Chuyên gia: Châu Âu phải hết sức thận trọng với Trung Quốc

Lục Du

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị và người đồng cấp Ý Luigi Di Maio (ảnh: Từ video của CGTN)

Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị đang có chuyến thăm châu Âu trong bối cảnh Bắc Kinh mất uy tín trầm trọng sau khi lực lượng này bị cáo buộc là tác nhân chính khiến virus Vũ Hán lây lan ra thế giới. Nhân sự kiện này, cây viết Glacier Kwong có bài bình luận trên Apple Daily về chuyến công cán của ông Vương.

Dưới đây chúng tôi xin gửi tới quý độc giả nội dung bài viết của nữ Nghiên cứu sinh ngành luật Kwong, một nhà hoạt động dân chủ Hồng Kông đang du học ở Đức.

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đang có chuyến đi “kiểm soát thiệt hại” ở châu Âu bắt đầu từ ngày 25/08. Chuyến đi của ông Vương liên quan đến việc Bắc Kinh đang bị châu Âu chỉ trích về vấn đề COVID-19, chính sách cứng rắn đối với Hồng Kông và việc Huawei bị nhiều nước trong EU từ chối.

Trong bài phát biểu của mình, ông Vương nhấn mạnh “Trung Quốc và châu Âu nên làm việc cùng nhau” để phục hồi nền kinh tế toàn cầu và bảo vệ chủ nghĩa đa phương. Tôi tin rằng, mục đích của chuyến đi này của ông Vương là nhằm tìm cách “minh oan” cho những tai tiếng mà Bắc Kinh gây ra từ năm ngoái, đồng thời tìm kiếm các đồng minh trong thế giới phương Tây để đối phó mối quan hệ ngày càng xấu đi với Hoa Kỳ.

Các chính phủ châu Âu phải hết sức thận trọng trong các giao dịch với Bắc Kinh, vì đây là một chế độ độc tài khét tiếng luôn gây ra các mối đe dọa đối với các nền dân chủ thông qua việc giành quyền kiểm soát các cơ sở hạ tầng ở nước ngoài, ví dụ như họ đã mua các cảng ở Hy Lạp, triển khai dịch vụ 5G khắp thế giới thông qua Huawei. Một khi Bắc Kinh giành được ảnh hưởng lớn đối với viễn thông, bến cảng và ngành công nghiệp hạt nhân, nó sẽ là mối đe dọa đối với các nước phương Tây và các xã hội dân chủ.

Mặc dù Quốc hội Ý đã khuyến nghị chính phủ không để Huawei tham gia vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng 5G vì các mối lo ngại về an ninh quốc gia, nhưng phía chính phủ Ý vẫn chưa đưa ra quyết định rõ ràng. Trong thời gian dịch Covid bùng phát ở Ý, Trung Quốc đã bán vật tư y tế cho nước này, và mặc dù rất nhiều vật tư y tế không đạt tiêu chuẩn, nhưng Bộ trưởng Ngoại giao Ý vẫn vui vẻ làm theo bộ máy tuyên truyền của Bắc Kinh là nhiệt liệt cảm ơn Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã “giúp đỡ”.

Ông Vương Nghị trong chuyến thăm Ý đã nói rằng, Trung Quốc không muốn có một cuộc Chiến tranh Lạnh mới, vì nó sẽ là một bước thụt lùi cho thế giới. Phát biểu này phần nào có vẻ khôi hài, bởi vì chính Bắc Kinh là thế lực gây hấn trên thế giới, bóp nghẹt tự do Hồng Kông, vi phạm nhân quyền một cách có hệ thống và xâm nhập mạnh mẽ vào các nước khác.

Mọi hành động đều gây ra phản ứng chống đối tương ứng: Bắc Kinh đã hung hăng bành trướng thế lực, do đó thế giới và những nước bị áp bức đã phản ứng để bảo vệ mình; Bắc Kinh bưng bít thông tin về COVID-19 và tung ra các chiến dịch tuyên truyền rầm rộ để “minh oan”. Thế giới phản ứng bằng cách đưa thông tin sự thật, và tỏ ra mất lòng tin vào chính quyền Trung Quốc.

Ông Vương Nghị thực hiện chuyến thăm này với hy vọng “minh oan” cho Bắc Kinh, hy vọng thế giới quên đi những gì đã xảy ra gần đây ở Hồng Kông, để cứu chính quyền Trung Quốc khỏi sự cách ly với thế giới tự do. Vương và Bắc Kinh có thành công hay không, phụ thuộc vào việc châu Âu có nhớ lại những gì đã xảy ra vào năm ngoái hay không – từ những gì đã diễn ra tại Hồng Kông đến đại dịch COVID-19.

Ngay cả khi việc làm ăn với Trung Quốc là không thể tránh khỏi trong thế giới toàn cầu hóa, thế giới cũng không nên dung thứ cho các hành vi sai trái của Trung Quốc. Châu Âu phải giải quyết vấn đề vi phạm nhân quyền của Bắc Kinh, đồng thời nhận thức được sự xâm nhập và bản chất bành trướng của thế lực này. Chính quyền Trung Quốc có thể mang lại lợi ích kinh tế, nhưng thế giới phải trả một cái giá đắt – không phải về tiền bạc, mà là sự hy sinh những giá trị trân quý – đó là tự do và dân chủ.

Khi Vương tiếp tục chuyến đi “tẩy trắng” của mình, tôi kêu gọi chính phủ các quốc gia châu Âu bày tỏ mối quan ngại của họ về sự vi phạm nhân quyền của Trung Quốc. Đồng thời cần bày tỏ mối quan ngại đối với luật an ninh quốc gia Hồng Kông và thực hiện các hành động khi cần thiết.

Khi đối đầu với chủ nghĩa độc tài, chúng ta nên cùng nhau bảo vệ các giá trị và đồng lòng trong cuộc đấu tranh cho dân chủ ở mọi nơi. Phong trào ở Hồng Kông đã mang lại sự thay đổi cho thế giới, đó là việc nhận thức rõ hơn về các hành động của Bắc Kinh ở châu Âu và các nước khác. Hy vọng châu Âu sẽ không dễ dàng bị mua chuộc bằng tiền.

Related posts