- Lâm Duệ
Gần đây có truyền thông ngoài Trung Quốc đưa tin, 50 tỷ USD tiền mã hóa đã được chuyển ra ngoài lãnh thổ Trung Quốc. Chuyên gia cho rằng, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) không ngăn chặn được sự vận hành của “thị trường xám” của đồng tiền mã hóa, đồng thời do ‘hiệu ứng chìm thuyền’, nên người dân mượn cơ hội này để chuyển tiền ra nước ngoài.
Đằng sau việc giá thị trường USDT của Tether tăng mạnh
Trước đó, Bloomberg News đã trích dẫn báo cáo nghiên cứu của cơ quan phân tích blockchain Chainalysis cho biết, trong một năm qua, có khoảng 50 tỷ USD tiền mã hóa đã được chuyển ra ngoài lãnh thổ Trung Quốc.
Báo cáo chỉ ra, tiền USDT của Tether có lượng người dùng từ khu vực Đông Á lên đến 93%, trong cùng thời kỳ, số đồng USDT được chuyển ra ngoài Đông Á có trị giá lên đến hơn 18 tỷ USD.
Đồng USDT là một đồng tiền ảo mã hóa liên kết với đồng tiền pháp định USD. Tether là nhà phát hành USDT.
Theo thông tin từ trang web về tiền mã hóa CoinMarketCap, tổng giá trị thị trường của đồng USDT từ tháng 5 năm nay đã đột phá mốc 10 tỷ USD, lên đến 13,7 tỷ USD vào ngày 4/9, xếp thứ 3 chỉ sau Bitcoin và Ethereum.
Tháng 6/2020, công ty Sino Global Capital tại Bắc Kinh đã cung cấp báo cáo cho truyền thông ngoài Trung Quốc là Decrypt và chỉ ra, đằng sau việc giá thị trường của USDT tăng mạnh, có khả năng liên quan đến việc người đầu tư Trung Quốc mượn đồng USDT để tiến hành mua bán Bitcoin.
Bài viết này nhắc đến, mặc dù chính quyền Trung Quốc thừa nhận đồng Bitcoin thực tế là tài sản, nhưng về hình thức lại cấm giao dịch. Bất cứ ai sử dụng đồng Nhân dân tệ giao dịch Bitcoin, về kỹ thuật thì không vi phạm pháp luật, nhưng sẽ bị đóng băng thậm chí là đóng tài khoản ngân hàng.
Việc này khiến cho USDT trở thành một mắt xích trong giao dịch đồng Bitcoin tại Trung Quốc. Giám đốc điều hành của Sino Capital, ông Matthew Graham cho biết, điều này khiến giao dịch ngoài sàn (OTC) tại Trung Quốc có một thị trường khổng lồ, và đồng USDT chính là chìa khóa cho các giao dịch này.
OTC (hay Over The Counter), là chỉ giao dịch công khai không tập trung trên sàn giao dịch, mà là giao dịch thỏa thuận riêng giữa người mua và người bán.
Trong một khoảng thời gian trước đây, hệ thống báo giá bên ngoài sàn giao dịch tiền mã hóa, thông thường đều là dùng đồng USD hoặc Bitcoin làm tiêu chuẩn cơ sở. Xu thế này trong một hai năm gần đây đã xảy ra thay đổi, một số lượng lớn các giao dịch tiền tệ ổn định đã bắt đầu xuất hiện trên thị trường.
ĐCSTQ kiểm tra “Sàn giao dịch tiền ảo” nhưng không thể ngăn dòng tiền chảy ra ngoài
Gần đây, Epoch Times đã nhận được một thông báo “Thông báo về việc thắt chặt kiểm tra xử lý đầu mối sàn giao dịch tiền ảo” của tỉnh An Huy. Thông báo cho thấy, tháng 11/2019, văn phòng quản lý các địa phương ở An Huy phối hợp với Ngân hàng Trung ương, rà soát các sàn giao dịch tiền ảo trong phạm vi quản lý của mình.
Văn kiện còn yêu cầu các thành phố tiến hành xác thực manh mối, “Tình huống liên quan một khi được xác thực, lập tức yêu cầu cơ quan liên quan chấn chỉnh ngay.”
Tuy nhiên, hành động này của chính quyền không thể ngăn chặn dòng tiền thông qua tiền ảo chảy ra ngoài được.
Ông Trương Tân Vũ, cựu giáo sư Học viện công trình Ninh Ba, người sáng lập Phong trào Tự do thông tin toàn cầu, chia sẻ với Epoch Times rằng, ông có người bạn cư trú ở Canada, gần đây đã đã bán nhà ở Bắc Kinh, “Tôi nói, bạn làm thế nào mà chuyển được tiền ra ngoài? Anh ấy nói thông qua Bitcoin.”
Ông nói, “Đồng Bitcoin và những tiền tệ mã hóa khác, do có đặc tính tách khỏi trung tâm, nên ĐCSTQ không quản được, chỉ cần có mạng internet, thì ĐCSTQ không kiểm soát được.” Không ít người Trung Quốc nắm giữ tài khoản Bitcoin, dùng Nhân dân tệ để mua Bitcoin, rồi ra nước ngoài lại bán Bitcoin đi để đổi lấy USD. Họ dùng phương thức này để chuyển tiền ra nước ngoài.
Vì để tấn công Bitcoin, chính quyền ĐCSTQ đã cấm các ngân hàng trong nước cung cấp cung cấp tài khoản tiến hành giao dịch Bitcoin, buộc các nhà đầu tư Trung Quốc đi vòng ra nước ngoài, cũng khiến cho giao dịch ngoài luồng trở nên sôi động.
“Giao dịch ngoài luồng ở Trung Quốc chắc chắn là bất hợp pháp”, một chuyên gia tài chính kinh tế (không tiện tiết lộ danh tính) ở Trung Quốc Đại Lục nói với Epoch Times. Nếu xây dựng một sàn giao dịch tiền mã hóa ở trong nước tương đương với một nền tảng tài chính, thì cần phải được Quốc vụ viện phê chuẩn.
Ông nhắc đến, tuy nhiên kinh nghiệm quá khứ, các sản phẩm tài chính như cổ phiếu, chứng khoán và hợp đồng tương lai đều do Chính phủ Trung Quốc điều hành và các tổ chức tư nhân hiếm khi được sử dụng để vận hành các sàn giao dịch. “Cho nên, cần phải mượn đường bên ngoài, nhiều nền tảng giao dịch chính đều ở ngoài Trung Quốc”.
Ông giải thích, hiện tại chính quyền định nghĩa các loại tiền mã hóa như Bitcoin là “sản phẩm ảo”, chứ không phải là “tiền ảo”, “tương đương với khi chơi trò chơi mua một trang bị trong trò chơi đó, và tiền trò chơi nó vẫn không phải là khái niệm tiền tệ. Hiện tại vẫn chưa có luật cụ thể để có thể quản lý, tiền mã hóa ở Trung Quốc vẫn là một thị trường màu xám.”
Ông Lý Hằng Thanh (Li Hengqing), kiểm toán viên cao cấp kiêm giám đốc Viện Chiến lược và Thông tin ở Washington, D.C., nói với Epoch Times rằng trước đây, một số doanh nhân Trung Quốc đã xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài để trốn tránh các biện pháp kiểm soát ngoại hối, đã đem sản phẩm xuất khẩu ra nước ngoài, trao đổi ngoại hối và giao dịch trực tiếp tại Mỹ. “Hiện nay các ngân hàng vô hình và sàn giao dịch xuất khẩu không dễ xử lý, họ bị nắm rất chặt, và có thể bị đi tù bất cứ lúc nào.”
Ban đầu, hạn ngạch trao đổi là 50.000 USD / người / năm, ông Lý Hằng Thanh cho biết trong những năm gần đây, hạn ngạch này đã trở nên nghiêm ngặt hơn, các ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nhỏ thậm chí ngân hàng tầm trung ở các nơi cũng hủy bỏ dịch đổi ngoại hối. “Trước tiên phải đổi bao nhiêu tiền vào thì mới đủ hạn mức tương ứng để đổi ra. Nếu không thì phải đổi ở ngân hàng cấp tỉnh, phải qua kiểm tra nhiều lần. Nhiều người thấy phiền phức nên không đổi nữa”.
Ngoài ra, Ngân hàng Trung ương ĐCSTQ đã phát hành một lượng lớn đồng Nhân dân tệ, và các doanh nhân nắm giữ lượng lớn tiền mặt lo lắng rằng đồng Nhân dân tệ sẽ mất giá nhanh chóng trong tương lai. “Mọi người đều cảm thấy đồng Nhân dân tệ không ổn định và muốn thoát khỏi đồng tiền này, nhưng làm thế nào đây?” Những nhân tố này khiến cho mỗi ngày có hàng trăm triệu USD lưu thông bên ngoài các sàn giao dịch ở biên giới Trung – Nga. “Điều này liên quan đến các biện pháp kiểm soát vốn ngoại hối trong nước hiện nay của ĐCSTQ.”
Chuyên gia: ‘Hiệu ứng chìm thuyền’, tiền đều đang chuyển ra nước ngoài
Mặc dù tiền điện tử được phân cấp và phi tập trung nhưng vẫn có những rủi ro do bản thân sàn giao dịch này thiếu sự giám sát. Tin tức về sự sụp đổ và đóng cửa của các sàn giao dịch OTC đa quốc gia mà không có cảnh báo đã được nghe thấy vào năm 2018. Sàn giao dịch WEX của Nga đã đóng cửa, tiền mã hóa trị giá 500 triệu USD đã biến mất, đằng sau sự việc này là tin đồn về việc cướp bóc của Cục tình báo thuộc Cơ quan an ninh Nga và các doanh nhân giàu có ở Moscow. Sự kiện này này đã gây chấn động thị trường.
“Các thương nhân biết rằng có rủi ro lớn như vậy nhưng họ vẫn chấp nhận rủi ro”, ông Lý Hằng Thanh cho rằng, điều này là do họ ý thức được việc bỏ tiền vào một quốc gia do ĐCSTQ kiểm soát còn rủi ro hơn là liều mình bỏ trốn
Ông đưa ra một ví dụ, mặc dù ĐCSTQ đã tuyên bố thúc đẩy blockchain, nhưng thực tế họ đã không nhìn thấy các chính sách công nghiệp liên quan, ngược lại còn ra đòn nặng đối với hai công cụ thanh toán di động đang thịnh hành nhất tại Trung Quốc là WeChat Pay và Alipay.
Ông Lý Hằng Thanh chỉ ra, “Ngân hàng Trung ương ĐCSTQ ngay lập tức nắm lấy hệ thống thanh toán Alipay và WeChat Pay. Dù không nói gì với thế giới bên ngoài, nhưng người kiểm soát thực tế các công cụ thanh toán này không còn là Tencent và Alibaba nữa. Hiện tại, người kiểm soát thực sự là Ngân hàng Trung ương ĐCSTQ.”
Điều nữa là, Ngân hàng Trung ương ĐCSTQ đã thí điểm “quản lý tiền mặt lớn” vào tháng 6 năm nay. Áp dụng hệ thống tên thật cho các khoản tiền gửi của cá nhân và doanh nghiệp, và các khoản rút tiền hơn 100.000 Nhân dân tệ phải được đặt lịch trước, “Điều này đúng là không thể tin được.”
Trong vài năm qua, tất cả các ngân hàng vô hình và ngân hàng ngầm đều bị ĐCSTQ kiểm soát chặt chẽ. “Nếu không được kiểm soát, chế độ ĐCSTQ sẽ không tồn tại nổi một ngày, các ngân hàng sẽ bị đổi hết tiền mặt và bị đóng cửa.”
“Mọi người đều biết rằng con tàu đang chìm, và họ nghĩ mọi cách để nhảy khỏi con tàu này.” Họ biết rằng nếu nhảy khỏi con tàu này quá muộn, thì tương lai sẽ có rất nhiều trường hợp giống như Ngô Tiểu Huy của Anbang Group, cha con Vương Kiện Lâm của Wanda.
Ông Lý Hằng Thanh cho rằng, “Chính là do con tàu (ĐCSTQ) đang chìm, nên người ta muốn thoát nhảy ra ngoài. Có rất nhiều người muốn trốn thoát, nhưng lại không có kênh thông thường nào để trốn thoát. Do đó họ chấp nhận rủi ro và sử dụng USDT để chuyển tiền ra ngoài.”
Lâm Duệ / Epoch Times