Cổ phiếu công nghệ Trung Quốc lao dốc trước e ngại lệnh trừng phạt tiềm tàng của chính quyền Mỹ

Quý Khải

Cổ phiếu công nghệ Trung Quốc lao dốc trước e ngại lệnh trừng phạt tiềm tàng của chính quyền Mỹ
Ảnh từ Reuters.

Tổng thống Trump vừa ban hành sắc lệnh hành pháp cấm hai ứng dụng TikTok và WeChat của Trung Quốc, làm dậy sóng thị trường tài chính. Trong khi các lệnh trừng phạt đối với ứng dụng chia sẻ video nổi tiếng TikTok được bàn luận rộng rãi trong vài tuần qua, thì lệnh cấm WeChat — và có khả năng là cả công ty mẹ Tencent  —  có thể có nhiều tác động hơn, theo bình luận của Fan Yu trên tờ The Epoch Times ngày 8/8.

Tin tức về lệnh cấm của Chính quyền Trump đối với WeChat ở Mỹ đã khiến cổ phiếu Tencent lao dốc tới 10% tại sàn Hồng Kông hôm thứ Sáu (7/8), trước khi phục hồi và đóng cửa phiên giao dịch với giá trị thị trường giảm khoảng 5%. Nói cách khác, lệnh hành pháp của ông Trump đã làm bốc hơi 35 tỷ USD giá trị của Tencent.

Mặc dù WeChat có 1 tỷ người dùng trên toàn cầu, nhưng số người dùng ở Mỹ rất nhỏ và chủ yếu giới hạn trong những người Trung Quốc ở hải ngoại và các chủ doanh nghiệp Mỹ đang tìm kiếm cách thức liên lạc nhanh chóng hơn với các nhà cung cấp Trung Quốc của họ. Vì vậy, sự sụt giảm giá trị thị trường lên tới 35 tỷ USD là không tương xứng với hoạt động kinh doanh của WeChat tại Hoa Kỳ.

Tencent không phải là gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc duy nhất cảm thấy đau đớn. Tập đoàn Alibaba – giao dịch trên sàn NYSE – cũng giảm 5%, tức 36 tỷ USD giá trị thị trường. NetEase, một công ty trò chơi điện tử và truyền thông Trung Quốc giao dịch trên sàn Nasdaq, cũng giảm 3,2% vào ngày 7/8. SOHU, một công ty internet khác của Trung Quốc giao dịch trên sàn Nasdaq, cũng giảm 7,1%.

Tập đoàn Tencent mở rộng xúc tu tại Mỹ

Một nhà giao dịch tại Hồng Kông yêu cầu được giấu tên cho bình luận, sự biến động giá cổ phiếu của Tencent là do sự mơ hồ ban đầu trước sắc lệnh hành pháp của chính quyền Trump và sự lo ngại phạm vi lệnh cấm có thể vượt ra ngoài WeChat và áp dụng cho chính công ty mẹ Tencent. Giả định này có tác động lớn hơn nhiều so với lệnh cấm WeChat.

Lệnh hành pháp sẽ cấm tất cả các giao dịch “liên quan đến WeChat của bất kỳ cá nhân nào, hoặc liên quan đến bất kỳ tài sản nào, nằm trong quyền tài phán của Mỹ, với tập đoàn Tencent Holdings Ltd.… hoặc bất kỳ công ty con nào của thực thể này”.

Để giảm thiểu các suy đoán sai lệch, Nhà Trắng hôm thứ Sáu đã nói rõ rằng lệnh hành pháp chỉ chặn các giao dịch của WeChat, chứ không tác động đến các thực thể khác mà Tencent nắm giữ vào thời điểm này, theo báo cáo của tờ LA Times.

Tencent là một trong những hãng công nghệ lớn nhất thế giới và có mạng lưới nhiều chi nhánh ở Hoa Kỳ, chủ yếu dưới hình thức sở hữu cổ phần thiểu số trong các công ty, đầu tư vào các start-up, và xây dựng mối quan hệ đối tác cho thị trường châu Á.

Tập đoàn này sở hữu nhiều cổ phần trong các doanh nghiệp trò chơi điện tử của Mỹ. Riot Games, nhà phát triển, nhà xuất bản và nhà tổ chức game thể thao điện tử có trụ sở tại Los Angeles, cũng thuộc sở hữu của Tencent. Riot Games được biết đến với việc phát triển game Liên Minh Huyền Thoại, một trò chơi trực tuyến nổi tiếng được phát hành vào năm 2009 và là một trong những trò chơi nhượng quyền thể thao điện tử phổ biến nhất.

Tencent cũng có cổ phần thiểu số trong Epic Games, nhà phát triển và phát hành tựa game nổi tiếng Fortnite có trụ sở tại Bắc Carolina và nhà xuất bản trò chơi lớn Activision Blizzard. Ngoài trò chơi điện tử, Tencent cũng hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh âm nhạc với cổ phần thiểu số trong Spotify và Tập đoàn Universal Music Group.

Mối lo ngại đối với các doanh nghiệp Trung Quốc

Tuy nhiên, sự dao động giá trị hàng loạt và sự biến động giá trị của các cổ phiếu Trung Quốc còn liên quan đến xu hướng chính sách của Mỹ đối với các công ty đại lục. Chính vì vậy không thể loại trừ khả năng chính quyền Mỹ sẽ có các hành động tiếp theo chống lại Tencent và các công ty Trung Quốc khác.

Các hành động gần đây của Hoa Kỳ chống lại TikTok và khả năng công ty này sẽ được bán lại cho Microsoft là kết quả của những lo ngại xoay quanh vấn đề bảo mật dữ liệu, gián điệp và kiểm duyệt người dùng Mỹ của công ty mẹ ByteDance có trụ sở tại Trung Quốc của ứng dụng.

Ấn Độ đã ​​cấm 59 ứng dụng của Trung Quốc vào tháng 6, và đã lập một danh sách mới gồm 275 ứng dụng khác của Trung Quốc mà họ đang điều tra vì những lo ngại về quyền riêng tư người dùng và an ninh quốc gia. Danh sách mới này đang được New Delhi cân nhắc này bao gồm một số ứng dụng khá nổi tiếng mà cũng phổ biến ở Hoa Kỳ, chẳng hạn như AliExpress, PubG, các ứng dụng do công ty điện tử tiêu dùng Trung Quốc Xiaomi vận hành và trò chơi điện tử do NetEase phát hành.

Chính quyền Trump cũng có thể kiểm tra các công ty và sản phẩm đã có trong “danh sách đen” của mình, trong đó có các công ty bị cấm mua công nghệ của Mỹ.

Những người chơi Liên Minh Huyền Thoại năm ngoái đã phát hiện ra rằng hệ thống trò chuyện trực tuyến của họ đã kiểm duyệt cụm từ “Uighur” (Duy Ngô Nhĩ), một nhóm dân tộc thiểu số ở Tây Bắc Trung Quốc hiện đang hứng chịu sự đàn áp của chính quyền Bắc Kinh. Riot Games đã thừa nhận sai sót và xin lỗi người dùng của mình.

Ngay cả Zoom, ứng dụng họp trực tuyến phổ biến, cũng có thể lọt tầm ngắm vì những vi phạm của mình. Zoom được thành lập bởi doanh nhân người Mỹ gốc Hoa Eric Yuan nhưng đã vướng phải tranh cãi vì định tuyến “nhầm” dữ liệu cuộc gọi quốc tế sang các máy chủ đặt tại Trung Quốc.

Related posts