Tin thế giới chiều thứ Hai: Thổ Nhĩ Kỳ ra lệnh bắt giữ 113 người trong quá trình điều tra các tòa nhà bị sập

Trung Quốc nâng giới hạn tuổi quân dự bị trong bối cảnh căng thẳng gia tăng trên Eo biển Đài Loan

Các binh sĩ của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) diễn hành bên cạnh lối vào Tử Cấm Thành (Trái) ở Bắc Kinh vào ngày 22/05/2020. (Ảnh: Nicolas Asfouri/AFP qua Getty Images)

Luật Quân nhân Dự bị mới của chế độ cộng sản Trung Quốc sẽ được thực thi vào ngày 01/03. Luật này sẽ nâng giới hạn độ tuổi phục vụ trong lực lượng dự bị đối với nam công dân Trung Quốc từ 18 đến 60 tuổi. Các nhà phân tích nói rằng những thay đổi này phản ánh ý định xâm lược Đài Loan của chế độ này.

Luật mới này quy định tuổi phục vụ tối đa đối với sĩ quan quản lý chỉ huy dự bị và sĩ quan kỹ thuật nghiệp vụ là 60 tuổi, thay thế tuổi phục vụ tối đa theo cấp bậc là 60, 55, và 50 tuổi trong luật nghĩa vụ dự bị cũ.

Tuổi phục vụ tối đa đối với các thượng úy kỹ thuật nghiệp vụ và thượng úy quản lý chỉ huy được quy định lần lượt là 50 và 45 tuổi, thay vì giới hạn theo bậc hiện hành là 45, 40, và 35 tuổi.

Cũng có sự gia tăng chung về giới hạn độ tuổi đối với các quân nhân dự bị. Tuổi phục vụ tối đa đối với quân sĩ dự bị sẽ được sửa đổi thành: 45 tuổi đối với hạ sĩ, trung sĩ, nhị cấp thượng sĩ; 55 tuổi đối với nhất cấp thượng sĩ, trưởng quân sĩ; và 30 tuổi đối với quân nhân dự bị.

Trong “Luật Nghĩa vụ Quân sự” được ĐCSTQ thực hiện trong nhiều năm trước năm 2021, tuổi phục vụ của quân nhân dự bị là từ 18 đến 35 tuổi, và “có thể được kéo dài một cách thích hợp tùy theo nhu cầu”. Sau khi ĐCSTQ sửa đổi “Luật Nghĩa vụ Quân sự” vào năm 2021, độ tuổi phục vụ tối đa của quân nhân dự bị đã được thay đổi thành “phù hợp với các luật và quy định có liên quan khác.”

Chuẩn bị sẵn sàng cho chiến tranh

Ông Vương Hách (Wang He), một nhà quan sát các vấn đề Trung Quốc sống tại Hoa Kỳ, nói với The Epoch Times hôm 09/02 rằng câu hỏi đặt ra là tại sao Đảng Cộng sản (ĐCSTQ) cầm quyền của Trung Quốc lại đưa ra chính sách đó vào thời điểm này.

Ông cho rằng với tình hình căng thẳng ở Eo biển Đài Loan hiện nay, việc ĐCSTQ đưa ra luật dự bị quân sự mới, một mặt là để răn đe Hoa Kỳ, và mặt khác thực chất là đảng này đang chuẩn bị cho cuộc chiến xâm lược Đài Loan.

“Nhìn chung, họ đang muốn khuếch trương uy thế để gây áp lực lên Hoa Kỳ, phù hợp với sách lược chung của ĐCSTQ là đánh bại Đài Loan mà không cần giao chiến. Mặc dù việc đánh hay không đánh này là một vấn đề rất tế nhị, nhưng nhà cầm quyền này đã chuẩn bị sẵn sàng cho chiến tranh.”

Ông Tô Tử Vân (Su Tze-yun), giám đốc Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh của Đài Loan, nói với The Epoch Times hôm 09/02 rằng lực lượng dự bị này thuộc về quy định vận động quốc phòng trong nội bộ ĐCSTQ. “Lực lượng này là một phần của sự sẵn sàng chiến đấu quốc gia và cũng là một phần của lực lượng chiến đấu. Tất nhiên có thể thấy là nếu ĐCSTQ quyết định tấn công Đài Loan trong tương lai, thì lực lượng này sẽ được huy động.”

Ông Tô nói thêm rằng ĐCSTQ có một đội quân hùng hậu, và nếu đảng này phát động một cuộc tấn công, thì lực lượng huy động này chỉ là một phương tiện bổ trợ thêm. Ngược lại, đối với bên phòng thủ, thì lực lượng huy động này lại là một trong những phương tiện [chiến đấu] chính.

Hồng Ân biên dịch

Bộ Nội vụ Vương quốc Anh: ‘Chúng tôi sẽ duy trì cam kết đạo đức và lịch sử đối với người Hồng Kông’

Quý vị có thể thường xuyên nhìn thấy những khuôn mặt Á Châu ở trung tâm thành phố Birmingham, hôm 14/01/2023. (Ảnh: Connie Yuen/The Epoch Times)

Bộ Nội vụ Anh gần đây thông báo rằng kể từ khi khai triển chương trình thị thực Quốc tịch Anh (ở Ngoại quốc) (BNO) trong năm 2020, hơn 140,000 người Hồng Kông đã có thể sống và làm việc tại Vương quốc Anh.

Ông Robert Jenrick, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Anh, ca ngợi những người Hồng Kông di cư đến Anh Quốc vì đã đóng góp cho cộng đồng và nền kinh tế địa phương, và ông lấy làm vinh dự khi họ chọn Anh Quốc làm quê hương của mình.

“Chúng tôi tiếp tục hành động để duy trì cam kết lịch sử và đạo đức của mình đối với người Hồng Kông, và tôi cảm thấy đặc biệt tự hào khi nghe những câu chuyện và chứng kiến những đóng góp đáng kinh ngạc mà người Hồng Kông đã đang làm cho cộng đồng địa phương và nền kinh tế của chúng ta,” ông Jenrick nói.

“Từ làm việc cho NHS (Dịch vụ Y tế Quốc gia) đến tình nguyện giúp đỡ những người chạy trốn khỏi Afghanistan và Ukraine, giảng dạy tại các trường học của chúng ta cho đến làm việc trong khu vực tư nhân, sử dụng tất cả tài năng kinh doanh của mình để thúc đẩy nền kinh tế của chúng ta phát triển, nhiều người Hồng Kông đã nói rằng họ sinh sống ở Anh Quốc giống như trở về quê hương và chúng tôi rất vinh dự khi có rất nhiều người tài giỏi đã lựa chọn biến đất nước vĩ đại của chúng ta thành quê hương của mình,” ông cho biết.

“Tôi mong được chào đón nhiều người Hồng Kông đủ điều kiện hơn trong vài năm tới,” ông Jenrick nói thêm.

Nhiều người Hồng Kông chuyển đến Vương quốc Anh đã bày tỏ lòng biết ơn đối với sự chấp nhận của chính phủ và người dân Anh. Họ cũng cam kết sẽ nỗ lực hết mình để hòa nhập xã hội và đóng góp cho Anh Quốc.

Người Hồng Kông ở Birmingham

Vương quốc Anh đã trở thành điểm đến di cư phổ biến nhất của người Hồng Kông. Birmingham là thành phố lớn nhất ngoài London, nơi mà hầu hết người Hồng Kông chọn định cư bên cạnh thành phố London.

Theo dữ liệu của Cơ quan Thống kê Quốc gia Anh, khoảng 2,656 người Hồng Kông đang sống ở Birmingham tính đến ngày 21/03/2021. Thành phố này được xếp hạng là khu vực đông người Hồng Kông sinh sống nhất.

Mặc dù người Hồng Kông ở Anh Quốc đã và đang nỗ lực để hòa nhập vào cộng đồng Anh, nhưng một cuộc khảo sát với 822 người trả lời hợp lệ cho thấy khoảng 30% người Hồng Kông chưa thích nghi với cuộc sống ở Anh, và 18.5% rất cần được hỗ trợ về chi phí sinh hoạt.

Gần đây, phóng viên của chúng tôi đã phỏng vấn một số người Hồng Kông làm việc tại Birmingham, và một số người nói rằng các công ty địa phương sẽ thuê những người thuộc các chủng tộc khác nhau để đạt được sự hòa nhập chủng tộc. Họ cho biết người Hồng Kông có kỹ năng và được các công ty địa phương chào đón.

Một số người Hồng Kông bày tỏ rằng di cư không bao giờ là một nhiệm vụ dễ dàng. Việc các nhóm thiểu số phải rời bỏ quê hương và bắt đầu lại từ đầu là một hành trình đầy chông gai. Một số trong số những mối quan tâm chính của người Hồng Kông là làm thế nào để họ có thể hòa nhập vào xã hội, tìm việc làm và hiểu về lịch sử và văn hóa Anh.

Lời khen ngợi từ Bộ Nội vụ có thể khuyến khích người Hồng Kông làm việc chăm chỉ hơn để đóng góp cho nước Anh.

Nguyễn Lê biên dịch

Nga mất 13 xe tăng, 14 xe bọc thép và một chiến đấu cơ trong vỏn vẹn một ngày

Bức ảnh này được chụp vào ngày 11 tháng 9 năm 2022, cho thấy một người lính Ukraine đứng trên chiếc xe tăng Nga bị bỏ hoang gần một ngôi làng ở ngoại ô thuộc Kharkiv (ảnh: JUAN BARRETO/AFP).

Thông tin cập nhật do quân đội Ukraina công bố cho thấy quân Nga đã mất hơn một chục xe tăng và xe bọc thép ở Ukraina trong vòng 24 giờ qua. 

Bộ Tổng tham mưu Ukraina ngày 12/2 báo cáo rằng Mátxcơva đã mất 13 xe tăng, 14 xe bọc thép và một chiến đấu cơ kể từ lần cập nhật trước đó vào ngày 11/2. 

Phía Ukraina cho biết quân đội nước này đã bắn hạ một chiến đấu cơ Su-25 của Nga.

Bộ Tổng tham mưu Ukraina báo cáo rằng 900 binh sĩ Nga đã thiệt mạng trong cùng khung thời gian.

Hôm 10/2, Bộ Quốc phòng Anh cho biết quân Nga đã “bỏ lại” các xe bọc thép gần thị trấn Vuhledar của Donetsk, nơi đã chứng kiến giao tranh ác liệt trong những tuần gần đây.

Bộ Quốc phòng Anh cho biết, sau khi tái phát động một cuộc tấn công quanh rìa phía tây khu vực Vuhledar vào cuối tháng trước, “các đơn vị thiếu kinh nghiệm” do bộ chỉ huy quân sự Nga cử đến có thể đã chịu thương vong đặc biệt nặng nề.Bộ Quốc phòng Anh viết trên Twitter:Quân đội Nga có khả năng đã bỏ chạy và bỏ lại phía sau ít nhất 30 xe bọc thép hầu như còn nguyên vẹn trong sau một cuộc tấn công thất bại”.

Thổ Nhĩ Kỳ ra lệnh bắt giữ 113 người trong quá trình điều tra các tòa nhà bị sập

Phó Tổng thống Oktay cho biết 131 nghi phạm đã được xác định chịu trách nhiệm về việc một số tòa nhà sụp đổ.

Thổ Nhĩ Kỳ đã quyết định mở cuộc điều tra toàn diện bất kỳ ai bị nghi ngờ chịu trách nhiệm về vụ sập các tòa nhà trong trận động đất thảm khốc ở nước này, đồng thời đã ra lệnh bắt giữ 113 nghi phạm.

Phó Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Fuat Oktay cho biết vào cuối ngày thứ Bảy rằng 131 nghi phạm cho đến nay đã được xác định là chịu trách nhiệm về sự sụp đổ của một số trong số hàng nghìn tòa nhà bị san phẳng ở 10 tỉnh bị ảnh hưởng bởi trận động đất hôm thứ Hai.

“Lệnh giam giữ đã được ban hành cho 113 người trong số họ,” ông Oktay nói với các phóng viên trong một cuộc họp báo.

“Chúng tôi sẽ theo dõi vụ này cho đến khi kết thúc quá trình tư pháp cần thiết, đặc biệt là đối với các tòa nhà bị thiệt hại nặng nề và các tòa nhà [sụp] khiến nhiều người chết và bị thương.”

Trong khi đó, Bộ trưởng Tư pháp Thổ Nhĩ Kỳ đã hứa sẽ trừng phạt bất kỳ ai chịu trách nhiệm và các công tố viên đã bắt đầu thu thập các mẫu tòa nhà để làm bằng chứng về vật liệu được sử dụng trong xây dựng.

Nhiều nạn nhân, các chuyên gia và người dân trên khắp Thổ Nhĩ Kỳ đang đổ lỗi cho việc xây dựng yếu kém khiến xảy ra thiệt hại nặng nề như vậy.

Bộ trưởng Môi trường Murat Kurum cho biết, dựa trên đánh giá của hơn 170.000 tòa nhà, 24.921 công trình trên toàn khu vực đã bị sập hoặc hư hỏng nặng.

Lực lượng cứu hộ vẫn đang tìm kiếm những người sống sót trong đống đổ nát 6 ngày sau thảm họa xảy ra ở một số khu vực của Syria và Thổ Nhĩ Kỳ.

Các đảng đối lập đã cáo buộc chính phủ của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan không thực thi đúng các quy định về xây dựng và chi tiêu sai các loại thuế đặc biệt được áp dụng sau trận động đất lớn gần đây nhất vào năm 1999 để giúp các tòa nhà có khả năng chống chịu động đất tốt hơn.

Các công tố viên nhà nước ở Adana đã ra lệnh bắt giữ 62 người trong cuộc điều tra về các tòa nhà bị sập, trong khi các công tố viên đang tiến hành bắt giữ 33 người ở Diyarbakir vì lý do tương tự, hãng thông tấn nhà nước Anadolu đưa tin.

Tám người đã bị bắt ở Sanliurfa và bốn người ở Osmaniye liên quan đến các tòa nhà bị sập được cho là có lỗi xây dựng, ví dụ như thiếu nhiều cột đỡ.

Cảnh sát đã bắt giữ nhà phát triển của một khu dân cư bị sập ở Antakya tại Sân bay Istanbul khi người này chuẩn bị lên chuyến bay tới Montenegro vào tối thứ Sáu.

Khu phức hợp dân cư cao cấp 12 tầng đã được hoàn thành cách đây một thập kỷ và bao gồm 249 căn hộ. Hiện chưa có thông tin về thương vong trong tòa nhà đó.

Người đàn ông bị bắt nói với các công tố viên rằng ông ta không biết tại sao khu phức hợp bị sập và mong muốn đến Montenegro của ông ta là không liên quan, Anadolu đưa tin.

Tổng thống Erdogan trước đó thừa nhận rằng phản ứng ban đầu gặp khó khăn do thiệt hại quá lớn.

Ông cho biết khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất có đường kính 500km và là nơi sinh sống của 13,5 triệu người.

Lê Vy

Quá ít chuyến bay đến và đi từ Trung Quốc sau khi gỡ bỏ phong tỏa

(Ảnh minh họa: Markus Mainka/Shuttertock)

Sau khi chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) chính thức hủy bỏ chính sách phòng chống dịch bệnh cực đoan và các biện pháp quản lý giám sát hàng không nghiêm ngặt, đến nay các chuyến bay quốc tế vẫn chưa nối lại hoàn toàn. Hiện số chuyến bay chỉ bằng khoảng 10% so với trước dịch.

Ngày 9/2, trang tin Chinanews.com cho biết kể từ đầu tháng Một, Trung Quốc đã hủy bỏ chính sách cách ly khi nhập cảnh, và các hãng hàng không có thể ra vào Trung Quốc mà không bị hạn chế. Tuy nhiên, số chuyến bay quốc tế đến và đi từ Trung Quốc gần như tăng lên rất ít.

Chinanews dẫn nguồn tin từ Đức cho biết, kể từ khi quy định phòng chống dịch bệnh khi nhập cảnh của Trung Quốc kết thúc, số chuyến bay quốc tế giữa Đức và Trung Quốc hầu như không tăng. Ví dụ, vẫn chỉ có 5 chuyến bay hàng tuần đến và đi từ Frankfurt trên các tuyến quốc gia của Air China, còn Hainan Airlines thì chỉ có 1 chuyến.

Trước khi dịch bệnh xảy ra, hãng hàng không Lufthansa thuộc Tập đoàn Lufthansa của Đức, Swiss International Air Lines của Thụy Sĩ và Austrian Airlines của Áo, có hơn 80 chuyến bay đến và đi từ Trung Quốc mỗi tuần.

Trang tin Jiemian News tại Trung Quốc Đại Lục đã tìm hiểu được thông tin từ các hãng hàng không như China Eastern Airlines, Spring Airlines, v.v, và thấy rằng việc phục hồi các tuyến quốc tế là một quá trình tương đối dài và phức tạp bởi nhiều yếu tố đằng sau. Chẳng hạn như nhu cầu thị trường, bố trí năng lực vận tải, cấp phép thương quyền vận tải hàng không, khả năng hỗ trợ ở nước ngoài, v.v.

Spring Airlines cho biết ở góc độ phục hồi, tính đến thời điểm hiện tại, số lượng các chuyến bay quốc tế và khu vực chỉ bằng khoảng 10% so với trước dịch.

Theo dữ liệu từ công ty dịch vụ dữ liệu chuyến bay Variflight.com, kể từ tháng Hai đến nay, số chuyến bay chở khách quốc tế và khu vực vào khoảng 350 – 400 chuyến mỗi ngày. Trong khi cùng thời điểm năm 2019, bình quân mỗi ngày là 2.700 chuyến. Số chuyến bay hiện tại chưa bằng 15% trước đại dịch.

Về lịch bay, các đường bay trong châu lục, tức trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương đang phục hồi nhanh hơn, đặc biệt là các đường bay trong khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, tần suất các chuyến bay trực tiếp giữa Trung Quốc và các nước lớn ở châu Mỹ và các nước lớn ở châu Âu vẫn còn tương đối thấp, phần lớn là 1 chuyến 1 tuần, nhiều nhất cũng không quá 5 chuyến một tuần. Trước khi dịch bệnh xảy ra, nhiều chuyến đến và đi trong một ngày là rất phổ biến. Ví dụ vào năm 2019, Air China có 3 chuyến bay mỗi ngày từ Bắc Kinh đến London, trong khi Delta Air Lines (của Mỹ) khai thác tới 6 chuyến bay mỗi ngày ở Trung Quốc trước khi xảy ra dịch bệnh.

Trong 3 năm qua, do những hạn chế của ‘chính sách 5 một’ (mỗi một công ty hàng không chỉ duy trì 1 chuyến bay với 1 quốc gia, 1 tuần chỉ được khai thác 1 chuyến bay), các chuyến bay quốc tế đã bị đình chỉ trên diện rộng. Trong tình trạng mất cân bằng cung cầu nên đã xuất hiện nhiều “vé máy bay giá ngất trời” với giá chục nghìn, trăm nghìn thậm chí hơn 200.000 nhân dân tệ. Những chiếc vé máy bay giá ngất trời này chủ yếu tập trung ở các chặng bay xuyên lục địa.

Theo thống kê từ Ctrip, trong giai đoạn cao điểm của dịch bệnh (năm 2020 – 2021), giá trung bình của các chuyến bay hạng phổ thông từ Trung Quốc đến Mỹ lên đến 11.186 nhân dân tệ (khoảng 41 triệu VNĐ), trong khi năm 2019, giá trung bình của hạng phổ thông chỉ là 5.029 tệ, mức tăng 122%.

So với đi nước ngoài, các chuyến bay về Trung Quốc càng có nhiều khả năng có giá vé “ngất trời”. Ban đầu, nguồn chuyến bay quốc tế khá eo hẹp, các chuyến bay trở về Trung Quốc bị ảnh hưởng bởi cơ chế gián đoạn do phòng chống dịch, các chuyến bay thường xuyên bị hủy khiến nhiều du học sinh và doanh nhân khó về nước.

Sau khi chính quyền ĐCSTQ từ bỏ chính sách “Zero-COVID linh động” vào tháng 12/2022, số người nhiễm virus COVID-19 ở Trung Quốc đã tăng lên đáng kể. Sau đó, chính quyền ĐCSTQ đã mở lại biên giới vào ngày 8/1/2023 và một số lượng lớn người Trung Quốc đã đi du lịch nước ngoài.

Vào cuối tháng 12/2022, Triều Tiên đã đi đầu trong việc tuyên bố cấm công dân Trung Quốc nhập cảnh, đồng thời áp dụng biện pháp kiểm dịch và theo dõi 30 ngày đối với tất cả những người nhập cảnh gần đây từ Trung Quốc, bao gồm cả công dân Triều Tiên.

Sau đó, các nước như Mỹ, Canada, Pháp, Tây Ban Nha, Nhật Bản, Vương quốc Anh, v.v, cũng đã có hành động hạn chế khách du lịch từ Trung Quốc. Chính quyền ĐCSTQ bày tỏ sự phản đối các biện pháp phòng chống dịch bệnh của Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc và các quốc gia khác, đồng thời thực hiện các biện pháp trả đũa tương ứng đối với Hàn Quốc.

Vào ngày 10/2, tại buổi họp báo thường kỳ, phát ngôn viên Mao Ninh của Bộ Ngoại giao ĐCSTQ đã trả lời câu hỏi về vấn đề “Chính phủ Hàn Quốc tuyên bố rằng họ sẽ nối lại việc cấp thị thực ngắn hạn cho công dân Trung Quốc đến Hàn Quốc bắt đầu từ ngày mai ”, rằng “phía Trung Quốc sẽ xem xét nối lại việc cấp thị thực ngắn hạn cho công dân Hàn Quốc trong thời gian tới”.

Theo Lý Băng, Epoch Times

Trung Quốc tuyên bố sẽ bắn rụng một “vật thể bay lạ” ở Sơn Đông

Các nhà chức trách Trung Quốc đang chuẩn bị bắn hạ một “vật thể bay lạ” gần thành phố ven biển Nhật Chiếu, tỉnh Sơn Đông, miền đông nước này, theo truyền thông nhà nước đưa tin hôm Chủ nhật (12/2). Việc này diễn ra trong bối cảnh vụ khinh khí cầu do thám của Trung Quốc đang được Hoa Kỳ làm nóng lên những ngày qua.

Tờ Hoàn Cầu Thời Báo của ĐCSTQ miêu tả đó là UFO (unidentified flying object) trong phiên bản tiếng Anh của mình, và cho biết “các giới chức hàng hải địa phương” tỉnh Sơn Đông đã phát hiện ra cái mà họ gọi là UFO “gần bờ biển Nhật Chiếu”, với tọa độ là “120°51’ kinh đông, 35°37’ vĩ bắc”, và họ đang chuẩn bị “bắn rụng nó”, hiện nay các “nhắc nhở về an toàn” đã được gửi đến ngư dân.

Không có thêm mô tả nào về vật thể bay lạ này và cũng không giải thích chính xác cách thức các nhà chức trách lên kế hoạch hạ gục nó.

“Vật thể bay lạ” này được Trung Quốc phát hiện chỉ vài giờ sau khi chiến đấu cơ tàng hình F-22 của Mỹ đã sang để giúp bắn rụng một “vật thể bay lạ” và không người lái trên không phận Canada, đánh dấu chiếc thứ 3 bị Hoa Kỳ bắn rụng trong sự vụ khinh khí cầu đang được họ làm nóng lên này. Trước đó, ngày 2/2 Ngoại trưởng Mỹ Blinken hoãn vô thời hạn chuyến công du Trung Quốc. Ngày 4/2 chiến đấu cơ tàng hình F-22 bắn rụng khinh khí cầu của Trung Quốc ở Nam Carolina. Ngày 6/2 Nhà Trắng triệu tập 150 đặc phái viên của 40 nước và tuyên bố toàn thế giới đang là nạn nhân của chương trình khinh khí cầu gián điệp của Bắc Kinh. Ngày 10/2 Không lực Hoa Kỳ bắn rụng tiếp một “vật thể bay lạ” ở Alaska. Ngày 11/2 Hoa Kỳ đưa 6 thực thể Trung Quốc vào danh sách đen bị trừng phạt vì dính líu đến chương trình khinh khí cầu gián điệp.

Bắc Kinh phủ nhận cáo buộc hoạt động gián điệp, nhấn mạnh rằng chiếc khinh khí cầu của họ chỉ là dành cho hoạt động “dân sự”, và đã đi chệch hướng do bị gió thổi lạc vào không phận Hoa Kỳ. Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã lên án các chính trị gia và cơ quan truyền thông Hoa Kỳ rằng đã sử dụng vụ việc để “tấn công và bôi nhọ Trung Quốc.”

Nhật Tân

Related posts