Nhìn lại kinh tế ngầm ở Việt Nam

Nguyễn Quang Dy

Phần 1: Giải mã hiện tượng kinh tế ngầm

Kinh tế ngầm là một chủ đề khó, không chỉ với những người ngoại đạo mà còn với các chuyên gia kinh tế và quản trị kinh doanh. Trong khi tài liệu tham khảo về kinh tế ngầm còn thiếu, quan niệm về kinh tế ngầm có nhiều bất cập. Điều đó phản ánh bản chất phức tạp và khó nắm bắt của kinh tế ngầm. Gần đây các chuyên gia tuy đề cập nhiều hơn đến quy mô và tầm quan trọng của kinh tế ngầm, nhưng vẫn còn nhiều tranh cãi về động cơ và phương pháp thống kê. Bức tranh về kinh tế ngầm vẫn còn nhiều ẩn số, cần được giải mã để làm rõ hơn. 

Quan niệm về “System D” 

Trong bất kỳ nền kinh tế nước nào cũng có kinh tế ngầm, nhất là tại các nước đang phát triển có một nền kinh tế chuyển đổi, có thể chế lỗi thời và thói quen làm việc “du kích” như Việt Nam. Hiện nay, người ta thường gọi hệ thống kinh tế ngầm là “System D”. Đó là chữ cái của từ tiếng Pháp “debrouille”. Từ này có nghĩa gần giống như “manage” hay “make do” trong tiếng Anh, có nghĩa là có thể xoay sở và tồn tại được, bất chấp mọi khó khăn.

Trước đây, “System D” được biết đến chủ yếu tại các nước nói tiếng Pháp ở Châu Phi và vùng Caribbean. Ngày nay “System D” là thuật ngữ để chỉ năng lực thực dụng biết thích nghi nhanh và biến báo hiệu quả trước mọi tình huống khó khăn để đạt được mục đích. Trong kinh tế học, “System D” thường được hiểu là “kinh tế ngầm” (shadow economy) có đóng góp ngày càng lớn cho kinh tế thế giới. Theo các chuyên gia, GDP của “System D” là $10 trillion. (“The Shadow Superpower”, Robert Neuwirth, Foreign Policy, 28/10/2011).
Robert Neuwirth cho rằng không phải Trung Quốc, mà “System D” mới là siêu cường kinh tế lớn thứ hai thế giới, với GDP khoảng $10 trillion (mười ngàn tỷ USD) trong khi GDP của Mỹ khoảng $14 trillion và GDP của Trung Quốc khoảng $8 trillion (năm 2011). Đến nay chắc bức tranh kinh tế ngầm toàn cầu đã khác trước rất nhiều, vì “System D” có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới, thu hút một nửa tổng số nhân công trên toàn cầu.
Theo ước tính của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) kinh tế ngầm toàn cầu trị giá $650 billion (giai đoạn 2012-2014). Mặc dù khó xác định chính xác các hoạt động kinh doanh ngầm vốn đa dạng, nhưng nghiên cứu của WEF (2015) dự báo rằng chi phí mà nền kinh tế toàn cầu phải chịu vì hàng giả có thể lên tới $1.77 trillion (trong giai đoạn đó). Có nhiều nguyên nhân làm hoạt động kinh tế ngầm gia tăng, trong đó luật lệ quá nhiều và quá phức tạp, trong khi năng lực quản trị của các cơ quan nhà nước thường yếu kém và thiếu nhất quán.

Một số nước có nền kinh tế ngầm lớn hơn so với các nước khác. Trong khi kinh tế ngầm tại khu vực Châu Á có quy mô chiếm khoảng 26% GDP, thì kinh tế ngầm tại các khu vực khác chiếm khoảng 20%-60% GDP. Theo nguồn CafeF (25/12/2015), Ukraine là nước có nền kinh tế ngầm vào loại lớn nhất thế giới (chiếm tới 47% GDP, vào quý I/2015). Một trong những hoạt động kinh doanh ngầm phổ biến nhất tại Ukraine là buôn lậu, và vấn nạn tham nhũng là lý do chính khiến buôn lậu trở nên phổ biến. Ví dụ, sản xuất rượu trái phép là hoạt động kinh doanh có lãi nhất trong kinh tế ngầm của Ukraine, ước tính khoảng $1,1 tỷ (bằng 40% tổng sản lượng rượu cả nước), trong khi buôn lậu thuốc lá vào khoảng $360-$450 triệu. 
Trong khu vực kinh tế ngầm, hai nghề phổ biến nhất là mại dâm và buôn ma túy. Theo Cục Thống kê Quốc gia Anh (năm 2014) nghề mại dâm đã đóng góp tới 5.65 tỷ bảng Anh cho nền kinh tế (chỉ thua con số buôn ma túy một chút). Tại Mỹ, nghề mại dâm tại bảy thành phố lớn đã đóng góp tới $975 triệu (năm 2007). Tại Tây Ban Nha, nghề mại dâm đóng góp gần $12 tỷ (tương đương 1% GDP). Tại Đức, nghề này đóng góp $91 tỷ (năm 2013). Tại Pháp là 3,2 tỷ euro/năm. Tại Hà Lan là 2,5 tỷ euro/năm. Theo một báo cáo của Liên Hợp Quốc (năm 2013) nghề mại dâm tại Trung Quốc đóng góp $154 tỷ (bằng 6% GDP), với con số gái mại dâm hành nghề chuyên nghiệp vào khoảng 4-6 triệu người (Zing, 13/1/2018).
Theo giáo sư Friedrich Schneider (Johannes Kepler University, Austria) kinh tế ngầm của 21 trong số 30 quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) chiếm khoảng 16,8% GDP (năm 1999), giảm còn 13,3% (năm 2008) nhưng tăng lên 13,8% (năm 2012). Schneider cho rằng một phần lớn kinh tế ngầm của Hy lạp đã bổ xung cho nền kinh tế chính thức, gồm cả GDP và phúc lợi xã hội. (“Greece’s shadow economy: Blessing or curse?”,Friedrich Schneider, the Economist, October 19, 2012). Theo một nghiên cứu mới (2/2017) của Viện Nghiên cứu Kinh tế Ứng dụng (Tubingen University, Germany) kinh tế ngầm của Hy Lạp là 21,5% GDP, của Ý là 19,8% GDP, của Tây Ban Nha là 17,2% GDP, của Canada là 9,8%GDP, của Nhật là 8,6% GDP, của Mỹ là 5,4% GDP, trong khi của Nga tới 39% GDP.


Theo một báo cáo của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), tại các quốc gia đang phát triển, có khoảng 1 trong 2 người lao động tham gia kinh tế ngầm (không tính lĩnh vực nông nghiệp). Tỷ lệ này lên đến 83% ở Ấn Độ và gần 72% ở châu Phi (hạ Sahara). Tại Mexico, tỷ lệ này tăng từ 50% (năm 1990) lên 54% (năm 1997). Venezuela và Brazil cũng có mức tăng tương tự. Theo ILO, trên thế giới có khoảng 1,8 tỉ người làm việc bất hợp pháp (không có hợp đồng và an sinh xã hội) trong khi chỉ có 1,2 tỉ người làm việc một cách hợp pháp.
Hiện nay, các nhà phân tích buộc phải xem xét lại đánh giá của mình khi có hàng chục triệu người trên thế giới mất việc. Theo chuyên gia kinh tế William Maloney (World Bank), “Khu vực kinh tế ngầm sẽ thu nhận nhiều người và giúp họ có nguồn thu nhập”. Đặc biệt trong giai đoạn suy thoái kinh tế, kinh tế ngầm giúp người dân tồn tại. Ở Ấn Độ, tuy kinh tế đạt mức tăng trưởng cao trong những năm gần đây, nhưng chính khu vực kinh tế ngầm mới tạo ra nhiều việc làm, chứ không phải là những tập đoàn danh tiếng (như Infosys và Reliance Industries). Vì hệ thống kinh tế ngầm tồn tại khách quan như một thực tế không thể chối cãi và tăng trưởng nhanh, nên chính quyền các nước phải chấp nhận sống chung với nó. 

Thực trạng “System D”

Thuật ngữ “System D” thường gây ấn tượng “dễ dãi” (carefree) và “thân thiện” (friendly). Nhưng đồng thời nó cũng nhấn mạnh một đặc tính quan trọng là những gì đang diễn ra tại các khu chợ (không có đăng ký) và các kiosks bên lề đường (trên khắp thế giới) không phải là “hỗn độn” (haphazard), mà là sản phẩm của trí tuệ (intelligence), tinh thần bền bỉ (resilience), biết cách tự tổ chức (self-organization) và đoàn kết (solidarity).
Kinh tế ngầm không xuất hiện trên màn hình radar và không chịu sự kiểm soát của chính phủ (đặc thù của “System D”). Nó dựa trên tính sáng tạo (ingenuity) sự biến báo (improvisation) và tự lực (self-reliance). Hầu hết họ là những tiểu thương có đầu óc kinh doanh (entrepreneurial) có động lực (motivated) và sáng kiến (inventive), nên có nhiều tiềm năng/tài năng (resourceful / ingenious ) và hoạt động hiệu quả (effective). Họ không đăng ký kinh doanh, không đóng thuế và không bị chi phối bởi bộ máy hành chính quan liêu (bureaucracy). 


Giáo sư Friedrich Schneider đã dành mấy chục năm nghiên cứu vai trò và giá trị của các nền kinh tế ngầm trên thế giới. Theo Schneider, ranh giới giữa kinh tế ngầm và kinh tế chính quy (legal economies) rất khó xác định (như cái chợ bazaars ở nhiều nước). Khi thương mại được toàn cầu hóa, “System D” cũng không ngừng lớn mạnh. Căn cứ vào cách tính GDP của World Bank, Schneider ước tính tổng giá trị giao dịch ngầm của “System D” trên toàn cầu vào khoảng $10 trillion (năm 2006). Đó là siêu cường kinh tế lớn thứ hai thế giới chỉ sau Mỹ (với GDP là $14 trillion). Ngày nay, “System D” là nền kinh tế phát triển nhanh hơn bất cứ nền kinh tế nào và trở thành thế lực đang nổi lên trong thương mại toàn cầu.
Theo một nghiên cứu của ngân hàng Deutsche Bank (năm 2009), trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế (2008), những công dân của các nước mà “System D” phát triển mạnh sống khá hơn là những người dân ở các nước có nền kinh tế tập trung bao cấp và bị kiểm soát chặt chẽ. Trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế gần đây nhất, những người cùng quẫn thường tìm đến “System D” để có thể tồn tại. Vì vậy, sẽ vô nghĩa nếu người ta cứ nói về phát triển bền vững hay toàn cầu hóa mà không quan tâm đến yếu tố sống còn của “System D”.


Một báo cáo của tổ chức OECD ước tính một nửa nhân công trên thế giới (gần 1,8 tỷ người) đang làm việc cho “System D”, nhưng không có trong sổ sách. Họ không đăng ký và không bị chi phối bởi nhà nước, trong khi thu nhập bằng tiền mặt và trốn thuế thu nhập. Đến năm 2020, vào khoảng 2/3 nhân công trên thế giới sẽ làm việc cho “System D”. Đây là một hệ thống ứng phó (spontaneous system) được vận hành bởi sự biến báo có tổ chức (organized improvisation), là một yếu tố quan trọng để các đô thị phát triển trong thế kỷ 21.
Ngày nay “System D” còn cung cấp các dịch vụ thu gom rác thải, tái chế, vận chuyển, thậm chí cả điện nước. Nói cách khác, “System D” là tương lai của kinh tế toàn cầu, vì sự phát triển của nó mở cửa thị trường cho những người lâu nay bị đóng cửa. “System D” là hệ thống kinh tế thay thế (alternative) đem lại cho mọi người dân cơ hội việc làm. Ngay trong trường hợp khó khăn nhất, những công dân của “System D” cũng có cuộc sống khá hơn.


Trong cuộc khủng hoảng tài chính 2008, nhiều doanh nghiệp thoát hiểm là nhờ vào các hoạt động kinh tế ngầm, đã đem lại dịch vụ và việc làm cho hàng tỷ người trên thế giới. Có thể nói “System D” hầu như là vô địch trong việc quảng bá công nghệ mới cho người nghèo với chi phí thấp. Theo YaleGlobal, trong khi các nền kinh tế phương Tây đang bị suy thoái, thì kinh tế ngầm tiếp tục tăng trưởng, vì vậy phải quan tâm đến “System D”. 
Sự phát triển của “System D” là một thách thức lớn đối với các chuẩn mực kinh tế và quản trị kinh doanh, vì nó tồn tại bên ngoài khuôn khổ các hiệp định và quy chuẩn thương mại. Nhưng “System D” phổ biến công nghệ ra thế giới với chi phí mà người nghèo cũng có thể tiếp cận. Nó phân phối sản phẩm công bằng hơn và rẻ hơn bất cứ một doanh nghiệp lớn nào khác. “System D” có tiềm năng rất lớn như một “siêu cường kinh tế”, nhưng nó vẫn chưa có đồng tiền thanh toán hay phương thức thanh toán nào thích hợp để vận dụng cho nó.
Đã có lúc người ta hy vọng có thể chọn bitcoin làm đồng tiền của “System D”, vì nó tiện dụng và được sử dụng rộng khắp trên toàn cầu. Nhưng mỗi khi đồng bitcon bị mất giá thì hy vọng đó cũng mất dần. Vì vậy, người ta vẫn phải tìm một phương thức thanh toán phù hợp với đặc điểm của “System D”, như ứng dụng các giải pháp công nghệ mới dựa trên mobile platform cho hệ sinh thái kinh tế ngầm. Đây là một thực tế mới đặt ra cho các nhà quản lý cũng như các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ đầu tư, thanh toán và lưu thông hàng hóa…

Phần 2: Đặc điểm kinh tế ngầm ở Việt Nam

Cải cách thể chế toàn diện (hay đổi mới “vòng hai”) là đòi hỏi cấp bách để Việt Nam tháo gỡ những điểm tắc nghẽn về thể chế làm đất nước tụt hậu và tham nhũng gia tăng. Đổi mới “vòng hai” không chỉ nhằm tháo gỡ thể chế kinh tế bị ách tắc mà còn nhằm cải tổ thể chế chính trị đã lỗi thời, làm tắc ngẽn dòng chảy kinh tế. Cải cách thể chế toàn diện sẽ tác động đến nhiều lĩnh vực trong đó có kinh tế ngầm. Gần đây chính phủ quan tâm muốn thống kê kinh tế ngầm để đưa vào GDP, nhưng vẫn chưa rõ sẽ thống kê như thế nào. Cần tránh tình trạng “đánh trống bỏ dùi” dẫn đến thất bại như “chiến dịch giành lại vỉa hè” (năm 2017).

Quan niệm về kinh tế ngầm 

Kinh tế ngầm là một thực thể phức tạp và khó định lượng, nhất là trong một nền kinh tế chuyển đổi (transitional economy), có thành phần kinh tế đa dạng, có hệ thống quản trị bất cập và manh mún, nên dễ ngộ nhận và nhầm lẫn. Tuy nhiên, Chính phủ đã yêu cầu bộ Kế hoạch Đầu tư “hoàn thiện đề án thống kê khu vực kinh tế ngầm để báo cáo trước 30/1/2018”. Tuy kinh tế ngầm đã tồn tại từ lâu ở Việt Nam, nhưng đây là lần đầu tiên chính phủ có đề án thống kê. Báo chí chính thống đã nhanh chóng “vào cuộc”, nhưng cũng nhanh chóng “bỏ cuộc”.
Tuy việc thống kê kinh tế ngầm là cần thiết, nhưng làm thế nào thật không đơn giản. Trên thực tế, việc thống kê các thành phần kinh tế không phải ngầm cũng đã bộc lộ nhiều bất cập. Chỉ riêng việc thống kê số liệu xuất nhập khẩu qua đường “tiểu ngạch” cũng còn chưa làm được. Chênh lệch về số liệu xuất nhập khẩu giữa hải quan Trung Quốc và hải quan Việt Nam khoảng $20 tỷ/năm. Mỗi năm có khoảng $3 tỷ vốn chạy ra nước ngoài, nhưng các cơ quan chức năng vẫn bất lực, chưa kiểm soát được. Cách tính GDP của Việt Nam cũng khác so với thế giới, tuy GDP không phải là “đũa thần” để đánh giá sức khỏe nền kinh tế.
Trong cuốn sách The Growth Delusion: Why GDP is misleading (Financial Times, 10/1/2018), David Pilling đã phân tích khiếm khuyết của GDP như “một thước đo kinh tế dễ gây ngộ nhận (misleading). Tác giả cho rằng GDP không phải là một chỉ số chính xác để đo sức khỏe kinh tế của mọi quốc gia. GDP (Gross Domestic Product) được chuyên gia kinh tế Simon Kuznets đề xuất từ thập niên 1930, để lý giải chính sách tài khóa của Mỹ thời kỳ “New Deal”. Nhưng theo Pilling, “Từ khi áp dụng GDP, chúng ta chưa bao giờ giàu hơn hay hạnh phúc hơn”. Vì vậy các chỉ tiêu chính sách không nên chỉ dựa trên GDP mà phải vận dụng các cách thống kê mới, như “Chỉ số Phát triển Con người” (Human Development Index) mà chuyên gia kinh tế người Pakistan Mahbub Ul Haq đã nghiên cứu và đề xuất (năm 1990).
Chuyên gia thống kê của LHQ Vũ Quang Việt cũng đã đề xuất một phương pháp tính GDP mới (năm 2008) dựa trên sản xuất (production approach) gọi là HUEM (household unincorportated enterprises). Phương pháp này khác với phương pháp của World Bank ở chỗ HUEM thu thập số liệu hàng tháng/hàng quý, còn World Bank thu thập 5-10 năm một lần. Phương pháp HUEM dựa vào thống kê và thu thập số liệu thường xuyên nhằm tạo ra dãy số cập nhật theo thời gian. Theo ông Việt, nếu lấy con số tưởng tượng 30% (chưa tính vào GDP) rồi nhân lên với GDP tính thường xuyên từng quí thì không có giá trị gì mà không bị nhầm lẫn. Vậy đưa nó vào thống kê chính thức làm gì nếu không tính thường xuyên và không thể tin cậy.
Theo tài liệu của OECD (năm 2002) và Hệ thống Tài khoản Quốc gia phiên bản 2008 (SNA, 2008), khu vực kinh tế chưa được quan sát (Non-Observed Economy) bao gồm kinh tế ngầm (Underground Economy), khu vực kinh tế phi chính thức (Informal Sector), các hoạt động kinh tế phi pháp (Illegal Economic Activity), và hoạt động kinh tế tự sản tự tiêu (production for own consumption). Tất cả các nước trên thế giới đều có kinh tế ngầm, nhưng ngay cả ở những nước có nền quản trị tốt, tính minh bạch cao, cũng rất khó khăn trong việc thống kê định lượng chính xác. Khu vực kinh tế chưa được quan sát là một bộ phận của nền kinh tế quốc gia, cần được đo lường, đưa vào hệ thống tài khoản quốc gia, trong đó có chỉ tiêu GDP, nhưng làm thế nào là một câu chuyện nan giải, gần như “bất khả thi” (mission impossible).
Theo một nghiên cứu gần đây của Đại học Fulbright (Tuổi trẻ, 18/01/2018) kinh tế ngầm Việt Nam chiếm khoảng 25-30% GDP (tương đương $60 tỷ) bao gồm cả kinh tế phi chính thức và kinh tế bất hợp pháp, đang được thừa nhận như một thực tế cuộc sống. Khu vực kinh tế phi chính thức thu hút khoảng 60% lao động trong xã hội, nhưng lâu nay thường bị bỏ sót trong các số liệu thống kê chính thức. Đến nay, nhà nước vẫn chưa thể phân loại, thống kê, ghi chép, theo dõi và quản lý được kinh tế ngầm, nên hy vọng sắp tới sẽ nhận diện được thêm10-15% quy mô của khu vực này trong các chỉ số GDP. Trong nhiều trường hợp, kinh tế ngầm không nhất thiết là kinh tế bất hợp pháp. Một nguyên nhân quan trọng khiến kinh tế ngầm phát triển mạnh là do luật lệ quá phức tạp và không rõ ràng, trong khi chính sách thuế quá cao cũng khuyến khích các giao dịch phi chính thức. Nhưng xét theo ý nghĩa tích cực, kinh tế ngầm là mạng lưới an sinh cho nền kinh tế, vì nó hấp thụ tốt những cú sốc do khủng hoảng.
Tuy còn nhiều cách hiểu khác nhau, nhưng kinh tế ngầm thường không có giấy phép và không đóng thuế, giá trị giao dịch không thể hiện trong sổ sách kế toán. Thành phần kinh tế ngầm gồm cả hoạt động kinh doanh hợp pháp và phi pháp, giao dịch thường bằng tiền mặt nhưng không có hóa đơn, lâu nay không được đưa vào sổ sách. Các giao dịch này được thực hiện không có sự kiểm soát của nhà nước, nhằm trốn thuế hoặc tránh bị các cơ quan kiểm tra phát hiện. Nhưng kinh tế ngầm không đồng nghĩa với “chợ đen” (chủ yếu tiêu thụ hàng hóa trộm cắp) và các hoạt động kinh doanh phi pháp khác (như buôn ma túy, mại dâm, cờ bạc).

Kinh tế ngầm ở Việt Nam

Kinh tế ngầm tuy tồn tại âm thầm nhưng khá hiệu quả. Hiện nay, quan điểm của các chuyên gia còn khác nhau. Theo ĐBQH Trần Anh Tuấn (Quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển, TP Hồ Chí Minh) kinh tế ngầm không phải là những hoạt động xấu. Nếu kiểm soát tốt đó còn là thành phần bổ trợ cho kinh tế chính thức phát triển. Kinh tế ngầm tại Việt Nam được xếp vào loại khá cao trên thế giới. Nhưng trên thực tế, khái niệm kinh tế ngầm đang bị hiểu theo hướng tiêu cực nhiều hơn, vì dễ bị liên hệ tới các hoạt động kinh doanh phi pháp.
Theo ông Tuấn, những hoạt động như rửa tiền và buôn bán vũ khí ở một số nước được coi là kinh tế ngầm, vì các nước này (như Mỹ) vẫn cho phép người dân được buôn bán vũ khí. Nhưng ở Việt Nam, những hoạt động nói trên thường được hiểu là những hoạt động phi pháp cần phải ngăn chặn và xử lý (vì Việt Nam không cho phép buôn bán vũ khí). Những hoạt động chuyển tiền không theo quy định của pháp luật cũng bị coi là phạm pháp, không nằm trong cấu trúc nền kinh tế nên nó không thuộc thành phần kinh tế “không chính thức”.
Tiến sĩ Võ Hồng Đức (Perth, Australia) cho rằng quy mô kinh tế ngầm của Việt Nam dao động trong khoảng 20% – 50% GDP (giai đoạn 1990-2013), đặc biệt gia tăng đáng kể trong giai đoạn khủng hoảng tài chính Châu Á (2007-2008). Theo ông Võ Hồng Đức, kinh tế ngầm có 6 nguyên nhân biến thiên là: (1) thuế suất, (2) chi tiêu chính phủ, (3) tự chủ tài chính, (4) tự do lao động, (5) tự do kinh doanh, (6) tỷ lệ thất nghiệp. (“Xác định Quy mô Kinh tế ngầm Việt Nam”, International Journal of Economics and Finance, September, 2014).
Trong một thể chế độc quyền, tư duy quản trị điển hình là cái gì cũng muốn quản lý (tuy năng lực quản lý kém) và cái gì không quản lý được thì cấm (tuy bất lực không cấm được). Điều này càng đúng với đặc thù kinh tế ngầm, vì không có một chính phủ nào cấm được hoạt động của kinh tế ngầm. Nó tồn tại và phát triển theo quy luật “cung – cầu”: ở đâu có cầu thì sẽ có cung, và cầu càng cao thì cung càng nhiều. Một đất nước có 92,7 triệu dân (năm 2016) là một thị trường có nhu cầu khổng lồ. Một chính phủ dù có năng lực quản trị tốt (như Singapore) cũng không thể đáp ứng được, nói gì đến một chính phủ có năng lực quản trị kém (như Việt Nam). Hay nói cách khác, khi Việt Nam phải bán các doanh nghiệp hàng đầu (như Vinamilk và Sabeco) vì quản trị kém hay cần tiền, thì làm sao có thể quản trị được kinh tế ngầm.
Vì vậy, các chuyên gia kinh tế và quản trị cần điều chỉnh cách nhìn kinh tế ngầm đang diễn ra trên vỉa hè, tại các chợ cóc và hàng quán ở Hà Nội và các đô thị trên toàn quốc. Chính họ đã góp phần cưu mang cuộc sống của hàng triệu người dân sống sót qua chiến tranh, chịu đựng mọi thiếu thốn của thời bao cấp, và nay là vấn nạn tham nhũng khi các nhóm lợi ích thân hữu và thế lực “tư bản đỏ” lợi dụng thể chế yếu kém để vơ vét và “ăn của dân không chừa một thứ gì”. Nếu không có kinh tế ngầm thì làm sao chúng ta có thể lý giải được sự tồn tại tưởng chừng vô lý và sức sống bền bỉ đến kinh ngạc của người dân Việt Nam. Nói cách khác, kinh tế ngầm rất gần với khái niệm chiến tranh du kích (hay “chiến tranh nhân dân”). 
Trên thực tế, nền kinh tế Việt Nam đang phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc. Trong khi nhập siêu (chính thức) mỗi năm trung bình hơn 30 tỷ USD (năm 2018 giảm còn 28 tỷ USD), nhập siêu theo đường “tiểu ngạch” (phi chính thức) là gần 20 tỷ USD. Đó là một tỷ lệ khổng lồ trong một nền kinh tế hàng hóa còn yếu kém như Việt Nam (vẫn chưa công nghiệp hóa). Điều này khẳng định quy mô và vai trò của kinh tế ngầm trong nền kinh tế thị trường què quặt của Việt Nam, khi quá trình chuyển đổi cơ cấu và cải cách thể chế còn ách tắc.
Về thương mại, đó là sự tồn tại âm thầm nhưng sống động của thị trường “tiểu ngạch” trong quan hệ kinh tế với Trung Quốc với giá trị nhập siêu khoảng $20 tỷ/năm, bất chấp mọi trở ngại qua các thời kỳ sóng gió trong quan hệ hai nước. Tại Sài Gòn, đó là sức sống năng động của kinh tế ngầm tại Chợ Lớn, trải qua các biến cố bất thường của thời kỳ chiến tranh cũng như thời hậu chiến với sự biến động của chế độ chính trị. Tại Hà Nội, đó là sự phục hồi và sức sống mãnh liệt của khu phố cổ Hà Nội, là “hồn cốt” của thủ đô với “36 phố phường” như một cái chợ bazaar khổng lồ có sức hấp dẫn kỳ lạ đối với khách du lịch thập phương.
Trên đây là vài ví dụ điển hình về bức tranh sinh động của kinh tế ngầm ở Việt Nam, với nhiều hình thái và thành phần đa dạng trong nền kinh tế thị trường “định hướng XHCN”. Chắc nhiều người không biết ông chủ ngôi “biệt thự gà vàng” khá độc đáo gần Ngõ 1 phố Hoàng Quốc Việt là ông “Thanh Sắt”, vốn làm nghề buôn “đồng nát”. Nhưng ông “Thanh Sắt” còn thua xa ông “Đường Bia” là chủ tòa nhà “Hòa Bình tower” tọa lạc tại phố Hoàng Quốc Việt, và các khách sạn cao cấp “rát vàng” nổi tiếng tại Đà Nẵng, Hội An, và Hà Nội.
Khi đoàn Tổng thống Donald Trump sang dự Hội nghị Cấp cao APEC tại Đà Nẵng (10/2017), và khi tàu sân bay USS Theodore Roosevelt đến thăm Đà Nẵng (3/2020) người Mỹ đã quyết định chọn khách sạn “Golden Bay” của ông “Đường Bia”. Chắc nhiều người không biết ông “Đường Bia” là bộ đội phục viên, từng làm nghề đạp xích lô chở bia thuê cho nhà máy bia Hà Nội. Những người như ông “Thanh Sắt” hay “Đường Bia” đã làm giàu và đi lên từ “kinh tế ngầm”, trong nền kinh tế thị trường “định hướng XHCN” đa thành phần.
Dù làm nghề “đồng nát” (như ông Thanh) hay “chở bia thuê” (như ông Đường) hay hàng triệu người Việt khác đang “buôn thúng bán mẹt”, họ không phải là “ký sinh trùng”. Trong khi Việt Nam có những “làng tỷ phú đồng nát” (như ở Bắc Ninh), thì nhiều người Việt sang Liên Xô-Đông Âu đã trở thành “đại gia” nhờ kinh tế ngầm. Theo nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, Việt Nam là một “cường quốc đồng nát”, với đặc thù văn hóa “hàn soong hàn nồi”.
Tác động của kinh tế ngầm không chỉ về kinh tế mà còn cả về giáo dục, văn hóa, xã hội. Các nhà giáo dục Việt Nam hãy suy ngẫm tại sao những đứa trẻ cơ nhỡ người Mông ở Sapa nói được tiếng Anh? Tại sao ngày càng nhiều người Mông ở vùng cao vùng xa nói tiếng Anh còn thạo hơn cả tiếng Kinh? Đó không phải là sản phẩm của “xóa đói giảm nghèo” hay những dự án “cải cách giáo dục” hoành tráng nhưng thường thất bại, làm thất thoát hàng trăm triệu USD tiền viện trợ ODA và ngân sách nhà nước hay tiền thuế của dân. Đó là sản phẩm phụ của kinh tế ngầm và toàn cầu hóa, khi dòng người du lịch nước ngoài kéo đến Việt Nam.

Phần 3: Triển vọng kinh tế ngầm ở Việt Nam

Đối với nhiều nước, kinh tế ngầm là một thực tế ngày càng quan trọng và đáng quan tâm, nhưng cũng nan giải. Việt Nam quan tâm đến kinh tế ngầm là đúng, nhưng nên thận trọng vì đó là một lĩnh vực tù mù, khó thống kê và quản trị. Chính phủ cần thận trọng giao cho các cơ quan nghiên cứu theo dõi một cách nghiêm túc và tham khảo ý kiến các chuyên gia trong nước và ngoài nước trước khi quyết định. Trong bối cảnh kinh tế đang gặp khó khăn vì đại dịch Covid-19, kinh tế ngầm tuy có vai trò quan trọng hơn, nhưng cũng dễ bị tổn thương hơn. 

Các chuyên gia nói gì

Kinh tế ngầm tại Việt Nam rất tiềm tàng nhưng lâu nay không được chú ý đúng mức và thừa nhận, nên ít được nhắc tới (cho đến gần đây). Số liệu về quy mô kinh tế ngầm do đó cũng rất khác nhau. Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, kinh tế ngầm trên thế giới chiếm khoảng 16-25% GDP. Tuy chủ trương thống kê khu vực kinh tế ngầm tại Việt Nam là cần thiết, nhưng bà Chi Lan cho là rất khó. Theo bà, “Lúc này, cách tích cực nhất là Việt Nam hãy kiểm soát tốt hệ thống kinh tế chính thức mà cụ thể là các doanh nghiệp nhà nước”.
Theo bà Chi Lan, nắm chắc được các doanh nghiệp nhà nước sẽ tăng được hiệu quả kinh tế lên rất nhiều, chứ không phải lôi khu vực kinh tế ngầm vào là có thể thay đổi được bộ mặt kinh tế. Nếu thống kê kinh tế ngầm để tính thêm vào GDP, khiến mẫu số trong cách tính nợ công/GDP tăng, làm tử số (nợ công) mở rộng thêm, có thể tác động ngược lại đến nền kinh tế. Đây chính là “hệ quả không định trước” mà nhiều chuyên gia kinh tế cảnh báo.
Theo tiến sỹ Nguyễn Đức Thành (Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách), đề án thống kê kinh tế ngầm có thể giúp Chính phủ có quyền tăng nợ công vì nợ công được Quốc hội đưa ra dựa trên GDP. Vì vậy nếu mẫu số to lên, tử số cũng được nhích lên theo. Bên cạnh đó, việc tăng GDP do được cộng thêm khu vực kinh tế ngầm vào có thể làm thay đổi một loạt chỉ tiêu vĩ mô như tăng thuế, tăng thu, tăng nợ của cả nền kinh tế nói chung, trong khi khó lòng thu được gì từ khu vực kinh tế ngầm (dù có thống kê và tính toán được chăng nữa). Trong khi nền kinh tế “thực” (chính thức) phải gánh thêm nhiều tác động hơn, thì kinh tế “ngầm” dường như không có gì thay đổi, dù cho người ta có thể “lôi được nó ra ánh sáng”.
Bà Chi Lan cho rằng một trong những thành quả đáng kể của đổi mới (vòng một) là hàng triệu doanh nghiệp chính thức và phi chính thức đã ra đời, nhất là từ khi có Luật Doanh nghiệp, làm thay đổi cơ bản môi trường kinh doanh và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, mà trước đây chủ yếu là hoạt động “chợ đen” (không có giấy phép). Theo mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 Việt Nam phải có một triệu doanh nghiệp chính thức, mặc nhiên hiểu ngầm là phải đưa hàng vạn doanh nghiệp phi chính thức (như hộ kinh doanh gia đình) trở thành doanh nghiệp chính thức bằng đăng ký kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp và có đóng thuế. 
Theo các tài liệu của World Bank, IFC, WEF, khu vực kinh tế phi chính thức (informal sector) tại Việt Nam đã ra đời một cách tự nhiên theo quy luật cung cầu, thường xuất hiện trước khi có cộng đồng doanh nghiệp, nên trở thành “lực lượng dự bị” cho doanh nghiệp chính thức. Trong một môi trường kinh doanh tốt, khi nào thành phần kinh tế phi chính thức phát triển tới một mức độ nhất định thì họ sẽ trở thành doanh nghiệp chính thức. Theo bà Chi Lan, ở đâu có môi trường kinh doanh tốt thì ở đó có sự chuyển dịch cao hơn từ kinh doanh phi chính thức thành chính thức, có lợi cho cộng đồng doanh nghiệp và nền kinh tế. Cải thiện môi trường kinh doanh và chuyển đổi cơ cấu doanh nghiệp luôn là mục tiêu của các quốc gia. 
Theo bà Chi Lan, mảng kinh tế ngầm đáng lo ngại là các nhóm “xã hội đen” (hay “mafia”), gồm nhiều thành phần kinh tế đa dạng như nhà nước, tư nhân, FDI và những nhân vật bí ẩn (các “ông trùm” chuyên chạy dự án như “Vũ Nhôm” và “Út Trọc”). Các nhóm lợi ích này có thể hoạt động chính thức dưới một vỏ bọc kín đáo để che đậy bản chất mafia, nhằm lách luật, lũng đoạn chính sách, qui hoạch phát triển, phân bổ nguồn lực và dòng vốn. Các nhóm lợi ích thân hữu (hay “tư bản đỏ”) thường có hệ thống bảo kê rất mạnh và nắm trong tay nhiều đặc quyền để có thể thao túng chính quyền và chính sách. Đó là các băng nhóm xã hội đen trong thế giới ngầm có hại cho đất nước và cộng đồng doanh nghiệp, cần phải lên án và vô hiệu hóa. Các vụ trọng án như “Vũ Nhôm” (ngành công an), “Út Trọc (của quân đội), Nguyễn Thanh Hóa và Phan Văn Vĩnh (tướng công an bảo kê đường dây đánh bạc online) là một minh chứng. 
Chuyên gia kinh tế Bùi Trinh cho biết rằng cơ quan thống kê của Úc đã đo lường khu vực kinh tế ngầm và điều chỉnh GDP tăng được 3% (năm 2012). Có nguồn tin đã ước tính nền kinh tế chưa được quan sát của Việt Nam chiếm 20-30% GDP, nhưng theo ông Bùi Trinh điều đó không dựa trên căn cứ chắc chắn. Việt Nam không coi các hoạt động phi pháp (như ma túy, mại dâm, cờ bạc) thuộc phạm trù sản xuất (mặc dù Liên Hợp Quốc quy định những hoạt động đó thuộc phạm trù sản xuất). Nếu quy mô GDP tăng lên thì bội chi, nợ công so với GDP sẽ giảm đi, có thể đạt được cái gì đó về mặt thành tích nhưng sẽ che mờ đi sự thật vì những khoản tính thêm vào GDP là những khoản không thu được thuế vào thu ngân sách.
Ông Bùi Trinh còn cho rằng muốn thống kê kinh tế ngầm, trước hết chính phủ phải công nhận các khu vực kinh tế chưa quan sát được, gồm cả các hoạt động phi pháp (như ma túy, mại dâm, cờ bạc), từ đó cơ quan thống kê mới có cơ sở để tính toán vào quy mô nền kinh tế. Thứ hai, cần phải tính GDP từ phía cầu (chứ không chỉ dựa vào phía cung). Thứ ba, sở dĩ kinh tế ngầm vẫn sống được là do tham nhũng. Vì vậy, cần thay đổi phương pháp thống kê để ngăn chặn tham nhũng và bảo kê của “một bộ phận không nhỏ” trong đội ngũ cán bộ công chức. (“Mổ xẻ kinh tế ngầm Việt Nam”, Bùi Trinh, Thời báo Kinh tế Sài Gòn, 22/1/2018).
Hoạt động kinh tế ngầm lớn nhất là tại khu vực doanh nghiệp, vì doanh nghiệp nào cũng có hai sổ kế toán, một để hạch toán nội bộ và một để tính thuế, và doanh thu trong hai quyển sổ đó chênh nhau rất nhiều. Theo ông Bùi Trinh, thống kê thêm khu vực kinh tế ngầm vào quy mô của nền kinh tế chỉ mang tính chất thành tích ảo, và phản ánh kỳ vọng tăng trần nợ công của Chính phủ. Điều đó sẽ tác động mạnh tới nền kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô bởi vì nợ công của Việt Nam hiện rất lớn, nếu tiếp tục tăng nợ công sẽ gây thêm áp lực lên nền kinh tế. Dù có thống kê được khu vực kinh tế ngầm thì cũng rất khó để quản lý và thu thuế.
Theo số liệu thống kê (từ 2005 đến 2019), kinh tế cá thể (không chính thức) có tỷ trọng lớn, chiếm khoảng 30% GDP (khá ổn định). Kinh tế tư nhân (các doanh nghiệp Việt Nam) chiếm khoảng 10% GDP (không tăng). Trong khi đó, kinh tế nhà nước giảm từ 38% GDP (2005) xuống 27,1% GDP (2019), nhưng chi ngân sách thường xuyên tăng từ 5,7% (2005) lên 10,1% (2019). Theo ông Bùi Trinh (CafeF, 21/8/2020), trong bối cảnh đại dịch Covid-19, cần nhìn nhận kinh tế ngầm có vai trò quan trọng hơn nhưng dễ bị tổn thương. 

Khu hợp tác kinh tế qua biên giới 

Khi Chủ tịch Tập Cận Bình đến thăm Việt Nam (11/2017), hai nước đã ký Bản ghi nhớ về việc đẩy nhanh tiến độ đàm phán thỏa thuận khung về xây dựng các “khu hợp tác kinh tế qua biên giới”. Tuy đây là việc nâng cấp các “khu kinh tế cửa khẩu”, nhưng là một kế hoạch tổng thể chứ không chỉ là ý tưởng của từng địa phương. Về đối ngoại, “ngoại giao láng giềng” được xếp ở vị trí thứ hai, chỉ sau “quan hệ với các nước lớn”. Theo kế hoạch, có bốn khu hợp tác kinh tế qua biên giới Việt-Trung, nhưng hai bên vẫn chưa thống nhất được cách quản lý mô hình “hai nước một khu”, liệu sẽ áp dụng luật Việt Nam hay luật Trung Quốc?.
Theo chuyên gia thống kê Liên Hợp Quốc Vũ Quang Việt, mô hình “hai nước một khu” chính là mô hình nhằm biến một phần đất Việt Nam dọc biên giới theo chính sách “Một vành đai Một con đường” để từng bước trở thành đất Trung Quốc. Nói cách khác, Việt Nam “tự nguyện” nộp đất của mình vào mô hình “hai nước một khu” để Trung Quốc “cùng phối hợp quản lý và khai thác”. Thỏa thuận Thành Đô (9/1990) là một thảm họa đối với Việt Nam, nhưng là một thành công đối với Trung Quốc, nên chắc chắn họ không dừng lại. Liệu sáng kiến “hai nước một khu” có phải là một kiểu “Thành Đô 2.0” như nhiều người vẫn lo ngại?
Nếu trên Biển Đông họ đã và đang triển khai chiến lược “cờ vây” bằng cách “thay đổi thực địa” để biến việc lấn chiếm và quân sự hóa thành “chuyện đã rồi” (fait accompli) thì trên đất liền chắc họ cũng sẽ làm tương tự. Thuyết “biên giới mềm” của Trung Quốc đang được cụ thể hóa bằng sáng kiến “hai nước một khu”, để từng bước biến nó thành khu vực không biên giới “trên thực tế” (de facto), như chuyện con trăn nuốt dần con thỏ. Nếu “Một vành đai Một con đường” là kế hoach tổng thể (master plan) thì “hai nước một khu” là sáng kiến cụ thể để triển khai (execution project) trong kế sách “tằm ăn dâu” (hay “cắt lát salami”).
Gần đây, hai nước còn định triển khai hệ thống “Hai quốc gia, một trạm kiểm soát cửa khẩu”, dự kiến đưa vào hoạt động từ tháng 5/2018 như một bước để hiện thực hóa chủ trương đó. Hệ thống này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người Trung Quốc vào Việt Nam hơn là người Việt Nam vào Trung Quốc. Theo các nguồn tin, Phủ Lý (Hà Nam) cách đây nhiều năm chỉ có vài chục người Trung Quốc đi du lịch rồi ở lại, nhưng bây giờ có hàng nghìn người đến làm ăn trong một thành phố nhỏ có hơn 100,000 dân. Đó là một tỷ lệ quá cao, đặt ra nhiều vấn đề phải suy nghĩ. Không phải chỉ có Phủ Lý mà còn nhiều nơi khác (như Đà Nẵng và Nha Trang). Không chỉ có kinh tế ngầm, mà còn một thế giới ngầm khó kiểm soát.
Điều chuyên gia Vũ Quang Việt lo ngại cũng là điều dư luận chung quan tâm. Để báo động và ngăn chặn nguy cơ mất dần chủ quyền quốc gia, cần có tiếng nói mạnh hơn. Theo các chuyên gia, nguy cơ không chỉ vì chủ trương “hai nước một khu” hợp tác kinh tế qua biên giới, mà còn do Trung Quốc tham vọng kiểm soát Biển Đông như cái ao của họ. Trung Quốc muốn áp đặt “đường lưỡi bò” (hay “Tứ Sa”) để ngăn chặn Việt Nam thăm dò và khai thác dầu khí cũng như đánh cá tại vùng đặc quyền kinh tế của mình. Trung Quốc dọa Việt Nam, buộc hãng Repsol (Tây Ban Nha) và PetroVietnam phải bỏ dự án “Cá Kiếm Nâu” (Brown Gradius) lô 136-03 (7/2017) và dự án “Cá Rồng Đỏ” (Red Emperor) lô 07-03 (3/2018).
Trong khi đó, PetroVietnam lâm vào khủng hoảng vì gần như toàn bộ dàn lãnh đạo của PVN đã bị bắt và truy tố trong chiến dịch chống tham nhũng. Tuy tham nhũng là quốc nạn mà tất cả các tập đoàn kinh tế nhà nước (SOE) đều mắc phải, nhưng PVN có vai trò quan trọng hàng đầu để đảm bảo an ninh năng lượng và chủ quyền quốc gia. Đúng lúc Việt Nam cần tăng cường khai thác dầu khí để bổ xung cho ngân sách đang bị thâm hụt thì hoạt động dầu khí gần như tê liệt vì chống tham nhũng quyết liệt, tái cơ cấu bộ Công an, và sức ép ngày càng tăng của Trung Quốc đối với dầu khí và chủ quyền, như một cuộc “khủng hoảng kép”.
Khi dàn lãnh đạo PVN bị bắt gần hết, thì các đối tác lớn về dầu khí như Repsol (Tây Ban Nha), Exxonmobil (Mỹ), và OVL (Ấn Độ) chắc cũng hoang mang chững lại. Vào cuối năm 2017, đại diện Exxonmobil đã tuyên bố hoãn triển khai dự án “Cá Voi Xanh” đến 2019. Nhưng đến nay dự án này vẫn chưa triển khai, với tin đồn Exxonmobil có thể bỏ cuộc. Đó là nghịch lý chống tham nhũng cũng như cái giá phải trả về lợi ích quốc gia và chủ quyền tại Biển Đông, trong khi chỉ có Trung Quốc là “ngư ông đắc lợi”. Kết quả là Trung Quốc đang kiểm soát Biển Đông như cái ao của họ, và gây sức ép để buộc ta phải “cùng khai thác dầu khí”. 

Kinh tế ngầm và xã hội đen

Trong khi đó, quan tâm hàng đầu của dư luận hiện nay là thực trạng xã hội đen trong nền kinh tế. Phát biểu tại Hội nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (5/1/2018) Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Mặt trận góp phần loại bỏ băng nhóm xã hội đen trong nền kinh tế, đe đọa cuộc sống của người dân và doanh nghiệp. Nhiều lãnh đạo khác cũng đề cập đến thực trạng các băng nhóm xã hội đen (hay đỏ) đã chuyển hướng sang lấn chiếm đất công, như “Vũ Nhôm” đã từng lũng đoạn thị trường nhà đất Đà Nẵng kiểu mafia.
Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do hệ thống quyền lực không được kiểm soát. Hệ thống công quyền thay vì phục vụ lợi ích chung của quốc gia và quốc dân, nay đang bị thao túng để phục vụ lợi ích riêng của một số nhóm lợi ích thân hữu. Theo giáo sư Alexander Vuving, sự câu kết giữa các doanh nghiệp thân hữu và các thế lực chính trị trong hệ thống chính quyền là mắt xích hình thành các nhóm lợi ích để cùng trục lợi: “Tình hình chung ở Việt Nam là ông đại gia nào cũng có ô dù, không có ô dù thì không thể nào sống được. Còn nếu trở thành đại gia rồi mà không có ô dù thì ô dù sẽ chạy đến xin làm ô dù cho ông ta.”
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cũng có những nhận xét tương tự về thực trạng xã hội đen trong hệ thống lợi ích nhóm hiện nay: “Tôi nghĩ rằng tình hình các nhóm lợi ích là vấn đề thời sự rất gay gắt hiện nay. Các lợi ích nhóm đó không phải chỉ có ở đầu tư hay đất đai, mà bây giờ có thể xuất hiện kể cả trong việc ảnh hưởng đến những chính sách được quyết định ở các cấp cao nhất. Nếu muốn loại bỏ các hoạt động của xã hội đen trong nền kinh tế thì trước hết Chính phủ phải công khai minh bạch, cung cấp thông tin cho người dân về các dự án, chính sách về kinh tế cũng như trách nhiệm giải trình khi quyết định cuối cùng”.
Hiện nay, dư luận rất bức xúc trước thực trạng các nhóm lợi ích thân hữu và các băng nhóm xã hội đen đang thao túng nền kinh tế thị trường “định hướng XHCN” để trục lợi, làm mất uy tín của Chính phủ “kiến tạo và liêm chính” cũng như cản trở chủ trương chống tham nhũng của Đảng. Các nhóm lợi ích thân hữu và các băng nhóm xã hội đen liên kết với các quan chức biến chất ở trung ương và địa phương, để đối phó với người dân tại các dự án gây thảm họa môi trường (như Formosa và Vĩnh Tân), các khuất tất trong quy hoạch đô thị để chiếm đất của dân (như tại Thủ Thiêm), các trạm thu phí giao thông BOT gây tai tiếng. 

Thay lời kết

Tuy chủ trương thống kê kinh tế ngầm là cần thiết, nhưng làm thế nào và nhằm mục đích gì vẫn còn chưa rõ và đang còn tranh cãi. Đây là một vấn đề phức tạp và hệ trọng, cần nghiêm túc học hỏi kinh nghiệm các nước khác, cũng như lắng nghe ý kiến các chuyên gia trong nước và ngoài nước, trước khi hoạch định và triển khai chính sách, nếu không sẽ lặp lại sai lầm như “chiến dịch giành lại vỉa hè” (2017). Nếu thống kê nhằm kiểm soát và bắt kinh tế ngầm phục vụ các mục tiêu trước mắt nhằm “làm đẹp con số” có thể phản tác dụng về lâu dài. 
Nhưng nếu Việt Nam để Trung Quốc thao túng và lũng đoạn kinh tế ngầm thì cũng tai hại. Một khi Trung Quốc đã nắm được hầu hết các dự án chiến lược của Việt Nam, cung cấp thiết bị cho hệ thống mạng 5G (qua Huawei), nắm được hệ thống lưu thông hàng hóa (logistics), và hệ thống thanh toán online (qua Alipay, Tencent), họ sẽ tìm cách thao túng nốt kinh tế ngầm. Lúc đó, Trung Quốc có thể “chiếu tướng” (check mate) làm Việt Nam “hết cờ”, mà không cần dùng vũ lực. Vì vậy, phải nhìn nhận kinh tế ngầm ở Việt Nam trong bức tranh lớn về kinh tế, chính trị, và an ninh quốc gia, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, và đổi mới thể chế. 
NQD. Updated 22/8/2020

Related posts