Tin thế giới sáng thứ Hai

Chuyên gia: Trung Quốc hung hăng, Đài Loan có ‘cơ hội để đời’ để thiết lập các liên minh quốc tế

Ảnh: Wikimedia Commons

Hành vi gây hấn với EU, Anh và Mỹ của Trung Quốc mang lại cho Đài Loan cơ hội ngoại giao tuyệt vời với thế giới.

Chính quyền Trung Quốc đã chèn ép Đài Loan trong hơn 40 năm qua. Nhưng chính những hành động ngạo mạn và gây hại cho thế giới vừa qua, đã khiến thế  giới nhìn nhận lại thực chất hai bên Trung Quốc và Đài Loan.

Tờ báo Pháp Le Monde hôm 14/9 đã đăng bài bình luận của một nhóm gồm chín chuyên gia và đại biểu – bao gồm cựu Bộ trưởng Bộ các vấn đề châu Âu của Pháp – theo đó kêu gọi châu Âu hành động và duy hộ nền dân chủ ở Đài Loan, trước một Trung Quốc ngày càng hung hăng và độc tài.

Bài báo cho rằng EU không có lựa chọn nào khác ngoài việc xem xét lại các mối quan hệ do hành vi gần đây của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) trên trường quốc tế. Nó nhấn mạnh EU đã thuận theo lập trường của Trung Quốc về Đài Loan trong nhiều năm.

Bài báo kết luận rằng đã đến lúc EU phải xem xét lại chính sách của mình đối với Đài Loan trước những hành động gần đây của chính quyền Trung Quốc. Hàm ý rõ ràng là EU cần phải công nhận và hỗ trợ nhiều hơn cho Đài Loan và tìm cách bảo vệ Đài Loan khỏi sự thù địch của Trung Quốc.

Có vẻ như một nhân tố rất lớn trong bài viết này là thái độ mà ĐCSTQ đã thể hiện với Chủ tịch Thượng viện Séc trong chuyến thăm Đài Loan. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói rằng lãnh đạo Séc sẽ phải “trả giá đắt” và ĐCSTQ sẽ cấm tất cả thành viên trong phái đoàn Séc vào Trung Quốc.

Sự thù địch trơ trẽn của ĐCSTQ đã dẫn đến phản ứng mạnh mẽ từ người Séc và nhiều người ở châu Âu đã bị sốc.

Việc ĐCSTQ đàn áp người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ là một hành động diệt chủng. Trong khi việc sáp nhập Hồng Kông thể hiện sự khinh thường, không chỉ đối với Vương quốc Anh, bên đã ký Tuyên bố chung Trung-Anh, mà là toàn bộ căn bản của luật pháp quốc tế đã được thiết lập.

Cách thức của ĐCSTQ trong việc xử lý đại dịch virus Vũ Hán và thao túng Tổ chức Y tế Thế giới, đã cho thế giới phương Tây hiểu rằng, Trung Quốc không phải là những vị cứu tinh về kinh tế, mà ĐCSTQ là một mối đe dọa lớn đối với các nước EU và toàn bộ thế giới tự do.

Cơ hội lớn

ĐCSTQ hoặc đã không nắm bắt được sự thay đổi về nhận thức này, hoặc chỉ đơn giản là không quan tâm. Nó tin rằng nó có thể bắt nạt thế giới để phục vụ những gì nó muốn. Sự lãnh đạo mạnh mẽ của Tổng thống Mỹ Donald Trump về vấn đề này đã cho thấy đây không phải là hành động cá biệt của ĐCSTQ. Các nước Anh cũng như EU hiện đang đi theo sự dẫn dắt của ông.

Đối với Đài Loan, đây là một cơ hội lớn và các chuyến thăm gần đây của phái đoàn Séc và Bộ trưởng Y tế Hoa Kỳ Alex Azar có thể chỉ là bước khởi đầu. Mỹ đã sẵn sàng cho một hiệp định thương mại tự do và thậm chí là chặt chẽ hơn các mối quan hệ quân sự và ngoại giao với Đài Loan.

Vương quốc Anh đang sẵn sàng cho Brexit vào cuối năm nay và việc đảm bảo một thỏa thuận thương mại tự do với Đài Loan là một mục tiêu có thể đạt được. Gần đây, nước này vừa ký một hiệp định như vậy với Nhật Bản và việc Anh muốn tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cho thấy nước này đang ưu tiên khu vực Đông Nam Á.

Rạn nứt của EU với Trung Quốc về Hồng Kông có vẻ sẽ gia tăng. Đây là cơ sở mà Đài Loan có thể xây dựng mối quan hệ ngoại giao sâu sắc hơn và có ý nghĩa hơn. Hiện EU đang có những lời bàn rằng quan hệ Đài Loan cần phải được đánh giá lại. Trong khi Ấn Độ cũng đang nhanh chóng điều chỉnh lại quan hệ với Trung Quốc, sau khi ĐCSTQ xâm nhập lãnh thổ Ấn Độ và các cuộc giao tranh quân sự sau đó giữa hai nước.

Đây là cơ hội chỉ có một lần trong đời đối với Đài Loan và với một chính phủ mạnh mẽ và được lòng dân trong 4 năm tới, cơ hội đạt được tiến bộ ngoại giao to lớn nằm trong tầm tay của họ.

Chính phủ Đài Loan phải tận dụng cơ hội này bằng cả hai tay và làm bất cứ điều gì cần thiết để cải thiện mối quan hệ giữa Đài Loan với Mỹ, Anh, EU, Ấn Độ và bất kỳ quốc gia nào khác sẵn sàng lắng nghe.

Đài Loan phải cung cấp nguồn lực và những người giỏi nhất của mình cho nhiệm vụ và sẵn sàng thỏa hiệp khi cần thiết nếu họ tin rằng có thể đạt được tiến bộ thực sự. Việc bổ nhiệm Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đài Loan Kelly Hsieh làm đại sứ mới tại London cho thấy họ đang thực hiện chính xác điều đó.

Cơ hội này có thể sẽ không bao giờ xuất hiện nữa và nếu chính phủ của tổng thống Thái Anh Văn có thể thực hiện, họ sẽ ghi cho mình một vị trí rất đặc biệt trong lịch sử Đài Loan.

Theo Taiwan News
Đại Nghĩa biên dịch

‘Bộ Tứ Kim Cương’ dự kiến họp vào tháng 10 khi Trung Quốc ngày càng hung hăng

Từ trái sang, trên xuống: Ngoại trưởng Nhật Toshimitsu Motegi, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo; Ngoại trưởng Úc Marise Payne; Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar (ảnh: Reuters, CNA/Youtube).

Trang Nikkei Asian Review trích dẫn nguồn tin chính phủ Nhật hôm 19/9 cho biết, Ngoại trưởng các nước Nhật Bản, Hoa Kỳ, Úc và Ấn Độ có thể gặp nhau tại Tokyo vào tháng 10 tới.

Các nguồn tin cho biết, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và những người đồng cấp Nhật Bản, Úc, Ấn Độ tập hợp vào thời điểm chính quyền Trung Quốc đang tăng cường ảnh hưởng trong khu vực.

Các nhà ngoại giao hàng đầu của “Bộ tứ Kim Cương” có khả năng sẽ tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì một Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Đây là chủ đề mà Tokyo và Washington quan tâm trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng hung hăng trong khu vực.

Nikkei Asian Review cho biết thêm, tân thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide có thể hội đàm bên lề với Ngoại trưởng Mike Pompeo. Nếu điều này diễn ra, đây là lần đầu tiên ông Suga có cuộc gặp trực tiếp với ông Pompeo kể từ khi kế nhiệm Shinzo Abe.

Bốn ngoại trưởng đã gặp nhau vào tháng 9 năm ngoái tại New York, trong khoảng thời gian diễn ra Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.

Black Lives Matters góp mặt trong 91% các cuộc bạo loạn gần đây ở Mỹ

(Ảnh chụp màn hình/ Great Big Story)

Một nghiên cứu chỉ ra rằng, 91% trong số 637 cuộc bạo loạn ở Mỹ trong giai đoạn 26/5 đến 12/9 có liên quan đến phong trào Người da đen đáng được sống (Black Lives Matter – BLM), một phong trào cực đoan cánh tả dưới danh nghĩa chống phân biệt chủng tộc người da đen, theo Daily Caller ngày 17/9.

Những cuộc bạo động này đã nổi lên từ ngày 26/5, một ngày sau cái chết của George Floyd, một người Mỹ gốc Phi bị cảnh sát ngộ sát ở thành phố Minneapolis.

Tình trạng bạo lực trong những cuộc bạo loạn đã gây ra cái chết của hàng chục người, hàng nghìn vụ hỏa hoạn, cướp bóc và đốt phá hàng nghìn doanh nghiệp nhỏ, và bị phản đối rộng khắp ở các tầng lớp xã hội khác nhau.

Một trong những nhà phê bình chính phong trào BLM là cựu cầu thủ NFL người Mỹ gốc Phi nổi tiếng, Herschel Walker. Anh thổ lộ rằng ban đầu anh cảm thấy đồng cảm với phong trào, cho đến khi anh “thức tỉnh” khi nhận ra rằng các nhà lãnh đạo BLM được đào tạo theo học thuyết Mác xít.

“Cuối cùng thì tôi cũng đã THỨC TỈNH … Tôi mong nước Mỹ cũng thức tỉnh theo! Như Maya đã nói, khi ai đó nói với bạn họ là ai, hãy tin họ”, anh Walker đăng trên Twitter, đồng thời chỉ ra giới truyền thông chủ lưu đã đồng lõa với phong trào Mác xít này.

Trên thực tế, những người đồng sáng lập phong trào, Patrisse Cullors và Alicia Garza, từng tuyên bố mình được đào tạo theo hệ tư tưởng chủ nghĩa Mác.

Trong một video năm 2015, Patrisse Cullors tuyên bố rằng các nhà lãnh đạo của BLM là “những người được đào tạo theo chủ nghĩa Mác” và xác định BLM đi theo ý thức hệ đó.

Khuynh hướng thiên tả cực đoan của Đảng Dân chủ khiến họ bị coi là những người theo đuổi chủ nghĩa Mác-xít.

Phil Robertson, người dẫn chương trình “In the Woods with Phil” của Blaze TV và là ngôi sao trên chương trình “Duck Dynasty”, đã cáo buộc đảng Dân chủ ủng hộ những người theo chủ nghĩa Mác-xít, gạt bỏ các giá trị truyền thống của họ. 

“Hệ tư tưởng Mác xít đã thay thế các giá trị Cơ đốc [nguyên gốc] của đảng Dân chủ”, ông Robertson nói, theo Breitbart.

“Họ đã thay Chúa Giê-xu Christ bằng Karl Marx. Karl Marx (Kác-mác) là người mà họ sẽ đồng hành”, Robertson nói.

Đối với Tổng thống Donald Trump, hệ tư tưởng Mác-xít mà phong trào BLM theo đuổi là độc hại.

“Black Lives Matter là một tổ chức theo chủ nghĩa Mác-xít, đó là một cái tên không mấy tốt lành, nó mang tính phân biệt giai cấp. Nó rất tệ hại cho người da đen, nó tệ hại cho tất cả mọi người”, Tổng thống Trump nói và giải thích rằng phong trào này cũng đã sụp đổ khi không được công chúng tán thành.

Khi thiệt hại do các cuộc bạo loạn do BLM gây ra gia tăng, sự phản đối của công chúng cũng ngày càng trở nên mạnh mẽ.

Trong số những người da trắng, sự chấp nhận đối với BLM vốn đã tiêu cực hiện đang tiếp tục giảm, và trong số những nhân sĩ da trắng độc lập không có quan điểm đảng phái, sự sụt giảm tỷ lệ ủng hộ đối với BLM là rất đáng kể, từ mức 23% vào đầu tháng 6 xuống còn 3% vào ngày 17/9. 

Theo the BL
Hương Thảo biên dịch

Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ gặp các nhà hoạt động Trung Quốc và Hồng Kông tại Đài Loan

Thứ trưởng ngoại giao Mỹ Keith Krach (ảnh chụp màn hình Youtube/ Keith Krach)

Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Keith Krach hôm 18/9 đã gặp gỡ các nhà hoạt động dân chủ Trung Quốc và Hồng Kông trong chuyến thăm tới Đài Loan.

Taiwan News dẫn các nguồn tin cho biết, ông đã gặp gỡ các nhà hoạt động dân chủ từ khắp eo biển Đài Loan, bao gồm người bán sách Hồng Kông Lâm Vinh Cơ (Lam Wing-kee); cựu thủ lĩnh sinh viên phong trào Thiên An Môn Ngô Nhĩ Khai Hy (Wu’er Kaixi), và nhà hoạt động Trung Quốc Liao Qiang và Ren Ruiting.

Ông Lâm Vĩnh Cơ nói với hãng tin CNA rằng ông đã đề nghị giới chức Hoa Kỳ hỗ trợ các sinh viên đã đào thoát khỏi Hồng Kông và đang ở Đài Loan. Người bán sách cho biết các quan chức đã nói với anh ta rằng họ sẵn sàng giúp các sinh viên chuyển đến Mỹ, nhưng không cung cấp thông tin chi tiết.

Theo CNA, các quan chức từ Hội đồng Các vấn đề Đại Lục của Đài Loan (MAC) cũng đã đến gặp phái đoàn Mỹ để thảo luận về chủ đề tương tự, nhưng họ chưa xác nhận thông tin.

Trên trang Facebook của mình (bên dưới), Ngô Nhĩ Khai Hy cho biết ông đã có cuộc gặp với Thứ tưởng Krach, Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ Robert Destro, Đại sứ Mỹ Kelley Currie và Cựu Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Randall Schriver. Ông Ngô đã đề cập đến các chủ đề khác nhau, từ tình hình ở Tân Cương và Tây Tạng đến nhu cầu tôn trọng hơn đối với Đài Loan.

Thứ trưởng Krach đã tới Đài Loan hôm 17/9. Ngày 18/9, ông Krach gặp Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn. Vị quan chức Mỹ đã tham dự lễ tưởng niệm cựu tổng thống Đài Loan Lý Đăng Huy vào ngày 19/9 và rời khỏi sân bay Tùng Sơn Đài Bắc lúc 13h30 cùng ngày.

Taiwan News đưa tin, Bộ Ngoại giao Đài Loan cho biết, mặc dù Thứ trưởng Krach đã dành ít hơn 48 giờ ở Đài Loan, nhưng ông đã trao đổi ý kiến ​​với các quan chức chính phủ cấp cao và đại diện từ mọi tầng lớp xã hội. Bộ Ngoại giao nhận định mối quan hệ kinh tế và đối tác toàn cầu giữa Đài Loan – Hoa Kỳ dựa trên các giá trị chung sẽ phát triển hơn nữa.

Mỹ phát hiện phong bì chứa chất cực độc gửi đến Nhà Trắng

Cảnh sát Hoàng gia Canada (RCMP) hôm thứ Bảy cho biết, một phong bì được gửi đến Nhà Trắng có chứa ricin – một chất độc gây chết người. Phong bì này đã bị chặn tại một trung tâm thư tín của chính phủ trước khi tới Nhà Trắng, theo Reuters.

Cục điều tra liên bang Mỹ FBI cho biết đang phối hợp với Cơ quan Mật vụ (USSS) và Cơ quan Thanh tra Bưu điện Mỹ điều tra một lá thư đáng ngờ nhận được tại một cơ sở thư tín của chính phủ Hoa Kỳ. Tại thời điểm này, không có mối đe dọa nào đối với an toàn công cộng được ghi nhận”.

Ricin được tìm thấy tự nhiên trong hạt thầu dầu. Chất này có thể được sử dụng để tạo thành vũ khí sinh học và có thể gây tử vong trong vòng 36 đến 72 giờ kể từ khi tiếp xúc với một lượng nhỏ dù chỉ như đầu kim. Hiện chưa có thuốc giải độc cho chất này

Trước đây từng có nhiều vụ việc phong bì chứa chất ricin được gửi tới các quan chức Mỹ.

Trung Quốc đối mặt nguy cơ tăng đột biến số ca nhiễm Covid-19 vào mùa đông

Trung Quốc đang đối mặt với rủi ro bùng phát làn sóng lây nhiễm Covid-19 mới khi mùa đông đến gần, SCMP trích dẫn ý kiến chuyên gia của nước này.

Wu Zunyou, trưởng nhóm dịch tễ học tại Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc (CDC), cho biết nước này đã trải qua 4 làn sóng lây nhiễm và làn sóng thứ 5 rất có khả năng sẽ xảy ra. 

Đợt bùng phát đầu tiên là ở Vũ Hán. Làn sóng thứ hai là đợt bùng phát cục bộ do các ca bệnh nước ngoài nhập cảnh ở các thành phố đông bắc Trung Quốc hồi tháng 4 và tháng 5.

Làn sóng thứ ba bắt đầu tại khu chợ thực phẩm Tân Phát Địa ở Bắc Kinh hồi tháng 6 và làn sóng thứ tư là các trường hợp rải rác hồi tháng 7 được phát hiện ở thành phố phía Đông Bắc Đại Liên và Urumqi, thủ phủ vùng Tân Cương, miền viễn tây Trung Quốc, ông Wu cho biết.

Phơi bày trình độ sản xuất chip Trung Quốc: Chỉ có thể dùng cho điện thoại nắp gập

Bằng lệnh cấm của mình, chính quyền Tổng thống Trump có thể khiến Huawei điêu đứng khi Trung Quốc không thể tự sản xuất chip có trình độ kỹ thuật cao.

Hôm thứ Ba (15/9), Hoa Kỳ đã chính thức cắt bỏ khả năng thu mua chip của Huawei từ các kênh thương mại, điều này đã cắt đứt “đường sống” của Huawei. Các quan chức Trung Quốc từng tự hào về khởi đầu ngành công nghiệp sản xuất chip của Trung Quốc, và kết quả của cuộc chiến này cần phải được đánh giá trong thời gian mười năm, hoặc thậm chí lâu hơn. Nhưng so sánh trình độ công nghệ của Trung Quốc và Mỹ, có thể thấy sự khác biệt rất lớn trong lĩnh vực chip bán dẫn giữa hai nước này.

Lệnh cấm của chính phủ Mỹ đối với Huawei khiến tất cả các công ty gần như không thể bán chip cho Huawei nếu không được phép của chính phủ Mỹ. BBC cho rằng, lệnh cấm đối với Huawei nếu không phải là án tử hình thì nó cũng tương đương với “án tử hình treo”.

Hiện tại, Huawei đã thừa nhận dự trữ chip của họ còn rất ít và thế hệ điện thoại di động mới Huawei Mate 40 được trang bị chip Kirin sẽ không thể sản xuất được nữa do các vấn đề về chip. Các nhân viên của Huawei cũng lo lắng, nếu không có con chip này thì “chúng tôi còn có thể sản xuất được gì nữa?”

Tờ New York Times tiết lộ rằng, do lo ngại về các lệnh trừng phạt tiếp theo của Hoa Kỳ, các nhân viên Huawei không thấy được hy vọng cho tương lai của Huawei nên đã rời khỏi công ty.

Điều đáng chú ý là Huawei chỉ là một ví dụ về sự phụ thuộc quá lớn về công nghệ của Trung Quốc vào Hoa Kỳ.

Bài viết của New York Times ngày 18/9 chỉ ra rằng, mặc dù trong các lĩnh vực nhận dạng khuôn mặt, trí tuệ nhân tạo, công nghệ viễn thông 5G, Trung Quốc dường như đã trở thành siêu cường quốc công nghệ của thế giới. Tuy nhiên, công nghệ của Trung Quốc trong ngành bán dẫn trên lĩnh vực then chốt như công nghệ kỹ thuật số lại thua xa trình độ hàng đầu quốc tế của Hoa Kỳ, và sự khác biệt là vô cùng lớn.

Bài báo cũng cho biết: “Nhà sản xuất chip hàng đầu của Trung Quốc – SMIC đang nỗ lực để chế tạo ra chip 40 nm mà không sử dụng công nghệ của Mỹ. Điều này nghe có vẻ khá hay, nhưng công nghệ tiên tiến hiện nay của Trung Quốc chỉ có thể chế tạo được chip 5 nm. Ngay cả khi Trung Quốc thông qua ‘Mỹ hóa’ công nghệ và thành công trong cuộc đua sản xuất chip 40 nm thì những con chip mà Trung Quốc sản xuất sẽ chỉ đạt đến trình độ dùng cho điện thoại nắp gập”.

Hoa Kỳ nắm trong tay công nghệ thiết kế và sản xuất chip tiên tiến nhất hiện nay. Sản phẩm của các công ty Mỹ như Cadence Design Systems và Lam Research gần như không thể thay thế được.

Bộ Thương mại Hoa Kỳ có thể khiến hầu hết các công ty công nghệ trên thế giới ngừng hoạt động thông qua việc ngừng cung cấp các sản phẩm mà họ sản xuất.

Những người am hiểu vấn đề này đã tiết lộ với Bloomberg rằng, trước những hạn chế của chính phủ Mỹ, các nhà lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc sẽ họp vào tháng sau để đưa ra chiến lược kinh tế trong 5 năm tới nhằm phát triển toàn diện ngành công nghiệp bán dẫn thế hệ thứ ba. Trung Quốc đang chuẩn bị xây dựng một loạt chính sách mới và sẽ đầu tư 9,5 nghìn tỷ nhân dân tệ để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn vào năm 2025. Ưu tiên của nhiệm vụ này là “giống như chế tạo bom nguyên tử”.

Tuy nhiên, tờ New York Times nhận xét rằng, các nhà phân tích trong ngành công nghiệp này đều dự tính rằng, Trung Quốc sẽ không thể nhanh chóng thoát khỏi sự phụ thuộc vào công nghệ của Mỹ. Bởi vì các ngành công nghiệp chế tạo trên quy mô siêu nhỏ như nanomet về cơ bản không thể được tạo ra từ con số không. Chính phủ Trung Quốc không có lựa chọn nào khác, Trung Quốc phải chi tiền cho việc nhập khẩu chip nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác.

Người biểu tình Thái Lan gửi lá thư yêu cầu lên nhà vua

Nhà hoạt động sinh viên Panusaya Sithijirawattankul gửi bức thư yêu cầu đến cảnh sát vào hôm nay (ảnh: Reuters).

Hàng nghìn người biểu tình hôm nay đã tụ tập trong ngày thứ hai liên tiếp trong nỗ lực yêu cầu cải cách chế độ quân chủ và thay đổi trật tự chính trị tại quốc gia Đông Nam Á. Họ đã gửi một bức thư ngỏ cho Quốc vương Thái Lan Maha Vajiralongkorn trước khi giải tán một cách hòa bình, theo SCMP.

Bức thư có ba yêu cầu chính: cải cách chế độ quân chủ, Thủ tướng Prayut Chan-ocha và chính phủ của ông phải từ chức, và soạn thảo một bản hiến pháp mới, dân chủ hơn để thay thế bản hiến pháp hiện tại được soạn thảo dưới sự thống trị của quân đội. 

Bức thư của những người biểu tình, trong đó kêu gọi chấm dứt chế độ phong kiến ​​và độc tài, đã được chuyển đến tay cảnh sát trưởng Pakkapong Pongpetra tại thủ đô Bangkok. Những người biểu tình sau đó đã giải tán mà không tuần hành đến Tòa nhà Chính phủ theo kế hoạch trước đó. Cuộc biểu tình hôm đầu tiên (thứ Bảy) đã thu hút hơn 50.000 người.

ByteDance muốn định giá TikTok 60 tỷ USD 

Công ty mẹ ByteDance của Trung Quốc đang tìm kiếm mức định giá 60 tỷ đô la cho TikTok khi Oracle và Walmart mua lại cổ phần trong hoạt động kinh doanh của ứng dụng video ngắn này nhằm giải quyết những lo ngại an ninh quốc gia Mỹ, Bloomberg News đưa tin hôm Chủ nhật, dẫn lời một người trong cuộc giấu tên. 

Oracle sẽ nắm 12,5% cổ phần trong TikTok Global và lưu trữ tất cả dữ liệu người dùng Mỹ trên nền tảng đám mây của họ nhằm tuân thủ các yêu cầu về an ninh quốc gia của Mỹ, công ty này cho biết hôm thứ Bảy (19/9). Gã khổng lồ bán lẻ Walmart cho biết họ sẽ mua lại 7,5% cổ phần.

Hai công ty sẽ trả tổng cộng 12 tỷ USD vốn cổ phần nếu họ đồng ý với mức giá chào bán 60 tỷ USD.

Thân nhân của 12 người Hồng Kông bị Trung Quốc bắt giữ yêu cầu tiếp cận luật sư riêng

Thân nhân của một vài trong số 12 người Hồng Kông bị Trung Quốc bắt giữ trên biển hồi tháng trước đã yêu cầu chính quyền thành phố kiểm tra tình trạng sức khỏe của họ và đảm bảo các luật sư do gia đình chỉ định chứ không phải do chính phủ Trung Quốc chỉ định có thể gặp họ, theo SCMP.

12 người này đã bị bắt vào ngày 23/8 vì cáo buộc xâm nhập trái phép vùng biển của Trung Quốc đại lục sau khi rời Hồng Kông trên một chiếc thuyền đến Đài Loan tị nạn.

Tất cả họ đều có thể đã bị tình nghi tham gia các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ nổ ra vào năm ngoái. Mười người đã bị kết án, được tại ngoại nhưng không được phép rời khỏi thuộc địa cũ của Anh khi đó. Hiện tất cả bọn họ đang bị giam giữ ở tỉnh Thâm Quyến sát cạnh.

Thân nhân của một số người bị giam giữ đã tổ chức một cuộc họp báo bên ngoài trụ sở cảnh sát Hồng Kông vào Chủ nhật để bày tỏ sự bức xúc với chính quyền địa phương.

Đáp trả Mỹ, Bắc Kinh công bố ‘danh sách các thực thể không đáng tin cậy’

Đây có thể là động thái trả đũa của Bắc Kinh trước các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhằm vào các công ty công nghệ của Trung Quốc như Huawei, TikTok, WeChat.

Theo một tuyên bố của Bộ Thương mại đưa ra hôm thứ Bảy, các công ty và cá nhân trong danh sách đen sẽ bị hạn chế hoặc cấm hoàn toàn giao dịch – cả nhập khẩu và xuất khẩu – với Trung Quốc và cũng không được đầu tư vào nước này, theo SCMP. 

Trước đó, theo một số cơ quan truyền thông Trung Quốc, các biện pháp trừng phạt rất có thể là nhắm vào những công ty Mỹ như Apple, Cisco, Qualcomm. Hiện nay, Trung Quốc cũng đã đình chỉ việc mua máy bay Boeing của Mỹ.

Phát hiện dấu hiệu về sự sống trên sao Kim

Sao Kim được biết đến là hành tinh nóng nhất trong hệ Mặt Trời, với nhiệt độ bề mặt trung bình khoảng 462 độ C, quá nóng để duy trì sự sống. Tuy nhiên, các nhà khoa học mới đây đã phát hiện ra phosphine, một dạng khí dễ cháy xuất hiện bên trong các đám mây của sao Kim. Điều đó cho thấy những vi sinh vật có thể tồn tại trên hành tinh này và là một dấu hiệu về khả năng có sự sống bên ngoài Trái đất.

Cụ thể, một nhóm các nhà khoa học do Giáo sư Jane Greaves thuộc Đại học Cardiff (Anh) dẫn đầu đã phát hiện ra sự tồn tại của phosphine bằng việc sử dụng kính viễn vọng James Clerk Maxwell (JCMT) ở tiểu bang Hawaii (Mỹ) và đài thiên văn vô tuyến ALMA ở Chile để quan sát tầng mây trên cùng của sao Kim, với độ cao khoảng 60m tính từ bề mặt. “Tôi thật sự rất ngạc nhiên về phát hiện này,” Giáo sư Jane Greaves, tác giả chính của nghiên cứu được đăng trên tạp chí Nature Astronomy chia sẻ. Bà cho hay rằng đây là lần đầu tiên phosphine được tìm thấy trên một hành tinh ngoài Trái đất.

Ở Trái đất, khí này được sinh ra từ các vi khuẩn sống trong môi trường không có oxy, thường xuất hiện khi các chất hữu cơ phân hủy. Đây là một phần tử đơn do các vi khuẩn sản xuất trên Trái đất thông qua quy trình công nghiệp. Vậy nên, chất này nằm trong danh sách các phân tử được các nhà khoa học coi là “cấu trúc sinh học” tiềm năng của sự sống trên các hành tinh có kích thước tương tự như Trái đất và bầu khí quyển của những hành tinh này có thể được quan sát qua kính thiên văn.

Khí phosphine được tìm thấy ở những đám mây tầng cao trên sao Kim. (Ảnh: ESO)

Trên thực tế, sự sống ngoài Trái đất luôn là một trong những lĩnh vực được quan tâm. Các nhà khoa học đã sử dụng kính viễn vọng và nhiều công cụ khác nhằm tìm kiếm “các tín hiệu sinh học (biosignature)” trên những hành tinh khác thuộc hệ Mặt Trời và xa hơn nữa.

Ông Jim Bridenstine, giám đốc NASA (Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ) bày tỏ sự phấn khởi trước phát hiện trên của các nhà khoa học. Trên trang Twitter cá nhân của mình, ông cho biết: “Sự sống trên sao Kim ư? Việc tìm ra phosphine, một sản phẩm phụ của sinh vật học kỵ khí, là bước phát triển có ý nghĩa nhất trong nỗ lực tìm sự sống ngoài Trái đất từ trước đến nay. Đã đến lúc dành sự ưu tiên cho sao Kim.”

“Trong 20 năm qua, chúng ta có thêm nhiều khám phá khiến tỷ lệ phát hiện sự sống ngoài Trái đất tăng lên,” ông Thomas Zurbuchen, trưởng ban khoa học tại NASA cho biết. “Nhiều nhà khoa học không ngờ tới việc sao Kim cũng là một trong những cái tên quan trọng. Chúng ta đang dần có những bằng chứng cho thấy hành tinh này là một nơi đáng để khám phá.”

Phan Anh (tổng hợp)

Related posts