Tin thế giới sáng thứ Ba

Bắc Kinh yêu cầu Mỹ phải xin phép trước khi gặp quan chức Hồng Kông

Tổng lãnh sự quán Mỹ ở Hồng Kông (ảnh: Another Believer/wikimedia).

Báo South China Morning Post (SCMP) ngày 27/9 dẫn nguồn tin cho biết các nhà ngoại giao Mỹ phải được Bộ Ngoại giao Trung Quốc đồng ý trước khi gặp các quan chức chính quyền hay nhân viên của các tổ chức giáo dục và xã hội của Hồng Kông.

SCMP dẫn một tài liệu nội bộ cho biết: “Tổng lãnh sự Mỹ tại Hồng Kông, người kế nhiệm hoặc bất kỳ nhân viên nào đại diện cho ông ấy, trước tiên phải được sự chấp thuận của Văn phòng Ủy viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc tại Hồng Kông, mới được phép đến thăm bất kỳ cơ sở chính quyền địa phương nào của Trung Quốc hoặc gặp gỡ nhân sự từ các cơ quan này”.

Quy định này áp dụng đối với tất cả các cuộc gặp chính thức và cá nhân, gồm cả trực tiếp hay trực tuyến.

Nghị viên Felix Chung Kwon-pan, lãnh đạo Đảng Tự do, nói với SCMP rằng Tổng lãnh sự quán Mỹ tại Hồng Kông Hanscom Smith phải thông báo trước cho họ nếu muốn gặp thành viên các chính đảng ở thành phố. Nghị viên Chung cho biết thêm văn phòng phụ trách đối ngoại của Bắc Kinh tại Hồng Kông hai tuần trước đã thông báo rằng đây không phải là thời điểm thích hợp để ông gặp Tổng lãnh sự Hanscom Smith.

Ông Smith đã liên lạc với ông Chung 10 ngày trước để sắp xếp một cuộc gặp riêng bàn về những diễn biến mới nhất của Hồng Kông.

Quy định mới này của Bắc Kinh được xem là một biện pháp trả đũa việc Washington hạn chế quyền đi lại và hoạt động của giới ngoại giao Trung Quốc ở Mỹ.

Reuters đưa tin, Ngoại trưởng Mike Pompeo ngày 2/9 thông báo các quan chức ngoaị giao Trung Quốc phải xin phép trước khi tới thăm các trường đại học ở Mỹ hoặc tổ chức sự kiện văn hóa bên ngoài trụ sở cơ quan đại diện với quy mô từ 50 người trở lên.

Trung Quốc lại ngang nhiên diễn tập ở quần đảo Hoàng Sa

Trung Quốc lại ngang nhiên diễn tập ở quần đảo Hoàng Sa
Ảnh chụp màn hình báo Thanh Niên.

Phía Trung Quốc ngang nhiên thông báo từ 7h đến 15h ngày 28/9, quân đội Trung Quốc sẽ tiến hành cuộc diễn tập tại hai khu vực ở quần đảo Hoàng Sa.

Theo Thanh Niên dẫn tin, Cục Hải sự Hải Nam ngày 26/9 đưa ra hai thông báo khác nhau về cuộc diễn tập ở Hoàng Sa với cùng thời gian nhưng địa điểm khác nhau và cấm tàu thuyền vào khu vực diễn tập. Hiện không rõ đó là một cuộc diễn tập diễn ra tại hai địa điểm.

Thông báo nói trên, được đăng trên website của Cục Hải sự Trung Quốc, nhưng không cung cấp chi tiết về cuộc diễn tập mới.

Trong khi khi đó, tờ South China Morning Post (SCMP) dẫn một nguồn tin tiết lộ đó là cuộc tập trận bắn đạn thật. Đây là lần thứ 2 trong khoảng một tháng, Trung Quốc tiến hành tập trận cùng lúc ở 4 vùng biển.

Trong đợt tập trận hồi tháng trước, tờ South China Morning Post dẫn một số nguồn tin thân cận với quân đội Trung Quốc (PLA) cho biết nước này phóng 2 tên lửa đạn đạo đến vùng biển giữa đảo Hải Nam với quần đảo Hoàng Sa trong sáng 26/8.

Mỹ chỉ trích Trung Quốc chỉ ‘hứa suông’ ở Biển Đông

Cụ thể, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus trong thông cáo báo chí hôm 27/9 đã tuyên bố:

Năm năm trước, vào ngày 25/9/2015, tại Vườn Hồng của Toà Bạch Ốc, Tổng Bí thư Tập Cận Bình đã dõng dạc tuyên bố “Trung Quốc không có ý định theo đuổi quân sự hóa” quần đảo Trường Sa, và các tiền đồn của Trung Quốc sẽ không “nhắm mục tiêu hay tác động đến bất kỳ quốc gia nào”.

“Tuy nhiên, [trái với tuyên bố của ông Tập] Trung Quốc đã theo đuổi một chiến dịch quân sự hóa các tiền đồn tranh chấp một cách liều lĩnh và mang tính khiêu khích, họ đã triển khai tên lửa hành trình chống hạm, tăng cường khả năng tình báo điện tử và radar quân sự, xây dựng hàng chục kho chứa chiến đấu cơ cùng các đường băng có thể tiếp nhận các máy bay chiến đấu”.

“Đảng Cộng sản Trung Quốc đã sử dụng các tiền đồn quân sự hóa này cho các hoạt động cưỡng chế nhằm khẳng định quyền kiểm soát đối với các vùng biển mà Bắc Kinh không có yêu sách hàng hải hợp pháp. Các tiền đồn này được sử dụng làm nơi neo đậu cho hàng trăm tàu ​​dân quân biển và tàu cảnh sát biển Trung Quốc vốn thường xuyên quấy rối tàu dân sự và cản trở các hoạt động thực thi pháp luật hợp pháp, đánh bắt xa bờ và phát triển hydrocarbon của các nước láng giềng”.

Bà Ortagus nhấn mạnh: “Đảng Cộng sản Trung Quốc không tôn trọng lời nói hoặc cam kết của mình.”

Đài Loan cảm ơn EU vì chiến thắng hiếm hoi trong tranh chấp về cái tên

Đài Loan hôm thứ Hai (28/9) đã cảm ơn Liên minh châu Âu (EU) khi khối này đã tác động đến một tổ chức liên minh các thị trưởng toàn cầu, khiến tổ chức này chấm dứt việc gọi các thành phố ở Đài Loan là một phần của Trung Quốc. Đây là một chiến thắng hiếm hoi cho hòn đảo giữa bối cảnh áp lực ngày càng tăng từ phía Trung Quốc, theo Reuters.

Trung Quốc từ lâu đã tăng cường nỗ lực buộc các tổ chức và công ty quốc tế đề cập đến Đài Loan như một phần của Trung Quốc trên website và tài liệu chính thức của họ, trước sự phẫn nộ của chính phủ Đài Loan và nhiều người dân hòn đảo này.

Đài Loan đã bày tỏ sự bất bình sau khi Tổ chức Hiệp ước các Thị trưởng toàn cầu về Khí hậu và Năng lượng (GCoM) có trụ sở tại Brussels bắt đầu liệt kê trên trang web 6 thành phố của Đài Loan là một phần lãnh thổ Trung Quốc. Thị trưởng 6 thành phố này đã viết thư ngỏ kêu gọi GCoM đổi trở lại cách gọi cũ.

Bộ trưởng Ngoại giao Đài Loan Ngô Chiêu Tiếp (Joseph Wu) cho biết sau đó, GCoM đã hoàn nguyên tên gọi ban đầu của các thành phố là một phần của Đài Bắc Trung Hoa (Chinese Taipei), đây là cách gọi tên mà Đài Loan đã sử dụng trong một số cơ quan quốc tế như Olympics để tránh việc Bắc Kinh phản đối sự tham gia của hòn đảo.

Armenia-Azerbaijan đụng độ khiến ít nhất 16 người thiệt mạng

Một chiếc xe bọc thép Azerbaijan bị phá hủy ở Nagorno-Karabakh (ảnh: Reuters).

Theo tin từ Reuters, ít nhất 16 quân nhân và một vài thường dân đã thiệt mạng vào hôm Chủ nhật trong cuộc đụng độ nặng nề nhất giữa Armenia và Azerbaijan kể từ năm 2016, dấy lên lo ngại về sự ổn định khu vực phía Nam dãy Caucasus, một hành lang gắn các đường ống vận chuyển dầu và khí đốt đến thị trường thế giới.

Các cuộc đụng độ giữa hai nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ, cũng từng xảy ra chiến tranh vào những năm 1990, là đợt bùng phát mới nhất cho một cuộc xung đột sắc tộc và biên giới kéo dài tại Nagorno-Karabakh, một khu vực ly khai nằm trong Azerbaijan nhưng do người thiểu số Armenians quản lý.

Bà Merkel đến bệnh viện thăm ông Navalny

Thủ tướng Đức Angela Merkel đã đến thăm chính trị gia đối lập Nga Alexei Navalny trong lúc ông được điều trị tại một bệnh viện ở Berlin vì bị đầu độc, Reuters dẫn nguồn từ trang tin Đức Der Spiegel.

Không trích dẫn nguồn, Spiegel nói rằng bà Merkel đã đến thăm ông Navalny tại bệnh viện Charite, nơi nhà phê bình Điện Kremlin đã được điều trị trong 32 ngày, sau khi ông được không vận từ Nga đến Berlin điều trị hồi tháng trước. Đại diện phát ngôn của bà Merlel từ chối bình luận về báo cáo của Spiegel.

Chính phủ Đức cho biết, các cuộc kiểm tra ở Đức, Pháp và Thụy Điển đã xác định ông Navalny bị đầu độc bằng chất độc thần kinh Novichok và yêu cầu Kremlin giải thích. Moscow phủ nhận bất kỳ mối liên hệ nào đến vụ việc.

Related posts