Đức thúc giục EU chống lại chiến thuật “chia để trị” của Trung Quốc

  • Xuân Lan

Ông Michael Roth, Quốc vụ khanh của Đức về các vấn đề châu Âu, đã cáo buộc rằng Bắc Kinh sẽ không từ bỏ bất cứ cơ hội nào để chia rẽ các quốc gia thành viên châu Âu, theo SCMP.

Trong mục Ý kiến bình luận trên tạp chí Đức Der Spiegel hôm 2/8, Quốc vụ khanh của Đức về các vấn đề châu Âu Michael Roth đã có một bài viết cảnh báo về những âm mưu của Bắc Kinh đối với châu Âu. Đây được coi là một động thái hiếm thấy bởi thông thường những chủ đề liên quan đến Trung Quốc do Bộ trưởng Ngoại giao Đức Heiko Maas xử lý.

Ông Roth cho rằng sẽ không có việc giao thương “như thường lệ” giữa Liên minh châu Âu và Trung Quốc tiếp sau những động thái chính trị ở Hồng Kông, vì thế ông thúc giục các quốc gia châu Âu “không ngại đối đầu” với Bắc Kinh.

Đánh giá về các động thái gần đây của Bắc Kinh, ông Roth báo hiệu rằng trong năm nay Berlin với tư cách là Chủ tịch Uỷ ban Liên hiệp châu Âu sẽ ưu tiên phát triển năng lực của 27 quốc gia EU nhằm chống lại chiến thuật chia để trị của Bắc Kinh trong khối.

Với ngôn ngữ có thể làm Trung Quốc tức giận, Quốc vụ khanh của Đức đánh giá Trung Quốc mang một “cấu trúc chính trị độc đoán” và gây ra thách thức đến các giá trị nền tảng của châu Âu.

“Dưới sự lãnh đạo độc tài, nhà nước độc đảng đó đã không bỏ lỡ cơ hội nào để chia rẽ các quốc gia thành viên châu Âu và làm suy yếu họ,” ông Roth nói. “Họ sẽ làm tổn hại uy tín của chúng ta và làm tất cả chúng ta suy yếu nếu bất kỳ thành viên nào sẵn sàng phá hoại chính sách nhân quyền của châu Âu vì lợi ích của một “thỏa thuận” song phương được cho là có lợi cho Trung Quốc.”

Ông Roth đã không nêu tên những quốc gia này, nhưng Hy Lạp trước đó đã chặn những tuyên bố chống lại các hoạt động quân sự của Trung Quốc ở biển Đông, còn Hungary liên tục tìm cách giảm bớt ý kiến đối lập gay gắt của châu Âu về những tiến triển gần đây ở Hồng Kông.

Vị quan chức cao cấp thứ hai tại cơ quan đối ngoại liên bang Đức cũng đặt câu hỏi về sự phụ thuộc của các nước châu Âu vào Công ty công nghệ Huawei, cho rằng EU nên cân nhắc trước tiên các nhà cung cấp thiết bị di động 5G châu Âu.

Liên quan đến việc Trung Quốc áp đặt Luật An ninh quốc gia ở Hồng Kông, ông Roth cho biết Đức đã quyết định dừng Hiệp định dẫn độ với Hồng Kông.

“Quyết định đó mang một thông điệp “cực kỳ rõ ràng” với Bắc Kinh: Sẽ không có “việc làm ăn như thường lệ” chừng nào EU còn liên quan. Hồng Kông sẽ là phép thử về uy tín của Trung Quốc, xem liệu họ có đúng là một đối tác quốc tế đáng tin cậy hay không,” ông nói.

Ông cũng kêu gọi châu Âu cần hành động mạnh mẽ hơn với Trung Quốc. “Các quốc gia châu Âu nhất thiết không được sợ va chạm khi đề cập tới những vấn đề gay gắt như quyền con người, an ninh và công nghệ,” ông Roth nói. 

EU đã liên tục gia tăng phản ứng với Trung Quốc trong năm nay sau khi cáo buộc Bắc Kinh “thiếu minh bạch” trong giai đoạn đầu của đợt bùng phát virus corona, đã cướp đi sinh mạng của hơn 200.000 người ở châu Âu.

Mối quan hệ trở nên đặc biệt xấu đi từ khi Bắc Kinh áp đặt Luật An ninh quốc gia ở Hồng Kông. Điều này sau đã thúc đẩy EU áp đặt lệnh cấm vận vũ khí đối với thành phố.

Trong khi thủ tướng Angela Merkel và các quan chức khác tại Liên hiệp Dân chủ Thiên Chúa giáo phải đối mặt với chỉ trích vì lập trường mềm mỏng đối với Trung Quốc, Đảng Dân chủ Xã hội mà ông Maas và ông Roth tham gia đã theo đuổi một đường lối cứng rắn hơn.

Tại Thuỵ Sĩ, quốc gia không thuộc EU, Bộ trưởng Ngoại giao Ignazio Cassis cũng đưa ra lời cảnh báo về sự lãnh đạo độc đoán của Trung Quốc và nói rằng nếu Trung Quốc kiên quyết với đường lối mới này, phương Tây sẽ phản ứng quyết liệt hơn.

Ông Cassis cũng lo ngại nếu Trung Quốc từ bỏ nguyên tắc “Một quốc gia, hai chế độ” ở Hồng Kông, nhiều công ty Thuỵ Sĩ đã đầu tư tại đó sẽ chịu ảnh hưởng. 

Ngoại trưởng Thuỵ Sĩ nhấn mạnh rằng những diễn tiến gần đây liên quan đến Trung Quốc cho thấy một câu chuyện “bất thường” đang diễn ra, những vụ vi phạm nhân quyền đang tăng lên, và Thuỵ Sĩ muốn đứng lên bảo vệ những quyền đó.

Xuân Lan (theo SCMP)

Related posts