Tranh chấp Trung – Mỹ: Bắc Kinh đã thất bại ở châu Âu

Hương Thảo

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị (ảnh: Shutterstock).

Châu Âu không dễ mua chuộc như chính quyền Tập Cận Bình tưởng, bởi khi có mâu thuẫn, châu Âu sẽ đặt các giá trị an ninh và ý thức hệ lên trên lợi nhuận.

Phân tích của chuyên gia kinh tế và chính trị nổi tiếng về Trung Quốc, giáo sư Bùi Mẫn Hân của Trường Cao đẳng Claremont McKenna (CMC) trên truyền thông Nhật Bản vào ngày 14/9 cho biết, châu Âu đã trở thành chiến trường chính của các cuộc xung đột địa chính trị trong Chiến tranh Lạnh mới giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, nhưng chính quyền Trung Quốc đã thất bại trong việc mua chuộc châu Âu và đang thua trận này.

Giáo sư Bùi Mẫn Hân viết trên Nikkei Asian Review rằng, mặc dù về mặt địa lý, xung đột chính trị giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ vẫn sẽ giới hạn ở Đông Á và Đông Nam Á, nhưng châu Âu sẽ trở thành chiến trường với những ưu thế về kinh tế, kỹ thuật và ngoại giao.

Ông cũng chỉ ra rằng, khi sự chia rẽ kinh tế giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ hoàn toàn mở ra, châu Âu sẽ trở thành kênh chính để Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tiến hành mậu dịch, đầu tư và chuyển nhượng công nghệ với các nền kinh tế tư bản phát đạt. EU (Liên minh châu Âu) là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc vào năm 2019, khi tổng kim ngạch thương mại hàng hóa hai chiều giữa Trung Quốc và châu Âu vượt 600 tỷ USD. Do ảnh hưởng toàn diện của các quy chế hạn chế chuyển nhượng công nghệ của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc, nên đối với Bắc Kinh, châu Âu tương lai sẽ trở thành nguồn chuyển nhượng công nghệ chủ yếu nhất cho Trung Quốc trong những thập kỷ tới.

Giáo sư Bùi Mẫn Hân tin rằng về mặt ngoại giao, EU cũng sẽ có ảnh hưởng quyết định đến các vấn đề chính như nhân quyền và cải cách các thể chế quốc tế như Tổ chức Thương mại Thế giới, Tổ chức Y tế Thế giới, và hiện trạng tương lai của Đài Loan. Đây là lý do tại sao ĐCSTQ gần đây đã cử Ngoại trưởng Vương Nghị tới 5 nước châu Âu gồm Ý, Hà Lan, Na Uy, Pháp và Đức trong 8 ngày.

Chuyến đi của Vương Nghị đã không thể giành thắng lợi

Chuyến chinh phạt châu Âu của Vương Nghị là một thất bại. Ông Bùi Mẫn Hân nói rằng đại sứ của Tập Cận Bình được tiếp đón lịch sự nhưng thờ ơ ở bất cứ nơi nào ông ta đến. Tại Đức, Vương Nghị đã bị Ngoại trưởng Đức Heiko Maas “cảnh cáo” vì đã đe dọa Chủ tịch Thượng viện Séc đang thăm Đài Loan.

Tờ Bloomberg đã đăng một bài phân tích tương tự vào ngày 5/9, nói rằng các nhà ngoại giao Trung Quốc (ĐCSTQ) đã có một năm tồi tệ ở châu Âu, nhưng chuyến thăm của Vương Nghị còn khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn.

Bài báo nêu rõ mục tiêu hàng đầu của Tập Cận Bình ở châu Âu là ngăn chặn EU và Hoa Kỳ thành lập liên minh chống lại Bắc Kinh. Ông ta đã hy vọng sẽ đạt được bước đột phá tại Hội nghị thượng đỉnh dự kiến ​​tổ chức với các nhà lãnh đạo EU vào ngày 14/9. Tuy nhiên, do đại dịch, nó sẽ được đổi thành hội nghị thượng đỉnh trực tuyến. Vì nắm “cổ phần” rất cao trong hội nghị thượng đỉnh này, Tập Cận Bình lần đầu tiên cử Ngoại trưởng Vương Nghị tới 5 nước châu Âu để chuẩn bị “hành động điềm ngôn mật ngữ”, tìm cách nói lời đường mật với châu Âu. Bài báo viết, “đã có những cuộc đàm phán song phương, nhưng chẳng hề ngọt ngào”.

Bài báo chỉ ra rằng sau khi Vương Nghị đến châu Âu, ông ta hy vọng sẽ nhìn thấy vẻ mặt tươi cười đã thành tập quán của người châu Âu, bởi vì người châu Âu háo hức hơn người Mỹ trong việc duy trì thương mại và tiến hành kinh doanh với Trung Quốc. Nhưng thay vào đó, ông ta ngạc nhiên trước sự phản đối mà ông nhận được, ngoài các chi tiết của nghi thức chính thức trong chuyến thăm châu Âu.

Ngoại trưởng Đức Maas bác bỏ lời đe dọa của Vương Nghị đối với Chủ tịch Thượng viện Séc đến thăm Đài Loan trong cuộc họp báo chung. Ông Maas nói, “Là người châu Âu, chúng tôi hành động hợp tác chặt chẽ” và yêu cầu sự tôn trọng. Ông nhấn mạnh rằng “Những lời đe dọa không phù hợp ở đây”. Đồng thời, đại diện Pháp, Slovakia và các nước Châu Âu khác cũng nhanh chóng bày tỏ sự đoàn kết và ủng hộ tuyên bố của Ngoại trưởng Mass.

Bài báo tin rằng trong một thế giới mà thuật ngữ ngoại giao mang tính lễ nghi như vậy, khoảnh khắc này không chỉ đánh dấu một giai điệu mới của châu Âu, mà còn là một hướng đi mới. Bài báo cho biết trong nhiều năm, nhiều nước châu Âu, đặc biệt là Đức, xuất phát từ lợi ích doanh nghiệp, đã giả vờ không nhìn thấy bất cứ vi phạm nhân quyền nào của Trung Quốc, việc nó lợi dụng thị trường mở của Liên minh châu Âu và bắt nạt các lãnh thổ châu Á.

“Thời đại này dường như đã kết thúc”, bài báo nói rằng danh sách các nước châu Âu không hài lòng với Trung Quốc (ĐCSTQ) là “quá dài”, bao gồm cả việc đàn áp Hồng Kông, đàn áp người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, vấn đề Biển Đông và hành vi cướp bóc thương mại của ĐCSTQ.

Chưa kể việc Vương Nghị bị tiếp đón lạnh nhạt ở châu Âu, để làm cho tình hình tệ hơn, Đức đã tuyên bố một chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương mới, một ngày sau khi Vương Nghị rời Berlin. Chính sách này tập trung vào việc thúc đẩy pháp quyền và mở rộng thị trường, và đã có một sự thay đổi lớn so với chiến lược ưu tiên quan hệ với Trung Quốc trước đây. Theo phân tích của giới truyền thông, điều này đồng nghĩa với việc Đức điều chỉnh chính sách đối với Trung Quốc: một mặt giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc, mặt khác thông qua việc tạo ra mối quan hệ đa cực để gây áp lực lên ĐCSTQ.

Mua chuộc châu Âu không dễ, ĐCSTQ phải đối mặt với nhiều thách thức

Ông Bùi Mẫn Hân nhận định, khi ĐCSTQ khảo sát bất cứ hy vọng nào để EU không xích lại gần Hoa Kỳ trong cuộc tranh giành bá quyền Mỹ – Trung, họ lẽ ra phải nhận ra rằng châu Âu không dễ bị mua chuộc như vậy.

Bùi Mẫn Hân cho rằng, xét từ góc độ quan hệ kinh tế và an ninh lâu dài của châu Âu với Mỹ, cũng như mối quan hệ về ý thức hệ, trong cuộc Chiến tranh Lạnh mới, EU có nhiều khả năng đứng về phía Mỹ hơn là chỉ ngồi nhìn. Điều này có nghĩa là Bắc Kinh sẽ phải trả giá đắt cho chiến lược tạo ra một EU trung lập.

Ông nói rằng các nhà lãnh đạo của ĐCSTQ có thể nghĩ rằng lợi ích kinh tế khổng lồ của EU ở Trung Quốc sẽ đủ để đảm bảo xác lập ‘tính trung lập’ của họ (nghĩa là không dựa vào Hoa Kỳ). Nhưng họ nên suy nghĩ lại, bởi vì một bài học quan trọng của sự tách rời Mỹ-Trung là khi buộc phải lựa chọn, các nền dân chủ tư bản sẽ đặt các giá trị an ninh và ý thức hệ lên trên lợi nhuận. Để ngăn các nền dân chủ châu Âu đứng về phía Mỹ, Bắc Kinh cần nhiều hơn là sự cám dỗ của thị trường khổng lồ Trung Quốc.

Bùi Huệ Mẫn chỉ ra rằng ĐCSTQ phải đối mặt với một số thách thức trong việc thu hút châu Âu. Ông nói rằng EU, cũng như Hoa Kỳ, có những quan ngại hợp lý và sâu sắc về các chính sách và thực tiễn kinh tế của Trung Quốc. Nếu Bắc Kinh không đáp lại bằng những nhượng bộ và cải cách trong nước, nền tảng thương mại mà mối quan hệ EU-Trung Quốc sẽ suy yếu nhanh chóng cũng như mối quan hệ Mỹ-Trung. Ngoài các nhượng bộ về kinh tế, Bắc Kinh cũng nên tích cực hợp tác với EU về biến đổi khí hậu.

Giáo sư Bùi Huệ Mẫn cũng tuyên bố rằng thách thức khó khăn nhất đối với ĐCSTQ để đảm bảo rằng EU không nghiêng về Hoa Kỳ là vấn đề nhân quyền. EU vô cùng bất bình với việc ĐCSTQ giam giữ người Hồi giáo ở Tân Cương trên quy mô lớn, phiên bản Hồng Kông của Luật An ninh Quốc gia và các hành động đàn áp chính trị leo thang khác. Nếu chính phủ Trung Quốc (ĐCSTQ) tiếp tục vi phạm các cam kết quốc tế và đối xử với công dân của mình bằng nắm đấm sắt, khó có thể tưởng tượng rằng các nước EU sẽ bảo trì vị trí trung lập về mặt chiến lược.

Hương Thảo tổng hợp

Related posts