Cổ Nhuế
Chắc là chúng ta đã bầm dập nhiều trong năm 2020. Từng người, từng gia đình, từng tiểu bang và toàn nước Úc đã ngất ngư vì cháy rừng, con Corona, Trung Cộng ngưng mua hàng hoá, … rồi kéo theo mất việc làm, đóng cửa tiệm, nhà xuống giá và trên hết: nước Úc lao đầu xuống giai đoạn suy thoái kinh tế nặng nề.
Những tưởng năm nay, chúng ta sẽ tiếp tục lãnh đủ các chuyện đau buồn kể trên. Nhưng xem chừng ai bi quan nhất cũng bắt đầu thấy một năm tươi sáng đang mở ra.
Thời sự hôn nay xin được nhìn về phía tươi sáng trước mắt ấy.
Thất nghiệp xuống
Trong năm ngoái, kinh tế Úc thụt lùi liên tiếp hai tam cá nguyệt. Theo sách vở, Úc bắt đầu lao xuống vực suy thoái.
Từ ông tổng trưởng kinh tế Josh Frydenberg đến các nhà kinh tế học tài danh nhất nước Úc đều cho rằng: kinh tế Úc suy thoái lần này còn nặng hơn suy thoái vào năm 1939!
Hình ảnh ập vào mắt chúng ta trong cơn suy thoái nay là người Úc sắp hàng dài thoòng trước văn phòng CentreLink. Vào tháng bảy năm ngoái thất nghiệp ở Úc lên cao vời vợi: 7.5%. Lúc đó, người ta nói thất nghiệp ở Úc có thể lên đến 12% hay hơn nữa. Nhưng may mắn! Đến tháng cuối cùng trong năm ngoái, thất nghiệp ở Úc chỉ còn 6.6%. Và đang tiếp tục xuống.
Đông đàn ông mua sắm hơn
Vì bị cùm chưn: kỳ nghỉ chúng ta không du lịch; cuối tuần gia đình không ăn nhà hàng; đi công viên, tắm biển hay thưởng tranh trong phòng triển lãm cũng không. Nên chúng ta chăm chút nhà cửa, vườn tược và sức khoẻ của mình hơn.
Những tưởng chúng ta bớt mua sắm. Nhưng không phải.
Năm 2020 không phải là năm hàng quán ế ẩm. Trong năm ngoái, ngành bán lẻ Úc đã bán được nhiều hàng hoá hơn năm 2019 đến 9.4% . Chủ tiệm đã thu về nhiều hơn gấp ba lần so với thu nhập tăng lên hàng năm. Chỉ riêng tháng 12, chúng ta đã chi ra $30.3 tỷ để mua sắm. Đặc biệt, trong năm ngoái, phái nam đi shop nhiều hơn mọi năm. Vì vậy, cho dù chính phủ ra lệnh đóng cửa hàng quán thì cũng vẫn phải cho mở cửa các tiệm bán kìm búa (như Bunnings Warehouse). Có lẽ v đàn ông mua sắm đông hơn, nên những JB Hi Fi, Kogan và Harvey Norman đồng loạt phất lên.
Trong năm ngoái, rất nhiều cửa tiệm đóng cửa. Nhưng đóng cửa không có nghĩa là không còn buôn bán nữa. Tiện nào chuyển qua bán hàng trên mạng (online) thì vẫn sống. Sống hùng. Sống mạnh. Tháng 10 năm ngoái, ngân hàng NAB cho biết: qua 12 tháng người Úc đã tiêu $42.2 tỷ để mua hàng trên mạng. Con số này sẽ cao hơn rất nhiều khi NAB cộng thêm số tiền mua hàng trong hai ngày Black Friday và Cyber Monday.
Có lẽ nhờ quen với lối mua hàng bằng nhấp mouse, từ rày chúng ta sẽ dần dần bỏ bớt cái thói quen bát phố.
Nhà lên giá dữ dội
Nói về giá nhà, năm 2020 quả thê thảm cho chủ nhà. Nhưng chỉ thê thảm cho chủ nhà ở thành phố ngày bốn mùa. Thật vậy, công ty theo dõi giá nhà Corelogic sau khi tổng kết giá nhà trọn năm 2002 thì thấy chỉ chủ nhà ở Melbourne méo mặt. Trong năm ngoái giá nhà ở đây xuống 1.3%. Dư lại, nhà ở các thành phố khác đều lên. Lên cao nhất là nhà tại Darwin (9.1%). Kế tiếp là nhà tại Canberra (7.5%), Hobart (6.1%), Adelaide (5.9%), Brisbane (3.6%), Sydney (2.7%), và Perth (1.9%).
Đặc biệt lần đầu tiên trong 16 năm, nhà ở vùng quê Úc lên giá mạnh hơn nhà ở thành phố. Lên mạnh nhất là nhà ở vùng quê Tasmania (lên 12%). Kế tiếp là nhà ở vùng quê NSW (lên 8.8%), Nam Úc (lên 7.8%) và Queensland (lên 7.3%).
Lý do là: Vì đại dịch hoành hành tại thành phố lớn, nhiều gia đình Úc dọn về thị trấn nhỏ. Chỉ trong ba tháng kết thúc vào tháng Sáu năm ngoái, đã có hơn 10 ngàn người từ thành phố dọn về miền quê. Những nơi như Geelong và Anglesea (VIC), Newcastle và Dubbo (NSW), Sunshine và Gold Coast (QLD), Victor Habor và Encounter Bay (SA), Bunbury (WA) tấp nập hơn. Người trẻ Úc về thị trấn nhỏ sinh sống mà vẫn làm việc tại thành phố vì phần lớn họ có thể làm việc tại nhà.
Theo dự đoán của công ty Propertyology, trong năm nay giá nhà tại Úc sẽ lên dữ dội. Lên giá cao nhất là nhà ở Perth, Canberra, Adelaide và Hobart. Mỗi nơi có thể lên hơn 15%. Kế tiếp là giá nhà tại Brisbane: có thể lên 10%. Nhà ở Sydney và Darwin có thể lên chừng 10%. Riêng chủ nhà ở Melbourne — theo Propertyology — vẫn tiếp tục chịu đựng ‘dấu trừ’. Nhưng nhà ở Melbourne có thể không xuống hơn -5%.
Propertyology đưa ra dự đoán kể trên vì dựa vào mức tăng dân số. Nơi đâu có đông người tìm về thì nơi đó giá nhà tăng lên. Trước đây, Melbourne nói riêng và Victoria nói chung thu hút rất đông di dân. Nhưng nét hấp dẫn của Melbourne đã bị con Corona cắn nát. Hiện nay, nơi nguy hiểm cho chủ nhà là các vùng nội thành Melbourne. Người ta đang xa lánh và có thể tiếp tục xa lánh trong năm 2021.
Hoá giải đòn thù của Trung Cộng
Trong những tháng về cuối năm, Trung Cộng dồn dập trả thù Úc vì dám lên tiếng đòi quốc tế mở cuộc điều tra về xuất xứ con vi khuẩn Vũ Hán. Trung Cộng bắn tỉa vào ngành xuất cảng Úc. Bắt đầu là kiếm chuyện dán nhãn thịt bò sai. Kế tiếp đánh thuế lúa mạch, gỗ. Rồi không ăn tôm hùm. Giảm uống rượu Úc. Và không bốc dở các tàu chở than đá từ Úc qua.
Trung Cộng đi lại nước cờ của cựu tổng thống Donald Trump để chận đà phát triển kinh tế của đất phương Nam. Nhưng Úc không những không gây sự về kinh tế với Trung Cộng mà còn tìm ra những ngả đường hoá giải đòn thù của Bắc Kinh.
Trung Cộng uýnh thuế lúa mạch ư? … thì Úc bán cho Ả Rập Saudi. Không chở qua Trung Cộng, năm ngoài Úc còn xuất cảng lúa mạch nhiều hơn năm trước đến 254%. Trung Cộng chận 73 chiếc tàu chở than đá của Úc ư? … thì các nước Nhật Bản, Ấn Độ và Nam Hàn sẵn sàng mở hải cảng cho tàu Úc cập bến. Úc đã xuất cảng than đá nhiều hơn 26%. Ba Tàu ngưng uống rượu Úc ư? … thì Úc gạ bán cho Singapore, Nhật Bản và Việt Nam. Đại gia Trung Cộng chê tôm hùm Úc ư? … thì Úc bán hạ giá cho dân quèn nội địa ăn lễ Giáng Sinh và năm mới Dương Lịch. Đã thấy người Úc sắp hàng dài trong siêu thị và rỉ tai nhau cái khẩu hiệu ‘ăn tôm hùm là yêu nước’!
Gì thì gì, Trung Cộng vẫn cần quặng sắt Úc. Và mỗi lúc một cần nhiều hơn. Chỉ trong tháng 12. 2020 Trung Cộng phải mua thêm 25% quặng sắt từ Úc. Vậy mà trong mấy tháng qua (chả biết vì lý do gì) giá quặng sắt dọt lên dữ dội. Mỗi tấn quặng sắt lên giá thêm 16%. Điều này làm cho Tập Cận Bình … ‘tức điên’! Nhà kinh tế Saul Eslake của Úc kết luận: Trung Cộng mở chiến tranh thương mại với Úc nhưng kết quả đã trái với mong muốn của … bên đó.
Đã có những tháng dài dằng dặc, bộ trưởng hay đổng lý văn phòng các sở bộ Úc dài cổ chờ viên chức ngoại thương Trung Cộng trả lời điện thoại. Trung Cộng một mực làm eo không nhấc điện thoại lên. Nhưng thủa đó đã … xưa rồi. Ngày nay, thủ tướng Úc Scott Morrison đã có thể nói ngược lại: ổng chỉ gặp Tập Cận Bình nếu họ Tập không ra điều kiện gì sất! Vậy là Úc đã chiếm lại thượng phong trong bang giao với Trung Cộng.
Úc đang từng bước trở lại bình thường. Các lệnh hạn chế dần dần được thảo bỏ vì con Corona bớt tung hoành. Từ 25% cho đến 50% công chức ở Victoria đã bắt đầu trở lại công sở. 90% việc làm mất toi trong năm ngoái, nay đã trở lại. Thất nghiệp từ từ giảm xuống. Hàng quán chuẩn bị đón khách vì các tiểu bang tính chuyện nhét tiền vào túi người dân để chúng ta đi ăn nhà hàng, ngắm tranh trong viện bảo tàng hay vui chơi trên đất nước phước đức này.
Cổ Nhuế