhiễm tỷ như bệnh tim, tiểu đường hoặc ung thư. Các bệnh này chiếm đến 71% số tử vong trên thế giới và đòi hỏi những lựa chọn cá nhân chứ không phải tập thể.
Chúng ta có nên bỏ hút thuốc hay tiếp tục hút? Đi “gym” hay là ra quán nhậu? Nguy cơ và lợi ích hoàn toàn là do ta lựa chọn và gánh chịu. COVID-19 đòi hỏi một lựa chọn khác: phúc lợi của tập thể chống lại những hạn chế mà cá nhân phải chịu. Ta có thể bị nhiễm bệnh và truyền cho người khác mà không biết.
Nhưng hy sinh những tự do cá nhân đến mức nào là đúng? Việc một số quốc gia như Hungary lợi dụng cơ hội này để thiết lập một chế độ độc tài là một tấm gương cảnh cáo.
Tại Anh một số hành động của cảnh sát chống lại những vi phạm luật lệ chống tụ tập đã khiến cho một cựu Thẩm Phán Tối Cao Pháp Viện Anh Jonanthan Sumption cảnh báo với đài BBC.
“Khi những xã hội con người bị mất tự do thông thường không phải là vì tự do này bị một kẻ độc tài nào đó lấy đi, mà thường là vì người ta tự nguyện từ bỏ tự do để đổi lấy sự bảo vệ chống lại một nguy cơ nào đó bên ngoài.” (Lê Mạnh Hùng)

Related posts