Covid thay đổi kinh tế Mỹ

Ngô Nhân Dụng

Với ba thứ thuốc chủng ngừa bệnh dịch Covid-19 sắp được đưa vào thị trường vào cuối năm nay, ai cũng hy vọng đến Mùa Xuân 2021 kinh tế thế giới sẽ hồi phục lên. Nhưng chắc sẽ phải kiên nhẫn đợi tới cuối năm 2021, hay sang năm 2022 mới thấy kinh tế Mỹ trở lại được như năm 2019!
Quan trọng hơn nữa, nền kinh tế “Hậu Covid” cũng sẽ lột xác, không còn giống như thời “Tiền Covid” nữa. Vì từ người tiêu thụ, các doanh nghiệp cho tới người làm việc đã bị bắt buộc phải thay đổi trong 11 tháng qua, sẽ không sinh hoạt như trước nữa!
Trước hết, vaccine không thể giúp cho kinh tế hồi phục ngay được dù người Mỹ sẽ được chủng ngừa sớm nhất thế giới. Vì trong tháng 11 và 12 năm nay số người bị bệnh tăng lên rất nhanh, và sẽ tiếp tục trong vài ba tháng đầu năm tới. Số người mắc bệnh và người chết ở nhiều vùng thôn quê nước Mỹ mỗi ngày tăng lên với nhịp độ không khác gì các thành phố New York hay Los Angeles vào đầu mùa bệnh dịch. Do đó số người làm việc tự nhiên đã giảm.
Hơn nữa, khi có vaccine thì không phải ai cũng sẽ được chích ngừa ngay. Vaccine phải được dành ưu tiên cho các nhân viên y tế, cho những người có trách nhiệm giữ gìn an ninh, như cảnh sát, quân đội, lính cứu hỏa, vân vân. Kế đến những người dễ bị nguy hiểm nếu bị nhiễm bệnh: Người già, hoặc có bệnh sẵn, rồi mới tới người trung niên. Giới thanh niên có thể phải đợi tới năm 2022 mới đến lượt được chích vaccine. Và đó là lực lượng lao động chính giúp kinh tế hồi phục. Nhưng nhiều người không tin vào vaccine. Chỉ có 40 phần trăm người Mỹ tỏ ý sẽ đi chích ngừa khi có thuốc chủng.

Nhưng dù mọi người đều được chích vaccine thì khi hồi phục nền kinh tế cũng khác hẳn thời trước.
Bởi vì Covid-19 đã khiến cho mọi người phải đổi cách sống, cách tiêu thụ, cách làm việc. Sau khi bệnh dịch qua rồi, người ta vẫn giữ những thói quen đó. Một thay đổi lớn là nhiều người đã mua bán trên mạng.
Người Mỹ vẫn biết internet sẽ thay đổi việc kinh doanh, đưa đến nền thương mại điện toán, gọi là e-commerce. Các công ty eBay hoặc Amazon đã đi tiên phong bán hàng trên mạng từ lâu, thu hút những khách hàng thuộc giới trẻ. Nhưng trong mấy tháng kể từ khi bị “cấm cung” vì Covid-19, người tiêu thụ đã chuyển qua e-commerce nhanh hơn cả vài chục năm qua. Người ta ngưng đi chợ, mua qua mạng để được giao hàng tận nhà. Những người trên 65 tuổi đã vào cuộc! Số người lớn tuổi gọi thức ăn giao tận nhà thay vì đến tiệm đã tăng 47%. Số người gọi mua thực phẩm thay vì đến chợ tăng gần gấp ba lần (tăng 193%). Người mua thuốc trị bệnh tăng gấp 5 lần (+469%). Tới 90 phần trăm những người lớn tuổi tỏ ý sẽ tiếp tục thói quen này, dù bệnh dịch chấm dứt!
Có những thứ trước đây không ai nghĩ sẽ được mua bán trên mạng, bây giờ cũng bắt đầu: Các công ty bán đồ đặt trong nhà, các công ty bán xe hơi cũ, bây giờ cũng mở cửa hàng trên mạng qua những cái “app” mà họ cung cấp cho khách hàng!
E-commerce sẽ tiếp tục bành trướng. Amazon muốn tiếp tục bành trướng trong lúc phát triển mạnh nhờ tình trạng cả nước bị cấm cung. Công ty này đã chi $30 tỷ mỹ kim trong vòng 9 tháng xây dựng các nhà kho và hệ thống giao hàng. Các đại công ty bán lẻ thi đua chuyển sang e-commerce. Walmart, TargetCostco tăng số thu hoạch nhanh vượt bực vì khách hàng không muốn di chuyển nhiều nên đi mua rất nhiều món ở cùng một cửa hàng, nhưng cũng nhờ bán hàng trên mạng.

Người Mỹ tập thói quen nấu nướng ở nhà, thay vì đi mua đồ nấu sẵn hoặc ăn tiệm. Trong 8 tháng kể từ Tháng Ba năm 2020, các dụng cụ nấu bếp và làm thức ăn ở nhà đã bán 40% nhiều hơn năm ngoái. Các thứ lò nấu nướng tăng số bán từ 60% đến 80%.
Khi bệnh dịch đi qua, nhiều người tiêu thụ sẽ tiếp tục giữ các thói quen đã tập được trong thời gian bị cách ly! Người ta sẽ tiếp tục tránh những chỗ đông người! Đó là một mối lo cho các rạp hát, khách sạn, sân vận động, thể thao, các phương tiện chuyên chở công cộng, các công ty hàng không, và các hãng sản xuất máy bay hay xe buýt!
Một thay đổi quan trọng khác mà bệnh dịch gây ra, và sẽ còn tiếp tục sau khi hết mùa Covid, là tình trạng chênh lệch giàu nghèo.
Từ mấy chục năm nay, đã diễn ra cảnh chênh lệch trong giới lao động ở Mỹ: Những người tốt nghiệp đại học, những sinh viên trẻ mới ra trường với khả năng kỹ thuật cao thì có hy vọng được trả lương rất cao so với những người lớn tuổi, không có nghề chuyên môn hoặc không qua bực đại học.
Tình trạng lương bổng chênh lệch sẽ gia tăng sau cơn bệnh dịch. Khi mọi người phải ở trong nhà hoặc bị cách ly, các công ty phải dùng máy móc thay cho nhân lực. Họ đầu tư vào nhiều loại máy tự động, robot, và họ sẽ không tuyển người sau khi bệnh dịch đi qua. Các tiệm ăn phát triển công việc giao thức ăn tận nhà sẽ không tuyển lại những nhân viên phục dịch trong tiệm. Nhiều nhân viên sẽ chuyển sang công việc giao hàng, nhưng nhiều người khác sẽ mất việc luôn.

Những người mất việc vĩnh viễn thường làm những công việc lương thấp, trong các ngành dịch vụ. Hiệp hội các tiệm ăn ở Mỹ (National Restaurant Association) tiên đoán sẽ có 100,000 tiệm ăn đóng cửa trong năm nay. Công ty Yelp, chuyên giới thiệu các tiệm ăn trên mạng, cho biết tới tháng Chín đã có 98,000 tiệm trong danh sách của họ đóng cửa luôn. Trong tháng Chín, công ty Disney đã cho 28,000 nhân viên nghỉ. Công ty AMC làm chủ các rạp chiếu bóng đang lo khai phá sản.
Một điều đáng mừng là trong thời gian bệnh dịch, dân Mỹ tập thói quen tiết kiệm! Mặc dù hàng chục triệu người mất việc hơn thường lệ, trong thời gian từ Tháng Hai đến Tháng Mười năm nay, các chương mục tiết kiệm (savings account) tại các ngân hàng ở Mỹ đã tăng thêm hơn 2 ngàn tỷ đô la!
Với số tiền tiết kiệm đó, hy vọng rằng khi người ta bớt sợ vi khuẩn Corona, dân Mỹ sẽ trở lại mua sắm, vì không ai muốn tiếp tục mua thực phẩm, quần áo hoặc mỹ phẩm, vân vân, trên mạng. Họ cũng muốn được nhìn tận mắt, sờ bằng tay, và lựa chọn nhiều thứ trước khi mua. Hơn nữa, còn được trả giá! Cũng hy vọng người Mỹ sẽ trở lại các tiệm ăn, vì ngồi ăn ở tiệm khác hẳn ăn ở nhà với những người trong gia đình!
Nhưng vì bệnh Covid, nhiều người Mỹ sẽ thay đổi cách làm việc, vì họ có thể ở nhà, chỉ cần đến sở làm một hai ngày mỗi tuần cũng xong hết việc. Hiện tượng này sẽ khiến các trung tâm đô thị vắng người hơn. Số tiệm ăn và cửa hàng mua sắm sẽ giảm bớt. Giá nhà trong thành phố giảm trong khi tăng lên ở ngoại ô.

Rất nhiều lãnh vực trong nền kinh tế đã thay đổi trong thời gian bệnh dịch; và có thể sẽ đổi luôn! Ông Jerome Powell, Chủ tịch Ngân Hàng Trung Ương (Quỹ Dự Trữ Liên Bang, Fed) mới nói: “Chúng ta sẽ hồi phục kinh tế, nhưng sẽ là một nền kinh tế khác, không giống như trước.”

Related posts