Việt Nam, Thụy Sĩ bị Mỹ đưa vào danh sách các nước thao túng tiền tệ

  • Sơn Nguyên

Bộ Tài chính Mỹ hôm 16/12 đã đưa Việt Nam và Thụy Sĩ vào danh sách các quốc gia thao túng tiền tệ, theo Reuters. 

Bộ Tài chính Mỹ từ chối công bố các biện pháp trừng phạt đối với Việt Nam và Thụy Sĩ sau kết luận 2 quốc gia này thao túng tiền tệ. (Ảnh minh họa: Ungvar/Shutterstock)

Tại Báo cáo của Bộ Tài chính Mỹ, các đối tác thương mại căn cứ với các tiêu chí: (i) Thặng dư thương mại hàng hóa song phương với Mỹ ít nhất 20 tỷ USD; (ii) Thặng dư cán cân vãng lai tương đương ít nhất 2% GDP; (iii) Can thiệp một chiều và kéo dài trên thị trường ngoại tệ, thể hiện qua việc mua ròng ngoại tệ trong ít nhất 6 tháng trên giai đoạn 12 tháng với tổng lượng ngoại tệ mua ròng tương đương ít nhất 2% GDP trong giai đoạn 12 tháng, thì bị xác định là thao túng tiền tệ, theo Đạo luật Cạnh tranh và thương mại quốc tế Omnibus năm 1988.

Việt Nam và Thụy Sĩ vượt xa các tiêu chí này, với mức can thiệp ngoại hối lần lượt là 5% và 14% GDP.

Báo cáo cho biết ít nhất một phần can thiệp của Việt Nam là nhằm đẩy tiền đồng xuống để có lợi thế thương mại, trong khi ít nhất một phần hành động của Thụy Sĩ là nhằm đẩy đồng franc xuống để ngăn chặn cân bằng hiệu quả về điều chỉnh thanh toán.

Quan chức Bộ Tài chính cho biết Mỹ sẽ tìm kiếm các cuộc đàm phán với Thụy Sĩ và Việt Nam để đưa các quốc gia này trở lại dưới ngưỡng thao túng và từ chối suy đoán liệu quá trình này có thể dẫn đến việc áp thuế của Mỹ đối với hàng hóa của 2 quốc gia này vào thị trường Mỹ hay không, theo Reuters.

Đáp lại cáo buộc của Mỹ, Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ tuyên bố không thao túng đồng nội tệ và rằng cách tiếp cận chính sách tiền tệ của ngân hàng này sẽ không thay đổi.

Phía Việt Nam, Reuters cho biết Bộ Công thương từ chối bình luận và đề nghị hãng tin này liên lạc với Bộ Ngoại giao.

Sáng 17/12, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam lên tiếng, cho rằng “thặng dư thương mại song phương với Mỹ và thặng dư cán cân vãng lai là kết quả của hàng loạt yếu tố liên quan tới các đặc thù của nền kinh tế Việt Nam”“việc NHNN mua ngoại tệ can thiệp thời gian qua nhằm đảm bảo hoạt động thông suốt của thị trường ngoại tệ, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, củng cố Dự trữ ngoại hối Nhà nước vốn ở mức thấp so với các nước trong khu vực để tăng cường an ninh tài chính tiền tệ quốc gia.”

Hồi tháng 1/2020, Việt Nam bị Bộ Tài chính Mỹ đưa vào danh sách bị giám sát về nguy cơ thao túng tiền tệ vì thặng dư thương mại song phương với Mỹ và thặng dư cán cân vãng lai. Tới đầu tháng 10/2020, chính quyền Mỹ chính thức mở cuộc điều tra về việc liệu Việt Nam có định giá thấp đồng tiền của mình và gây tổn hại cho thương mại Hoa Kỳ hay không.

Tại báo cáo hôm 16/12, ngoài công bố 2 quốc gia thao túng tiền tệ, Bộ Tài chính Mỹ cũng cho biết 3 quốc gia khác là Thái Lan, Ấn Độ và Đài Loan được đưa vào danh sách theo dõi vì nghi nhằm phá giá đồng tiền so với đồng đô la Mỹ, nâng tổng số trong danh sách giám sát lên 10 nước, gồm: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Ý, Singapore, Malaysia, Thái Lan, Ấn Độ và Đài Loan.

Related posts