Mỹ có thể buộc Viện Khổng Tử đăng ký là “cơ quan đại diện nước ngoài”

Mặc dù bề ngoài các Viện Khổng Tử có mục đích cung cấp các khóa học tiếng Trung, các chương trình văn hóa v.v., tuy nhiên các quan chức ĐCSTQ công khai thừa nhận rằng Viện Khổng Tử là “một bộ phận quan trọng trong công tác tuyên truyền ở nước ngoài của ĐCSTQ” (Ảnh: Epoch Times)

Hôm qua ngày 12/8, Kênh Bloomberg News đưa tin, Bộ Ngoại giao Mỹ có thể thông báo, sớm nhất vào thứ Năm, họ có thể sẽ yêu cầu Viện Khổng Tử ở các trường đại học Hoa Kỳ đăng ký làm cơ quan đại diện nước ngoài.

Báo cáo dẫn lời những người quen thuộc với vấn đề này, động thái của Mỹ tương đương với việc coi Viện Khổng Tử là một cơ quan thuộc sở hữu hoặc kiểm soát của chính phủ nước ngoài, và phải tuân theo các quy định tương đương với đại sứ quán và lãnh sự quán.

Viện Khổng Tử có vẻ mang màu sắc truyền thống, lại luôn bị chỉ trích là “treo đầu dê bán thịt chó”, lợi dụng việc dạy tiếng Trung ở nước ngoài làm bình phong, thực chất là tuyên truyền chính trị cho ĐCSTQ.  

Năm ngoái, Bộ Ngoại giao và Bộ Giáo dục Mỹ đã tuyên bố, họ sẽ giám sát nghiêm ngặt các Viện Khổng Tử. Một báo cáo từ Thượng viện Mỹ nêu rõ, ĐCSTQ đã mở các Viện Khổng Tử ở nhiều nơi trên đất Mỹ, lo ngại rằng đây là vũ khí tuyên truyền của ĐCSTQ. Các Viện Khổng Tử phải được cải tổ, nếu không sẽ bị đóng cửa.

Kể từ năm 2004, số lượng Viện Khổng Tử trong các trường đại học Mỹ đã tăng lên nhanh chóng, thời kỳ đỉnh cao có đến hơn 90 viện. Theo thống kê của Hiệp hội Các học giả quốc gia (NAS, Mỹ), tính đến tháng Sáu năm nay, có 75 viện Khổng Tử, trong đó, 66 viện nằm trong các trường đại học. NAS chỉ ra, các Viện Khổng Tử làm tổn hại đến tự do học thuật, vi phạm tiêu chuẩn minh bạch mà phương Tây coi trọng, do đó không nên đặt trong các cơ sở của Mỹ.

ĐCSTQ từ chối chấp nhận chỉ trích, cáo buộc Mỹ chính trị hóa vụ việc và sử dụng những lời chỉ trích vô căn cứ.

Năm nay, Mỹ thông báo, các kênh truyền thông của ĐCSTQ, bao gồm Tân Hoa xã, Nhân dân Nhật báo và Thời báo Hoàn cầu, sẽ bị liệt vào danh sách các cơ quan đại diện nước ngoài, và các thay đổi về hạn chế đối với các tổ chức đó sẽ được nâng cấp hơn nữa.

Ấn Độ xem xét các Viện Khổng Tử, dừng dạy tiếng Trung ở cấp trung học

Cuối tuần trước, truyền thông Ấn Độ đưa tin Bộ Giáo dục sẽ đánh giá lại hoạt động của các Viện Khổng Tử tại các trường đại học Ấn Độ, cũng như các thỏa thuận hợp tác được ký giữa các tổ chức của Ấn Độ và các tổ chức của Trung Quốc.

Chương trình giáo dục quốc gia mới nhất của Ấn Độ cũng đã loại bỏ tiếng Trung ra khỏi các môn ngoại ngữ dạy cho các học sinh cấp trung học cơ sở.

Các nhà phân tích cho biết Ấn Độ có những lo ngại nghiêm trọng về việc bảo vệ an ninh của mình trong cuộc đối đầu ngày càng tăng với Bắc Kinh.

“Ấn Độ hiện đang tìm cách bảo vệ tốt hơn các lợi ích quốc gia của mình, phải thực hiện tất cả các biện pháp có thể trong mọi lĩnh vực để đảm bảo an toàn cho chính mình,” ông Sriparna Pathak, phó hiệu trưởng của Trường các vấn đề quốc tế Jindal thuộc Đại học toàn cầu OP Jindal, cho biết.

Trên thế giới, nhiều nước đang thực hiện việc giám sát chặt chẽ hoạt động của các Viện Khổng Tử vì lo ngại các lớp học có thể được sử dụng như một công cụ chính trị nhằm truyền bá tư tưởng của ĐCSTQ ở nước ngoài, hay để thực hiện các hoạt động gián điệp.

Bắc Kinh đã bác bỏ mọi cáo buộc và coi đó là một định kiến đối với chương trình ngôn ngữ đơn thuần này. Nhưng nhiều trường đại học tại Mỹ, Pháp, Úc, Canada, Đức và Thụy Điển đã đóng cửa các viện Khổng Tử vì lo ngại về ảnh hưởng tiêu cực của Trung Quốc.

Mộc Lan (t/h)

Related posts