Tuần 1
Ra Tết, Việt Nam lao ngay vào đại dịch. Báo chí dồn dập đưa tin người chết hàng loạt bởi một loại virus mới ở thành phố Vũ Hán Trung Quốc. Dân Việt học tập và làm việc ở Vũ Hán khá đông, dịp tết đều về quê, nên đã phát hiện có vài ca nhiễm. Dù Hà Nội chưa có ca nào nhưng cả thành phố đã nháo nhác, tôi cũng như mọi người hằng ngày cày báo và cày facebook không sót tin nào: con virus quá mới lạ và nguy hiểm – tỷ lệ gây tử vong không cao nhưng tốc độ lây lan lại khủng khiếp, và lây thẳng từ người sang người. Tôi với mấy người bạn hẹn nhau trên phố Nhà Thờ cà phê cùng với nỗi hoang mang, chị bạn tôi đeo khẩu trang suốt cả buổi, và chúng tôi chỉ nói về Covid-19.
Hai đứa trẻ con nhà tôi đi học trở lại sau Tết, đứa lớn lớp 2 và đứa bé 4 tuổi rưỡi học mẫu giáo. Buổi học đầu tiên gần như bình thường. Nhưng 11 giờ đêm hôm ấy một phụ huynh có con học cùng lớp đứa lớn gọi điện đến nói chuyện vòng vo một hồi, rồi thăm dò liệu sáng mai con gái tôi có đến lớp hay không. Ấy là bởi vì mấy hôm nay chỗ tôi ở và dân cư quanh khu vực đó đang bàn tán xôn xao về một cô gái thuê nhà tại cùng chung cư, từ Vũ Hán về, ghé căn nhà thuê hai tiếng đồng hồ rồi lên Vĩnh Phúc, cô gái có biểu hiện ho sốt và được xét nghiệm. Lập tức văn bản về trường hợp của cô được lan truyền chóng mặt trên mạng: nỗi sợ hãi đi trước cả kết quả xét nghiệm. Thật may cô ấy đã âm tính, vậy mà con gái tôi vẫn còn bị nghi ngại là một nguồn lây.
Buổi thứ hai trường tiểu học của đứa lớn yêu cầu tất cả giáo viên và học sinh đeo khẩu trang đến lớp. Giữa trưa cô giáo gửi ảnh lớp học cho phụ huynh, với tôi là một bức ảnh kinh khủng: mấy chục đứa trẻ con bịt kín mặt không còn biết đứa nào vào đứa nào, trông như ở một trại bệnh nào đó chứ không phải lớp học. Buổi chiều đón đứa bé về nhà tôi thấy con mắt sưng húp, gặng hỏi mà con bé nhất định không nói vì sao. Tôi nhắn cho cô giáo thì cô nói buổi trưa con không chịu ngủ cứ thổn thức mãi không dỗ được. Sau bữa tối tôi với chồng tôi ngồi nói chuyện dịch bệnh và khẩu trang trong tâm trạng âu lo, thì con bé mếu máo hỏi: “Mẹ ơi, ngày mai đi học có phải đeo khẩu trang nữa không?” Tôi thấy tim mình thắt lại một nhịp, lập tức hiểu ra ngay vì sao nó khóc ở trường: đeo khẩu trang ngồi học và có lẽ cả lúc ngủ sẽ không khác gì cực hình với trẻ con, hẳn nó nghĩ là cô giáo bắt phạt và thấy lớp học cực kỳ đáng sợ. Cùng hôm ấy báo đưa tin có em bé ngất xỉu vì đeo hai cái khẩu trang một lúc. Tôi cố gắng giải thích với con những gì đang xảy ra, mong bữa sau con đến trường yên ổn. Nhưng không có bữa sau nữa: 9 giờ tối Chủ nhật chúng tôi nhận được tin trường học đóng cửa, tất cả trẻ con ở nhà, đúng vào ngày có con số đẹp như mơ, 02-02-2020.
Tuần 2
Đại dịch vừa được WHO cảnh báo toàn cầu và ở Vũ Hán số người chết đã lên đến hàng trăm. Dù chưa ghi nhận ca mắc nào nhưng sống ở Hà Nội mấy ngày gần đây không khác gì tận thế. Khắp nơi mọi người đeo khẩu trang, hàng thuốc cháy khẩu trang và nước rửa tay các loại. Thông tin trên báo chí chính thống đã ong đầu, bão chữ trên mạng còn kinh khủng gấp nhiều lần, ai cũng trở thành chuyên gia, không biết đâu mà lần, hoang mang không sao tả hết. Chưa kể ra xuân trời hôm thì sương mù trắng xóa, khói bụi không thoát được khiến chỉ số không khí mang màu tím ngắt đe dọa, hôm thì mưa lép nhép bẩn thỉu ẩm ướt, càng làm cho bối cảnh trở nên thê lương.
Đúng lúc này đứa bé nhà tôi bị ốm. Bị ốm vào lúc này ư, trời ơi! Giờ đây bệnh viện là nơi rất đáng sợ, đông người, ám ảnh “lây nhiễm chéo”. Con kêu đau bụng hai hôm nay, cả ngày không ăn gì, đêm ngủ bật khóc vì đau, dù vẫn tỉnh táo. Tôi làm món súp khoai tây thần thánh mà con yêu thích mà con cứ duỗi cổ ra nuốt, cuối cùng chỉ được đôi ba thìa. Một nỗi sợ âm thầm nhen lên trong tôi…
Ngày thứ ba con vẫn bết bát như tàu lá. Thỉnh thoảng ho một tiếng, mũi khịt khịt, đầu ngây ngấy, tay cứ kéo kéo cổ áo rồi thở hắt ra. Triệu chứng viêm phổi corona là ho, sốt, khó thở! Có khi nào…? Không, không thể, con có đi đâu đâu, tôi điểm lại những chỗ con vừa đi trong dịp Tết vừa rồi, lo quặn ruột.
Con nằm trên sofa, ăn được chút bánh bột mì với trứng, vừa ăn vừa rên, tay không thôi kéo kéo cổ áo. Dấu hiệu khó thở rõ ràng. Nhưng trẻ con bệnh gì mà chẳng gây ra khó thở nhỉ. Không giống, nhưng có người nhiễm corona triệu chứng không điển hình. Nghe nói trẻ con ít mắc, nhưng đã ai biết gì nhiều về con virus này đâu? Tôi lao vào mạng đọc một lô thông tin, trong đó có chỗ ghi viêm phổi corona gây ra suy giảm nội tạng. Ôi trời, con bị đau bụng, phải chăng có liên quan? Tôi nóng bừng người. Có chi tiết nhắc đến việc xuất hiện các vết bầm tím trên da, tôi cuống quýt vạch tay chân con xem có gì lạ. Không có. Vén ngực áo con lên xem có thở lõm ngực, áp tai nghe sau lưng xem có thở rít. Đo nhiệt độ liên tục, 36.9, sau đó 37.1, rồi 37.3, như thế này vẫn chưa tính là sốt? Suốt sáng đến bốn năm lần có tiếng xe cứu thương hú còi đi qua phía dưới đường nghe thật rùng rợn. Sao xe cứu thương chạy nhiều thế? Dịch bệnh đang trở nên tồi tệ ư? Việt Nam đã có mấy người mắc, chưa có tử vong, nhưng liệu con số có chính xác không, bao nhiêu người chưa phát hiện bệnh? Trời vẫn u ám vì mưa. Tôi tiếp tục đọc tùm lum các thứ về corona, lòng như lửa đốt. Đến khoảng 3 giờ, con chợt rên một tiếng to, kiểu như cơn đau lên một mức mới, đo nhiệt độ 38.2. Tôi hết chịu nổi, đưa con đi khám, dù lý trí vẫn nhắc là không có gì nghiêm trọng, tôi chỉ đang tẩu hỏa nhập ma.
Cuối cùng, con không sao thật, chỉ bị nhiễm khuẩn đường ruột, uống chút thuốc linh tinh.
Tuần 3
Trẻ con đã nghỉ học nhưng bố mẹ thì chưa. Tôi may mắn có ông bà ngoại ở gần trông hai đứa giúp. Thứ Sáu cô giáo chủ nhiệm lớp đứa lớn huy động bố mẹ đến lau chùi khử trùng lớp học chờ tuần mới đi học lại. Báo chí đưa tin rầm rập từng giờ. Các khuyến cáo về khẩu trang, rửa tay, lau chùi vật dụng được nhắc đi nhắc lại ở khắp nơi. Chung cư tôi đặt chai nước rửa tay khô trước cửa thang máy. Công ty tôi đặt nước rửa tay ở mỗi tầng. Không khí chẳng khác gì thời chiến.
Hôm nay tôi mang cơm đi làm. Hôm qua tôi mang cơm, và hôm kia cũng vậy. Thực ra tôi mang cơm đi làm cả đôi tuần nay rồi. Ba hộp, cơm, rau và thịt xếp gọn trong chiếc túi vải kiểu vintage mà tôi yêu thích. Hôm nay có sườn rán, dưa chua và canh bắp cải. Hôm qua là xúc xích và canh bí xanh. Hôm kia thịt viên sốt canh củ từ hầm, không cơm vì củ từ đã là tinh bột. Tóm lại tôi có thể nhớ vach vách những bữa trưa của mình trong một tuần.
Mang cơm đi ăn thế này thật tốt, sạch sẽ, đủ chất, có thể ngon hoặc không quá ngon nhưng chắc chắn không tệ. Không có gì phức tạp, tối hôm trước cứ nấu dư ra một chút, hoặc vét cơm thừa canh cặn của bọn trẻ con. Tiết kiệm thì cực kỳ. Đây không phải là lúc để hoang phí, và khéo ra còn tiết kiệm nhiều tiền đến mức mua được nhà như truyền thuyết hay nói trên internet, kiểu “Cô gái 27 tuổi tiết kiệm 2,3 tỉ nhờ nấu cơm mang đi làm chứ không ăn hàng”.
Thực ra tiết trời mùa xuân dịu nhẹ với gió hây hây, những cây lộc vừng lá rực vàng một góc phố nhỏ và lả tả thả vàng rơi mỗi khi gió tới, ra ngoài buổi trưa ngồi ăn vỉa hè rất thích. Nhưng đây không phải là lúc để mộng mơ. Các hàng ăn đã đóng kha khá, cả quán bún đậu mắm tôm thần thánh có món đậu rán vàng giòn rụm bên ngoài và mềm mượt bên trong, cả quán bún bò xào kiểu Nam bộ chua chua ngọt ngọt rắc lạc rang thơm bùi dù tôi không dám chắc đó là bò thật vì giá có ba chục ngàn, nên chẳng còn nhiều lựa chọn. Chưa kể ngồi ăn giữa nhiều người lạ lúc nào cũng có tâm trạng nơm nớp: trông ai cũng khả nghi, ai cũng có thể là nguồn bệnh.
Đồng nghiệp của tôi giờ cũng mang cơm đi hết cả. Mỗi trưa 12 giờ, chiếc lò vi sóng lại quay lảo đảo tỏa mùi thức ăn cá và thịt đi khắp phòng, mùi của sự no ấm. Những tiếng lách cách, sụt soạt, chóp chép vang lên từ góc bàn này đến góc bàn kia, không khác gì không khí một bữa đại tiệc. Tôi bắt đầu thấy yêu bản giao hưởng dinh dưỡng này, không khéo qua mùa dịch tôi không còn muốn ra ngoài ăn trưa cũng nên.
Sau đợt sóng thứ nhất từ Vũ Hán, Việt Nam dừng ở 16 ca nhiễm và đã được chữa khỏi, nhưng chẳng ai có thể yên tâm. Gió xuân đưa đẩy khắp không gian một thứ mùi âu lo nơm nớp. Tâm dịch đã chuyển đến Hàn Quốc và bắt đầu nhen lên ở châu Âu, Mỹ và các nước khác. Vấn đề là châu Âu có vẻ rất dửng dưng, ở Mỹ tổng thống Trump tuyên bố không có gì phải hốt. Nhìn họ thấy cực kỳ sốt ruột, ai cũng biết họ giàu và có nền y tế mạnh, nhưng vấn đề là những mầm bệnh từ họ có thể dội về một nơi nghèo như Việt Nam. Người Việt nín thở chờ một đợt sóng thứ hai tràn tới.
Giữa lúc này chúng tôi tổ chức tổng kết công ty như thường lệ mọi năm. Trước khi vào hội trường mọi người xếp hàng dài để chờ đến lượt rửa tay và đo nhiệt độ. Tổng kết khá sơ sài và nhiều âu lo. Chúng tôi vẫn có một bữa tiệc buổi trưa vì các nhà hàng lớn còn đang mở, trước khi vào tất cả lại xếp hàng để nhân viên lễ tân đo nhiệt độ: một trải nghiệm chưa từng thấy.
Trung tâm tiếng Anh của con gái tôi bắt đầu thử nghiệm học online, vậy là tôi bắt buộc phải cho con làm quen với máy vi tính sớm, dù theo dự kiến thì phải vài năm nữa.
Tuần 4
Ngày cuối tuần tôi đi chợ làm bổn phận của một người con hiền dâu thảo, mua đồ ăn cho mười mấy con người mà bình thường không mấy khi tập trung vào một chỗ, nhưng giữa lúc Hà Nội chẳng lội được đi đâu thì về nhà ông bà nội là một lựa chọn lý tưởng.
Trên đường ra chợ tôi nghe thấy một âm thanh rất to, một giọng nữ mezzo-soprano khá dày đang rành mạch nghiêm trang nói về chuyện rửa tay sát khuẩn cấm tụ tập đông người. Tôi nghĩ, a, loa phường đây mà, thứ loa gỉ đét thất nghiệp giờ đây bỗng nhiên tỏa sáng và hẳn đang hoạt động tích cực trên khắp các khu phố và mọi chốn thôn quê.
Nhưng không, thứ này còn trên cả loa phường. Vì loa phường nó chỉ ở yên một chỗ.
Trong một con ngõ nhỏ tôi thấy một người đàn ông áo đen đang ngồi lướt điện thoại, bên cạnh anh ta là chiếc xe máy chở một chiếc loa to đùng, đang phát rầm rĩ các văn bản tài liệu về phòng tránh nCoV. A ha, đây hẳn sáng tạo về truyền thông của hệ thống phường xã. Tôi thấy ngộ ngộ. Ở Tây thế này thì dân sẽ báo cảnh sát khẩn cấp vì ô nhiễm tiếng ồn, nhưng không, đây là Việt Nam, xứ sở đất chật người đông và chúng tôi đã quen với mọi thể loại huyên náo. Hàng xóm mà bật karaoke to thì mình cố nhịn tí, hôm sau sẽ đến lượt mình chĩa loa thùng sang phía nhà nó, cả hai bên đều happy.
Tôi mua được một con cá trắm trắng to với rất nhiều thì là, hành và rau sống, định làm món cá hấp. Đông người cứ làm chuyên một món mà ít phải chế biến cho đỡ nhọc. Tôi không lang thang trong chợ, giờ không phải lúc cho hạnh phúc lang thang, mua đúng thứ cần mua rồi về.
Trên đường về nhà, tiếng loa ban nãy lại đập vào tai tôi bởi nó quá to. Người đàn ông áo đen với chiếc loa đã ở trong một con ngõ khác. Tôi bắt đầu thấy hơi bực. Cứ như là nó đang phát cho tôi nghe vậy. Tôi muốn nói với cái loa đó là tôi đã nằm lòng 6 bước rửa tay từ những tờ rơi dán khắp nơi và được nhét cả qua khe cửa, đọc không sót cái tin nào của anh Bộ Y tế, điền app sức khỏe ngay tức thì, đã khai báo đi lại với tổ dân phố, khai báo đi lại với cô giáo bọn nhóc, hằng ngày lên mạng kỳ cạch đếm từng số người nhiễm của Việt Nam, số tử vong trên thế giới, nghiên cứu chính sách ứng phó dịch của các nước, đã tranh luận liên tục với đồng nghiệp và gia đình về các loại quan điểm miễn dịch cộng đồng hay dập dịch gắt gao…
Rồi tôi đi về nhà, bắt đầu bỏ rau cá ra xử lý trong yên tĩnh, lắng nghe tiếng chim ríu rít trên cây mít sau nhà đang bắt đầu ra những quả to như cái bát con hứa hẹn những múi vàng rực chảy mật ngọt lịm. Thì bỗng, một giọng rất to cất lên ngay sát bên tai khiến tôi giật bắn: “Thực hiện quyết định của thủ tướng chính phủ về việc phòng chống đại dịch Covid-19, phường X xin đọc các thông tin… rửa tay 6 bước… khai báo… cách ly 14 ngày … đoàn kết chung tay…” Tôi lao lên tầng trên để xem nguồn âm thanh phát từ chỗ nào, thì đã thấy anh áo đen ngồi lù lù ngay trước cổng nhà, chĩa cái loa vào thẳng nhà tôi, mà tôi nghĩ cứ như là dành cho chính mình.
Cái loa đọc chừng 30 phút, lặp lại hai lần nội dung, giọng nữ trung nghiêm trang không vấp chút nào, và âm lượng thì to không tưởng được. Ngoài anh áo đen, hẳn là còn nhiều anh áo xanh áo trắng khác như thế ở khắp Việt Nam. Thực ra tôi chỉ hơi hơi khó chịu một tí, những thứ thế này hẳn tôi cũng như nhiều người khác sẽ chấp nhận hết, vì nó là chuyện sống còn.
Kiểu truyền thông cổ lỗ này có lẽ đã không được dùng đến, nếu như không xuất hiện ca bệnh thứ 17 về từ châu Âu, đánh dấu cho sự bắt đầu làn sóng lây nhiễm thứ hai, dự kiến sẽ khốc liệt hơn rất nhiều lần trước.
Công ty tôi triệu tập cuộc họp khẩn bàn kế hoạch ứng phó và chế độ tiền lương. Lương sẽ cắt giảm từ 10% đến 40%, tùy bộ phận. Tôi thuộc khối biên tập, nhóm nhận mức giảm cao nhất.
Số ca bệnh tăng lên liên tiếp từ những người cùng chuyến bay với cô gái N17. Hà Nội như đang bị nấu trong chiếc nồi áp suất mà nhiệt độ ngày càng tăng hứa hẹn một cuộc nổ bùng. Châu Âu và Mỹ trở tay không kịp, không hệ thống y tế nào đủ cho số ca nhiễm tăng vòn vọt, Ý đang dẫn đầu bảng xếp hạng tử vong. Ban đầu là Trung Quốc, rồi Hàn Quốc, giờ đến lượt châu Âu và Mỹ chiếm spotlight sân khấu dịch bệnh thế giới.
Hôm 20 tháng 3 ngày Quốc tế Hạnh phúc, tôi và các đồng nghiệp trong phòng tổ chức một bữa trưa vui vẻ, mỗi người mang một món đi góp vào. Chúng tôi chụp ảnh cười tươi như hoa rồi đăng bức ảnh đó lên group công ty với lời chú: “Ăn đi kẻo một mai ta cách ly”. Như một lời tiên đoán, cuối buổi chiều sếp tổng gửi một lá thư thống thiết về chế độ làm việc mới, theo đó mỗi ban chỉ cử luân phiên người đi trực, và kêu gọi tất cả cùng cố gắng.
Đứa lớn nhà tôi đã bắt đầu quen với máy vi tính và tôi không còn phải ngồi trực bên cạnh để giúp đỡ thao tác mỗi khi có giờ học. Đại dịch này có lẽ đã đẩy nhanh điều mà Harari tiên đoán trong cuốn Homo Deus: chúng ta đang ở trong cách mạng công nghệ, chẳng chóng thì chầy Mạng Internet Vạn vật khổng lồ sẽ xuất hiện, kiểm soát mọi thứ và số phận con người là phải nhập vào với nó, đấy chính là kỷ nguyên của tôn giáo Dữ liệu. Một tiến sĩ văn học bạn tôi than thở trên Facebook rằng một trong những hệ lụy của Đại dịch là nó sẽ sản sinh ra những đứa trẻ sớm nghiện internet. Tôi thì thấy không cần than thở, không có Corona thì sẽ có một cái gì đó khác, và đằng nào thì chúng ta cũng đã nghiện internet rồi, cưỡi trên lưng hổ rồi, nên con cái chúng ta sẽ học cưỡi hổ sao cho chạy được nhanh hơn.
Cuối cùng thì quán bar, vũ trường, nhà hàng đã được yêu cầu đóng cửa, các nơi khác cấm tụ tập quá ba mươi người. Vậy là những hàng quán nhỏ trong đó có hiệu sách của chúng tôi vẫn còn được mở, nhưng một cánh cửa tạm đã được dựng lên để ngăn hẳn hiệu sách với khu văn phòng chứ không thông như trước, tất cả khối sản xuất đi cửa sau, đề phòng trường hợp một độc giả vãng lai nào đó bị nhiễm virus mà ghé đến hiệu sách, sẽ khiến cả tòa nhà phải đóng cửa và toàn bộ nhân viên bị cách ly.
Mỉa mai thay ngoài kia mùa xuân đang đẹp đến nao lòng, gió mơn man trong cái nắng trong veo màu vàng chanh. Mùa này con gái rất đẹp, “gái tháng hai” da dẻ ẩm ướt mịn màng. Nhưng không ai bận tâm nữa. Mọi người đều khao khát mùa hè nóng giãy của Hà Nội, vì nghe nói virus không ưa trời nóng. Nhưng liệu trời nóng lên thì sao? liệu chúng ta đã biết đủ về con virus này? chưa kể nó còn đang biến thể… Một con virus bé không tưởng, 35 triệu con gộp lại mới to bằng một dấu chấm câu (.), có lẽ đang làm biến đổi cuộc sống của loài người thần thánh mãi mãi.
Tuần 5
Tôi và chồng tôi hầu như làm việc ở nhà, tuần chỉ ghé văn phòng một lần. Trẻ con cũng để ở nhà chứ không mang đi gửi ông bà ngoại nữa. Hai đứa cũng đủ lớn để biết tự chơi, dù nhiều khi đứa bé chạy lung tung khắp nhà kêu chán, nài nỉ bố mẹ chơi cùng hoặc phá quấy cô chị.
Thật may khi trong những ngày đại dịch nCoV này bọn trẻ con vẫn còn có sách. Đứa lớn nhà tôi đã tự đọc đủ thứ và đứa bé cũng biết đọc theo kiểu của riêng mình. Hôm qua mang về một chồng sách mới, hai đứa lao vào vồ vập tranh nhau không khác gì châu Á giành khẩu trang trong hiệu thuốc và Âu Mỹ vét giấy vệ sinh trong siêu thị. Điện thoại, iPad hay ti vi vẫn được hạn chế ở mức mọi khi.
Hẳn ai cũng nhớ cô bé Anne Frank người Do Thái cùng gia đình trốn tránh sự truy lùng của Đức quốc xã đã sống hai năm trời trên một căn phòng tầng áp mái chật ních, nhưng những cuốn sách hiếm hoi kiếm được đã mang đến cho cô bé đó cả thế giới bao la. Nhật ký Anne Frank ghi về những tháng ngày đó sau này được xuất bản, đem lại cảm hứng cho biết bao người đọc cả trẻ con và người lớn khắp thế giới. Hay cô bé Liesel trong phim Kẻ trộm sách cũng vậy, dưới thời Đức quốc xã khắc nghiệt, bố mẹ ruột phải đi trại tập trung, em trai chết, cô sống với bố mẹ nuôi trong một con phố nghèo xác xơ giữa chiến sự khốc liệt; khi ấy chỉ có sách là niềm an ủi duy nhất, đem lại mộng mơ, hạnh phúc lẫn khát vọng…
Và tôi cũng còn nhớ đến một cô bé sống trong căn nhà vách đất mái ngói lụp xụp có ô cửa sổ nhỏ trông ra đồng lúa khi mướt xanh khi rực vàng, khi trơ trụi đìu hiu vài gốc rạ. Mỗi khi kiếm được một cuốn sách mới, cô bé gấp chiếc chăn mỏng kê hai khuỷu tay, nằm bò ra giường, hướng ra cửa sổ gió liu riu, trang trọng đặt cuốn sách phía trước và mê mải đọc… Cô bé ấy chính là tôi bây giờ.
Điều kiện của bọn trẻ con lúc này vẫn dễ chịu hơn gấp ngàn vạn lần những cô bé ấy. Nên trong những ngày không đến trường cũng không đi ra nơi công viên quán xá, chỉ loanh quanh trong bốn bức tường, thì có cách gì hay hơn là mở rộng căn phòng ra bằng sách. Nhìn trẻ con đọc sách say sưa, tôi thấy yên ổn như ở trước khung cửa sổ bé con của tôi năm nào.
Cuối cùng, khối trường tiểu học công cồng kềnh của đứa lớn nhà tôi cũng không thể chờ thêm được nữa. Sau mấy tuần huy động phụ huynh đến lau chùi lớp học, rồi gửi những đề văn đề toán nhàm chán để phụ huynh in cho con làm đỡ quên bài mà trẻ con vẫn chưa thể trở lại trường, cô giáo chủ nhiệm bắt đầu dạy online trên Zoom. Tôi thấy tốt, vì cuối cùng bọn trẻ có thể gặp lại nhau qua màn hình, và có thêm một hoạt động cho ngày bớt tẻ nhạt, dù hiệu quả giáo dục chưa chắc đã đạt yêu cầu.
Khoảng thời gian khó khăn này rồi cũng sẽ qua thôi…
Tuần 6
Ngày hôm nay đến phiên tôi trực. Buổi trưa tôi đi dạo quanh công ty, nhìn ngắm mấy tán lá lộc vừng mấy hôm trước rực vàng nay đã lên xanh như ngọc, xanh như một ước mơ thanh xuân, và nghĩ: sự bình lặng của Hà Nội cứ phải xuất hiện theo cách thế này hay sao?
Tôi đi qua một ngôi nhà có vỉa hè rộng đang đóng cửa im lìm: đấy là quán trà đá chúng tôi ngồi mỗi buổi trưa, và bỗng nhớ nó tha thiết. Trà đá vỉa hè là một thứ vô cùng Hà Nội, tôi mong một ngày nào đó, ai đó hoặc chính tôi sẽ tìm hiểu về lịch sử những quán trà đá. Một cốc ba ngàn, gọi thêm đĩa hạt hướng dương hoặc không, chẳng phân biệt sang hèn, tất cả ngồi đó bán giời không văn tự. Tôi luôn có một cảm giác khinh khoái khi ngồi trà đá, một nơi tước bỏ các quy tắc, tháo xuống các mặt nạ, xua đi sự cứng nhắc gò bó chốn văn phòng, nó gây một cảm giác rất tiếu ngạo giang hồ, cho dù chỉ là “giang hồ vặt”.
Mọi người vẫn đang cãi nhau về mô hình dập dịch của các nước, xét nghiệm đại trà kiểu Hàn, lây nhiễm cộng đồng kiểu Anh và nhiều nước châu Âu, cách ly nghiêm ngặt nhóm nguy cơ và truy đuổi dấu vết virus ở những người tiếp xúc nguồn lây kiểu Việt Nam… Một số tờ báo và chuyên gia nước ngoài khen Việt Nam làm tốt và minh bạch nhưng tôi không dám mừng vì vẫn còn quá sớm. Trong khi đó nhiều người trong nước nghi hoặc liệu Việt Nam có đang làm quá lên hay không, người ta đang chết đói trước khi chết vì virus kia kìa. Tôi không thể biết, tôi chỉ thấy như một màn sương mù trước mắt, một bài toán quá khó: ai dám đánh cược vào câu chuyện rằng nếu Việt Nam bớt làm căng thì mọi thứ sẽ tốt đẹp hơn?
Là một biên tập viên văn chương, chưa khi nào tôi cảm thấy văn chương vô nghĩa như lúc này. Chữ nghĩa văn chương là thứ ít cần thiết nhất khi con người tranh sống.
Tuần 7
Từ khi bùng phát đến giờ, đại dịch cho tôi nhìn thấy sự xấu xí của con người ở khắp mọi nơi, cả những nước đang phát triển và những nước cực kỳ phát triển.
Đầu tháng 2 khi tiễn cô em gái về châu Âu, lúc này Vũ Hán Trung Quốc đã là tâm dịch và Việt Nam có vài ca nhiễm, tôi đã nghĩ nó được về xứ sở yên bình hơn. Không ngờ chỉ ba tuần sau đó, cả thế giới đã cùng chung câu chuyện – nhanh như một cái chớp mắt. Trước sống chết, con người bỗng bộc lộ cái xấu xí ở khắp mọi nơi. Một người bạn chia sẻ với tôi clip dân Úc chửi nhau chói lói trong siêu thị vì tranh giành giấy vệ sinh. Người châu Âu thóa mạ những ngươi da vàng trông giống Trung Quốc, gọi họ là virus, xua đuổi, nhổ bọt, ném đồ vào người, ném rác vào nhà. Có những người nhổ nước bọt vào hàng hóa và tay nắm cửa vì căm ghét xã hội… Nhật Bản, đất nước kỷ luật và giàu chia sẻ trong thảm họa Sóng thần khiến thế giới ngưỡng mộ, không ai tưởng tượng được giờ đây lại đánh nhau giữa đường vì tranh mua khẩu trang, và ăn trộm giấy vệ sinh trong toa lét công cộng khiến người ta phải dùng xích sắt để giữ cuộn giấy. Còn ở Việt Nam, nhiều người đánh những người thi hành công vụ khi bị nhắc nhở về đi lại hoặc đeo khẩu trang.
Nhưng ở Việt Nam, đáng sợ nhất là nhìn thấy khối phẫn nộ trên mạng xã hội. Trong khi đại dịch lần này chính phủ chiếm được niềm tin của dân chúng thay vì bị phàn nàn như thường lệ, thì khối phẫn nộ chuyển sang những cá nhân thiếu ý thức. Khi Việt Nam hai tuần liền không có ca mắc mới thì sự xuất hiện của cô gái N17 châm ngòi cho khối căng thẳng đang ủ sẵn. Cả đêm dân Hà Nội từ trí thức tới bình dân thức chửi cô gái không sót lời nào, “con đĩ”, “ngu lol”, “óc chó nên dừng lại ở tên một loại hạt”. Các dân phòng mạng đào bới facebook của cô, bới ra đủ các loại quan hệ của cô, những nơi cô ta đi lại… nhanh hơn cả cảnh sát. Và ngay sáng sớm hôm sau, người ta lao đến siêu thị và chợ vét nhẵn đồ một cách mù quáng bất chấp nguy cơ của việc tụ tập đông người…
Trên mạng người ta chửi đủ thứ: chửi cô giáo làm vè ca ngợi đất nước chống dịch giỏi; chửi ông N21 một quan chức chính phủ bị lây nhiễm có đời sống giàu sang; chửi nhóm du khách Hàn Quốc làm mình làm mẩy chê khu cách ly của Việt Nam dù đã được đối đãi tử tế; chửi các gia đình tiếp tế quá đà cho con cái từ châu Âu về đang ở trong khu cách ly; chửi các cô cậu du học sinh trong khu cách ly mà chê bẩn thỉu khó chịu – “toàn loại ích kỷ được chiều quen thân”; chửi những người học tập và làm việc ở nước ngoài giờ đây đổ dồn về nước mang theo dịch bệnh từ châu Âu, rằng bình thường thì chê bai tổ quốc đòi đi bằng được, giờ lại dắt díu nhau về một cách vô liêm sỉ…
Tình hình dịch bệnh tồi tệ trên khắp thế giới, số người nhiễm và chết tăng thêm mỗi ngày (đã muốn tránh nhưng cuối cùng vẫn phải lao vào đếm người chết, vì dù không chủ động tìm kiếm, cuối cùng facebook cũng ấn vào tận mặt), công việc đình đốn, lại chạm phải khối phẫn nộ này hằng ngày, tâm trạng không sao mà bình lặng được.
Lệnh cách ly toàn xã hội được ban bố, có hiệu lực từ 0 giờ ngày 1 tháng 4 và kéo dài đến 15 tháng 4, chỉ những ngành thiết yếu mới được đi làm, và người có việc thiết yếu như mua thuốc men thực phẩm mới được ra ngoài, còn thì ai chỗ nào ở nguyên chỗ đó. Như thế này chỉ một bước nữa là tiến thẳng lên phong tỏa. Mọi người đùa nhau đêm hôm ấy là đêm giao thừa. Họa sĩ công ty tôi vẽ cho fanpage một bức tranh kiểu chúc mừng năm mới, có hình lọ hoa… phượng, ghi năm 2020, Canh Corona. Bố mẹ chồng tôi ở Xuân Mai cách Hà Nội 40km, gọi điện giục có về thì về ngay kẻo mai không đi được nữa, nhưng tôi đã quyết rồi, sống chết với thủ đô.
Công ty tôi đành để phần lớn nhân viên làm việc ở nhà hoàn toàn, chỉ vài nhóm thiết yếu là vẫn đến. Toàn bộ các hiệu sách đã phải đóng cửa. Tất cả các hoạt động về sách đều hoãn. Việc chuyển sang bán hàng online cũng khó khăn do các khâu đều chậm vì thiếu nhân sự. Các post quảng bá sách trên facebook công ty thay vì được duyệt ngay như mọi khi, giờ phải chờ đôi ba hôm mới được duyệt. Nhưng dù sao ngành sách vẫn may mắn sống được lay lắt, trong khi các ngành khách sạn, du lịch, nhà hàng, hàng không, tàu hỏa, giáo dục…, đã chết ngay từ đầu nước.
Buổi chiều cuối cùng trước quyết định cách ly toàn xã hội, tôi chạy xe máy trên con đường trống tênh, trời mờ mờ xam xám, gió thổi xao xác những chiếc lá vàng cuối xuân, chưa bao giờ thấy lòng mình tan hoang đến thế.
Tuần 8
Số ca nhiễm ở Việt Nam đã lên hơn hai trăm người. Trên thế giới Ý, Tây Ban Nha rồi Mỹ lần lượt chiếm đỉnh về số người chết. Những con số tử vong lớn không tưởng được: mỗi sáng mở báo ra thấy nước này nước kia đi mất đôi ba nghìn người nhẹ như không.
Dịch bệnh cho tôi một cái nhìn đa chiều hơn về thế giới. Toàn cầu hóa là tất yếu để tăng trưởng, nhưng mặt trái của nó là một con virus có thể dễ dàng chu du khắp thế giới. Việc sở hữu phương tiện và không gian công cộng tối ưu của Âu Mỹ Nhật mà các nước đang phát triển mơ tới lại khiến virus lây lan kinh khủng hơn nhiều so với từng chiếc xe máy đơn lẻ di chuyển như ở Việt Nam. Và điều hài hước nữa là ở Việt Nam cơ chế chuyên chế quản lý người dân đến từng xã, thôn, tổ dân phố, cùng rất nhiều đoàn hội kèm theo như hội cựu chiến binh, hội phụ nữ, Mặt trận, Đoàn thanh niên… bình thường có thể gây cảm giác ngột ngạt khó chịu nhưng lúc này lại cực kỳ hữu hiệu trong việc nắm bắt thông tin liên quan. Tôi cũng nhận ra, những quốc gia lớn khi đối mặt với khó khăn cũng trở nên bất chấp để hành xử gian lận hoặc trắng trợn. Và về việc hạn chế tụ tập, dân ở nước dân chủ hoặc chuyên chế hóa ra đều khó bảo như nhau.
Truyền thông trong nước chưa khi nào bận rộn như bây giờ, và chưa bao giờ hạng mục giải trí lại kém view đến thế. Báo chí cập nhật sát sao tình hình các bệnh nhân hồi phục hoặc trở nặng, đăng những lời cảm ơn của người đã khỏi bệnh, hoặc những người đã ra khỏi khu cách ly, đăng những hình ảnh và câu chuyện cảm động về các y bác sĩ, đưa tin Việt Nam tặng khẩu trang và đồ bảo hộ cho nước ngoài… Không phải là không khua chiêng gõ mõ, căng phông kẻ bạt vài phần, người dân có phê phán nhưng không phẫn nộ. Có một sự đồng lòng thành thực trong xã hội, và trên báo chí, trên mạng xã hội người ta nói năng theo một kiểu rất lãng mạn anh hùng ca. Tôi bỗng nhận ra thứ không khí này quen quá: tôi đã thấy nó rất nhiều trong những trang viết về hai cuộc chiến tranh của Việt Nam.
Dân mạng bắt đầu chế ra trào lưu “Bạn sẽ làm gì khi hết dịch?”, hầu hết đều mong được cùng ai đó đi la cà quán xá. Người ta thi nhau chia sẻ nỗi nhớ những món ăn đường phố, nhiều nhất là phở, rồi các món quà vặt Hà Nội quen thuộc mọi khi. Món ăn đường phố là biểu tượng mạnh mẽ nhất của cuộc sống thời bình.
Tuần 9
Tôi nghĩ không có tiếu lâm chắc chúng ta sẽ chết vì buồn chán trước khi chết vì đại dịch. Ở Việt Nam người ta không hát và kéo đàn trên các ban công như nước Ý, người ta chế các siêu phẩm tiếu lâm trên mạng. Thông tin căng thẳng xuất hiện khắp nơi được tung hứng bằng tiếng cười ran lên khắp chốn. Người ta chế đủ chuyện ra để mà cười và phải công nhận điều đó khiến cuộc sống đỡ đi rất nhiều phần u ám. Đầu tiên phải kể đến phong trào thơ dịch. Thơ về chuyện khẩu trang lên ngôi: “Một yêu anh có khẩu trang/ Hai yêu anh có cửa hàng… khẩu trang”; rồi tới chuyện rửa tay xoa cồn: “Mặc cho thiên hạ ồn ồn/ Đi đâu cứ thấy có cồn là xoa/ Tán gái thì chớ bỏ qua/Tìm nơi kín đáo xoa xoa tý cồn”.Thơ cách ly tràn lên như nước lũ: “Anh đến tìm hoa thì hoa đã nở/ Anh đến tìm người thì người đã cách ly”. Thơ xét nghiệm chơi chữ bậy bạ, “Âm hộ em nào âm hộ em. Bao nhiêu hoa thắm đợi bên thềm, Chờ mong kết quả không dương tính. Âm hộ em nào âm hộ em.”, miêu tả tâm trạng một người đứng trước phòng xét nghiệm. Tiếp đó có thơ đáp lại: “Dương vật anh rồi, dương vật anh” chỉ tâm trạng đau đớn của một kẻ vừa nhận kết quả dương tính. Thơ nhại và thơ chế quanh chuyện dịch bệnh bung nở khắp nơi chẳng kém gì đại dịch, khiến người ta phải bố cáo: tất cả làng Phây đang bị dương tính với thơ. Từ góc độ một người làm sách và một biên tập viên văn học, tôi trộm nghĩ lẽ nào từ đây đang hình thành một dòng văn chương Cách ly, văn chương Đại dịch?
Ngoài thơ, ảnh chế kèm lời bình về khẩu trang, về giấy vệ sinh, về các lối sống thời cách ly – như các tư thế sex khuyến cáo để phòng chống dịch chẳng hạn – được chia sẻ đến tận các hang cùng ngõ hẻm làng Phây, tôi không lúc nào hết ngạc nhiên trước đầu óc thông minh và hài hước xuất chúng của dân mạng. Ví dụ từ chuyện ông bầu sô gái đẹp Vũ Khắc Tiệp trở thành người đen nhất Việt Nam do hứng tổng số ngày cách ly lớn nhất, dân mạng chế ra một bộ sách đứng tên Tiệp với đủ các tiêu đề nghiêm trọng: Đường cách ly, Giáo trình cách ly bỏ túi, Cách ly đại cương, Vừa cách ly vừa kể chuyện, 57 ngày không thể nào quên, Cách ly – Từ lý luận đến thực tiễn, thậm chí còn đôn Tiệp lên thành giáo chủ của chủ nghĩa cách ly. Hoặc dân mạng họ chia sẻ kế hoạch du lịch giữa đại dịch: 8g – xuất phát từ phòng ngủ sang phòng khách; 8g30 – ăn sáng tại phòng ăn; 9 giờ – di chuyển đển phòng khách, thưởng thức cà phê và tự do shoping online….
Dù vậy đôi khi tôi cũng cảm thấy tội lỗi. Tôi cùng nhiều người vẫn đang lướt mạng và có thể cười được, trong khi đâu đó ngoài kia có những người chỉ muốn chết mà thôi. Nhưng chẳng thống kê nào về số người muốn chết (hoặc đã chết?) vì sạt nghiệp, vì không kiếm được gì bỏ vào nồi, chỉ có bảng danh sách ca nhiễm virus đang ngày càng dài ra.
Tuần 10
Việt Nam vốn là cường quốc của nhạc tuyên truyền và đại dịch Covid-19 là một cơ hội lớn. Đầu tiên bài Đánh giặc Corona xuất hiện, âm nhạc hệt kiểu tuyên truyền xung kích thời chiến, lại được lồng vào các hình ảnh y bác sĩ mặc đồ bảo hộ, cảnh phun khử trùng, cảnh các khu cách ly khiến nó vừa hài hước vừa thú vị. Tiếp đó bài Ghen cô Vy xuất hiện kèm vũ đạo khuấy động cả xã hội hát và nhảy theo. Một buổi tối hai đứa trẻ nhà tôi đòi mở Youtube nghe bài Corona sao phải hốt do chúng hóng được từ nhà ông bác. Kế đó Youtube gợi ý luôn các bài tiếp theo: Việt Nam ơi!, Việt Nam cùng đồng lòng, Thật bất ngờ, cô Vy đến… Cả buổi tối gia đình tôi ngồi nghe tất cả các bài về Corona, và tôi muốn cười phá lên với ý nghĩ rằng, âm nhạc Đại dịch đã trở thành món ăn tinh thần quen thuộc trong các gia đình Việt Nam thế này hay sao?
Hai tuần cách ly xã hội hóa ra cũng qua nhanh. Hà Nội và một số tỉnh thành tiếp tục cách ly xã hội thêm một tuần và có thể đến hết cả tháng 4. Tôi không ngạc nhiên và thất vọng, có lẽ nhiều người khác cũng vậy, ai cũng phải quen với một tình huống mà dần dà không còn là mới. Một buổi chiều tôi đi bộ ra chợ mua mớ tía tô (thực ra là kiếm cớ để đi bộ đôi chút), ngang qua cây ATM gạo ở sân vận động Nghĩa Tân, thấy vui vui. Một sáng tạo và một tấm lòng giữa đại dịch: ai cần đều có thể đến lấy gạo miễn phí, chỉ cần giậm chân vào nút là một lượng gạo quy định sẽ đổ vào túi. Bên cạnh đó có những siêu thị 0 đồng, những nhóm hội nhỏ phát đồ ăn ở nhiều nơi, tặng khẩu trang miễn phí…
Tôi thu mình về với gia đình nhỏ của mình, làm việc cầm chừng tại nhà nên có nhiều thời gian hơn, tôi nấu những món ăn mà trước đây vì bận rộn không làm được, đọc những cuốn sách muốn đọc từ lâu, bịa trò chơi cho trẻ con trong căn nhà bé nhỏ, tập thể dục hằng ngày, những bài tập không quá tốn diện tích như nhảy dây (nhưng không dây), plank, squat…
Giữa lúc này trên mạng người ta đang cãi nhau về mấy bức ảnh chen lấn ở cây ATM gạo Nghĩa Tân. Một hai bức ảnh và nhiều người cho đấy là tất cả Hà Nội, đau xót cho một huyền thoại thanh lịch mù mờ, cố gắng đi tìm căn nguyên lịch sử sâu xa, đổ lỗi cho kinh tế chính trị làm hư người Hà Nội… Thực sự tôi thấy buồn cười, những người có chiếc tủ lạnh chật ních thức ăn chật vật đào bới manh mối mà không chịu nhìn một đáp án ngay trước mắt: đó là những người dân bần cùng bị đói. Hơn nữa, sự hỗn loạn trước lúc sống còn không phải đang là câu chuyện của toàn thế giới những ngày này hay sao.
Tuần 11
Hôm nay 17 tháng 4 là sinh nhật tôi, nên tôi sẽ đếm người chết và ghi ra vài con số. Thế giới có 144.988 ca tử vong vì virus, ba quán quân là Mỹ 32.917, Tây Ban Nha 19.130, Pháp 17.920. Việt Nam 268 ca nhiễm, 193 ca khỏi và hôm nay chưa ghi nhận ca mắc mới. Nhưng tất cả vẫn chưa dừng lại.
Một sinh nhật không có bạn bè đồng nghiệp, không có gia đình lớn, chỉ có gia đình hạt nhân. Tôi chạy đến văn phòng một chốc: đúng lúc nơi tôi làm việc vừa ra cuốn Dịch hạch của Albert Camus, tôi đang đầy cảm hứng viết một bài review, cho dù có thể nó chẳng cần cho ai, nhưng nó cho tôi cảm giác về cuộc sống bình thường. Dù sao thì vẫn phải làm gì đó thay vì chửi bới và đếm số người chết mỗi ngày.
Mong trở về với cuộc sống bình thường mọi khi, một cuộc sống và tôi và nhiều người khác vẫn hay tự giễu là tẻ nhạt. Nhưng như thế này thực sự đang là mặn quá!
NHDT