Nhà Văn Hoàng Hải Thủy “Vĩnh Biệt Rừng Phong”!

Vương Trùng Dương

Capture51 hht.JPG

Nhà văn Hoàng Hải Thủy tên thật là Dương Trọng Hải vừa qua đời ngày 6 tháng 12 tại Thủ Đô Hoa Thịnh Đốn. Hưởng thọ 88 tuổi. Ông là nhà báo, nhà văn viết mạnh nhất với nhiều thể loại trong gần 7 thập niên qua với các bút hiệu: Công Tử Hà Đông, Ngụy Công Tử, Con Trai Bà Cả Đọi, Hạ Thu, Hồ Thành Nhân, Văn Kỳ Thanh, Dương Hồng Ngọc, Triều Đông, Người Sài Gòn…

Tiểu sử Hoàng Hải Thủy được tác giả tóm lược: 

“Năm 1950 tôi từ Bắc Ninh, Bắc Giang trở về Hà Nội. Tôi đi học lại. Trường Văn Lang. 

Năm 1951 ông thân tôi là công chức, đổi vào làm việc ở Sài Gòn, mẹ tôi, anh em tôi vào theo. Năm 1951 tôi học trường Tân Thanh ở đường Lacoste. 

Năm 1952 tôi được vào làm phóng viên nhật báo Ánh Sáng, cuối năm 1952 tôi được Giải Nhất Cuộc Thi Truyện Ngắn năm 1952 của nhật báo Tiếng Dội. Tôi đi lính 2 năm. 

Năm 1954 tôi làm phóng viên, nhân viên nhật báo Sài Gòn Mới. 

1956, 1957 tôi làm nhân viên USOM – United States Operation Mission – tiền thân của USAID. 

Cuối năm 1957 tôi trở về toà báo Sài Gòn Mới. Tôi viết tiểu thuyết phóng tác dzài dzài từ 1956 đến 1975, tôi viết truyện nhiều nhất ở nhật báo Ngôn Luận.

Năm 1970 tôi giữ một trang trong tuần báo Con Ong, tôi cần một, hai bút hiệu Tếu để viết những bài kiểu viết láo mà chơi. Cái tên HHT dành để viết tiểu thuyết. Tôi lấy 2 tên Công Tử Hà Đông và Gã Thâm để ký 2 bài tôi viết trên Con Ong…”

Sau 2 lần bị tù (1977-1979) vì tội gửi một số bài thơ, bài viết sầu buồn ra nước ngoài & (1984-1990) vì tội gửi tác phẩm ra nước ngoài! Năm 1994, vợ chồng ông và 2 cô con gái sang Hoa Kỳ tỵ nạn, định cư ở Virginia, con trai út Hải Triều ở lại Sài Gòn. Sau nầy Kiều Giang ở Texas và Hoài Nguyên và Ohio nên chỉ có hai vợ chồng sống bên nhau nơi rừng phong.

Ngày mới đến Hoa Kỳ, theo lời nhà văn HHT “Tôi mang Sài Gòn trong trái tim tôi… Tôi muốn nói tôi yêu Sài Gòn, tôi đã sống đến bốn mươi năm trong lòng thành phố Sài Gòn thương yêu, tôi đã vui buồn, đã đau khổ với Sài Gòn. Nay phải đi xa, tôi mang Sài Gòn theo tôi nên tôi sẽ không thấy nhớ Sài Gòn!”. Tuy nhiên sau nầy ông đã viết các bài nói lên nỗi nhớ Sài Gòn đến quay cuồng, nhớ da diết, nhớ Sài Gòn hơn Hà Nội vì nới đó đã tạo nên sự nghiệp cầm bút của ông và nhớ cả tháng ngày đen tối nhất của cuộc đời qua 2 lần tù tội 8 năm! Tác phẩm Sống Chết Ở Sài Gòn, đọc tác phẩm nầy được biết những chuyện liên quan tới một số văn nghệ sĩ, trí thức, như Vũ Hoàng Chương, Thượng Tọa Trí Siêu (Lê Mạnh Thát, Duyên Anh, Thái Thủy, Mai Thảo, Trịnh Viết Thành, Hoàng Anh Tuấn, Uyên Thao, Doãn Quốc Sỹ, Khuất Duy Trác, Dương Hùng Cường, Hiếu Chân…, nhắc đến cái chết của các nhà văn Vũ Bằng, Nguyễn Mạnh Côn, nhà báo Minh Vồ…, Ông viết tháng ngày ở trại giam Phan Đăng Lưu với nhiều tù nhân khẳng khái được nhà văn Đặng Trần Huân coi là một chương tuyệt tác.

Ở Virginia, với bút hiệu Công Tử Hà Đông “Viết Ở Rừng Phong” hàng tuần tổng cộng 709 bài, khi hiền thê của ông – bà Elice Đỗ Thị Thủy – qua đời ngày 28 tháng 12 năm 2018, tinh thần ông suy sụp, ngưng viết!

Trong hai thập niên ở miền Nam Việt Nam, ngoài các tác phẩm sáng tác, phóng sự… nhà văn Hoàng Hải Thủy nổi tiếng nhất về phóng tác từ tác phẩm nước ngoài với lối hành văn thoáng và sinh động, đôi lúc dí dỏm nên hấp dẫn, lôi kéo, nhân vật được Việt hóa cho dễ nhớ… người đọc mê say từng trang sách.

Capture52 hht.JPG

Điển hình với 3 tác phẩm như tác phẩm Kiều Giang (Jane Eyre của Charlotte Bronté – phóng tác  1963). Ông lấy tên con gái, bé Kiều Giang, lúc đó mới được 6 tháng để đặt tên cho tác phẩm này. Và, bối cảnh xảy ra ở miền Trung VN. Nổ Như Tạc Đạn (Après Moi, Le Déluge của Paul Merwart – phóng tác 1964) cũng với nối cảnh ở Sài Gòn, lời văn ví von, dí dỏm, châm chọc phù hợp với thành ngữ của ta để ám chỉ cho người ba hoa, vung vít, nổ sảng.

Đỉnh Gió Hú (Wuthering Heights của Emyly Bronté – phóng tác 1969). Tác phẩm nổi tiếng của nhà văn Anh Emyly Bronté là tác phẩm dịch thuật duy nhất của nhà văn Nhất Linh. Dịch giả cuốn Wuthering Heights từ nguyên tác Anh ngữ phối hợp với bản Pháp ngữ Les Hauts de Hurle-Vent của dịch giả Frédéric Delebecque, đăng trên nguyệt san Tân Phong ở Sài Gòn vào năm 1960.

Nhà văn Emyly Bronté là em ruột của Charlotte Bronté nên có nhiều người nhầm lẫn. Nhà văn Hoàng Hải Thủy phóng tác nên có vẻ huyễn hoặc trong khung cảnh bị ám ảnh giữa thực tại và hư ảo.

Theo lời nhà văn Hoàng Hải Thủy: “Tôi viết tiểu thuyết phóng tác là do Chủ Nhiệm Hồ Anh gợi ý. Tiểu thuyết phóng tác thứ nhất của tôi là Chiếc Hôn Tử Biệt, phóng tác A Kiss Before Dying của Ira Levin, truyện này được Giải Nhất về Truyện Detective Mỹ năm 1956, tôi phóng tác thành Chiếc Hôn Tử Biệt đăng trên nhật báo Ngôn Luận năm 1957. Truyện đầu tay, truyện viết thử nghiệm, ăn khách ngay, tức truyện có người đọc và hấp dẫn được người đọc. Từ đó tôi chuyên viết tiểu thuyết phóng tác cho nhật báo Ngôn Luận.

Những tác phẩm khác như: Ði Tìm Người Yêu – The Citadel của A.J Cronin, Vụ Án Họ Trình – The Bellamy Trial, tôi quên tên tác giả, dường như là Francis Isle, Bóng Người Áo Trắng – The Lady in White của Wilkie Collins, Tìm Em Nơi Thiên Ðường – My Cousin Rachel của Daphne du Maurier, Anh Gù Nhà Thờ Ðức Bà – Le Bossu de Notre Dame của Alexandre Dumas, Ðen Hơn Bóng Tối – Cinderella, Người Yêu, Người Giết – La Seconde Souffle của Jose Giovanni.. vv.. và vân vân”.

Ngoài những tác phẩm trên còn có: Tình Đầu (The Apple Tree của Lise Funderburg – phóng tác 1967), Hồng Loan Hồng Ngọc (The Pink Panther của Max Allan Collins – Tiểu thuyết gián điệp 1968), Tiếng Ca Cá Sấu (Never Find Sanctuary của William Faulkner – phóng tác 1968), Tình Nhân Trẻ (Le Jeune Amant của Reboux Paul – phỏng dịch 1969), Yêu Mệt (Le Repos du Guerrier của Lowell Bair – phóng tác 1969), Người Yêu, Người Giết (Le Deuxième Souffle của Rotten Tomatoes – phỏng dịch 1970), Trong Vòng Tay Du Đãng (No Orchid For Miss Blandish của James Hadley Chase – phóng tác 1970), Bẫy Yêu (007 From Russia with Love của Ian Fleming – Tiểu thuyết gián điệp 1970), Hồn Ma Đa Tình (Truyện kinh dị Hitchcock 1970, Giữa Những Người Đã Chết (D’Entre Les Morts – phóng tác 1972), Như Chuyện Thần Tiên (The Scorpion Reef của Charles Williams – phóng tác 1973), Tình Mộng (Vacances Romaines – phóng tác 1973), Người Vợ Ngoại Tình (Madame Bovary – phóng tác 1973), Ngoài Cửa Thiên Đường (Maldonné – phóng tác 1974), Không Tìm Thấy Mộ (007 Never Find Sanctuary – Tiểu thuyết gián điệp 1974), Điệp Vụ Hỏa Cầu (007 Diamond Are Forever Của Ian Fleming – Tiểu thuyết gián điệp 1974), Tiếng Cười Trong Đêm Tối (Laughter In The Dark – phóng tác 1975), Trò Chơi Khủng Bố (The Game of Terror – Tiểu thuyết gián điệp 1975)…

Trong bìa một số tác phẩm không ghi năm: Đi Tìm Người Yêu (The Citadel – phóng tác), Thầy Nô (007 Doctor No – Tiểu thuyết gián điệp), Máu Đen Vàng Đỏ (007 Live And Let Die – Tiểu thuyết gián điệp), Tay Sắt Tay Vàng (007 Goldfinger – Tiểu thuyết gián điệp), Gã Thâm (The Deep – phóng tác), Bóng Người Áo Trắng (The Lady In White – phóng tác), Đen Hơn Bóng Tối (Piège Pour Cendrillion – phóng tác), Trở Về Tội Ác (The Dark Arena – phỏng dịch), Nửa Kiếp Giang Hồ (La Scoumoune – phóng tác), Tình Trong Chiến Hào (Sebastopol của Leon Tolstoi – phóng tác )… Một số tác phẩm nêu trên thuộc loại “feuilleton” cho các nhật báo ở Sài Gòn, chưa ấn hành.

Và sau nầy có: Tiếng Kêu Của Máu (The Red Dragon – phóng tác 1996), Mang Xuống Tuyền Đài (The Chamber – phóng tác 1998), Dữ Hơn Rắn Độc (Deadlier Than The Male – phóng tác 2000), Thiếu Phụ Chiếc Xe Khẩu Súng (La Dame Dans L’auto – phóng tác 2002), Công Ty Rửa Tiền (The Firm), Mang Xuống Tuyền Đài (The Chamber), Báo Cáo Bồ Nông (The Pelican Brief), Mùa Hạ Hai Mươi, Những Tên Biệt Kích Cầm Bút, Sài Gòn Vang Bóng…

Ngoài các tác phẩm văn xuôi, nhà văn Hoàng Hải Thủy thích làm thơ, trong mục Viết Ở Rừng Phong thường dẫn thơ vào, và đã có 3 tập thơ, từ lúc ở trong phòng biệt giam nhà tù số 4 Phan Đăng Lưu đến tháng ngày ở Hoa Kỳ. Ông dịch nhiều thơ Đường và còn làm thơ bằng chữ Hán…

Bài viết Trong Mùa Dịch Covid-19 Đọc Lại Trăm Năm Cô Đơn của tôi vào ngày 10 tháng Tư, năm 2020. Trích đoạn có liên quan đến bản dịch của Hoàng Hải Thủy:

“Tác phẩm Trăm Năm Cô Đơn (One Hundred Years of Solitude – Cent Ans de Solitude) là cuốn tiểu thuyết nổi tiếng nhất của nhà văn người Colombia Gabriel Garcia Marquez (1928-2014) đã được dịch ra gần bốn mươi thứ tiếng trên thế giới đánh giá tài hoa của nhà văn theo phong trào hiện thực huyền diệu (magical realism movement). Năm 1972, G.G Marquez lãnh giải thưởng Romulo Gallegos. Giải thưởng Romulo Gallegos ra đời năm 1967, mang tên của nhà văn Venezuela Romulo Gallegos, người từng làm Tổng Thống nước này trong năm 1948, và được chính phủ Venezuela xét tặng hai lần mỗi năm dành cho các tác phẩm viết bằng tiếng Tây Ban Nha.

Trước năm 1975 ở miền Nam Việt Nam có nhiều bài viết trên vài tạp chí về G.G Marquez nhưng chưa ấn hành tác phẩm nầy. Năm 1982 tác phẩm Trăm Năm Cô Đơn của G.G Marquez được Giải Thưởng Nobel Văn Chương Năm 1982, nhưng ở trong nước vẫn mù tịt.

Tháng Tư năm 2014, G.G Marquez qua đời, tưởng nhớ nhà văn, Công Tử Hà Đông đề cập đến chuyện dịch sách.

“Lần thứ nhất tôi cầm quyển “One Hundred Years of Solitude” của Gabriel Garcia Marquez, lần thứ nhất tôi biết tên ông. Truyện tiếng Anh, khoảng 800 trang chữ nhỏ. Nếu dịch trọn truyện bản chữ Việt phải ít nhất là 2000 trang. Nhà văn viết “One Hundred Years of Solitude” bằng tiếng Espagnole: Spanish – Tây Ban Nha, Y Pha Nho –  tác phẩm được dịch sang tiếng Anh…

Lẽ ra phải chọn “Trăm Năm Cô Đơn,” cái tên Việt tuyệt đúng với tên Anh, tôi ngớ ngẩn chọn “Trăm Năm Hiu Quạnh”. Ngớ ngẩn hết nước nói. Cảnh hiu quạnh, người cô đơn. Thay vì nói “Trăm Năm Cô Đơn” hay hơn, đúng hơn, Trùng Dương không nói, nàng để tôi chọn “Trăm Năm Hiu Quạnh”…

Trước khi dịch, tôi để hai đêm đọc “One Hundred Years of Solitude”. Tôi mê mẩn vì truyện. Những lời văn Anh bay như Thơ, đẹp như Hoa, mịn như Lụa. Nghe tôi ca tụng, có người bảo: “Đọc nguyên bản tiếng Ét-ba-nhon còn hay, còn mê hơn nhiều”. Tôi mê mải dịch. Tôi dịch xong trong khoảng 60 ngày. Việc dịch “One Hundred…” làm tôi có cảm giác trong hai tháng tôi già đi mười tuổi. Nguyễn Đức Nhuận cho xếp chữ, làm thành bản in mẫu như quyển sách, khoảng 800 trang. Đưa đi Sở Phối Hợp Nghệ Thuật Bộ Thông Tin xin kiểm duyệt. Sách kiểm duyệt về, tôi xem thấy bị cắt khoảng 60 trang – toàn những đoạn tả Tình Dục tuyệt tuyệt – tôi nghĩ: “Truyện 800 trang, bị cắt 60 trang, như mất  một ngón tay. Được”…

Khoảng mười tháng sau Nguyễn Đức Nhuận (phụ trách nhà in Nhân Chủ của báo Sóng Thần) có giấy in thì Sở Phối Hợp Nghệ Thuật có lệnh mới: “Sách đã kiểm duyệt quá sáu tháng chưa in phải kiểm duyệt lại”. Lần thứ hai “Trăm Năm” đến Bộ Thông Tin chịu kiểm duyệt, rồi Nhuận bảo tôi:

“Trăm năm bị cấm, không cho xuất bản.”

Tôi hỏi tại sao, Nhuận nói:

“Hoàng Đức Nhã không cho xuất bản vì tác giả thân bọn cộng sản, chống chiến tranh Việt Nam, chống Mỹ, là bạn thân của Fidel Castro.”

“Trăm Năm Hiu Quạnh” bị chết khi chưa được chào đời. Tôi tiếc công tôi dịch. Nếu “Trăm Năm…” được in ngay sau lần kiểm duyệt đầu tiên.. Hay biết bao nhiêu.

… Tháng Tư 2014, Gabriel Garcia Marquez giã từ trần thế. Tôi viết bài này. Tôi ngậm ngùi tiếc “Trăm Năm Hiu Quạnh” không được chào đời ở Sài Gòn những năm đầu 1970; tôi tiếc công tôi dịch”.

Đọc đoạn nầy mới thán phục sức làm việc của nhà văn Hoàng Hải Thủy, vào thời điểm đó (1970) ông vừa viết truyện, phóng tác, làm báo… vửa bỏ ra 60 ngày để dịch tác phẩm 800 trang.

(Anh Nguyễn Đức Nhuận ra tờ Việt Press ở Little Saigon vào đầu thập niên 90, tôi làm Tổng Thư Ký, ở Sài Gòn trước năm 1975 có 3 người cùng tên Nguyễn Đức Nhuận)

****************************************************************

Hằng tuần, Công Tử Hà Đông “Viết Ở Rừng Phong” (cũng giống như nhà văn Văn Quang “Viết Từ Sài Gòn” gởi ra hải ngoại) cho tuần báo Saigon Nhỏ, Viết dưới dạng tạp ghi, tự truyện, phiếm… hơn 2 trang báo khổ tabloid, nếu in vào trang sách, khoảng 7, 8 trang, với 709 bài ngốn khoảng 5,000 trang sách. ông chỉ chọn số bài để ấn hành tác phẩm Viết Ổ Rừng Phong.

Ông có trí nhớ tuyệt vời, ghi lại từng chi tiết về bản thân, tình yêu, cuộc sống, bạn bè… thơ văn trong mọi khía cạnh liên quan đến nội dung bài viết. Tôi thích loạt bài nầy vì giúp cho kiến thức bản thân…

Cuộc đời cầm bút của ông cũng gặp đôi lần “đụng độ” với chính quyền và đồng nghiệp trước năm 1975 ở Sài Gòn. Khi định cư ở Virginia ông cũng bị đả kích vụ Hai Bà Trưng.

Ông đã chia sẻ: “Lúc tôi mới sang, sau 20 năm không được viết, tôi mới viết tự do, tôi có viết hơi bừa bãi. Ở Việt Nam, gần như ai cũng biết chuyện lịch sử ông Thi Sách lấy hai bà Trưng Trắc, Trưng Nhị… Trong một bài báo nói về cuốn “Sài Gòn Nắng Nhớ Mưa Thương” của tác giả Nguyễn Thị Ngọc Dung, người vợ đầu tiên của Văn Quang, trong đó có câu tôi thích là “Vị thuyền trưởng bỏ tàu theo nữ hải tặc”… là một hình ảnh hay, đẹp. Tôi đã đặt cho Văn Quang là “Thuyền trưởng hai tàu”. Và tôi cũng bênh vực cho bạn tôi rằng, đâu phải hai vợ là chuyện khác lạ đâu. Nào Nguyễn Du có ba bà, Nguyễn Trãi có hai bà… Thì ông Thi Sách có hai bà. Tôi có hơi quá đáng trong việc đem chuyện các con cháu Hai bà hàng năm giỗ tổ, tưởng nhớ Hai bà… Mà bây giờ lại có vị viết về ông chồng nặng lời quá, cái đó làm cho các bà Trưng Vương bị xúc phạm và họ có phản ứng lại là tôi đã xuyên tạc lịch sử. Cũng may cho tôi là những bài đả kích tôi nặng nhất chỉ có ở Cali. Trên Washington DC chỉ có hai tờ đăng là Diễn Đàn Tự Do của Ngô Vương Toại và Phụ Nữ Mới của Long Ân từ dưới Cali gởi lên thôi. Ngô Vương Toại có cho tôi biết trước và tôi nói là sẽ có bài nhận lỗi. Tôi có viết một bài ngắn để nhận lỗi là đã đem nhân vật lịch sử ra giễu cợt, chỉ vì sau hai mươi năm không được viết, nên khi được tự do viết, đã viết quá đáng. Nhất là những người con lưu vong, xa tổ quốc, phải tôn trọng các nhân vật lịch sử. Nhưng trong bài nhận tội đó, tôi không công nhận là tôi xuyên tạc lịch sử. Tôi cũng không đính chính ngay, chỉ công nhận mình đem nhân vật lịch sử ra diễu cợt mà thôi. Cho nó êm đi. Vì nếu viết, sẽ làm bùng lên nữa.

Có những người chỉ ngồi đó chờ xem, ai bị chửi thì nhảy vào chửi hôi, đánh hôi. Có bà còn viết thư chửi tôi, đọc xong tôi cũng tối tăm mặt mũi, vứt đi luôn, không muốn cho vợ tôi xem. Vợ tôi dễ bị xúc động lắm. Tôi nghĩ cho qua chuyện, đợi lúc nào có dịp sẽ giải thích. Chỉ vì quí vị không đọc chánh sử, như tập Thiên Nam Ngữ Lục, Việt Nam Quốc Sử Diễn Ca mà ông Hoàng Xuân Hãn có hiệu đính lại dài tới 8,000 câu với nhiều câu trùng nhau, làm từ thời vua Lê chúa Trịnh đến đời vua Tự Đức thì làm ngắn lại. Ông Hoàng Xuân Hãn có nhắc việc làm ngắn lại đã bỏ mất đoạn viết về Tô Định chửi Thi Sách lấy Hai bà Trưng và Tô Định đã giết Thi Sách để cướp Hai Bà Trưng vì hai bà đẹp quá. Mình phải biết nhận lỗi, im đi khi người ta nói đúng. Phải nhận lỗi mình. “Quân tử trả thù mười năm cũng không muộn”, còn mình là “tiểu nhân 20 năm sau nói cũng chưa muộn”.

*****************************************************************

Lúc tôi làm Tổng Thư Ký tuần báo Tình Thương của Lâm Tường Dũ (thổ địa ở Little Saigon), khi Hoàng Hải Thủy sang Little Saigon, bác tài Lâm Tường Dũ chở đi gặp gỡ bạn bè, lần đầu tiên tôi được gặp. Trong 5 năm làm tờ nhật báo Saigon Nhỏ, có dịp đọc bài viết của anh hằng tuần và mỗi tháng Giới Thiệu Sách (4 tác phẩm) trên nguyệt san Tân Văn, trong đó có vài tác phẩm của anh và lần thứ hai, được gặp nhau.

Nhận được tin buồn nhà văn Hoàng Hải Thủy qua đời, tôi viết để tưởng nhớ. Đọc lại những bài thơ của anh viết về hiền thê… sống chết một đời, yêu thương, gắn bó với nhau. Sau 2 năm xa cách, nay anh theo người bạn đời vĩnh viễn nơi cõi thiên thu… bỏ lại trần gian hỉ, nộ ái, ố…!

Giờ đây nhà văn Hoàng Hải Thủy đã toại nguyện với người yêu:

“Yêu kiếp này, hẹn kiếp mai

Ngàn năm yêu mãi, yêu hoài nghe em”

Little Saigon Dec 08, 2020

Vương Trùng Dương

Related posts